Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Cảnh giác với hiện tượng gieo mầm, nuôi dưỡng đối tượng phản biện xã hội tiêu cực

 

Mở rộng dân chủ, tăng cường phản biện tích cực, lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết của nhân dân là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Hưởng ứng tinh thần ấy, các hoạt động phản biện, phản biện xã hội (PBXH) thời gian qua diễn ra khá sôi động và mang lại những kết quả tích cực. Thế nhưng, một thực tế rất đáng quan tâm là cả trong và ngoài nước xuất hiện một số người lợi dụng PBXH để gây nhiễu thông tin, làm rối tình hình, kích động, hòng tạo ra những mâu thuẫn trong xã hội. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch, một số tổ chức phản động đã móc nối, gieo mầm, nuôi dưỡng các đối tượng PBXH để sử dụng làm công cụ chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Không phủ nhận hiệu quả tích cực từ phản biện xã hội

Theo cách hiểu phổ quát, PBXH là sự tương tác, giao thoa qua lại về quan điểm, tư duy của các lực lượng, thành phần trong xã hội trước những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách, thể chế... có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các thành viên trong xã hội. Thông qua việc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản biện xác đáng, có cơ sở khoa học mà các chủ trương, chính sách, thể chế... của cộng đồng ngày càng phù hợp, đáp ứng tốt hơn với những đòi hỏi của thực tiễn.

Thực tế cho thấy, trước mỗi kỳ đại hội đảng, mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, ban hành các đạo luật hay trước các sự kiện lớn, những vấn đề hệ trọng của đất nước... Đảng và Nhà nước ta đều công bố rộng rãi các văn kiện dự thảo, đưa ra quan điểm, chủ trương... để lấy ý kiến thảo luận, đóng góp của toàn dân. Đại đa số nhân dân có ý thức trách nhiệm cao, luôn coi mỗi đợt đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn kiện là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và hưởng ứng tích cực. Các cơ quan chức năng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận sớm, hướng dẫn người dân nghiên cứu, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về từng nội dung trong dự thảo các văn kiện và những vấn đề quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm... nhằm tạo điều kiện để người dân có cơ hội bày tỏ quan điểm. Hằng ngày, hằng giờ, mọi người dân đều có thể tiếp nhận thông tin và phản ánh quan điểm, ý kiến của mình qua hàng trăm xuất bản phẩm báo chí in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương.

Tất cả ý kiến dù đồng thuận hay không đồng thuận đều được cơ quan chức năng tổng hợp báo cáo với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để xem xét quyết định. Theo tinh thần ấy, để nâng cao chất lượng xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh việc phát huy dân chủ, lắng nghe, trân trọng các ý kiến đóng góp của nhân dân, nhất là của các chuyên gia, nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực... chắt lọc để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện. Chính nhờ mở rộng dân chủ, phát huy tinh thần PBXH của toàn dân mà các văn kiện của Đảng, Nhà nước ta đều thể hiện sự kết tinh giữa ý Đảng với lòng dân, được sự đồng thuận trong xã hội và sớm đi vào cuộc sống.

Thực tế chứng minh, để hoạt động PBXH đi đúng hướng, theo đúng ý nghĩa tích cực thì việc bày tỏ các quan điểm, nêu ý kiến đóng góp phải theo đúng quy trình, trên nền tảng khoa học, với thái độ khách quan, đặc biệt là phải đặt lợi ích của cộng đồng, lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết. Thế nhưng, trên thực tế đã có không ít người lợi dụng hoạt động PBXH để mưu mô cơ hội, phản biện kiểu phủ nhận sạch trơn, với các quan điểm hoàn toàn không vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của đất nước. Những quan điểm này càng trở nên nguy hiểm khi được các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá.

Vẫn là những “chiêu bài” cũ

Xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng là mục tiêu không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch. Dù không mới nhưng âm mưu, thủ đoạn để thực hiện mục tiêu của chúng thì ngày càng tinh vi hơn. Lợi dụng PBXH, xem PBXH là "chiêu bài" để chống phá Đảng, Nhà nước là một trong những thủ đoạn như thế.

Những người mang động cơ xấu, nhằm mục đích chống phá đất nước không bày tỏ quan điểm theo quy trình tổ chức và các kênh chính thống. Các đối tượng triệt để lợi dụng ưu thế của internet, nhất là mạng xã hội (MXH) để tiến hành các hoạt động chống phá núp dưới danh nghĩa PBXH. Dưới sự giật dây của các thế lực thù địch, một số phần tử cơ hội trong nước và cả ở nước ngoài đã soạn ra các văn bản dưới dạng “tâm thư”, “thư ngỏ”, “thư góp ý” (cả chính danh, nặc danh và mạo danh); thậm chí họ còn soạn hẳn một dự thảo văn kiện mới, hoàn toàn khác với dự thảo văn kiện chính thống được công bố... để thể hiện những ý kiến trái ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước rồi gửi đến các đồng chí lãnh đạo. Với kiểu lập luận của họ, thông qua các câu từ bóng bẩy, chau chuốt... thoáng qua người ta dễ lầm tưởng đó là những "ý kiến tâm huyết", "những đóng góp chân thành"... Nhưng thực chất, trước khi những “tâm thư”, “thư ngỏ”, “thư góp ý”... kia được gửi đi thì nó đã được các đối tượng đưa lên MXH. Để minh họa cho những quan điểm sai trái đã nêu, núp dưới chiêu bài PBXH, họ dựng chuyện, tung ra nhiều thông tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, kích động, gây áp lực, gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn trong dư luận.

Trên không gian mạng, họ lập ra các hội, nhóm trá hình, sau đó tuyên truyền vận động, lôi kéo những người thiếu bản lĩnh, nhẹ dạ cả tin tham gia. Thông qua đó, họ khơi gợi các thành viên trong từng hội, nhóm theo danh nghĩa PBXH nêu những quan điểm, ý kiến trái chiều, nhưng thực chất là tuyên truyền xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ chống đối. Đặc biệt, trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, như: Dân tộc, tôn giáo, môi trường, chủ quyền biển, đảo... họ sử dụng các hội, nhóm và những đối tượng đã được móc nối, nuôi dưỡng đội lốt PBXH đưa lên MXH hàng loạt quan điểm, ý kiến đi ngược lại với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Họ mưu toan phát triển đưa các hội, nhóm trên không gian mạng thành tổ chức, hoạt động dưới dạng câu lạc bộ tự do, hòng từ đó biến hoạt động PBXH trở thành một trào lưu làm méo mó thực tiễn.

Ngoài sử dụng những đối tượng PBXH đã được móc nối, để chống phá Việt Nam lâu dài, các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam rất quan tâm đến việc gieo mầm, nuôi dưỡng, phát triển lực lượng phản biện mới. Đối tượng PBXH trong giới trẻ và cán bộ, đảng viên, công chức... được họ đặc biệt để mắt. Cùng với tài trợ về tài chính, họ còn hướng dẫn nội dung, kế hoạch hoạt động liên kết thành mạng lưới. Khi xuất hiện những quan điểm đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, thì ngay lập tức họ huy động lực lượng "chân rết" vào bình luận, chia sẻ, tung hô... Họ thường đánh tráo khái niệm giữa ý kiến PBXH chính thống được Đảng, Nhà nước ta tiếp thu, với những giọng điệu tuyên truyền chống phá; hoặc đánh đồng giữa những người có ý kiến khác với những đối tượng cơ hội chính trị, lợi dụng PBXH để gây bất ổn trong dư luận. Vì thế, khi một số đối tượng lợi dụng PBXH để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Nhà nước bị đưa ra xử lý trước pháp luật thì họ cho rằng Việt Nam “đàn áp người bất đồng chính kiến”, “vi phạm quyền tự do ngôn luận”... rồi từ đó kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp.

Tỉnh táo để không tiếp tay, không mắc mưu

Thực tế cho thấy nhận thức về PBXH của nhân dân ta còn có những khoảng trống. Do vậy, muốn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng PBXH để chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, chúng ta cần đặt lên hàng đầu việc tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động PBXH. Có như vậy mới giúp người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của công việc hệ trọng này, phân biệt được đâu là PBXH tích cực, đâu là PBXH tiêu cực, từ đó đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh với những hành vi lợi dụng PBXH để chống phá.

Vai trò định hướng để hoạt động PBXH diễn ra đúng mục đích, ý nghĩa và đem lại hiệu quả tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng là rất quan trọng. Cùng với phát huy tốt vai trò định hướng, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân được tiếp cận thông tin, nghiên cứu, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình đối với từng nội dung liên quan tới đường lối, chủ trương, chính sách, thể chế... tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Cảnh giác với hiện tượng gieo mầm, nuôi dưỡng đối tượng phản biện xã hội tiêu cực
Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp mặt lắng nghe ý kiến, sáng kiến của đại diện kiều bào trong xây dựng và phát triển Thành phố ngày 13-1-2020. Ảnh: TTXVN 

Đối với từng người dân, khi tiếp cận với những thông tin, tài liệu, nhất là những nội dung thuộc quan điểm về các vấn đề hệ trọng, nhạy cảm của đất nước tán phát trên MXH, cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở khách quan, đâu là thông tin xuyên tạc. Nâng cao hiểu biết, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết là cách tốt nhất để mỗi người nâng cao "sức đề kháng", tránh bị cuốn theo những giọng điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch.

Đi đôi với mở rộng dân chủ, tổ chức chặt chẽ hoạt động PBXH tích cực, cần làm tốt việc nắm bắt, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của nhân dân để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Trong tổng hợp và ghi nhận những ý kiến đóng góp của nhân dân, các cơ quan chức năng cần có sự đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, thận trọng, không để kẻ xấu lợi dụng PBXH để thực hiện những mục đích đen tối.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ cần tiến hành chặt chẽ, lấy phòng là chính nhưng cũng phải kiên quyết đấu tranh để vừa bảo vệ, vừa ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị trong nội bộ, lợi dụng PBXH để thực hiện những động cơ, mục đích không trong sáng. Đặc biệt, cần quan tâm quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là lớp trẻ để bồi dưỡng xây dựng những nhân tố tích cực, kịp thời phát hiện những tư tưởng, hành động sai trái. Đối với những cán bộ, đảng viên, công chức thoái hóa biến chất về chính trị lợi dụng PBXH tiếp tay cho các thế lực thù địch, cần xử lý kịp thời, nghiêm minh. Cần coi trọng công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm m­ưu, thủ đoạn lợi dụng hoạt động PBXH để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Các lực lượng chức năng cần chủ động phát hiện những hội, nhóm, cá nhân lợi dụng PBXH để tuyên truyền, tán phát những quan điểm sai trái trên MXH, từ đó có biện pháp kiên quyết đấu tranh. Đối với những trang mạng lợi dụng PBXH để tuyên truyền theo kiểu xuyên tạc, kích động chống phá Nhà nước Việt Nam, âm mưu làm mất ổn định chính trị ở Việt Nam thì cần tổ chức lực lượng phối hợp với các nhà mạng, kết hợp giữa biện pháp kỹ thuật với biện pháp hành chính để đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

KIM LÂN

Cảnh giác với chiêu trò tung hô nhảm nhí về nhân sự trước thềm đại hội đảng

 

Thời gian này, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, là mối nguy hại ảnh hưởng đến các mặt đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thay vì chung tay phòng, chống dịch bệnh, nhiều tài khoản ở các trang mạng xã hội, một số website của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đăng tải, chia sẻ dưới nhiều hình thức những thông tin xấu độc, bịa đặt về công tác nhân sự (CTNS) đại hội đảng các cấp, nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Những phần tử này đã dựng chuyện về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII, "bố trí, quy hoạch" cán bộ vào những chức danh lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ... Họ bịa đặt trắng trợn, tung hỏa mù, gây rối không khí và tâm trạng xã hội, kích động tâm lý tiêu cực, gây hoang mang trong dư luận, nhằm làm tổn hại đến niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ XHCN, làm suy giảm uy tín của một số cán bộ lãnh đạo cấp cao, tác động đến vai trò giám sát của quần chúng đối với CTNS đại hội đảng.

Phải khẳng định, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Việt Nam không lạ gì những chiêu trò chống phá trước thềm đại hội đảng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Dù thủ đoạn có tinh vi, xảo quyệt tới đâu, ngụy trang kiểu gì cũng không đủ để tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Bởi mỗi người dân Việt Nam luôn mang trong mình truyền thống yêu nước, một lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào công tác lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy các cấp.

Cảnh giác với chiêu trò tung hô nhảm nhí về nhân sự trước thềm đại hội đảng
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Nhân dân tin Đảng, tin cán bộ của Đảng, bởi quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách trong chiến tranh cũng như thời bình, Đảng luôn tiếp thu nghiêm túc, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cách mạng Việt Nam, một lòng một dạ gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Nhiều cán bộ, đảng viên đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2020): “Thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân”.

Qua khảo sát, tìm hiểu về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở ở các địa phương: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Dương, Điện Biên, Cao Bằng, Hậu Giang, Đồng Nai... cho thấy: Đa số người dân vững tin rằng, CTNS đại hội đảng bộ cơ sở đúng với ý chí, nguyện vọng của dân, nên rất phấn khởi, tự hào. Qua chuyến khảo sát đó, chúng tôi còn được biết thêm những hành động, việc làm tuy không lớn, nhưng hết sức ý nghĩa của quần chúng nhân dân dành cho Đảng và cán bộ của Đảng. Ở đó, nhiều nông dân dù chưa một ngày được đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng nhớ rất rõ tên, tuổi, những cống hiến của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; nhiều người còn chép lại những sự kiện lịch sử trong 90 năm Đảng lãnh đạo đất nước để làm tài liệu tuyên truyền. Như trường hợp ông Phạm Quốc Đạt, 73 tuổi, ở tổ 3, phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang rất cẩn thận ghi danh sách các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua 12 nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới vào cuốn sổ rất dày. Ông Đạt cập nhật liên tục những kết quả nổi bật của đất nước về chính trị, kinh tế-xã hội theo từng tháng để phổ biến cho các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, đã có thời điểm, một bộ phận nhân dân bị giảm sút niềm tin với Đảng, vì rằng ở một số cấp ủy, việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo vẫn chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân xảy ra ở một số nơi. Biết được những suy tư, trăn trở của dân, lắng nghe dân, để giữ vững niềm tin của dân, Đảng ta đã kịp thời ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng, qua đó siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, xử lý nghiêm khắc các đảng viên vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật theo tinh thần "không có vùng cấm". Chính vì thế, có một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đã phải chịu hình phạt thích đáng. Cùng với đó, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cấp ủy đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong công tác quản lý, đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. 

Liên quan đến các vấn đề thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội đang ráo riết rêu rao, kích động, tung hô nhảm nhí về CTNS đại hội đảng các cấp và nhân sự Đại hội XIII của Đảng, nhiều người dân ở mọi miền Tổ quốc đã phản hồi về Báo Quân đội nhân dân đề nghị quý báo cần có những bài viết vạch mặt; kiến nghị với Đảng, Nhà nước có những hình thức xử lý thích đáng những kẻ nói xấu, bôi nhọ uy tín của cán bộ lãnh đạo, cơ cấu nhân sự của Đảng một cách bịa đặt, tùy tiện, vô căn cứ. Ông Đỗ Thế Trà, 80 tuổi, ở phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang bức xúc: “Tôi đề nghị Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp mạnh về công nghệ thông tin để cho những trang mạng tuyên truyền nhảm nhí về nhân sự đại hội đảng dừng hoạt động”. Cựu chiến binh Đặng Văn Lệch, ở xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho rằng: “Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chẳng thể làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng, vì thực tiễn đã chứng minh, dù khó khăn, gian khổ, dù các thế lực thù địch, phản động chống phá quyết liệt, Đảng ta vẫn tổ chức thành công 12 kỳ đại hội, sáng suốt lựa chọn được một bộ tham mưu chiến lược tài, trí của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam”. Ông Trần Sỹ Phong, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, đề xuất: “Các cơ quan báo chí cần tuyên truyền nhiều về những tấm gương cán bộ của Đảng luôn vì dân, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, để những trang mạng phản động có thủ đoạn nham hiểm, thích nhảy vào bàn công việc của người khác tự tiêu tan”.

Với quan điểm đấu tranh kiên quyết, mềm dẻo, linh hoạt, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần đề cao cảnh giác, nhận diện, đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đang ngày đêm bịa đặt về CTNS đại hội đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Công tác đấu tranh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt đối với những cán bộ tạo nguồn cấp ủy, cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt phải thực hiện tốt Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của BCH Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, để cán bộ của Đảng thực sự là tấm gương tiêu biểu về “dĩ công vi thượng”, tự miễn dịch với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, được quần chúng nhân dân tin tưởng, yêu mến.

Thời điểm này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung chống lại đại dịch Covid-19 nhưng vẫn không lơ là công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Nhiều đảng bộ (chi bộ) đã tổ chức đại hội thành công, đạt kết quả tốt, các đồng chí trúng cử BCH đảng bộ (chi bộ) đạt số phiếu tín nhiệm cao, tiêu biểu về phẩm chất và năng lực. Các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, làm tốt CTNS cấp ủy khóa mới bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức và tài; giữa kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển với quyết tâm xây dựng cấp ủy có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt, CTNS Đại hội XIII của Đảng đã được BCH Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị chu đáo, công phu, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định.

Đáp lại niềm tin, kỳ vọng của nhân dân với Đảng, tin tưởng rằng các cấp bộ đảng sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ, cấp ủy “vừa hồng”, “vừa chuyên”, có đủ sức mạnh hoàn thành sự nghiệp vẻ vang… Những âm mưu, ý đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc về công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp, nhân sự Đại hội XIII của Đảng sẽ không thể làm lung lay được ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên bước đường phát triển, xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

QUANG THẮNG

Lợi dụng văn học để hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh - sự nguy hiểm cần bác bỏ

 

Các thế lực thù địch đã và đang thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng cách tập trung xuyên tạc, phủ nhận hình tượng Hồ Chí Minh, nhằm mục đích “hạ bệ”, “giải thiêng” thần tượng dân tộc, từ đó phá hoại mối đoàn kết ruột thịt giữa Đảng và nhân dân, gây ra sự đổ vỡ niềm tin của người dân vào lãnh tụ, vào Đảng và cách mạng.

Sự tác động này vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa trước mắt vừa lâu dài, nhằm dẫn đến sự “thoát ly thần tượng”, làm phai nhạt tiến tới xóa bỏ sự ảnh hưởng của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh ở một bộ phận đảng viên và quần chúng.

Văn học, nghệ thuật là một thành tố cơ bản, quan trọng hàng đầu của văn hóa-tư tưởng, là lĩnh vực nhạy cảm, có sức lan tỏa mạnh. Do vậy, các thế lực thù địch thường dựa vào đó để xuyên tạc, bôi nhọ đời tư và phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Họ lấy chính Hồ Chí Minh làm hình tượng cơ bản, chủ yếu nhưng được nhìn bằng quan niệm tiêu cực, mặt trái, bịa đặt với dụng ý tạo ra một con người Hồ Chí Minh khác hẳn, đối lập với con người Hồ Chí Minh lớn lao, trong sáng đời thường.

Dựng chuyện xuyên tạc Nhật ký trong tù

Họ bịa ra rằng, người viết tập thơ Nhật ký trong tù là một người tù đã chết, không phải là Hồ Chí Minh. Về vấn đề này, Lê Hữu Mục đã viết một tiểu luận phủ nhận Hồ Chí Minh là tác giả của Nhật ký trong tù. Động cơ viết tiểu luận này được chính Lê Hữu Mục thể hiện ở một bài phỏng vấn trong chương trình phát thanh của Hội Văn hóa Việt tại California (Hoa Kỳ): “Tôi cố gắng viết, chỉ nội trong một tháng là xong... Anh em ở hải ngoại bảo nhau phải tìm mọi cách để xóa bỏ cái huyền thoại Hồ Chí Minh”, không để cho “có chuyện Hồ Chí Minh sẽ được tôn vinh là nhà văn hóa kiệt xuất do UNESCO công nhận”. Thế là đã rõ, mục đích của ông ta và “các anh em” là không để cho UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh.

Lợi dụng văn học để hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh - sự nguy hiểm cần bác bỏ
Ảnh minh họa.

Lập luận của Lê Hữu Mục bắt đầu từ vấn đề tên tuổi tác giả. Ông ta cho rằng, người viết xưng là “lão phu”, theo “chiều sâu văn hóa” phương Đông, như vậy, người viết Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) là một ông già. Lập luận này chỉ đánh lừa được những người ít hiểu về Hán học và văn hóa phương Đông. Chúng tôi xin phép ghi lại lời phản biện của nhà Hán học hàng đầu Việt Nam-PGS Phan Ngọc: “Dù có tự hào về Hán học đến đâu, không ai dám nói Đỗ Phủ không biết làm thơ, không hiểu phong tục cổ truyền Trung Hoa, cũng không dám chê Đỗ Phủ dốt nát. Đỗ Phủ chính là vị thầy về thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh… Ông Đỗ này luôn luôn tự xưng mình là lão (già)”(*). Học giả Phan Ngọc chứng minh Đỗ Phủ xưng “lão” trong thơ năm 38 tuổi (trong bài Đầu giản Hàm, Hoa lưỡng huyện chư tử-Thư gửi các vị hai huyện Hàm Dương, Hoa Nguyên), năm 45 tuổi (Ai giang đầu-Nỗi đau xót đầu sông), năm 51 tuổi (Đào trúc trượng-Cây gậy trúc đào)... Đó là những căn cứ của sự thật, không thể bác bỏ!

Như thế, Bác Hồ xưng “lão phu” trong Nhật ký trong tù là điều hoàn toàn tự nhiên!

Trong bài phản biện tiểu luận của Lê Hữu Mục, Phan Ngọc vạch ra “tám lỗi về hình thức”. Xin trích lại một khái quát cuối bài của PGS Phan Ngọc, một khái quát của chân lý nghệ thuật, của lẽ phải đời thường: “Theo tôi, muốn viết nổi tác phẩm này, giỏi làm thơ là chuyện nhỏ. Cái quan trọng là một ham muốn suốt đời đấu tranh cho nhân loại bị áp bức, một chí khí gang thép, nhưng chủ yếu là một tâm hồn trong sáng của Đức Phật, Xôcrat (Socrate), Giêsu (Jésus), Găngđi (Gandhi) mới làm được”.

Ngoài “tám lỗi” cơ bản mà PGS Phan Ngọc đã phản biện một cách đích đáng, đến lượt chúng tôi xin chỉ ra một vài bắt bẻ một cách rất vô lối của Lê Hữu Mục.

Để phá vỡ tính chỉnh thể thống nhất của hình tượng thơ, Lê Hữu Mục dùng thủ thuật xuyên tạc, thêm thắt và quy kết người dịch sai. Lê Hữu Mục cho rằng, người dịch Ngục trung nhật ký đã tìm mọi cách để lái câu thơ vào quỹ đạo mà họ định trước. Ví dụ, trong Thụy bất trước (Không ngủ được), người dịch đã tô thêm màu vàng vào ngôi sao năm cánh để giải thích rằng ngay trong giấc ngủ, Bác cũng chỉ nhìn thấy Tổ quốc được tượng trưng bằng ngôi sao vàng, trong khi nguyên văn chỉ nói: “Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh”, nghĩa là hồn mộng cứ luẩn quẩn loanh quanh ở chỗ ngôi sao năm cánh, trong giấc mơ, lòng chỉ hướng về ngũ tinh liên châu tức là hướng về đoàn tụ gia đình, nghĩ đến vợ con mà lâu ngày mình đã xa.

Nghĩa chữ Hán trong câu thơ “Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh” là: Hồn mộng đã quẩn quanh nơi ngôi sao năm cánh. Chê người để lôi cuốn sự chú ý của độc giả vào “cái sai” của người (người dịch), trong khi đó, chính Lê Hữu Mục lại bịa đặt nghĩa bằng cách thêm ý “lòng chỉ hướng về ngũ tinh liên châu tức là hướng về đoàn tụ gia đình, nghĩ đến vợ con mà lâu ngày mình đã xa”. Bịa đặt để lái vấn đề sang nghĩa khác: Người tù đã có vợ con rồi! Tức không phải Hồ Chí Minh làm vì Hồ Chí Minh không có vợ con! Hai chữ “tức là” của Lê Hữu Mục hoàn toàn là sự suy diễn.

Vấn đề “quốc tịch” của tác giả được đặt ra để “nghiên cứu”: Lê Hữu Mục bám vào hai chữ “Hán gian” ở trong các bài Thế lộ nan (Đường đời hiểm trở): “Khước bị hiềm nghi tố Hán gian” (Thế mà bị tình nghi là Hán gian) và Nhai thượng (Trên đường phố): “Nhai thượng nhân tranh khán Hán gian” (Ngoài phố tranh nhau xem Hán gian) rồi quả quyết: “Muốn làm Hán gian thì đầu tiên phải là người Hán đã chứ, làm sao một người Việt Nam có thể làm Hán gian?”.

Logic học gọi đây là thủ thuật “đánh tráo”. “Thế mà bị tình nghi là Hán gian”. Ai nghi? Tức bọn cai ngục nghi ngờ người tù là “Hán gian”. Người khác nghi như thế chứ không phải “người tù” nhận thế. Mà người khác nghi là quyền, là việc của người ta. Nhưng Lê Hữu Mục đã đánh tráo chủ thể “nghi” từ “bọn cai ngục” (bị ẩn đi) ép sang cho tác giả câu thơ (người tù), để hiểu: Vì là người Hán nên tác giả câu thơ (tức Già Lý) rất buồn bị nghi là Hán gian!

Thế là ai cũng thấy ông ta sử dụng thủ thuật tách rời và đánh tráo khá tinh vi!

Tại sao một số người lại tập trung xuyên tạc Nhật ký trong tù? Vì đó là bảo vật quốc gia, một bảo hiểm “bằng vàng” về con người Bác Hồ đại nhân, đại trí, đại dũng, đã được cả thế giới khẳng định giá trị nội dung bất hủ và hình thức nghệ thuật điêu luyện. Kiệt tác đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới!

Phủ nhận, hạ thấp, xuyên tạc con người và tư tưởng Hồ Chí Minh

Hạt nhân tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đoàn kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Đây không chỉ là tư tưởng thời nay mà còn là chân lý lịch sử tổng kết hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, sẽ mãi là nguồn sáng cho mai sau. Vì lẽ đó, nhiều “tác giả” tập trung công kích nhằm vào tư tưởng này.

Dựa vào cách xưng hô đại từ “Bác”, Vũ Thư Hiên và Bùi Tín thể hiện “băn khoăn” cho rằng, Hồ Chí Minh xưng là “Bác” khi nói chuyện với dân chúng, trong đó có cả những cụ già cao tuổi.

Để giải đáp sự “băn khoăn” của hai “tác giả” này cần phải đặt vấn đề vào hoàn cảnh lịch sử. Một là, cả nước ta gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ, tức coi Người như là một thành viên trong mỗi gia đình người Việt. Đó cũng là ý nguyện, là tâm nguyện của Người. Thế nên Hồ Chí Minh xưng "Bác" nhưng chủ yếu là xưng hô với các cháu thanh thiếu niên. Còn với các cụ tuổi cao, có lần Bác gọi “cụ” xưng “cháu”, còn thường là gọi “các cụ” xưng “tôi”, không như sự xuyên tạc của hai “tác giả” Vũ Thư Hiên và Bùi Tín.

Bùi Tín cũng từng đặt vấn đề đúng hay sai về việc Hồ Chí Minh truyền bá mạnh mẽ Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ nghĩa Stalin và Chủ nghĩa Mao ở Việt Nam…

Tuy chỉ là đưa ra những câu hỏi tưởng chừng khách quan nhưng cũng rõ cái ẩn ý thâm độc: Sự thật (Hồ Chí Minh truyền bá Chủ nghĩa Mác là chân lý lịch sử, là quy luật tất yếu) đã hiển nhiên nhưng lại tạo ra tình huống có vấn đề mới để lái sự tranh luận vào chỗ lẽ ra không đáng có mà thành có. Thứ nhất, các thế lực phản động, thù địch tập trung xuyên tạc, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh là cách để hạ thấp vai trò lịch sử của Bác trong việc truyền bá chủ nghĩa yêu nước về Việt Nam, từ đó xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sai lầm. Thứ hai, xuyên tạc về tiểu sử, đời tư là một cách “bôi đen” thần tượng để tạo ra những cái nhìn lệch lạc dẫn tới dần xóa bỏ thần tượng trong nhận thức của một bộ phận nhân dân. Thứ ba, các thế lực phản động rất có ý thức Bác Hồ là sự kết tinh hài hòa những giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa của nền cách mạng mới nên chúng ra sức “xây dựng” một mô hình Hồ Chí Minh khác. Thứ tư, càng thấy nhiệm vụ xây dựng, đào tạo, giáo dục đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng là cực kỳ quan trọng. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và cũng rất đúng với bản chất nghệ thuật, việc giáo dục lý tưởng cho văn nghệ sĩ nên tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm: Tình yêu văn hóa truyền thống; niềm quý trọng nhân dân; niềm tin vào Đảng, cách mạng và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Từ vấn đề thứ nhất cho thấy, cần đưa văn hóa truyền thống vào chương trình giảng dạy bắt buộc ở tất cả các trường văn hóa, nghệ thuật. Vì theo lẽ tự nhiên, có thấu hiểu mới thấu cảm, mới yêu và say mê. Với vấn đề thứ hai thì biện pháp tốt nhất là tăng cường đưa văn nghệ sĩ (đi thực tế) về với nhân dân, sống đời sống của nhân dân. Có gần gũi mới hiểu để yêu thương, quý trọng. Vấn đề thứ ba là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải là tấm gương soi trong sáng nhất. Mỗi nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thực thi một cách triệt để, kiên quyết sẽ là sự thuyết phục cao nhất với văn nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm với chính trị.

Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Bác Hồ cần thực hiện một cách rộng rãi, quy mô, thường xuyên, liên tục. Vì Bác Hồ là một hiện tượng văn hóa mang tầm nhân loại, với tầm vóc tư tưởng và nghệ thuật lớn lao để sáng tạo đến không cùng!

Cây xanh văn nghệ sĩ hôm nay phải cắm 3 chùm rễ sâu vào 3 mảnh đất: Văn hoá dân tộc/nhân dân; văn hóa Đảng/cách mạng; văn hóa nhân loại/nhân văn và vươn cao cành lá lên bầu trời thời đại quang hợp ánh sáng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để kết trái nghệ thuật phục vụ nhân dân.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Đập tan chiêu trò bịa đặt về nhân sự đại hội Đảng

 

Từ trước thềm Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 12 (khóa XII), đến nay, trên các trang mạng nước ngoài và một số tài khoản blog, facebook cá nhân... đã chủ ý đăng tải nhiều thông tin xuyên tạc, thất thiệt và cố tình suy diễn về công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành (BCH) Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.

Các luận điệu hồ đồ quy chụp rằng, công tác chuẩn bị nhân sự Trung ương bị chi phối quyết định bởi “nhóm lợi ích” từ một bộ phận quan chức Trung ương, ép buộc vận hành theo một kịch bản đã được lên sẵn.

1. Mặc dù Đại hội XIII của Đảng đến đầu năm 2021 mới diễn ra, vậy mà, không biết từ nguồn tin nào, bằng cách gì, những kẻ hiềm khích, giả danh yêu nước đã sớm tung tin về kết quả của đại hội như thể họ là người trong cuộc, được có mặt tại nghị trường ở thì tương lai?

Từ đầu tháng 5-2020, không khó để tiếp cận các bài viết trên mạng xã hội nước ngoài tung tin đồn, suy đoán về “nhân sự tứ trụ” sẽ được Đại hội XIII của Đảng tín nhiệm tiến cử, lựa chọn. Có nghĩa, nhân sự cho các chức danh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã được định sẵn một cách thiếu dân chủ, khách quan, vì lợi ích nhóm trong CTCB. Tác giả của các bài viết nêu trên “lo rằng”, sự “quy hoạch mặc định” ấy sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là gây mất đoàn kết trong Đảng, do các phe cánh bày mưu tính kế, hạ bệ lẫn nhau... Cùng với đó, các bài viết còn chủ ý bôi nhọ danh dự, đời tư và hạ thấp công trạng, đóng góp của các đồng chí lãnh đạo đương chức của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp cách mạng; cố tình đưa ra các luận cứ cho thấy sự phân chia phe cánh, hình thành các đường dây đối lập trong nội bộ Đảng ở thời điểm trước và trong đại hội đảng.

Đập tan chiêu trò bịa đặt về nhân sự đại hội Đảng
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn

Cần nhận diện đúng đắn rằng: Những thông tin nêu trên là hòng gây nhiễu loạn tình hình nhân sự trong Đảng, cố ý bôi nhọ tình cảm đồng chí, đồng đội trong tập thể lãnh đạo của Đảng; mưu đồ hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo đương chức, vừa gây nghi kỵ, mâu thuẫn nội bộ, dẫn đến thiếu thống nhất, đoàn kết. Đây thực chất là một thủ đoạn hết sức nham hiểm, thâm độc. Bởi chính sự đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong xã hội là sức mạnh nội sinh để toàn đảng, toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; cũng là bức tường thành vững chắc đập tan mọi âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Do vậy, không lấy gì làm khó hiểu khi các thế lực thù địch luôn lăm le chống phá cho kỳ được thành trì đoàn kết của Đảng ta!

Và sự bịa đặt trắng trợn ấy, ngay lập tức bị bóc mẽ, nhận diện, khi mà HNTƯ 12, khóa XII diễn ra thành công tốt đẹp, một lần nữa công khai rộng rãi chủ trương về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, việc giới thiệu quy hoạch cán bộ (QHCB) chiến lược được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa XII nhất quán xuyên suốt phương châm "làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó" với lộ trình cụ thể: Quy hoạch BCH Trung ương trước; sau đó làm quy hoạch tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng là quy hoạch các chức danh chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, chứ không tiến hành cùng lúc như những nhiệm kỳ trước đây.

Như vậy, xét theo tiến trình, đến HNTƯ 12, khóa XII, Trung ương chỉ mới xem xét, quyết nghị những vấn đề có tính định hướng lớn trong công tác nhân sự BCH Trung ương; thậm chí chưa bàn, quyết nghị đến nhân sự cụ thể giới thiệu dự bầu BCH Trung ương khóa mới, nên chưa thể đưa ra phương án nhân sự cụ thể cho các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước như những kẻ hiềm khích đã và đang lớn tiếng rêu rao, suy diễn, bịa đặt.

Xin nhắc lại một cách làm mới mẻ và khoa học như vậy của BCH Trung ương khóa XII để nhận diện rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của những kẻ hiểm ác; nhận biết quy luật hoạt động chống phá có tính chất chu kỳ của các thế lực thù địch với những chiêu trò đổi trắng, thay đen, không từ bất kể thủ đoạn nào. Và tất nhiên, dã tâm của những kẻ thiếu kiến thức, sự hiểu biết thực tiễn sẽ khiến những luận điệu mà chúng phơi ra dư luận trở thành những chiếc gậy tự đập vào lưng chính mình, đúng như bài học “gậy ông đập lưng ông” mà người xưa đã chỉ dạy, cảnh báo cho những kẻ cố tình đi ngược lại đạo lý, quy luật hiển nhiên.

2. Ngoài trò hề quen thuộc nêu trên, trước HNTƯ 12, khóa XII, những kẻ hiềm khích còn suy diễn, cho rằng: Công tác quy hoạch và lựa chọn, giới thiệu cán bộ Trung ương khóa XIII lần này là do Trung ương lên sẵn kịch bản theo lối “chỉ mặt, điểm tên”, bắt buộc các cấp thực thi bằng các giải pháp dân chủ hình thức để “mị dân” và chỉ nhằm phục vụ lợi ích nhóm của một bộ phận quan chức cầm quyền.

Thực tế CTCB trong Đảng nói chung, công tác giới thiệu, lựa chọn QHCB chiến lược nhiệm kỳ Đại hội XIII nói riêng lại hiện hữu một bức tranh khác biệt và đối lập. Tất nhiên, những chủ trương lớn về CTCB do Trung ương ban hành, hoạch định và trực tiếp lãnh đạo, nhưng việc lựa chọn “hiền tài” được vận hành đồng bộ ở mọi cấp trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của cấp ủy, tổ chức đảng từ cấp nhỏ nhất đến cấp đảng bộ trực thuộc Trung ương. Mới đây nhất, trong bài viết định hướng công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp và phát biểu khai mạc, bế mạc HNTƯ 12, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đều thẳng thắn chỉ rõ yêu cầu phải lựa chọn bằng được cán bộ đủ tiêu chuẩn cho Trung ương và phần việc đó thuộc trách nhiệm của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Đặc biệt, với tinh thần làm việc nghiêm túc, HNTƯ 12, khóa XII vừa qua tiếp tục khẳng định tinh thần xuyên suốt của cả nhiệm kỳ Đại hội XII về hai nội dung, giải pháp hết sức quan trọng đối với công tác lựa chọn, phát hiện, giới thiệu nhân sự cho BCH Trung ương Đảng khóa XIII, đó là: Trao quyền lựa chọn, giới thiệu nhân sự Trung ương cho cơ sở và đảng bộ trực thuộc; đồng thời đề cao trách nhiệm, quy trách nhiệm đối với người tiến cử, đề cử cán bộ quy hoạch chiến lược.

Thực tiễn CTCB cũng minh chứng sống động cho tính đúng đắn của những giải pháp lớn ấy. Theo đó, dưới sự điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Ban Chỉ đạo xây dựng QHCB cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, tập trung cao điểm vào tháng 11-2018, 100% đảng bộ các tỉnh, thành phố và cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc Trung ương đã tổ chức tốt hội nghị cán bộ chủ chốt để phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH Trung ương khóa XIII.

Với tinh thần ủy quyền và đặt niềm tin đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương của BCH Trung ương đã thật sự mở ra cơ chế và điều kiện thuận lợi nhất để tất cả cấp ủy, tổ chức đảng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện nghiêm túc quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị theo 4 bước; quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước.

Cũng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, hội nghị ban thường vụ, hội nghị cán bộ chủ chốt tỉnh, thành phố đều tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa XIII. Kết quả lấy phiếu được tiến hành đúng quy trình, bảo đảm nguyên tắc với quan điểm đặc biệt coi trọng tiêu chuẩn giới thiệu vào quy hoạch, coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp yêu cầu.

Đặc biệt, khi Trung ương trao quyền và gắn trách nhiệm đối với người tiến cử, đề cử giới thiệu cán bộ đã giúp đội ngũ cán bộ chủ chốt ở nhiều cơ quan, đơn vị đề cao trách nhiệm, thực sự nêu gương, kiên quyết chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch; không để có sự can thiệp không đúng nguyên tắc, sai thẩm quyền, thiếu trách nhiệm, trái quy định vào CTCB, nhất là quy trình giới thiệu QHCB chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.

Với quy trình chặt chẽ, kết quả giới thiệu nhân sự BCH Trung ương Đảng khóa XIII đến nay đã đáp ứng yêu cầu và tiến độ đặt ra. Những cán bộ được cơ sở “chọn mặt, gửi vàng”, góp tên vào danh sách đề nghị quy hoạch gửi về Trung ương, trở thành căn cứ quan trọng để BCH Trung ương xem xét, quyết nghị tại những hội nghị tiếp theo của BCH Trung ương khóa XII.

Như vậy, cách làm nêu trên cho thấy: BCH Trung ương là cơ quan tối cao thẩm định, xem xét, quyết nghị cuối cùng về nhân sự Trung ương khóa mới trên cơ sở lựa chọn, giới thiệu nhân sự cụ thể ở từng đảng bộ trực thuộc Trung ương. Hơn thế, việc chiêu mộ hiền tài cho Đảng, Nhà nước được Trung ương kêu gọi, khuyến khích toàn đảng, toàn dân phát hiện, giới thiệu để kịp thời bổ sung và sàng lọc, chứ không cứng nhắc về phương án, áp đặt về số lượng, chất lượng hay rơi vào nạn cửa quyền, mệnh lệnh theo lối áp đặt.

Điều đó càng khẳng định, những thông tin bịa đặt xoay quanh vấn đề nhân sự đại hội đảng thực chất là những thủ đoạn trá hình của các thế lực thù địch và đối tượng xấu sử dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, hòng chia rẽ nội bộ trong Đảng và chĩa mũi nhọn công kích vào sự kiện chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, chống phá quyết liệt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Thế nhưng, tất cả những chiêu trò đó chỉ như chút bóng tối lập lờ, sẽ nhanh chóng bị ánh sáng sự thật đẩy lùi, xua tan!

NGUYỄN SÔNG TRÀ

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI DUY NHẤT ĐƯỢC TRAO TẶNG DANH HIỆU ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

 Bà con trong cộng đồng người Việt ở Thủ đô Athens gọi một người Hy Lạp với cái tên thân mật là “bác Lập”. Bà con cho biết hàng chục năm qua, ông đã tận tụy đóng góp công sức vào việc xây dựng, phát triển cộng đồng người Việt tại Hy Lạp. Ông là Kostas Saratidis, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Lập, người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND, chứng nhân lịch sử, 1 người lính da trắng của Bác Hồ

Tháng 2/1946, chàng thanh niên Hy Lạp Kostas Sarantidis có mặt trong đội quân viễn chinh của thực dân Pháp đổ bộ lên Sài Gòn. Anh nghe người Pháp nói lính lê dương Pháp sang Đông Dương để "giải phóng" các xứ ở đây, chống phát xít Nhật. Nhưng sau đó anh nhanh chóng nhận ra tất cả những gì người Pháp nói chỉ là chém gió, những gì họ làm đó là tàn sát và xâm lược.
Sau này, ông nhớ lại: “Tuy mới 18 tuổi đời, chưa hiểu nhiều về cuộc sống và chính trị, nhưng với truyền thống yêu tự do của người dân Hy Lạp đã từng trải qua 400 năm dưới ách thống trị của quân Thổ Nhĩ Kỳ, sau nhiều đêm thức trắng, tôi quyết định đi theo Việt Minh, dù cũng chưa hiểu rõ Việt Minh là thế nào...”.
Thời gian đầu chiến sĩ “mắt xanh mũi lõ” Nguyễn Văn Lập được giao nhiệm vụ làm công tác địch vận tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến cuối năm 1946, chiến sĩ Lập đã lôi kéo được tới 40 lính lê dương khác gia nhập đội quân cách mạng. Sau đó Lập được phiên vào biên chế Tiểu đội 3, Đại đội 39 do ông Đàm Quang Trung thời đó làm Đại đội trưởng. Chiến sĩ Lập đã chiến đấu dũng cảm như một người lính Cụ Hồ thực thụ trong suốt gần “9 năm làm một Điện Biên”. Hòa bình lập lại tại miền Bắc, năm 1956 ông xuất ngũ rồi đi làm phiên dịch tiếng Đức ở nhà máy in Tiến Bộ. Thỉnh thoảng ông Lập còn được hãng phim truyện mời đi đóng phim. Năm 1958, ông kết hôn với một cô gái Hà Nội, người được ông mô tả là "cực xinh", sinh được bốn người con, một trai ba gái, tất cả đều lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và Nguyễn Thị Tự Do. Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp đã tôi luyện chàng trai người Hy Lạp trở thành một người Việt thực thụ, một người chồng người cha tận tụy cần mẫn với gia đình. Năm 1965, ông cùng vợ con trở về Hy Lạp qua con đường Sứ quán Hy Lạp tại Mátxcơva. Cuộc sống bên Hy Lạp của ông cũng vất vả không kém, ông bảo : “Tôi đã mang vợ nước ngoài về thì không bao giờ bắt vợ đi làm. Tôi quyết tâm dù phải vất vả 18 thậm chí 24 tiếng mỗi ngày cũng phải làm để nuôi vợ con. Tôi suốt đời hy sinh cho… vợ con”. Về Hy Lạp ông làm nghề lái xe tải hạng nặng nhờ có bằng lái xe ở VN. Từ khi trở về, Nguyễn Văn Lập thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự VN qua đài Trung Quốc phát bằng tiếng Pháp.
"Thời điểm giải phóng miền Nam bác có vui mừng ?" - ông đáp “Mừng là thế nào, xúc động đến rụng rời chân tay đi ấy chứ”
Viết sẵn di chúc trước khi sang Việt Nam:
Cuối tháng 8/2013, ông đáp chuyến bay từ Thủ đô Athens (Hy Lạp) sang Hà Nội dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân do Nhà nước Việt Nam trao tặng. Sang Việt Nam, Nguyễn Văn Lập như được về lại nhà mình, ông thấy khỏe ra nhiều. Ông cười bảo, lần này mới là lần thứ tám, ông sẽ tiếp tục đến Việt Nam và phấn đấu có tới 10 lần trở lại mảnh đất này. Cô con gái Bạch Tuyết đi cùng ba tuy bập bẹ chút ít tiếng Việt cũng kịp “tiết lộ” : “Gia đình cháu và bác sĩ không ai đồng ý để ba sang đợt này, nhưng ba cháu quyết tâm lắm, ba đã viết sẵn di chúc và bảo: Nếu có chết thì cũng nằm lại quê hương thứ hai!”.
Nói tới 8 chuyến đi trở lại Việt Nam, tôi tò mò hỏi rằng, với mức lương hưu ít ỏi của mình, ông lấy đâu ra tiền để mua vé máy bay? Ông cười khà khà rồi nháy mắt kể: Mỗi sáng, vợ ông phát cho ông 3 euro để đi uống cà phê, ông đã “trốn” không uống mà để dành những đồng tiền ấy để mua vé. Ông còn kể rằng lần nào trước khi sang Việt Nam, ông cũng viết di chúc để lại, dặn dò vợ con là nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì dứt khoát không đưa ông về Hy Lạp mà hãy chôn cất ông ở Việt Nam, vì với ông, Việt Nam cũng chính là Tổ quốc, là quê hương như đất nước Hy Lạp mà ông đang sinh sống.
Có một chi tiết ấn tượng về ông, đó là khi được giới thiệu lên phát biểu, Kostas Sarantidis luôn kính cẩn cúi đầu chào trước tượng Bác, rồi bước đến bục phát biểu. “Tôi thích được gọi là Nguyễn Văn Lập hơn là Kostas Sarantidis. Bởi cái tên này gắn với những kỷ niệm không thể nào quên với nước Việt Nam của cụ Hồ. Các bạn Việt Nam đã giúp tôi hiểu thế nào là độc lập tự do”
Mỗi lần về Việt Nam, những đồng đội cũ chào đón ông không chỉ bằng tình đồng chí mà còn bằng tình anh em khiến ông thấy vô cùng ấm áp. Ông lại cùng các đồng đội cũ đi thăm và tặng quà, hỗ trợ tiền cho người dân Quảng Ngãi bị lụt bão, giúp các bệnh nhi ở Đà Nẵng, Hà Nội mổ tim từ tiền bán sách Tại sao tôi về với Việt Minh do ông viết. Để giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, năm 2009, ông đã vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp do ông làm chủ tịch để quyên góp gây quỹ. Hiện nay gia đình ông có 8 cháu nội ngoại, sinh sống ở thủ đô Athens và các thành phố khác. Yêu và gắn bó với Việt Nam, Kostas Lập không chỉ đặt tên cho con mà đến cháu cũng lấy tên Việt (Nguyễn Phục Sinh, Nguyễn Hồ Minh…), thậm chí hòm thư báo trước cổng nhà trên đường phố Rodos ở thành phố Athens ông cũng ghi cả 2 cái tên Việt Nam và Hy Lạp: Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.
QSD
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản

ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH : NGƯỜI CẦM QUÂN LUÔN TRỞ VỀ TRONG TỪNG CHIẾN THẮNG

 Theo các nhà sử học và tướng lĩnh nghiên cứu quân sự, Đại tướng Lê Đức Anh thực sự là một tướng trận, một nhà cầm quân đại tài. Đại tướng cũng là một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh và xung đột từ năm 1945 - 1989. Ông luôn có mặt ở những điểm nóng nhất và cũng luôn trở về trong từng chiến thắng, từng chiến dịch được giao phó và đảm nhiệm.

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với các chiến trường từ Bắc vào Nam, cụ thể: Tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979 - 1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986 - 1989), đồng thời có mặt tại Trường Sa trong những ngày căng thẳng nhất.
Đáng chú ý, ông không phải là vị tướng bàn giấy mà là người trực tiếp tham gia những trận đánh, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh: Mậu Thân 1968, chống lấn chiếm 1973, Phước Long 1974, chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), chiến dịch giải phóng Campuchia (1979); chấm dứt xung đột biên giới với Trung Quốc (1979-1989); bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (1979-1988).
Trong những thời khắc mang tính bước ngoặt lịch sử, những mệnh lệnh của ông khiến giới sử học và các nhà quan sự phải thốt lên: “chỉ có thể là Lê Đức Anh”. Ví dụ, ngày 6/11/1987, Đại tướng Lê Đức Anh khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra mệnh lệnh số 1679/ML-QP về việc bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Và ngày 29/3/1989 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh số 167/ML-QP về đóng giữ, bảo vệ khu vực biển thềm lục địa, bãi đá ngầm (khu DK1). Trước đó là Chiến dịch chủ quyền 1988 (CQ 1988) giúp Việt Nam giữ được những hòn đảo quan trọng nhất ngoài quần đảo Trường Sa trước âm mưu thôn tính của ngoại bang.
Cuộc đời ông gắn liền với những chiến thắng, những bước ngoạt thăng trầm của lịch sử, của vận mệnh dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh mà có lẽ thế hệ sau để hiểu về ông sẽ cần có những nghiên cứu, những trang giải mật.
Phương Nam
Hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng và ngoài trời

CHỌN NGƯỜI ĐỨC, TÀI ĐỂ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

 Việc xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc là công việc cực kỳ hệ trọng.

Bao giờ cũng vậy, trước thềm Đại hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân luôn kỳ vọng có một Ban chấp hành mà ở đó hội tụ được đầy đủ các nhân tố vừa hồng, vừa chuyên, đức tài vẹn toàn. Đồng thời, Nhân dân cả nước luôn mong mỏi là làm sao không để lọt những cán bộ mắc những khuyết điểm, thái hoá, biến chất mà Trung ương đã cảnh báo lọt vào Ban chấp hành. Do vậy, niềm tin tưởng vào một nhiệm kỳ BCH mới với đội ngũ cán bộ thực sự đủ đức, đủ tài, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Nhân dân giao phó là một đòi hỏi tất yếu mang tính lịch sử, thời đại.
Nhiệm vụ xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương là hạt nhân lãnh đạo chính trị, là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc là công việc cực kỳ hệ trọng, nó sẽ liên quan trực tiếp đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ của đất nước. Từ những kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự của các đại hội trước, Ban chấp hành Trung ương khoá XII đã có những đề xuất, phương án chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự cho nhiệm kỳ khóa mới với quyết tâm chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền… Với những yêu cầu đặt ra như thế sẽ đảm bảo sự liêm chính, chí công, vô tư và đặt lợi ích của dân tộc, Nhân dân, của Đảng lên trên hết, trước hết.
Thời kỳ nào cũng vậy, công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự trước mỗi kỳ Đại hội Đảng nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự thành công của Đại hội Đảng và công tác lãnh đạo của Đảng; liên quan đến sự phát triển bền vững của Đảng, sự phát triển của đất nước và sự tồn vong của dân tộc. Từ kết quả của các Hội nghị Trung ương vừa qua, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Ban chấp hành TW khóa XII sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng đề giới thiệu nhưng đồng chí thật sư tiêu biểu tham gia BCHTƯ khóa mới, vừa bảo đảm đủ về số lượng, vừa đúng về tiêu chuẩn, chất lượng. Hội tụ những người vừa hồng, vừa chuyên, tài đức vẹn toàn, cùng chung ý nguyện xây dựng một nước Việt Nam XHCN mạnh giàu. Xứng đáng với niềm mong mỏi của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài./.
Hình ảnh có thể có: văn bản cho biết 'ĐỂ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC VỮNG MẠNH TRƯỜNG TỒN PHẢI XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH'