Hôm 31/10, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra phiên tòa xét xử 30 bị cáo về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Đây là những người đã tham gia vào vụ tấn công, đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận hôm 10/6. Mức án mà các bị cáo bị xét xử trong phiên tòa lần này từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù giam.
Hậu quả pháp lý mà các bị cáo phải gánh chịu là sự trả giá cho những mơ hồ trong nhận thức, để kẻ xấu lôi kéo, kích động, xúi giục và với nhiều trường hợp là vì cám dỗ vật chất mà vướng vào vòng lao lý. Khi vụ việc xảy ra, nhiều thông tin cho rằng những người này vì bức xúc, phản đối luật an ninh mạng và luật đặc khu mà có những hành động quá khích, bạo lực như vậy.
Đó chẳng qua là sự ngụy biện cho những hành vi coi thường pháp luật, gây rối trật tự công cộng. Bởi lẽ, hầu hết những người tham gia đập phá, tấn công trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận bị xét xử trong phiên tòa này còn chưa biết đến nội dung cụ thể của các dự thảo luật đặc khu, luật an ninh mạng vào thời điểm đó. Sự mơ hồ trong nhận thức, tâm lý đám đông đã trở thành cơ hội để những kẻ xấu, nhất là thành viên của các tổ chức phản động lưu vong kích động, xúi giục, lôi kéo vào những hoạt động gây rối, làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị của đất nước.
Vụ việc trên là bài học cho sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và không loại trừ những cám dỗ vật chất mà trở thành “công cụ” cho các âm mưu chống phá đất nước, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Công dân luôn có quyền thể hiện chính kiến đối những vấn đề của đất nước nhưng sự đóng góp, xây dựng phải đúng cách và phải tôn trọng pháp luật. Tuyệt đối không mơ hồ trong nhận thức, thiếu lý trí để bị kích động vào các hoạt động chống phá nhà nước dưới danh nghĩa, vỏ bọc là “yêu nước”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét