Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh
được thể hiện ở những nội dung chính sau:
Một là, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ,
tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh
được biểu hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ. Từ soạn thảo “Tuyên ngôn
độc lập” đến viết một bài báo,…Người đều tham khảo ý kiến của Bộ Chính
trị, hay những người xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết
định. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học-kỹ
thuật,…Người đều dựa vào đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và
Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính
sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được cân nhắc, lựa chọn thận
trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung.
Hai là, đi đúng đường lối quần chúng,“lắng nghe ý kiến của
đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Người yêu cầu và
luôn thực hiện người lãnh đạo phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, từ dân chủ
trong Đảng đến dân chủ trong các cơ quan đại biểu của dân, thực hiện đường lối
quần chúng. Người năng đi xuống cơ sở, để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của
quần chúng, chứ không phải để huấn thị cấp dưới. Theo Người, phải biết động
viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”,
tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ
nghe sự thật.
Ba là, phải tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cho tốt. Theo
Hồ Chí Minh, sau khi nghị quyết đã được ban hành, phải tổ chức tốt để nghị
quyết đi vào cuộc sống; điều đó gắn liền với công việc kiểm tra, kiểm soát.
Muốn tốt, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”. Sở dĩ sự thật còn bị bưng bít
vì sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt
chẽ, tệ quan liêu còn “nồng”.
Trong thực tiễn, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tác phong kiểm tra sâu
sát. Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ tính trong vòng 10
năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công
việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công
trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội,…từ miền núi đến hải đảo, để thăm
hỏi chiến sĩ và đồng bào, để xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi
năm, có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần lãnh tụ gặp
gỡ quần chúng.
Ngoài ra, hằng ngày Người đều đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi lên, thấy
có những ý kiến hay, cần tiếp thu, những việc gấp cần giải quyết, Người đều
dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu
nghiên cứu và giải quyết.
Bốn là, về phong cách nêu gương, Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói
chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương
sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi, mỗi
cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc,
mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm là
một nội dung đạo đức truyền thống của dân tộc. Kế thừa truyền thống đạo đức của
dân tộc, Hồ Chí Minh đã nêu thành một nội dung của tư cách người cách mạng. Nói
đi đôi với làm đối lập với nói mà không làm của những người hứa suông, hoặc
“nói một đàng làm một nẻo” của những kẻ cơ hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét