(TG) - Nêu gương là một trong những phương
thức lãnh đạo của Đảng. Cùng với những quy định trước đó, việc Ban Chấp hành
Trung ương khóa XII ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương
của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng
tình ủng hộ.
Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương
đã thảo luận và thống nhất cao việc ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy
viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” (Quy định 08). Trung
ương khi thảo luận đã nhận định rằng, trong những năm qua, nhờ có những chủ
trương, quy định đúng đắn, kịp thời nên ý thức, trách nhiệm của cán bộ,
đảng viên từng bước được nâng lên. Việc thực hiện các chủ trương, quy định nêu
gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng
lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó là Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp
hành Trung ương khóa XI về những điều Đảng viên không được làm; Quy định số 101
của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là
cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số
việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội
dung này cũng được thể hiện ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của
Đảng. Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra kể cả về
mặt nhận thức, kiểm tra, đôn đốc. Cho nên việc thực hiện nêu gương của cán bộ,
đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian qua còn hình
thức, chưa đi vào thực chất, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.
Quy định 08 có 4 điều. Điều 1 thể hiện tính phổ quát của vấn đề,
đó là tất các cán bộ, đảng viên đều phải gương mẫu thực hiện Cương lĩnh, Điều
lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế… của Đảng đã ban hành. Điều 2 quy
định 8 điểm cụ thể mà các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy
viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu thực hiện, thể hiện trách nhiệm
của mình đối với Đảng, đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với chức trách,
nhiệm vụ được giao. Điều 3 quy định 8 điểm mà các đồng chí Ủy viên Bộ Chính
trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với
mình và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện đó trong Đảng, trong xã hội.
Điều 4 quy định về tổ chức thực hiện nêu rõ trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban
Bí thư, các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể
chính trị - xã hội; Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong
việc triển khai thực hiện Quy định. Nguyên lý xây dựng Quy định là “có xây, có
chống và xây trước, chống sau”. Điểm cốt lõi của Quy định là “cán bộ giữ chức
vụ càng cao thì càng phải gương mẫu” và nhấn mạnh trước hết là Ủy viên Bộ Chính
trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Để triển khai thực hiện Quy định 08, cần tập trung làm tốt một
số nội dung sau:
Một là, cần tổ chức học tập, quán triệt Quy định 08 thực sự có
hiệu quả để nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng
các cấp, của cán bộ, đảng viên. Ngày 23-11-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã
tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, kết luận, quy định của
Hội nghị Trung ương 8 tại Hội trường Quốc hội và 73 điểm cầu trên phạm vi cả
nước. Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các tổ chức
đảng, các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương bố trí thời gian hợp lý, thỏa
đáng để thảo luận chương trình, kế hoạch hành động, sát hợp với tình hình cụ
thể của địa phương, đơn vị. Đồng thời khi triển khai thực hiện Quy định này cần
tiếp tục thực hiện Quy định số 101 và Quy định số 55, trong đó chú trọng việc
nêu gương của các đồng chí cấp ủy.
Hai
là, đẩy mạnh việc tuyên truyền Quy định 08 đối với cán bộ, đảng viên
và các tầng lớp nhân dân. Cần không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công
tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng của công tác
tuyên truyền, như: tài liệu, tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương
tiện thông tin đại chúng để Quy định 08 sớm đi vào cuộc sống. Chú trọng những
“tấm gương sống” gắn với thực tiễn của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên
truyền”. Các báo, đài cần mở chuyên mục để triển khai thực hiện Quy định 08;
phản ánh kịp thời các cán bộ, đảng viên nêu gương sáng trên các lĩnh vực của
đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng
trong tuyên truyền một cách sinh động những cán bộ, đảng viên đi đầu nêu gương,
tạo sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài
Tiếng nói Việt Nam và các đài địa phương có thể mở các cuộc tọa đàm, giao lưu
xoay quanh các nội dung về triển khai thực hiện Quy định 08.
Ba
là, các cấp ủy đảng cần phải hết sức coi trọng giáo dục tinh thần
nêu gương gắn với giáo dục liêm, chính. Trong điều kiện lịch sử mới, mở cửa và
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cán bộ, đảng viên,
nhất là cán bộ có chức, có quyền, luôn đứng trước những cám dỗ. Điều này đòi hỏi
người cán bộ lãnh đạo luôn phải rèn luyện, trau dồi đạo đức; phải cảnh giác như
“đi trên băng mỏng”, như “đứng trước vực sâu” mới có thể vượt qua sự trói buộc
của công danh, lợi lộc, để không bị ham muốn dụ dỗ và không bị vật chất đánh
bại. Việc giáo dục này là một nhiệm vụ khó khăn, thường xuyên, lâu dài, xuyên
suốt quá trình xây dựng Đảng. Trong điều kiện cơ chế, chính sách, pháp luật
thiếu đồng bộ và có nhiều sơ hở chưa đủ răn đe, trừng phạt, nếu tinh thần nêu
gương và liêm, chính không được thấm sâu và tự giác thực hiện, khi có chức, có
quyền, cán bộ, đảng viên dễ bị tha hóa, biến chất. Vì thế, bên cạnh việc giáo
dục, phải tăng cường kiểm tra, giám sát sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức của Đảng mới từ manh nha, từ trong trứng nước
để kịp thời ngăn chặn.
Bốn
là, cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu
gương cho cấp dưới. Vì vậy, khi các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban
Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực sự gương mẫu, trong sáng về
phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu biểu cho trí tuệ và đạo đức của
toàn Đảng cũng góp phần tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết số 26
của Ban Chấp hành Trung ương đề ra. Song với tinh thần mọi đảng viên đều phải
bình đẳng trước Điều lệ, các nguyên tắc, quy định của Đảng, chúng ta cũng phải
kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trên tinh thần đúng người, đúng tội,
đúng pháp luật. Dù biết rằng, xử lý đồng chí của mình là một việc khó khăn,
nhạy cảm, nhưng vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ, các cấp ủy đảng, chính
quyền phải kiên quyết thực hiện theo pháp luật như thông điệp đồng chí Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm “kỷ luật một vài người để cứu
muôn người”.
Năm
là, triển khai Quy định 08 chính là Đảng đã đề ra cam kết chính trị
với chính mình và với toàn Đảng, toàn dân. Do đó, trong triển khai, phải thấm
nhuần phương châm “có xây, có chống và xây trước, chống sau” theo tinh thần:
lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực để góp phần nâng
cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Sáu
là, tăng cường tuyên truyền việc các cơ quan chức năng phối
hợp, kiểm tra, giám sát để Quy định 08 thực sự đi vào cuộc sống. Cần phải đổi
mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, để không chỉ phát hiện những tổ
chức đảng, những cán bộ, đảng viên thực hiện chưa tốt Quy định 08 mà cần phát
hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, cung cấp cho các cơ quan báo
chí tuyên truyền kịp thời, tạo sự lan tỏa trong Đảng, trong xã hội theo phương
châm “xây trước, chống sau”. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định 08
sẽ góp phần thiết thực vào việc hoàn thành sứ mệnh cao cả của Đảng, lãnh đạo
nhân dân xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bùi Thế Đức