QĐND - “Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ” là tên cuốn hồi ký xuất bản năm 1954 của Giăng Xanh-tơ-ni (Jean Sainteny), một chính trị gia người Pháp, người giữ vai trò quan trọng trong Chính phủ Pháp tại Đông Dương những năm 1945-1946, đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định Sơ bộ Pháp-Việt 1946. Với một sự tiếc nuối rõ rệt, trong hồi ký, ông nêu rõ sai lầm của Pháp và nỗ lực cứu vãn hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, 70 năm trôi qua, đến nay vẫn còn một số người với cái nhìn thiên kiến, lệch lạc, cố tình bóp méo sự thật về quyết định lịch sử đúng đắn của toàn Đảng, toàn dân ta…
Không thể xuyên tạc và phủ nhận
Trên một số trang web và diễn đàn, mạng xã hội gần đây, không ít người đã nhắc lại quan điểm không mới của họ, rằng: Nếu không phát động Toàn quốc kháng chiến thì chúng ta sẽ tránh được cuộc chiến tranh, tại sao không theo cách của nhiều nước sau này vẫn giành được độc lập, ít hao tổn xương máu.
Một số “nhà nghiên cứu” thì tìm cách “khai quật” ý kiến của Bảo Đại viết trong hồi ký năm 1980 với nhận định phiến diện: “… Ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12 đã đẩy Việt Minh vào một cuộc chiến tranh du kích. Theo tôi đó là cái lầm lớn nhất. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm?... Cuộc tổng tấn công đã phá hoại đường lối chính trị được ấn định từ trước và đã đưa đến một cuộc chiến tranh quá lâu dài”.
Họ cũng tán dương quan điểm của Giáo sư Lê Xuân Khoa từ Hoa Kỳ, tác giả cuốn sách "Việt Nam 1945-1995" đã bị nhiều học giả phê phán: “Không cần tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp - để rồi dù chỉ có chiến thắng cũng phải trả một giá quá đắt - vì chỉ trong vòng mấy năm sau Thế chiến thứ hai các xứ thuộc địa trên thế giới, trừ một số nước ở Nam Phi, đều được trả độc lập mà không cần có chiến tranh”...
Những luận điệu trên không mới và đã bị chính các nhà nghiên cứu nước ngoài nhiều lần bác bỏ. Nhà báo John Lee Nguyễn ở Hoa Kỳ, viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam có “hiếu chiến” như các nhà “dân chủ” quy kết không? Đáng lẽ sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta phải được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để xây dựng chế độ mới. Nhưng thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược Việt Nam. Trong tình thế tương quan lực lượng bất lợi cho một chính phủ còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng chủ trương hòa hoãn với thực dân Pháp. Chúng ta đã nhượng bộ, chấp nhận nền độc lập hạn chế và nền thống nhất có điều kiện, cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc để đuổi 20 vạn quân Tưởng ra khỏi bờ cõi, khẳng định việc Nam Bộ có trở về với nước Việt Nam hay không là tùy thuộc vào kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân. Nhưng thực dân Pháp quyết dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ nước ta. Chúng tăng quân trái phép ở miền Bắc, gây ra nhiều vụ xung đột đẫm máu và cuối cùng gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi quân, dân ta hạ vũ khí. Vậy thì xin hỏi các nhà “dân chủ”, ở vào tình thế như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xử lý ra sao? Nếu theo cách nói của các vị thì nên chọn con đường “không đổ máu” ư? Xin thưa, không đổ máu mà vẫn giữ được độc lập thì chỉ có chấp nhận làm kiếp nô lệ mà thôi! Dân tộc này không bao giờ chọn con đường đó!".
Nhà sử học Pháp Phi-líp Đơ-vi-le (Philip Deville) đã nhận định: “Trong khi máy bay, xe tăng và binh lính Pháp ùn ùn kéo đến Việt Nam để chuẩn bị xâm lược thì chỉ có một dân tộc cam chịu để mình bị cắt cổ, chỉ có một dân tộc ươn hèn, thực sự phản bội dân tộc mình mới không chuẩn bị gì, không hành động gì để chống lại”. Sau này Tổng thống Pháp Ph.Mít-tơ-răng (F.Mitterand), trong dịp sang thăm chính thức Việt Nam vào tháng 2-1993, đã trả lời các nhà báo rằng: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại, nhưng không tìm được. Dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh bị đẩy vào cuộc chiến tranh”.
Tác giả Chu Sơn, một nhà nghiên cứu tự do cũng đã phê phán xác đáng rằng, việc Pháp từ bỏ các thuộc địa châu Phi chỉ diễn ra sau khi quân Pháp đã thất thủ ở Điện Biên Phủ. Điều này không bảo chứng cho một hành động tương tự của thực dân Pháp chỉ mấy năm sau Thế chiến thứ hai kết thúc, mà trái lại do kinh nghiệm tệ hại từ Đông Dương mà sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Pháp đã bất đắc dĩ từ bỏ các thuộc địa ở châu Phi. Và việc Anh trả lại độc lập cho Ấn Độ năm 1947 phải chăng sau khi đã rút được bài học kinh nghiệm bị sa lầy của đồng minh Pháp tại Đông Dương?
Thực tiễn đã chứng minh, không thể có độc lập, tự do bằng cách ngồi chờ đế quốc rủ lòng thương hại. Toàn quốc kháng chiến, quyết bảo vệ độc lập, tự do là mệnh lệnh của non sông, là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, của quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, chiến sĩ Vệ quốc quân năm 1946 phê phán: “Có kẻ ngụy biện rằng: Lẽ ra nhân dân ta tránh được cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nếu như các nhà lãnh đạo Việt Nam “khôn khéo, mềm mỏng hơn” trong quan hệ với Pháp và Mỹ. Có đúng vậy không? Là một người trực tiếp cầm súng tham gia kháng chiến thời điểm đó, tôi khẳng định, đó chỉ là cách đánh tráo khái niệm, là sự xúc phạm hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào, là sự vô ơn đáng bị lên án". Theo chuyên gia lịch sử quân sự, PGS, TS Vũ Như Khôi (Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự): Chỉ 12 ngày sau khi ký bản Hiệp ước Sơ bộ, quân Pháp đã vào chiếm đóng Hà Nội. Trong suốt 6 tháng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có những nỗ lực không mệt mỏi để ký được bản Tạm ước Việt-Pháp về đình chiến vào ngày 14-9-1946, ngay sau thất bại của Hội nghị Fontainebleau. Thế nhưng chỉ 72 ngày sau đó, tàu chiến Pháp đã nã pháo vào Hải Phòng làm 25.000 người thương vong. Một loạt hoạt động quân sự của Pháp sau này đã buộc Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", bắt đầu cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp trong suốt 9 năm ròng.
Bài học chiến tranh và hòa bình
Thượng tá Lê Thanh Bài, Trưởng bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, phân tích: Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề “hiếu chiến”, không hề phát động chiến tranh như các thế lực thù địch xuyên tạc mà đã cố gắng nỗ lực đến tận cùng để gìn giữ nền hòa bình, không ngăn chặn được chiến tranh thì cố gắng trì hoãn chiến tranh… Nhưng thực dân Pháp không cho chúng ta lựa chọn. Cũng không nên mơ hồ ảo tưởng rằng, không có toàn quốc kháng chiến, không cần hy sinh, không cần đổ máu thì sau này cũng có hòa bình, độc lập. Không có một đất nước nào bị đô hộ mà được trao trả độc lập trọn vẹn cả. Cần lưu ý bài học sự kiện Mu-ních năm 1938. Lo sợ phát xít Đức mở rộng chiến tranh, Anh - Pháp đã hội đàm với Hít-le, cắt 30.000m2 đất của Tiệp Khắc cho Đức để có hòa bình. Ông Uyn-xtơn Sớc-sin (Winston Churchill), nghị sĩ Anh thời kỳ đó đã đưa ra phát biểu chí lý, đại ý: “Những kẻ nào quỳ gối chấp nhận sự nhục nhã để né tránh chiến tranh thì cuối cùng sẽ phải nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh”. Sau này, điều ông nói đã thành sự thật vì chỉ 6 tháng sau, Đức bắt đầu tấn công Tiệp Khắc và một năm sau, xe tăng Đức tấn công Ba Lan mở đầu một cuộc chiến tranh lớn.
Bài học về sự lựa chọn nghiệt ngã giữa chiến tranh và hòa bình không chỉ của riêng Việt Nam. Thế hệ hôm nay, trước những luận điệu xét lại lịch sử cũng cần suy xét cách nhìn vấn đề này ở nước Nga gần đây. Dù nước Nga đương đại đã có nhiều đổi khác nhưng trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít diễn ra năm 2015, Tổng thống Nga V.Pu-tin (V.Putin) vẫn khẳng định quyết định đúng đắn của tiền nhân. Ông nói: “Toàn bộ đất nước đa sắc tộc của chúng ta đã vùng lên để chiến đấu vì sự tự do của quê hương. Mọi người đã phải chịu những gánh nặng khốc liệt của chiến tranh. Dân tộc ta đã có chiến công bất tử để bảo vệ đất nước. Chúng ta đã quyết định trước kết quả của Thế chiến thứ hai…”. Ông khẳng định: Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại thực tế là cuộc chiến vì tương lai của cả nhân loại. Cha ông chúng ta đã sống qua những tổn thất, mất mát và đau đớn khôn cùng. Họ vắt kiệt sức lao động trong giới hạn của con người. Họ thậm chí chiến đấu đến chết. Họ là tấm gương cho danh dự và lòng yêu nước thật sự”. Trên tinh thần đó, Tổng thống Nga đã kêu gọi thế hệ hôm nay: “Chúng ta thể hiện lòng kính trọng, niềm biết ơn với tất cả những người đã chiến đấu cho mỗi con phố, từng mái nhà, từng mặt trận để bảo vệ quê hương thân yêu của chúng ta… Công lao to lớn của họ là tiền đề của hòa bình, cuộc sống đúng nghĩa cho các thế hệ sau. Nó khiến họ có thể kiến tạo và tiến về phía trước mà không hề sợ hãi”.
Những bài học lịch sử của Toàn quốc kháng chiến tiếp tục được nhìn nhận sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay. Trong bài viết mới đây đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định, sự kiện Toàn quốc kháng chiến để lại cho chúng ta nhiều bài học to lớn để bảo vệ Tổ quốc. Những ngày Toàn quốc kháng chiến, cũng như suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã phát huy cao độ tinh thần, khí phách, truyền thống yêu nước, giữ nước của cả dân tộc; ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Tuy sự kiện lịch sử trọng đại này đã lùi xa, song ý chí sắt đá, tinh thần ấy vẫn vẹn nguyên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Chúng ta luôn nhận thức, hòa bình phát triển là quý, nhưng không phải là hòa bình bằng mọi giá. Muốn có hòa bình phải chuẩn bị nhiều thứ, kể cả phải sẵn sàng cho chiến tranh. Trong bài viết về Toàn quốc kháng chiến, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng chỉ rõ: Chúng ta luôn "quyết tâm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa", “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”; "... hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và đối sách xử lý hiệu quả các tình huống và trong quan hệ đối ngoại; bảo đảm không bị động, bất ngờ về chiến lược, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa".
NGUYỄN VĂN MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét