Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy An Giang biên soạn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. TG trân trọng giới thiệu toàn văn bản Đề cương.   
1. Khái lược về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng
Kết quả hình ảnh cho tôn đức thắng
Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị, đều là những nông dân cần cù, hiền lành, chất phác. Tôn Đức Thắng là con trai đầu lòng cùng một em trai và hai em gái.
Thời thơ ấu, Tôn Đức Thắng được gia đình cho học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Truyền thống quê hương và những tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp của nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Tuấn Kiều… đã in sâu trong tâm hồn Tôn Đức Thắng, thắp lên trong lòng cậu học trò những dự định lớn lao.
Sau tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên (năm 1906); năm 1907 Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn với ý định học việc và thực hiện hoài bão cuộc đời.
Vốn thông minh, có tính độc lập cao, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người, Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Nhận ra sức mạnh và những bất công mà giai cấp công nhân phải chịu đựng, càng giúp Tôn Đức Thắng thêm quyết tâm thực hiện lý tưởng, khát vọng làm những việc hữu ích cho đất nước, cho dân tộc và giai cấp công nhân.
Năm 1909, Tôn Đức Thắng tham gia vận động anh em học sinh lính thuỷ bãi khóa. Năm 1910, tham gia vận động anh chị em công nhân Sở Kiến trúc cầu đường và nhà ở Sài Gòn chống bọn chủ, cai, đánh đập vô lý và đòi tăng lương. Năm 1912, tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh trường Cơ khí Á châu (trường Bá Nghệ Sài Gòn) bãi khoá. Thắng lợi của cuộc đấu tranh bãi công đó đã tiếp thêm niềm tin cho Tôn Đức Thắng vào sức mạnh của giai cấp công nhân và đem lại những kinh nghiệm bước đầu trong việc vận động đoàn kết, tập hợp công nhân chống lại bọn tư bản thực dân.
Năm 1915, Tôn Đức Thắng vào học trường Cơ khí Á châu ở Sài Gòn. Năm 1916, Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm Phơ-răng-xơ (France). Tại đây, Tôn Đức Thắng đã tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phơ-răng-xơ ở Biển Đen vào ngày 20/4/1919 và sau đó bị trục xuất khỏi nước Pháp.
Năm 1920, trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và phong trào của giai cấp công nhân, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn - hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân nước ta từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức.
Tháng 8/1925, Tôn Đức Thắng cùng Công hội đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son giành được thắng lợi.
Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (một tổ chức tiền thân của Đảng ta); cũng trong năm đó, đồng chí được cử làm Uỷ viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Tháng 7/1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn (Sài Gòn), sau đó bị kết án 20 năm khổ sai, tháng 7/1930, bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, đồng chí đã tham gia vận động thành lập chi bộ cộng sản nhà tù Côn Đảo và là một trong những Chi uỷ viên đầu tiên.
Ngày 23/9/1945, từ Côn Đảo trở về, ngày 15/10/1945, đồng chí được bầu vào Xứ uỷ Nam Kỳ, phụ trách Uỷ ban kháng chiến, chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Tháng 12/1945, Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam và các Khu 7, 8, 9 được thành lập, đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức hậu cần.
Ngày 06/01/1946, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I. Tháng 2/1946, được điều động ra Hà Nội để cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc. Ngày 16/4/1946, được cử làm Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội sang thăm Pháp. Tháng 5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập, đồng chí được bầu là Phó Hội trưởng. Ngày 28/10/1946, đồng chí được bầu làm Trưởng đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I và kết thúc kỳ họp, được bầu là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Ngày 30/4/1947, được giao đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhưng đến ngày 25/7/1947, đồng chí đã xin từ chức, nhường chức vụ trên cho các nhân sĩ yêu nước. Ngày 04/8/1947, đồng chí được bầu làm Thanh tra đặc biệt toàn quốc.
Tháng 01/1948, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng đã bầu bổ sung đồng chí Tôn Đức Thắng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cùng năm, được cử làm Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc; Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Ngày 17/5/1950, Hội hữu nghị Việt - Xô được thành lập, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội.
Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3/1951, tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt).
Tháng 9/1955, đồng chí được phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 27/2/1957, đồng chí được cử làm Trưởng ban chỉ đạo thanh toán nạn mù chữ Trung ương.
Ngày 15/7/1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá II, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 2/9/1969, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá III, đồng chí được bầu là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Ngày 30/3/1980, đồng chí Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị. Trên 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, được Đảng, Nhà nước ta trao tặng Huân chương Đại đoàn kết; được Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ trao tặng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Mông Cổ, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu Ba trao tặng Huân chương Hữu nghị Cu Ba, Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin - Huân chương cao nhất của Liên Xô,… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
2. Những cống hiến to lớn của đồng chí Tôn Đức Thắng với cách mạng Việt Nam và thế giới
2.1. Đồng chí Tôn Đức Thắng là người thành lập Công hội bí mật - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam; góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Kết quả hình ảnh cho tôn đức thắng
Năm 1920, trở về Sài Gòn, bằng tình cảm yêu mến, sự giác ngộ về Cách mạng Tháng Mười Nga và Nhà nước Xô Viết cùng với những kinh nghiệm trong tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng với những người bạn chiến đấu, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Công hội bí mật được thành lập, đánh đấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức.
Từ khi thành lập, Công hội đã liên tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn, mà điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (8/1925). Trong những năm 1926 - 1927, Công hội Sài Gòn là cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả xứ Nam Kỳ. Khi Kỳ bộ Nam Kỳ thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân. Với chức trách được giao, đồng chí đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) đã khẳng định hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những học trò của Người trong sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Tại Sài Gòn, quá trình đó diễn ra thuận lợi vì có sự hoạt động tích cực của Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập. Công hội của đồng chí đã bắc nhịp cầu đưa chủ nghĩa Mác - Lênin đến với giai cấp công nhân. Chính sứ mệnh đó, đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ là chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân, một trong những người sáng lập tổ chức công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam, mà còn “là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta”.
2.2. Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, sáng ngời đạo đức cách mạng
Kết quả hình ảnh cho tôn đức thắng
Tháng 7/1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn) và một năm sau bị đày ra Côn Đảo. Gần mười bảy năm bị giam ở ngục tù đế quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ là một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí đã đề xướng việc thành lập Hội cứu tế tù nhân - hội tù Côn Đảo đầu tiên; góp phần quan trọng vào việc thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của tù nhân Côn Đảo, thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp, với mục tiêu cụ thể trước mắt và lâu dài. Đặc biệt khi Chi bộ thực hiện chủ trương biến “nhà tù thành trường học cộng sản”, đồng chí Tôn Đức Thắng tích cực hưởng ứng, gương mẫu học tập và tham gia vào truyền bá những kiến thức về lý luận cơ bản và nội dung huấn luyện cho các tù nhân. Nhờ sự bí mật, khôn khéo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã giúp Chi bộ vừa chuyển được thư từ, tài liệu ở Côn Đảo về Sài Gòn, vừa nhận được nhiều sách lý luận gồm những tác phẩm kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin... dùng làm tài liệu học tập trong tù.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939), dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Hội tù nhân do đồng chí Tôn Đức Thắng chỉ huy đã có nhiều hình thức và tổ chức hoạt động phong phú phù hợp với hoàn cảnh mới. Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện; chớp thời cơ, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tinh thần đó, Đảng ủy Côn Đảo chủ trương đoàn kết các lực lượng tù chính trị trên đảo giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Đồng chí Tôn Đức Thắng được cử vào đoàn đại biểu đến gặp Quản đốc Lê Văn Trà, buộc Trà phải đồng ý một số vấn đề như: tổ chức chính quyền liên hiệp trên đảo, sửa chữa vô tuyến điện, sửa chữa radio để nghe tin tức, sửa chữa canô để đưa đại biểu về đất liền xin ý kiến của Chính phủ...
Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để vượt qua sự khốc liệt của ngục tù đế quốc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và kẻ thù khiếp sợ.
2.3. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh
Kết quả hình ảnh cho tôn đức thắngNăm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, từ Côn Đảo trở về đất liền, đồng chí Tôn Đức Thắng được Đảng và Nhà nước ta tin tưởng giao nhiều trọng trách: Phụ trách Ủy ban Kháng chiến kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Nam bộ, Phó Hội trưởng và Hội trưởng Hội Liên Việt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Đồng chí là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt - Xô. Ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nêu cao ý thức, tổ chức kỷ luật của người đảng viên Đảng Cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng, gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi, chịu xào, ý thức trách nhiệm cao với công việc; không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị; nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng chí là một mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đồng chí đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và ra sức xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mặc dù tuổi cao, đồng chí luôn luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Hơn 60 năm hoạt động, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng bào, hiến dâng cả đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh.
2.4. Đồng chí Tôn Đức Thắng là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kết quả hình ảnh cho tôn đức thắng
Hơn 30 năm liên tục trực tiếp lãnh đạo tổ chức xây dựng, mở rộng, phát triển Mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đóng góp quan trọng và đặc biệt xuất sắc trong việc bồi đắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hình ảnh đồng chí Tôn Đức Thắng sâu đậm về uy tín và đức độ. Đồng chí đã có những đóng góp quý giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta.
Nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn khẳng định vai trò quyết định của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần xử lý và giải quyết thành công trong cả lý luận và thực tiễn mối quan hệ giữa dân tộc - giai cấp, mối quan hệ giữa quyền lợi của dân tộc với lợi ích của bộ phận để xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ rằng, Đảng phải nắm bắt và phân tích sâu sắc sự vận động của những điều kiện lịch sử dân tộc và thời đại để làm rõ và xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc - giai cấp, xác định đúng “những điểm chung cho toàn thể dân tộc” - theo tư tưởng Hồ Chí Minh - trong nội dung các khẩu hiệu chiến lược của cách mạng để tập hợp được lực lượng, đoàn kết dân tộc ở mỗi thời kỳ, để định hướng trong tổ chức, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân và trong việc “điều giải một cách hợp lý” mâu thuẫn và quyền lợi giữa các giai cấp... nhằm phát huy tối đa, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta.
Tổng kết từ thực tế, đồng chí đã chỉ ra rằng: “không phải như một số đồng chí hiểu lầm rằng công tác mặt trận do ngành mặt trận chuyên trách, mà trái lại, toàn Đảng phải chăm lo”. Trong công tác mặt trận phải “nêu cao sự lãnh đạo của Đảng”, phải nắm vững nguyên tắc “Quyền lãnh đạo của Đảng quyết không thể chia sẻ cho ai, quyết không thể làm lu mờ được”. Đồng chí Tôn Đức Thắng khẳng định: Vấn đề hàng đầu để đoàn kết toàn dân là phải đoàn kết từ trong nội bộ Đảng và sự đoàn kết đó không chỉ là sự thống nhất tư tưởng, hành động trong thực hiện đường lối của Đảng mà còn là tình cảm tôn trọng, yêu mến, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người đảng viên cộng sản. Theo đồng chí, “phương pháp duy nhất giúp ta thành tựu ý muốn ấy là tự chỉ trích và thân ái chỉ trích bạn mình”. “Đảng ta cần phải liên hệ tốt với quần chúng, cần phải đoàn kết chung quanh Đảng các giai cấp, các tầng lớp nhân dân cách mạng” và cùng với việc đề ra đường lối, chính sách đúng, Đảng phải có phương thức, lề lối làm việc dân chủ để mọi thành viên trong mặt trận đều được bàn bạc, thống nhất hành động. Đối với những công việc chung, đồng chí cho rằng, cần phải bàn bạc dân chủ, lắng nghe ý kiến của mọi người. Ý kiến đúng chúng ta hoan nghênh, ý kiến sai phải giải thích và thực hiện phương pháp thân ái, tự phê bình trong nội bộ Mặt trận; phải nắm vững nguyên tắc: “Đối với bạn đồng minh, phải vừa đoàn kết, đoàn kết để giữ vững mặt trận cách mạng, đấu tranh để đi đến đoàn kết cao hơn, không thể đoàn kết một chiều, thủ tiêu đấu tranh, cũng không thể đấu tranh vô nguyên tắc ảnh hưởng đến đoàn kết” nhưng phải “tiến hành đấu tranh trong nội bộ mặt trận một cách có lợi, có lý, có chừng mực để chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc xâm lược”.
Do vậy, Đảng phải không ngừng nâng cao trí tuệ, hoàn thiện sự lãnh đạo của mình để xứng đáng là người lãnh đạo chính trị đối với xã hội, lãnh đạo khối đại đoàn kết dân tộc, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. Đó là tư tưởng và cũng là bài học có tính thời sự hết sức quý báu mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho chúng ta.
2.5. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một chiến sĩ quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội
Kết quả hình ảnh cho tôn đức thắngĐồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những công nhân Việt Nam đầu tiên hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy của hải quân Pháp ở Biển Đen, kéo lá cờ đỏ trên một chiến hạm Pháp (tháng 4/1919), ủng hộ nước Nga (Xô Viết) - nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, chống sự can thiệp vũ trang của bọn đế quốc đối với Nhà nước Xô Viết non trẻ. Với những việc đó, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trở thành một gạch nối của Cách mạng Nga với Cách mạng Việt Nam, nối liền Cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.
 Trên 60 năm hoạt động cách mạng, với nhiều cống hiến trọn vẹn, liên tục, có hiệu quả cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thuỷ chung, được bạn bè thế giới ghi nhận và tôn vinh. Đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam; Uỷ viên Hội đồng hoà bình thế giới; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Xô. Trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn chăm lo đến tình đoàn kết quốc tế, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân ta với bầu bạn trên thế giới. Trong các hoạt động của mình, đồng chí luôn tranh thủ mọi điều kiện, mọi thời điểm lịch sử để giúp nhân dân tiến bộ trên thế giới thấy rõ bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đồng thời bày tỏ khát vọng hòa bình, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, kêu gọi nhân dân thế giới giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  
Với công lao, đóng góp to lớn cho phong trào hoà bình thế giới, đồng chí vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được Uỷ ban Giải thưởng hoà bình quốc tế Stalin của Liên Xô trao tặng Giải thưởng Stalin “Về sự nghiệp củng cố hoà bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc” vào tháng 12/1955 (sau này mang tên là Giải thưởng Lênin); được Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và huân chương hữu nghị của nhiều nước.
3. Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ và nhân dân An Giang cùng cả nước quyết tâm học tập tấm gương đồng chí Tôn Đức Thắng
Kết quả hình ảnh cho tôn đức thắng
An Giang tự hào là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong suốt 88 năm qua, Đảng bộ và nhân dân An Giang luôn kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta. Đặc biệt, trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ An Giang đã không ngừng vận dụng và cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương và đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực và các mặt công tác.
Để đưa An Giang phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu chung: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy dân chủ, kỷ cương, khai thác mạnh mẽ lợi thế trong liên kết vùng và lợi thế so sánh của địa phương, huy động nguồn lực xã hội và tranh thủ ngoại lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình của cả nước, đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm khá của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long”. Với 3 khâu đột phá: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đổi mới mạnh mẽ khâu tuyển chọn, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các cấp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư; đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Trong hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu và giành được những kết quả bước đầu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Chỉ tính riêng năm 2017, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những tác động tiêu cực, bất thường của biến đổi khí hậu nhưng tỉnh An Giang đã đạt và vượt 17/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng 5,11%, cao hơn mức tăng của năm 2015: 5,04% và năm 2016: 4,47%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và dần ổn định: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 30,90%; công nghiệp và xây dựng chiếm 14,21%; dịch vụ chiếm 53,30%. Toàn tỉnh có 799 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 3.805 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2017 là 8.568 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 49.297 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút 86 dự án đầu tư, gồm: 03 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 83 dự án đầu tư trong nước; tổng vốn đăng ký là 15.168 tỷ đồng. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 820 triệu USD, so kế hoạch đạt 100% và so cùng kỳ tăng khoảng 17%. Nhập khẩu đạt 145 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ và đạt 100% so kế hoạch. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 5.930 tỷ đồng, đạt 109,71% so dự toán, bằng 115,53% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ có sự chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm. Công tác đào tạo và dạy nghề được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề được nâng lên, từ 38,8% năm 2016 lên 42,5% năm 2017. Các ngành, các cấp đã tổ chức và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các dự án, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... với tổng vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 2.032 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ không ngừng nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
***
130 năm Ngày sinh Bác Tôn
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đồng chí - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hộiĐây cũng là dịp để chúng ta học tập, làm theo đồng chí Tôn Đức Thắng - một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy An Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét