Tham nhũng là vấn nạn của mọi quốc gia trên thế giới. Nhận thức đúng nguy cơ, tác hại của tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chú trọng tiến hành nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng, hạn chế lãng phí, tiêu cực.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt hiệu quả cao bắt nguồn từ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ làm suy kiệt đất nước, mà nguy hại hơn chính là đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng, gây tổn hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; làm tha hóa cán bộ.
Nhìn lại thực tiễn đất nước ta qua các nhiệm kỳ đại hội gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm chính trị cao, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tính từ năm 2006 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội X, XI, XII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ ngày 1-10-2010 đến 30-4-2013, tổng giá trị thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng hơn 17.000 tỷ đồng; tổng giá trị thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đạt 29,45%. Từ năm 2009 đến nay, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý, tiến hành xét xử hàng nghìn vụ với hàng nghìn bị cáo bị truy tố về tội tham nhũng... Kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước; đồng thời, đó cũng là tiêu chí để đánh giá; là thước đo kết quả hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua. Kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng góp phần rất quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời tạo ra khí thế mới, động lực mới, huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ Tổ quốc; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy đã đạt được những kết quả rất quan trọng, nhưng so với yêu cầu đặt ra, so với nguyện vọng của quần chúng nhân dân thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều điều đáng quan tâm. Nghị quyết Đại hội X, XI, XII của Đảng chỉ rõ: Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, còn tiếp tục diễn biến phức tạp; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, khởi tố, điều tra, xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng chưa chặt chẽ, còn hạn chế dẫn đến tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kể cả những vụ án nghiêm trọng, phức tạp bị kéo dài. Công tác thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Việc kê khai tài sản, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức còn hình thức và không thực chất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém nêu trên, nhưng những nguyên nhân chủ quan là quan trọng. Bởi vậy, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở quan điểm, chủ trương lãnh đạo của Đảng, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể, từng cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ: Thu hồi kịp thời với mức cao nhất tài sản bị tham nhũng nhằm khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, góp phần chủ động phòng ngừa, đẩy lùi tham nhũng.
Như vậy, chúng ta thấy rất rõ tác dụng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ góp phần rất quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân; đồng thời là giải pháp quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi vậy, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từng cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp để từ đó kiên quyết, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội. Theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì: Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực... là 2 trong 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Từ những biểu hiện nêu trên có thể thấy, tham nhũng, lãng phí chỉ xảy ra đối với những người, những cán bộ có chức, có quyền. Vì vậy, để chống tham nhũng hiệu quả đòi hỏi lòng dũng cảm, bản lĩnh, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; đặc biệt là phải phát huy được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; của cán bộ, công chức, viên chức ở từng cơ quan, đơn vị.
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc chiến khó khăn, phức tạp, lâu dài, bởi vậy cần có hệ thống giải pháp đồng bộ cả trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; cả trong xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu và có ý nghĩa quyết định là cần phải tiến hành tốt việc công khai, phát huy dân chủ trong thảo luận, quyết định các chủ trương, giải pháp trong từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ cụ thể. Để thực hiện tốt quan điểm trên, từng cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải luôn giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; gắn chặt việc phân công nhiệm vụ với xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong từng lĩnh vực, công việc được giao.
Bài học kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào phát huy được dân chủ, công khai hóa mọi chủ trương, giải pháp; đồng thời giữ vững nguyên tắc trong lãnh đạo, điều hành thì khi đó công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới đạt hiệu quả. Thực hành dân chủ không những phát huy được trí tuệ tập thể, mà còn là hình thức nâng cao chất lượng giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp trong từng lĩnh vực, nhiệm vụ.
Ngọc Long