Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Tham nhũng là vấn nạn của mọi quốc gia trên thế giới. Nhận thức đúng nguy cơ, tác hại của tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chú trọng tiến hành nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng, hạn chế lãng phí, tiêu cực.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt hiệu quả cao bắt nguồn từ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ làm suy kiệt đất nước, mà nguy hại hơn chính là đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng, gây tổn hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; làm tha hóa cán bộ.
Nhìn lại thực tiễn đất nước ta qua các nhiệm kỳ đại hội gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm chính trị cao, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tính từ năm 2006 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội X, XI, XII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ ngày 1-10-2010 đến 30-4-2013, tổng giá trị thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng hơn 17.000 tỷ đồng; tổng giá trị thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đạt 29,45%. Từ năm 2009 đến nay, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý, tiến hành xét xử hàng nghìn vụ với hàng nghìn bị cáo bị truy tố về tội tham nhũng... Kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước; đồng thời, đó cũng là tiêu chí để đánh giá; là thước đo kết quả hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng góp phần rất quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời tạo ra khí thế mới, động lực mới, huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ Tổ quốc; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy đã đạt được những kết quả rất quan trọng, nhưng so với yêu cầu đặt ra, so với nguyện vọng của quần chúng nhân dân thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều điều đáng quan tâm. Nghị quyết Đại hội X, XI, XII của Đảng chỉ rõ: Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, còn tiếp tục diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, khởi tố, điều tra, xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng chưa chặt chẽ, còn hạn chế dẫn đến tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kể cả những vụ án nghiêm trọng, phức tạp bị kéo dài. Công tác thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Việc kê khai tài sản, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức còn hình thức và không thực chất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém nêu trên, nhưng những nguyên nhân chủ quan là quan trọng. Bởi vậy, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở quan điểm, chủ trương lãnh đạo của Đảng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể, từng cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ: Thu hồi kịp thời với mức cao nhất tài sản bị tham nhũng nhằm khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, góp phần chủ động phòng ngừa, đẩy lùi tham nhũng.
Như vậy, chúng ta thấy rất rõ tác dụng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ góp phần rất quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân; đồng thời là giải pháp quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi vậy, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp để từ đó kiên quyết, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội. Theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì: Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực... là 2 trong 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Từ những biểu hiện nêu trên có thể thấy, tham nhũng, lãng phí chỉ xảy ra đối với những người, những cán bộ có chức, có quyền. Vì vậy, để chống tham nhũng hiệu quả đòi hỏi lòng dũng cảm, bản lĩnh, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; đặc biệt là phải phát huy được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; của cán bộ, công chức, viên chức ở từng cơ quan, đơn vị.
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc chiến khó khăn, phức tạp, lâu dài, bởi vậy cần có hệ thống giải pháp đồng bộ cả trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; cả trong xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu và có ý nghĩa quyết định là cần phải tiến hành tốt việc công khai, phát huy dân chủ trong thảo luận, quyết định các chủ trương, giải pháp trong từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ cụ thể. Để thực hiện tốt quan điểm trên, từng cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải luôn giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; gắn chặt việc phân công nhiệm vụ với xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong từng lĩnh vực, công việc được giao.
Bài học kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào phát huy được dân chủ, công khai hóa mọi chủ trương, giải pháp; đồng thời giữ vững nguyên tắc trong lãnh đạo, điều hành thì khi đó công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới đạt hiệu quả. Thực hành dân chủ không những phát huy được trí tuệ tập thể, mà còn là hình thức nâng cao chất lượng giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp trong từng lĩnh vực, nhiệm vụ.      
Ngọc Long

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - Nhận diện và giải pháp phòng, chống


Thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một trong những thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nội bộ cơ quan Đảng, Nhà nước ta. Điều đáng quan ngại là nó diễn ra ngấm ngầm rất khó nhân diện. Vì thế, cần phải cảnh giác, có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Theo Đại Từ điển tiếng Việt: “Diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hóa là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nói tới sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên từ thái cực này sang thái cực khác mà hậu quả nó gây ra hết sức nguy hiểm, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất, nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm mục ruỗng Đảng từ bên trong, dẫn đến chuyển hóa chế độ.
Biểu hiện trước hết của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Tiếp đến là chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, thu thập tin tức nội bộ, công khai luận điệu chống đối, phản động và những tiêu cực trong đời sống xã hội; đồng thời, câu kết, tiếp tay cho các phần tử thù địch từ bên ngoài để chống phá cách mạng Việt Nam. Ở mức cao hơn, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bộc lộ rõ tư tưởng phản động, chống đối, thách thức với pháp luật và hệ thống chính trị; xây dựng và phát tán những “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”; tập hợp, thành lập những “hội”, “đoàn” độc lập, tổ chức chính trị đối lập với Đảng và hệ thống chính trị trong xã hội Việt Nam, v.v. Tất cả những biểu hiện đó, là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng, khoét sâu, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nguy hại hơn là trong số những người có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có cả một số vị là lão thành cách mạng, cán bộ cấp cao, trí thức có tên tuổi, ít nhiều có cống hiến cho đất nước, cho nên những nhận thức và hành động của họ dễ lây lan, phát tán là điều dễ hiểu.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường xuất hiện khi cách mạng có những “bước ngoặt”, tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức; tình trạng mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phân hóa giàu nghèo, … dẫn tới sự bất mãn, bất bình trong xã hội; sự kích động, chia rẽ, lôi kéo, mua chuộc, “hà hơi tiếp sức” của các thế lực thù địch, v.v. Song, trước hết và chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân những cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng; thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, tranh giành, kèn cựa địa vị, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, vi phạm pháp luật, v.v. Khi bị phát giác, xử lý kỷ luật thì bảo thủ, không những không nhận ra sai lầm, khuyết điểm mà lại bất mãn, suy diễn, dẫn đến thay đổi nhận thức, quan điểm, lập trường, thiếu niềm tin vào Đảng, chế độ. Các biểu hiện suy thoái trên có quan hệ tương tác với nhau; từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn tới sự tha hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống và ngược lại, tha hóa về đạo đức, lối sống dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị. Trong khi đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, chặt chẽ và chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin đại chúng và tác động của mặt trái cơ chế thị trường, … ngày một gia tăng đã làm nghiêm trọng thêm sự xuống cấp về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
 Tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” càng nguy hiểm hơn trong điều kiện các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta. Giữa chúng có mối quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau và là hệ quả của nhau. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là “đồng minh” tự nhiên của “diễn biến hòa bình”, làm cho nó càng nguy hiểm hơn; đến lượt nó - “diễn biến hòa bình” lại tác động trở lại thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trầm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới sự mất còn của Đảng, Nhà nước và chế độ. Nó có thể diễn ra trong nội bộ Đảng, chính quyền Nhà nước và trong xã hội; nảy sinh từ những cán bộ, đảng viên, quần chúng đến những người có chức, có quyền trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước ở các cấp.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã cảnh báo về sự hiện hữu của những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, nguy cơ lớn đối với sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ. Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, mà nguyên nhân chủ yếu là do “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ vẫn còn nóng hổi. Đảng ta đã sớm cảnh báo và có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết đấu tranh, phòng, chống với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mới đây, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XII) đã ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Điều đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; đồng thời, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng đối với thứ “giặc nội xâm” này. Để đấu tranh, phòng, chống hiệu quả cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Trước hếtcần làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mức độ nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh. Hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn mơ hồ, chưa nhận thức đúng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và mức độ nguy hiểm của nó đối với sự tồn vong của Đảng, chế độ. Bởi vậy, việc giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là giải pháp hết sức quan trọng. Trước mắt, cần làm cho mọi người nhận thức được những biểu hiện của nó đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra; tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; thấy được việc phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh hết sức cam go, phức tạp diễn ra ngay trong nội bộ, giữa ta với ta, v.v. Đồng thời, làm rõ sự nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nếu như không phòng, chống, đấu tranh kịp thời, kiên quyết. Trên cơ sở nhận thức đúng, đề cao quyết tâm, ý thức trách nhiệm, dám nói, dám làm, dám đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao khả năng “miễn dịch” của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng trước sự tác động chuyển hóa, cùng những tiêu cực trong đời sống xã hội. Việc giáo dục nâng cao nhận thức phải đi đôi với khắc phục những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, không thể hiện rõ lập trường, quan điểm trước những hành vi tiêu cực, hoặc thờ ơ, không dám đấu tranh với sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v.
Hai làphải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Việc ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, Nghị quyết lần này đã thẳng thắn chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm cơ sở để đấu tranh, khắc phục. Nghị quyết xác định 4 nhóm giải pháp mang tính cơ bản, toàn diện, khoa học và có mối quan hệ biện chứng với nhau. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn thực hiện nghị quyết Trung ương 4 với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định về những điều đảng viên không được làm, tạo sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, phát huy vai trò của các tổ chức đảng và đảng viên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, trách nhiệm năng lực tốt và động cơ phấn đấu đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Trên cơ sở nhận thức đúng, nắm vững nội dung và hệ thống giải pháp, cấp ủy các cấp nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp, đánh giá đúng thực tế, nhận diện và chỉ ra những biểu hiện cụ thể ở từng cán bộ, đảng viên, bảo đảm rõ từng nội dung, hình thức, bước đi, biết lựa chọn vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải, v.v.
Ba làđẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu. Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Thông qua việc làm này, cơ thể Đảng như được gột sạch những vết nhơ; cán bộ, đảng viên nhận rõ ưu, khuyết điểm của mình để phấn đấu và rèn luyện; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sẽ được nhận diện và khắc phục. Bởi thế, cần đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong hoạt động và sinh hoạt Đảng với tinh thần xây dựng, trung thực, chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh. Cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng với đó, cần đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đổi mới phong cách làm việc, sâu sát cơ sở. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường “sức đề kháng” nhằm vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, thâm nhập, chuyển hóa, lũng đoạn nội bộ, tha hóa cán bộ Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Vận dụng linh hoạt các biện pháp xử lý đối với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; “xây” đi liền với “chống”, nói đi đôi với làm, tạo môi trường thuận lợi phòng, chống có hiểu quả biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bốn làphát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trước mắt, cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, in-tơ-nét và các trang mạng xã hội; chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời. Chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương “người tốt, việc tốt”; đồng thời, có những bài viết sắc sảo, ý thức chính trị cao nhằm phê phán, lên án những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội và những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đi đôi với khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; cần xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền và lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, tôn giáo, dân tộc để tuyên truyền, xuyên tạc và có hành vi nói, viết, lưu trữ, phát tán tài liệu sai trái.
Nhận diện đúng, đấu tranh, khắc phục kịp thời những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là biện pháp hết sức quan trọng để khắc phục những hiểm họa khôn lường mà nó gây ra đối với Đảng và chế độ ta. Làm được điều đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ và làm thất bại những mưu đồ lợi dụng vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch./.
TRÁNG A LÂM

Bài học từ một “nền hòa bình bị bỏ lỡ”


QĐND - “Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ” là tên cuốn hồi ký xuất bản năm 1954 của Giăng Xanh-tơ-ni (Jean Sainteny), một chính trị gia người Pháp, người giữ vai trò quan trọng trong Chính phủ Pháp tại Đông Dương những năm 1945-1946, đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định Sơ bộ Pháp-Việt 1946. Với một sự tiếc nuối rõ rệt, trong hồi ký, ông nêu rõ sai lầm của Pháp và nỗ lực cứu vãn hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, 70 năm trôi qua, đến nay vẫn còn một số người với cái nhìn thiên kiến, lệch lạc, cố tình bóp méo sự thật về quyết định lịch sử đúng đắn của toàn Đảng, toàn dân ta…

Không thể xuyên tạc và phủ nhận
Trên một số trang web và diễn đàn, mạng xã hội gần đây, không ít người đã nhắc lại quan điểm không mới của họ, rằng: Nếu không phát động Toàn quốc kháng chiến thì chúng ta sẽ tránh được cuộc chiến tranh, tại sao không theo cách của nhiều nước sau này vẫn giành được độc lập, ít hao tổn xương máu.
Một số “nhà nghiên cứu” thì tìm cách “khai quật” ý kiến của Bảo Đại viết trong hồi ký năm 1980 với nhận định phiến diện: “… Ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12 đã đẩy Việt Minh vào một cuộc chiến tranh du kích. Theo tôi đó là cái lầm lớn nhất. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm?... Cuộc tổng tấn công đã phá hoại đường lối chính trị được ấn định từ trước và đã đưa đến một cuộc chiến tranh quá lâu dài”.
Họ cũng tán dương quan điểm của Giáo sư Lê Xuân Khoa từ Hoa Kỳ, tác giả cuốn sách "Việt Nam 1945-1995" đã bị nhiều học giả phê phán: “Không cần tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp - để rồi dù chỉ có chiến thắng cũng phải trả một giá quá đắt - vì chỉ trong vòng mấy năm sau Thế chiến thứ hai các xứ thuộc địa trên thế giới, trừ một số nước ở Nam Phi, đều được trả độc lập mà không cần có chiến tranh”...
Những luận điệu trên không mới và đã bị chính các nhà nghiên cứu nước ngoài nhiều lần bác bỏ. Nhà báo John Lee Nguyễn ở Hoa Kỳ, viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam có “hiếu chiến” như các nhà “dân chủ” quy kết không? Đáng lẽ sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta phải được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để xây dựng chế độ mới. Nhưng thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược Việt Nam. Trong tình thế tương quan lực lượng bất lợi cho một chính phủ còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng chủ trương hòa hoãn với thực dân Pháp. Chúng ta đã nhượng bộ, chấp nhận nền độc lập hạn chế và nền thống nhất có điều kiện, cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc để đuổi 20 vạn quân Tưởng ra khỏi bờ cõi, khẳng định việc Nam Bộ có trở về với nước Việt Nam hay không là tùy thuộc vào kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân. Nhưng thực dân Pháp quyết dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ nước ta. Chúng tăng quân trái phép ở miền Bắc, gây ra nhiều vụ xung đột đẫm máu và cuối cùng gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi quân, dân ta hạ vũ khí. Vậy thì xin hỏi các nhà “dân chủ”, ở vào tình thế như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xử lý ra sao? Nếu theo cách nói của các vị thì nên chọn con đường “không đổ máu” ư? Xin thưa, không đổ máu mà vẫn giữ được độc lập thì chỉ có chấp nhận làm kiếp nô lệ mà thôi! Dân tộc này không bao giờ chọn con đường đó!".
Nhà sử học Pháp Phi-líp Đơ-vi-le (Philip Deville) đã nhận định: “Trong khi máy bay, xe tăng và binh lính Pháp ùn ùn kéo đến Việt Nam để chuẩn bị xâm lược thì chỉ có một dân tộc cam chịu để mình bị cắt cổ, chỉ có một dân tộc ươn hèn, thực sự phản bội dân tộc mình mới không chuẩn bị gì, không hành động gì để chống lại”. Sau này Tổng thống Pháp Ph.Mít-tơ-răng (F.Mitterand), trong dịp sang thăm chính thức Việt Nam vào tháng 2-1993, đã trả lời các nhà báo rằng: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại, nhưng không tìm được. Dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh bị đẩy vào cuộc chiến tranh”.
Tác giả Chu Sơn, một nhà nghiên cứu tự do cũng đã phê phán xác đáng rằng, việc Pháp từ bỏ các thuộc địa châu Phi chỉ diễn ra sau khi quân Pháp đã thất thủ ở Điện Biên Phủ. Điều này không bảo chứng cho một hành động tương tự của thực dân Pháp chỉ mấy năm sau Thế chiến thứ hai kết thúc, mà trái lại do kinh nghiệm tệ hại từ Đông Dương mà sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Pháp đã bất đắc dĩ từ bỏ các thuộc địa ở châu Phi. Và việc Anh trả lại độc lập cho Ấn Độ năm 1947 phải chăng sau khi đã rút được bài học kinh nghiệm bị sa lầy của đồng minh Pháp tại Đông Dương?
Thực tiễn đã chứng minh, không thể có độc lập, tự do bằng cách ngồi chờ đế quốc rủ lòng thương hại. Toàn quốc kháng chiến, quyết bảo vệ độc lập, tự do là mệnh lệnh của non sông, là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, của quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, chiến sĩ Vệ quốc quân năm 1946 phê phán: “Có kẻ ngụy biện rằng: Lẽ ra nhân dân ta tránh được cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nếu như các nhà lãnh đạo Việt Nam “khôn khéo, mềm mỏng hơn” trong quan hệ với Pháp và Mỹ. Có đúng vậy không? Là một người trực tiếp cầm súng tham gia kháng chiến thời điểm đó, tôi khẳng định, đó chỉ là cách đánh tráo khái niệm, là sự xúc phạm hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào, là sự vô ơn đáng bị lên án". Theo chuyên gia lịch sử quân sự, PGS, TS Vũ Như Khôi (Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự): Chỉ 12 ngày sau khi ký bản Hiệp ước Sơ bộ, quân Pháp đã vào chiếm đóng Hà Nội. Trong suốt 6 tháng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có những nỗ lực không mệt mỏi để ký được bản Tạm ước Việt-Pháp về đình chiến vào ngày 14-9-1946, ngay sau thất bại của Hội nghị Fontainebleau. Thế nhưng chỉ 72 ngày sau đó, tàu chiến Pháp đã nã pháo vào Hải Phòng làm 25.000 người thương vong. Một loạt hoạt động quân sự của Pháp sau này đã buộc Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", bắt đầu cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp trong suốt 9 năm ròng.
Bài học chiến tranh và hòa bình
Thượng tá Lê Thanh Bài, Trưởng bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, phân tích: Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề “hiếu chiến”, không hề phát động chiến tranh như các thế lực thù địch xuyên tạc mà đã cố gắng nỗ lực đến tận cùng để gìn giữ nền hòa bình, không ngăn chặn được chiến tranh thì cố gắng trì hoãn chiến tranh… Nhưng thực dân Pháp không cho chúng ta lựa chọn. Cũng không nên mơ hồ ảo tưởng rằng, không có toàn quốc kháng chiến, không cần hy sinh, không cần đổ máu thì sau này cũng có hòa bình, độc lập. Không có một đất nước nào bị đô hộ mà được trao trả độc lập trọn vẹn cả. Cần lưu ý bài học sự kiện Mu-ních năm 1938. Lo sợ phát xít Đức mở rộng chiến tranh, Anh - Pháp đã hội đàm với Hít-le, cắt 30.000m2 đất của Tiệp Khắc cho Đức để có hòa bình. Ông Uyn-xtơn Sớc-sin (Winston Churchill), nghị sĩ Anh thời kỳ đó đã đưa ra phát biểu chí lý, đại ý: “Những kẻ nào quỳ gối chấp nhận sự nhục nhã để né tránh chiến tranh thì cuối cùng sẽ phải nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh”. Sau này, điều ông nói đã thành sự thật vì chỉ 6 tháng sau, Đức bắt đầu tấn công Tiệp Khắc và một năm sau, xe tăng Đức tấn công Ba Lan mở đầu một cuộc chiến tranh lớn.
Bài học về sự lựa chọn nghiệt ngã giữa chiến tranh và hòa bình không chỉ của riêng Việt Nam. Thế hệ hôm nay, trước những luận điệu xét lại lịch sử cũng cần suy xét cách nhìn vấn đề này ở nước Nga gần đây. Dù nước Nga đương đại đã có nhiều đổi khác nhưng trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít diễn ra năm 2015, Tổng thống Nga V.Pu-tin (V.Putin) vẫn khẳng định quyết định đúng đắn của tiền nhân. Ông nói: “Toàn bộ đất nước đa sắc tộc của chúng ta đã vùng lên để chiến đấu vì sự tự do của quê hương. Mọi người đã phải chịu những gánh nặng khốc liệt của chiến tranh. Dân tộc ta đã có chiến công bất tử để bảo vệ đất nước. Chúng ta đã quyết định trước kết quả của Thế chiến thứ hai…”. Ông khẳng định: Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại thực tế là cuộc chiến vì tương lai của cả nhân loại. Cha ông chúng ta đã sống qua những tổn thất, mất mát và đau đớn khôn cùng. Họ vắt kiệt sức lao động trong giới hạn của con người. Họ thậm chí chiến đấu đến chết. Họ là tấm gương cho danh dự và lòng yêu nước thật sự”. Trên tinh thần đó, Tổng thống Nga đã kêu gọi thế hệ hôm nay: “Chúng ta thể hiện lòng kính trọng, niềm biết ơn với tất cả những người đã chiến đấu cho mỗi con phố, từng mái nhà, từng mặt trận để bảo vệ quê hương thân yêu của chúng ta… Công lao to lớn của họ là tiền đề của hòa bình, cuộc sống đúng nghĩa cho các thế hệ sau. Nó khiến họ có thể kiến tạo và tiến về phía trước mà không hề sợ hãi”.
Những bài học lịch sử của Toàn quốc kháng chiến tiếp tục được nhìn nhận sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay. Trong bài viết mới đây đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định, sự kiện Toàn quốc kháng chiến để lại cho chúng ta nhiều bài học to lớn để bảo vệ Tổ quốc. Những ngày Toàn quốc kháng chiến, cũng như suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã phát huy cao độ tinh thần, khí phách, truyền thống yêu nước, giữ nước của cả dân tộc; ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Tuy sự kiện lịch sử trọng đại này đã lùi xa, song ý chí sắt đá, tinh thần ấy vẫn vẹn nguyên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Chúng ta luôn nhận thức, hòa bình phát triển là quý, nhưng không phải là hòa bình bằng mọi giá. Muốn có hòa bình phải chuẩn bị nhiều thứ, kể cả phải sẵn sàng cho chiến tranh. Trong bài viết về Toàn quốc kháng chiến, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng chỉ rõ: Chúng ta luôn "quyết tâm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa", “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”; "... hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và đối sách xử lý hiệu quả các tình huống và trong quan hệ đối ngoại; bảo đảm không bị động, bất ngờ về chiến lược, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa".
NGUYỄN VĂN MINH

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Không cho phép xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta


QĐND - Dường như đã thành quy luật, cứ đến những ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng, như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám, Đại hội Đảng, các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, bầu cử Quốc hội…, các thế lực thù địch, những kẻ tự xưng là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam” hoặc là “người yêu nước”, lại đưa lên các trang mạng, blog... những nội dung mang quan điểm sai trái, độc hại.

Thủ đoạn chủ yếu của họ thường là dựa vào vài ba vụ việc, sự kiện cụ thể nào đó để xuyên tạc, bóp méo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, kích động người dân bất mãn với chế độ xã hội.
Thời gian gần đây, khi chúng ta đã và đang triển khai nhiều hoạt động đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, nhất là trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”... thì các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch cho rằng đó chẳng qua chỉ là những cuộc “đấu đá” nội bộ, “nhóm lợi ích mới cướp (lại) nhóm lợi ích cũ” hoặc chỉ là để “trả thù, triệt hạ tay chân” của người này, người khác. 
Có thể khẳng định, tất cả những luận điệu xuyên tạc, bóp méo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” trên các mạng xã hội trong và ngoài nước thời gian qua đều nhằm hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động tâm trạng bất mãn của người dân trước thực trạng xã hội còn có những vấn đề chưa được giải quyết, hòng chuyển hóa xã hội ta sang một hình thức “dân chủ, nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng”.
Có thể nói, khác với các đại hội trước, Đại hội Đảng lần thứ XII đã xem cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” là một trong những vấn đề quan trọng nhất của nhiệm kỳ mới. Đại hội đã có một báo cáo riêng về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI:  "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", đồng thời Đại hội XII của Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện nghị quyết nói trên.
Đánh giá thực trạng xã hội, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII viết: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng. Đại hội Đảng lần thứ XII cho rằng “Bốn nguy cơ” mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) nêu lên, trong đó có tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” vẫn tồn tại, có mặt còn diễn biến phức tạp hơn trước với tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Đại hội XII chỉ ra rằng tham nhũng, lãng phí với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, “không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong dư luận, mà còn đe dọa sự tồn vong của chế độ”.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã chủ trương tiến hành kiểm tra, thanh tra nhiều lĩnh vực, những dự án có dấu hiệu mờ ám, vi phạm pháp luật, xem xét những cán bộ có dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm Điều lệ và các quy định của Đảng. Đặc biệt đưa ra xét xử một số vụ án lớn về kinh tế được dư luận hoan nghênh:
Tại TP Hồ Chí Minh (ngày 19-7-2016), Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử 36 bị cáo trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam do Phạm Công Danh chủ mưu. Ngày 9-9-2016, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Công Danh chịu mức án 30 năm tù, thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng của vụ án để bảo đảm khắc phục hậu quả, trong đó Nhà nước có thể truy thu hàng nghìn tỷ đồng.
Về phí giao thông, theo phản ảnh của người dân và phản ánh của báo chí, trên nhiều trục đường cao tốc thực hiện theo hình thức BOT, nhà đầu tư thu phí không hợp lý, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổng kết và đánh giá lại 5 năm thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông (tiến hành kiểm toán, quyết toán chặt chẽ các dự án BOT để xác định mức phí và thời hạn thu phí…); nhà đầu tư phải minh bạch về chi phí, thu phí trước công luận. Trước mắt, Chính phủ quyết định chưa tăng phí, đồng thời giảm giá phí trên một số tuyến đường... Những quyết định này đã được người dân và doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan chức năng đã kiểm tra một số dự án, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện Dự án Núi Pháo tại Thái Nguyên; Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện Dự án Mobifone (mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đang thua lỗ lớn... có dấu hiệu mờ ám làm thất thoát ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng)… Việc làm này của Chính phủ được dư luận đánh giá cao.
Về việc thực hiện công tác quản lý cán bộ, đảng viên, theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao, như vụ kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho thấy cuộc đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống gắn liền với “lợi ích nhóm” nhằm làm trong sạch Đảng đã được khởi động một cách quyết đoán. Trong đó, lần đầu tiên có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư.
Không phủ nhận rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... hiện nay đang diễn ra rất quyết liệt, khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã hình thành từ lâu. Chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” đương nhiên là phải nhìn lại quá trình; phải xem xét những vụ việc diễn ra trong thời gian trước; phải kiểm tra, đưa ra ánh sáng, xem xét từ sự kiện, vụ việc… có dấu hiệu vi phạm các quy định hành chính, pháp lý đến chuyển sang các cơ quan tư pháp, xem xét về mặt hình sự… là điều tất nhiên.
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống có nguồn gốc sâu xa, diễn ra từ nhiều nhiệm kỳ trước. Lẽ tất nhiên sự suy thoái về đạo đức, lối sống trước hết thuộc trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, sự suy thoái còn liên quan đến môi trường kinh tế thị trường, đến thể chế một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền... Vấn đề kiểm soát quyền lực như đồng chí Tổng Bí thư đã nói, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cơ chế kiểm soát quyền lực không chỉ tùy thuộc vào quyết định của Đảng mà còn tùy thuộc vào thể chế của Nhà nước, của Quốc hội, của Chính phủ. Đây là một nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành một cách thận trọng, bài bản... Với sự quyết tâm của Đảng, sự đồng tình của nhân dân, chúng ta có quyền tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm”... do Đảng ta khởi xướng. Chúng ta không cho phép bất cứ ai được xuyên tạc về những kết quả đã đạt được bằng quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh này.
BẮC HÀ

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Cảnh giác và đấu tranh với luận điệu bịa đặt, dựng chuyện

NDĐT-Những năm gần đây, một thủ đoạn mà các thế lực xấu, thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường tiến hành là khai thác một số hiện tượng rồi suy đoán, bịa đặt, dựng chuyện để đưa lên in-tơ-nét. Vì thế, cảnh giác, tỉnh táo đấu tranh với thông tin loại này trở thành một yêu cầu cấp bách trong cuộc đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị.
Ngày 13-9-2016, trong bài đăng trên blog của RFA, blogger Kami viết: “trong cuộc đối đầu với nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, các cá nhân hay tổ chức chính trị đã tận dụng việc sử dụng truyền thông để tiến hành và thực hiện cuộc chiến tranh tâm lý, trên cơ sở một ma trận thông tin thực ảo lẫn lộn, để tấn công vào sự nghi ngờ, thậm chí là bất mãn của dân chúng,…”, rồi ông ta “Xin khẳng định đây là điều cần thiết và phù hợp cần được cổ vũ”! Có lẽ vì không thể chịu nổi cái lối Kami cổ xúy cho sự gian trá, ngày 14-11 vừa qua, Nguyễn Quang Duy (thành viên tổ chức khủng bố “Việt tân”, hiện sống ở Australia (Ô-xtrây-li-a), từng giữ vai trò đại diện cho cái gọi là “tổ chức 8406” tại Ô-xtrây-li-a mà ngày 20-11 vừa tuyên bố “ngừng sinh hoạt”!) công bố bài viết vạch rõ việc cách đây sáu năm “Kami bịa ra chuyện Wikileaks công bố một tài liệu “tuyệt mật” động trời liên quan đến Việt Nam”, và để tạo niềm tin Kami viết: “Xin vui lòng chờ tổ chức Wikileaks họ sẽ chính thức công bố trong một thời gian gần đây cho mọi người toàn thế giới rõ”; Nguyễn Quang Duy bình luận: “Gần sáu năm nay Wikileaks chưa đưa ra một thông tin nào về việc này… Điều đáng tiếc cho đến nay vẫn còn người tìm cách chứng minh điều bịa đặt nói trên là “sự thật”…”!
Trên thế giới, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý mà Kami cổ vũ vốn vẫn được coi là sản phẩm của thuyết âm mưu, và có thể tìm hiểu thuyết này qua định nghĩa tại mục từ Thuyết âm mưu (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Theo đó, thuyết âm mưu là: “sản phẩm trí tưởng tượng nhằm giải thích về những chuyện đã và đang diễn ra. Dù không có bằng chứng xác thực để chứng minh nhưng những nghi ngờ vẫn bao phủ khắp thế giới”, người viết mục từ này nhận xét: “Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo, bàn tán, thêm các chi tiết. Đáp ứng nhu cầu tò mò, phức tạp hóa vấn đề của dư luận, báo chí thường xuyên đăng các câu chuyện do giới theo thuyết âm mưu kể hay phân tích”. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều sự kiện, vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận vốn được coi là sản phẩm của thuyết âm mưu, như cho rằng: vụ ám sát Tổng thống John F.Kennedy (J.F.Ken-nơ-đi) không phải do một người mà do nhiều người, hoặc hung thủ làm việc cho FBI, KGB thậm chí cho ma-phi-a (?); tai nạn xe hơi dẫn đến cái chết của công nương Diana (Đi-a-na) là hành động ám sát do gia đình Hoàng gia Anh thực hiện nhằm ngăn cản bà tái hôn (?); năm 1969, tàu vũ trụ Apollo 11 hạ cánh xuống mặt trăng chỉ là trò giả mạo của Hoa Kỳ để đánh bại Liên Xô (trước đây) trong cuộc đua lên mặt trăng (?); một số phòng thí nghiệm tạo ra vi-rút HIV và thử nghiệm thành công tại châu Phi, hoặc là vi-rút HIV do Cục Tình báo trung ương Mỹ hoặc Ủy ban An ninh quốc gia Nga tạo nên để giảm dân số thế giới (?). Thậm chí về vụ khủng bố 11-9-2001 tại New York (Niu Oóc - Hoa Kỳ), cũng đã có một số ý kiến lý giải, kết luận theo thuyết âm mưu được công bố, như: đây là vụ khủng bố được cố tình cho phép hoặc là một chiến dịch đánh lừa công luận do Chính phủ Hoa Kỳ tiến hành (?); sự sụp đổ của tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới là kết quả của việc phá hủy có kiểm soát hơn là sự suy yếu của chính cấu trúc (?); khủng bố dễ dàng cướp bốn chiếc máy bay và tiến hành vụ khủng bố là nhờ có trợ giúp từ “bên trong” (?)... Gần đây hơn, vào ngày 6-9 vừa qua, sau khi một chiếc xe Mercedes bất ngờ lấn trái làn đường trên đại lộ Kutuzovsky (Ku-tu-dốp-xky) ở Matxkva (Mát-xcơ-va, Nga) đã đâm vào một chiếc BMW công vụ, lập tức những người theo thuyết âm mưu cho rằng đó là âm mưu ám sát Tổng thống Nga V.Putin. Song sau đó cơ quan chức năng Nga khẳng định, chiếc xe này dành cho nghị sĩ tỉnh Vologda (Vo-lốt-đa) sử dụng; hơn nữa vào thời điểm đó mọi người đều biết ông V. Putin không có mặt ở Nga…
Qua sản phẩm của thuyết âm mưu trên đây có thể thấy về bản chất, đó chỉ là những giả thuyết xây dựng trên suy đoán chủ quan, không có bằng chứng xác thực, tin cậy từ các bên liên quan. Có một điểm chung đáng chú ý, những sản phẩm này thường tập trung vào hiện tượng, sự kiện, vấn đề giật gân, gợi tò mò, đã hoặc đang thu hút sự quan tâm của dư luận, hướng người đọc vào kết luận đó là kết quả của âm mưu. Như Giáo sư V.Pagan (V.Pa-gan) tại Đại học Florida (Phờ-lo-ri-đa, Hoa Kỳ) từng nhận xét: “Điều gây kích thích luôn nằm ở việc tìm kiếm bằng chứng về sự dính líu của bàn tay vô hình”. Đáng chú ý hơn, người theo thuyết âm mưu thường không quan tâm tìm hiểu các quan hệ bản chất, có tính quyết định, mà dựa trên một số hiện tượng đơn lẻ, đặc biệt là hiện tượng xuyên tạc bản chất để suy đoán, kết luận. Như Giáo sư T.W.Eagar (T.W.I-ga) ở Học viện Công nghệ Massachusetts (Ma-sa-chu-sét, Hoa Kỳ) cho rằng, người theo thuyết âm mưu “sử dụng phương pháp khoa học nghịch lý. Họ định đoạt những gì đã xảy ra, loại bỏ tất cả những dữ kiện nào mà họ thấy không phù hợp với kết luận của họ, rồi tung hô những gì họ tìm thấy là kết quả duy nhất có thể có”! Tương tự, trong bài “Conspiracy theory” (thuyết âm mưu) là gì? - Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ từ các định nghĩa được đánh giá cao nhất trên urbandictionary.com, đã đưa ra cảnh báo rất xác đáng: “Cho nên tuyên bố một chuyện gì đó là thuyết âm mưu vẫn là một cách hữu hiệu đáng báo động để khiến người ta theo phe những kẻ hoàn toàn không có một luận điểm, bất chấp việc gọi một chuyện là thuyết âm mưu vô lý đến thế nào. Nhớ rằng, những cái mác là thứ rất nguy hiểm, chúng có thể dễ dàng ảnh hưởng đến nhận thức của người khác khi bản chất của chúng chỉ là để bóp méo sự thật”.
Do khả năng lan truyền, ảnh hưởng, tác động tiêu cực của nhiều sản phẩm từ thuyết âm mưu đến tâm lý tiếp nhận của người đọc mà nhiều năm nay, các thế lực xấu, thù địch ngày càng tỏ ra hết sức thâm độc trong việc sử dụng thuyết âm mưu làm công cụ xuyên tạc, vu cáo, vu khống, dựng chuyện,… để gieo rắc thông tin bịa đặt, từng bước gây mơ hồ, hoang mang, làm xói mòn niềm tin vào Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt từ khi in-tơ-nét phát triển, bài vở xuất phát từ thuyết âm mưu ngày càng nhiều hơn, điển hình trong đó là sản phẩm của mấy kẻ như Phạm Trần, Ngô Nhân Dụng, Tưởng Năng Tiến, Kami, Bùi Thanh Hiếu (blogger Người buôn gió),… và một số “nhà báo, chuyên gia, nhà nghiên cứu” là người nước ngoài! Thủ đoạn chung trong sản phẩm của mấy người này là khai thác, tận dụng, dựa trên một (hay một số) con người, hiện tượng, sự kiện, vấn đề được dư luận quan tâm, để ghép nối với một (hay một số) con người, hiện tượng, sự kiện, vấn đề hiện tượng khác, và nhặt nhạnh một số tư liệu đã công bố bổ sung cho có vẻ xác thực, thêm thắt một số chi tiết mùi mẫn, giật gân để gợi sự tò mò của người đọc, sau đó bình luận, bịa đặt, suy đoán có lớp lang để biến thành vấn đề hệ trọng, khẳng định đó là hậu quả của âm mưu, thủ đoạn của “bàn tay vô hình”. Để gia cố sự thuyết phục, khi trình bày, những kẻ này cố tỏ ra rất am hiểu, nắm chắc vấn đề, trích dẫn đông tây tạo vẻ uyên bác, điểm xuyết bằng loại thông tin không thể kiểm chứng như “một nguồn tin cao cấp cho biết”, “một lãnh đạo giấu tên khẳng định”, “một tài liệu mật phổ biến trong nội bộ viết”,… Sau khi công bố, những sản phẩm này thường lập tức được khai thác, đăng tải tại rất nhiều địa chỉ trên mạng, từ trang tiếng Việt của RFA, BBC, VOA, RFI,… đến blog, facebook của một số cá nhân, tổ chức xấu, thù địch với Việt Nam. Như khi RFA công bố bài viết nói trên của Kami, một số địa chỉ liền vội vã đăng lại, thậm chí có kẻ sản xuất video clip đưa lên youtube… Cũng cần nhắc tới sự trơ tráo của mấy kẻ này là kể cả khi sự việc được xác minh và điều bịa đặt bị bác bỏ, thì họ vẫn không xấu hổ, thậm chí còn tảng lờ, tiếp tục sử dụng điều đã bịa đặt để công bố. Cho nên không chỉ dư luận lành mạnh, ngay kẻ “cùng hội, cùng thuyền” với họ cũng không thể chấp nhận, như ngày 27-10-2016, Mai Tú Ân - một nhân vật chống cộng, công bố bài nhan đề Hãy hạ cánh an toàn, các ông trùm thuyết âm mưu, trong đó viết: “Cùng với việc chộp lấy đề tài khai thác rồi biến tấu theo ý mình của một số nhà đấu tranh dân chủ hàng đầu, nhưng lại là những đồ đệ của thuyết âm mưu đã khiến cho hầu hết người đọc chúng ta thấy chết ngợp vì sung sướng, khi thấy các chuyên gia của chúng ta nói vanh vách… Cứ y như họ là ma xó… Nhưng đáng tiếc, một số người viết có uy tín đã nâng cao quan điểm chính trị, mà hạ thấp đi các giá trị sự thật để tô vẽ những chuyện này thành những huyền thoại không có thực…, thưa các nhà đấu tranh thuộc thuyết âm mưu, thuyết phe nhóm và các nhà tưởng tượng ra các cuộc thanh trừng nội bộ, rồi thuyết ly khai cùng các âm mưu đen tối, các cuộc đảo chính cung đình... thì tìm đâu ra một con người”!
Như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ, một trong các nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là chúng ta: “Chưa chủ động và thiếu giải pháp phù hợp để định hướng thông tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”. Thiết nghĩ, đó là một trong những lý do để sản phẩm từ thuyết âm mưu do các thế lực xấu, thù địch truyền bá có cơ hội lan truyền. Vì thế, luôn cảnh giác và đấu tranh để vạch trần luận điệu bịa đặt, dựng chuyện của chúng là một nhiệm vụ quan trọng với xã hội nói chung, với báo chí nói riêng. Điều này không chỉ đúng với Việt Nam, mà đúng với mọi quốc gia.
HỒNG QUANG

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Giữ vững bản chất cách mạng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam


QĐND - Một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng vừa nêu ra mới đây là: “Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”.
Để phòng chống nguy cơ này, việc cần thiết hiện nay là phải khẳng định rõ tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam, từ đó củng cố, tăng cường niềm tin vào thể chế tiến bộ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã lựa chọn, xây dựng.
Trong lịch sử xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản lý của các nhà nước XHCN trước đây nói chung, nhà nước ta nói riêng, khái niệm “Nhà nước pháp quyền” chưa được đề cập và thực tế có lúc chưa được nhận thức đầy đủ. Sau sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta đã nhìn nhận những nguyên nhân làm tan rã Liên Xô và các nước Đông Âu, trong đó có một trong những nguyên nhân cơ bản là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước yếu kém, buông lỏng pháp luật, vi phạm nguyên tắc pháp chế XHCN (tức là nguyên tắc yêu cầu nhà nước, các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân phải triệt để chấp hành pháp luật, tôn trọng tính tối cao của hiến pháp); đồng thời chúng ta cũng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ về pháp quyền của các nước phát triển trên thế giới, trong đó có những tiến bộ về sử dụng công cụ của pháp luật trong tổ chức các thiết chế nhà nước, quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Sau khi giành chính quyền năm 1945, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng đề cao pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật - một công cụ quản lý xã hội văn minh, hiệu quả. Điều đó đã được chứng minh khi ngày 3-9-1945, chỉ sau đúng một ngày tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu một trong những nhiệm vụ cấp bách đầu tiên của Chính phủ là phải xây dựng một bản hiến pháp dân chủ. Trong phiên họp đó, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay một cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Ngày 9-11-1946, Quốc hội khóa I họp tại Hà Nội đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946, với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối, 240/242 đại biểu dự họp. Những tinh thần pháp quyền cơ bản đã thể hiện ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên với những chế định rất tiến bộ như: Tư tưởng về quyền con người, quyền công dân (tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài...); sự phân công quyền lực nhà nước, các nhánh quyền lực nhà nước; nhân dân bầu ra các cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước, đồng thời có quyền bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra...
Trên cơ sở kế thừa tinh thần pháp quyền của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước XHCN. Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng (khóa VII, năm 1994) đã mở ra mốc dấu quan trọng khi lần đầu tiên, thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” được ghi nhận, cho dù tinh thần pháp quyền đã hiện thực hóa ngay từ những ngày đầu lập quốc.
Quan điểm của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là quá trình đúc kết, kế thừa có chọn lọc và vận dụng sáng tạo tư tưởng nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại và quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của mình, Nhà nước ta đã mang những yếu tố của một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực to lớn nhằm phát huy dân chủ XHCN, quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN. Thực tiễn của 30 năm đổi mới đã khẳng định, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng như một xu thế khách quan tất yếu mang tính quy luật của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện phát triển nền dân chủ chân chính của nhân dân, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong quá trình đổi mới, những nhận thức lý luận của Đảng ta trong vấn đề Nhà nước pháp quyền ngày càng đầy đủ, sâu sắc.
Chủ trương của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đã trở thành nguyên tắc hiến định tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Các quan điểm chủ đạo của Đảng ta về xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã phản ánh các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và các giá trị dân chủ và nhân đạo chung trên thế giới, được vận dụng một cách sáng tạo và có chọn lọc những kinh nghiệm của các quốc gia về cách thức tổ chức nhà nước pháp quyền, ưu tiên những giá trị có tính phổ biến, kết hợp hài hòa với các giá trị truyền thống, đặc điểm và lịch sử phát triển của đất nước.
Trong những bước đi đầu tiên xây dựng nhà nước pháp quyền, bên cạnh những thành tựu lớn đã được nhân dân, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, chúng ta không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm và điều đó Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là vấn đề mới đối với nước ta. Sự phân định vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn nhiều điểm chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Tổ chức thực hiện pháp luật và pháp chế XHCN chưa nghiêm”. Tuy nhiên, sự chưa hoàn thiện đó không đồng nghĩa với việc phải tìm kiếm bản sao mô hình nhà nước pháp quyền ở một nước nào đó và trên thực tế cũng chứng minh, chưa khi nào và không bao giờ có “bản sao nhà nước pháp quyền” của chung hai quốc gia. Trong tác phẩm “Tinh thần của pháp luật”, nhà tư tưởng người Pháp Mông-te-xki-ơ từng viết: “Khi tôi nghiên cứu về con người, tôi đã đi đến kết luận rằng, những sự khác biệt của pháp luật và của đạo lý loài người không phải do họ tự vẽ ra một cách tùy tiện. Các đạo luật phải nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các đặc điểm của dân tộc mà vì dân tộc đó mới cần làm ra những đạo luật này”. Nhà triết học người Đức G.Hê-ghen cũng đã từng có quan điểm tương tự khi ông viết: “Mỗi dân tộc có chế độ nhà nước của mình... Mỗi một chế độ nhà nước chỉ là sản phẩm, là sự thể hiện tinh thần riêng của một dân tộc và của trình độ phát triển của ý thức dân tộc của họ mà thôi”.
Kinh nghiệm thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền trên thế giới cũng cho thấy, mọi sự “bắt chước, sao chép” mô hình nhà nước pháp quyền mà không dựa trên điều kiện lịch sử, truyền thống văn hóa, đặc điểm dân tộc, chế độ chính trị của mỗi quốc gia, thì mô hình nhà nước đó khó có thể phát huy hiệu lực, hiệu quả. Thế nên, nếu ai đó lên tiếng đòi hỏi nước ta phải từ bỏ Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, để sao chép mô hình thể chế “tam quyền phân lập” một cách máy móc, là thiếu tính khoa học, không có cơ sở thực tiễn. Hay ai đó còn xuyên tạc con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta là “đảng trị thay pháp trị”, cũng là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và vô hình trung tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, nên cần phải cảnh tỉnh, phê phán.
Đại tá, TS NGUYỄN HỮU PHÚC

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Chủ động nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch

Lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo là âm mưu xảo quyệt của các thế lực thù địch nhằm chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Vì vậy, chủ động nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu này là rất quan trọng, cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tôn giáo, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống; có 06 tôn giáo lớn (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo), với khoảng hơn 20 triệu tín đồ và nhiều tôn giáo nhỏ khác. Nhìn chung, các tôn giáo và các dân tộc sống đoàn kết, hòa thuận, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tồn tại và phát triển. Sự phân bố đan xen giữa các dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn tạo nên sự giao lưu, trao đổi, hòa nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội, làm phong phú thêm truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc thống nhất trong sự đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, lợi dụng đời sống của đồng bào dân tộc, tôn giáo còn khó khăn, sự thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới và sự khởi sắc của vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng đông đồng bào có đạo sinh sống, nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa. Thủ đoạn hoạt động chính của chúng là tung tin thất thiệt, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta không tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng có hận thù với cách mạng, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng chống đối. Đồng thời, mua chuộc, lôi kéo, ép buộc đồng bào các dân tộc, tôn giáo chống đối chính quyền, vượt biên trái phép, gây mất ổn định chính trị - xã hội, tạo các “điểm nóng” để vu khống Việt Nam đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số, đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền, nhằm chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa nông thôn với thành thị, miền xuôi và miền núi còn có sự chênh lệch. Đặc biệt, các cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Đây là cơ hội, là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Hiện nay, âm mưu của chúng thường là lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo để gây mâu thuẫn, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Trong đó, chúng tích cực truyền bá tư tưởng phản động, kích động ly khai dân tộc, gây chia rẽ đồng bào các dân tộc, mua chuộc, lôi kéo những phần tử xấu trong đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá, tập trung vào các địa bàn chiến lược, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Chúng tổ chức, tập hợp lực lượng phản động, xây dựng cơ sở tạo sự chống đối trong nội bộ các dân tộc, gây nên một số cuộc bạo loạn mang tính chất chính trị, hòng tạo cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp, gây mất ổn định chính trị đất nước. Các thế lực thù địch còn lợi dụng trình độ dân trí thấp, sự hạn chế về nhận thức cũng như phong tục, tập quán của đồng bào ở một số vùng để truyền đạo trái pháp luật, khôi phục tập tục lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân, gây khó khăn cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Gần đây, các thế lực thù địch và phần tử dân tộc cực đoan, nhất là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài lợi dụng bản Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc 2007 mà Nhà nước ta đã tham gia, ráo riết kích động đồng bào các dân tộc thiểu số trong nước đứng lên đòi quyền dân tộc tự quyết, đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”; “Nhà nước Tin lành Đề-ga”, “Vương quốc Chămpa”, “Vương quốc Mông”, hướng tới ly khai, tự trị, độc lập. Chúng tìm mọi cách để xây dựng, nuôi dưỡng các tổ chức phản động người Việt Nam ở nước ngoài; tập hợp, tài trợ, chỉ đạo lực lượng phản động trong các dân tộc, các tôn giáo ở trong nước hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, như: truyền đạo trái phép để “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc, lôi kéo, tranh giành đồng bào dân tộc, gây đối trọng với cấp ủy, chính quyền địa phương. Lợi dụng các phương tiện truyền thông, mạng in-tơ-net để liên lạc, truyền bá, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; chia rẽ dân tộc đa số với dân tộc thiểu số và giữa các dân tộc thiểu số với nhau, giữa đồng bào theo tôn giáo với không theo tôn giáo và theo các tôn giáo khác nhau, hòng làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không những thế, chúng còn kích động các dân tộc thiểu số, tín đồ, chức sắc các tôn giáo chống lại chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đối lập các dân tộc, các tôn giáo với sự lãnh đạo của Đảng, vô hiệu hóa sự quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, gây mất ổn định chính trị - xã hội, nhất là vùng dân tộc, tôn giáo.
Từ tình hình trên, việc chủ động đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo là nhiệm vụ cấp thiết, cần được tiến hành đồng bộ bằng nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Tập trung phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với toàn dân, nhất là chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo đối với đồng bào các dân tộc, các tôn giáo. Đảng ta đã khẳng định: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước”1. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục để đồng bào hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam và để đồng bào nhận thức đúng, đề cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, không bị lợi dụng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, thực hiện đúng chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải mang tính toàn diện, tổng hợp, tập trung vào phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, tôn giáo, chính sách dân tộc, tôn giáo cho đồng bào các dân tộc, các tôn giáo. Phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng nội lực, tạo sức đề kháng trước mọi âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù. Cần tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh: xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân phải dựa trên nền tảng khối liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện đại đoàn kết phải rộng rãi, lâu dài; mở rộng, da dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; kiên quyết đấu tranh loại trừ nguy cơ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tôn giáo; chống kì thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ti hoặc mặc cảm dân tộc, tôn giáo. Chủ động giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các vùng dân tộc, tôn giáo, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Thực hiện nghiêm túc quan điểm mà Đại hội XII của Đảng đã nêu: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam,… tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc”2.
Thứ ba, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc, tôn giáo. Đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả các chương trình, dự án an sinh xã hội; ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc, vùng tôn giáo, tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc, các tôn giáo nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là đối tượng người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ vùng sâu, vùng xa; tích cực phổ cập giáo dục phổ thông, nâng cao dân trí, không để “tái mù” và xảy ra tình trạng “bản trắng” ở vùng sâu, vùng xa. Chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo tổ chức các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa - thể thao, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng, có ý nghĩa nền tảng để vô hiệu hóa các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, vì xét đến cùng khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, đồng bào sẽ đoàn kết, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ công dân thì không kẻ thù nào có thể lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể; chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương. Thực hiện chính sách ưu tiên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, tôn giáo. Đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc, tôn giáo theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, vững chắc; sử dụng những phương pháp phù hợp với đặc thù từng dân tộc, từng tôn giáo.
Thứ năm, chủ động đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; kịp thời giải quyết tốt các “điểm nóng” liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động lôi kéo đồng bào gây rối, bạo loạn. Cần thường xuyên vạch trần bộ mặt phản động của các thế lực thù địch, phản động để nhân dân nhận rõ và không bị lừa bịp. Đồng thời, vận động, bảo vệ đồng bào các dân tộc, tôn giáo để đồng bào tự vạch mặt những thủ đoạn xảo trá của chúng. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh này. Khi xuất hiện “điểm nóng”, cần tìm rõ nguyên nhân, có biện pháp giải quyết kịp thời, không để lan rộng, không để kẻ thù lấy cớ can thiệp; xử lý nghiêm minh theo pháp luật những kẻ cầm đầu, ngoan cố chống phá cách mạng. Đồng thời, kiên trì thuyết phục, vận động những người nhẹ dạ, cả tin nghe theo kẻ xấu quay về với cộng đồng; đối xử khoan hồng, độ lượng, bình đẳng với những người lầm lỗi đã ăn năn, hối cải, phục thiện.
Vấn đề dân tộc, tôn giáo là rất quan trọng, nhưng cũng rất nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, nhằm mưu đồ chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội. Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.
Đại tá, TS. NGUYỄN HUY ĐỘNG