Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng

QPTD-Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang là thủ đoạn rất thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam hiện nay. Vì vậy, đấu tranh, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách của các cấp ủy, tổ chức đảng, cần phải được tiến hành đồng bộ các giải pháp.
Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình biến đổi trong mỗi cán bộ, đảng viên từ nhận thức đến hành động, làm cho họ không còn là chính mình nữa, thậm chí chuyển hóa từ tích cực sang tiêu cực, mà nguy hiểm nhất là chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch: “… những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”1. Trước hết, về tư tưởng chính trị, chúng ta thấy, gần đây, qua những “thư ngỏ”, “kiến nghị”, góp ý của một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao đã bộc lộ quan điểm trái chiều, không thống nhất với chủ trương, đường lối của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng, xây dựng xã hội dân sự, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, v.v. Đây là điều đặc biệt nguy hại. Bởi lẽ, khi tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên “có vấn đề” - chệch hướng, thì tất nhiên sẽ làm suy yếu bộ máy của Đảng và Nhà nước, thậm chí bị chia rẽ, suy thoái, nguy cơ sụp đổ của thể chế chính trị. Lời di huấn của V.I. Lê-nin: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta... Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ,…”2 đến nay còn nguyên giá trị. Điều đó lý giải vì sao những năm qua, các thế lực thù địch luôn đặt trọng tâm chống phá quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, chúng tìm mọi cách phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; hạ thấp, nói xấu lãnh tụ, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhằm lung lạc ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Một trong những bài học lớn từ sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cho thấy, các thế lực thù địch thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” đã tiến công mạnh mẽ vào lĩnh vực chính trị, tư tưởng, làm cho những người cộng sản từng bước từ bỏ những nguyên lý, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, của Đảng Cộng sản, dẫn đến đổ vỡ. Vì vậy, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải gắn với đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta.
Từ suy thoái về tư tưởng chính trị cũng có thể chuyển sang suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, dẫn đến tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, bè phái, mất đoàn kết, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân, nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một nẻo, không chấp hành kỷ luật, pháp luật, v.v. Ngược lại, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là vấn đề không thể xem nhẹ. Bởi, đây chính là mảnh đất “mầu mỡ”, khởi đầu cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị, tư tưởng. Điều đáng lo ngại là, sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người có chức, có quyền diễn ra rất phức tạp, nhưng chưa được khắc phục. Những biểu hiện đó không chỉ làm mất uy tín của Đảng, xói mòn niềm tin của nhân dân, mà trở thành lực cản lớn cho sự phát triển đất nước. Nó không được khắc phục dễ dẫn đến sụp đổ của chế độ.
Trên lĩnh vực kinh tế, có cán bộ, đảng viên cho rằng, Đảng không có khả năng lãnh đạo kinh tế, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không thừa nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đòi tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế, xóa bỏ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất để thay thế bằng chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Còn trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, có quan điểm đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, cho rằng: quân đội phải là “lực lượng trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”, chỉ là “công cụ của quốc gia, dân tộc”,… và còn nhiều biểu hiện trên nhiều lĩnh vực khác nữa.
Đối với Đảng bộ Quân đội, mặc dù tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, song, không phải không có những biểu hiện vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, mất đoàn kết, đề cao vai trò của vũ khí, coi nhẹ yếu tố chính trị - tinh thần, xa rời nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội,… ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ. Điều đó, dễ bị kẻ địch lợi dụng, chống phá, làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng, sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên của cán bộ, đảng viên đang thực sự trở thành một trong những nguy cơ hàng đầu đối với sự tồn tại, phát triển của Đảng, chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta, cần sớm được khắc phục. Nguyên nhân của nó, có cả khách quan và chủ quan, trước hết là sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”; song, chủ yếu là do việc quản lý, giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Yêu cầu đặt ra đối với phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, là phòng ngừa, triệt tiêu cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vấn đề này ngày nay, trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, cũng như mỗi tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, cần được tiến hành đồng bộ các chủ trương, giải pháp. Trong đó, thực hiện tốt mấy vấn đề sau:
Một là, kiên quyết đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là điều kiện tiên quyết trong cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp này. Theo đó, toàn Đảng cần kiên trì và chủ động đấu tranh bác bỏ các quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Để giành thắng lợi, mà trước hết là chiến thắng được chính mình, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải được chuẩn bị hành trang về nhận thức, bản lĩnh chính trị và phương pháp luận khoa học, từ đó nâng cao khả năng “tự miễn dịch” từ bên trong, và ngay khi còn là mầm mống. Từng tổ chức, cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó vẫn là hệ tư tưởng tiến bộ, nhân văn nhất, là cơ sở, phương pháp luận để xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, vì hòa bình và hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ của loài người. Trong tuyên truyền, giáo dục, phải nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu, tránh xuôi chiều, nhàm chán, phản cảm. Cùng với đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Qua đó, củng cố niềm tin, kiên định với mục tiêu lý tưởng: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hai là, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo bước chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, không để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đất nước ổn định, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao thì chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động sẽ không có “đất” để tác oai tác quái. Bài học giữ vững ổn định về chính trị, phát triển kinh tế trong những năm đổi mới vừa qua đã khẳng định điều đó. Vì vậy, trong những năm tới, việc tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XII là rất quan trọng. Muốn vậy, trong từng chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội phải được chuẩn bị kỹ, có phản biện khoa học, tránh chủ quan, nóng vội. Những vấn đề mới mang tính toàn cầu, khu vực, quốc gia như: biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sinh thái, giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, quan hệ quốc tế,... Đảng, Nhà nước cần phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa sự tham gia đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, các nhà khoa học, của nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước để có sách lược, chiến lược phù hợp, sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, là giải pháp quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ba là, tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên về mọi mặt, nhất là về đạo đức cách mạng, nâng cao sức tự đề kháng trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự cám dỗ, mua chuộc, lôi kéo của các thế lực thù địch. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiến hành đồng bộ các giải pháp; trong đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng phải được coi là giải pháp cơ bản, thường xuyên, cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên ngay từ khi mới nhen nhóm, phát sinh, với phương châm: “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, tự bảo vệ mình là chính”; thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy trình công tác cán bộ, bảo đảm thực sự dân chủ, khách quan, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đề cao vai trò người đứng đầu, thực hiện nói đi đôi với làm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thực sự mẫu mực về mọi mặt để cán bộ, đảng viên noi theo. Phát huy vai trò tự học, tự rèn của cán bộ, đảng viên, xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định về những điều đảng viên không được làm, v.v.
Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân. Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm bảo đảm cho lực lượng vũ trang thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đó đòi hỏi, phải xây dựng Đảng bộ Quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên chăm lo giáo dục, rèn luyện, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên theo đúng nguyên tắc, Điều lệ Đảng, kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước để họ thực sự là những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, làm nòng cốt xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ở từng cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng đối với bộ đội, làm cho mọi cán bộ, đảng viên luôn thấu triệt đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Trung tướng, PGS, TS. ĐẶNG NAM ĐIỀN, Chính ủy Học viện Hậu cần
_________________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 195.
2 - V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 42, Nxb Tiến Bộ, Mát-xcơ-va 1977, tr. 311.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét