Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

QUÂN ĐỘI THAM GIA LAO ĐỘNG SẢN XUẤT, TẠI SAO KHÔNG?


Xét về bản chất, Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Việc tăng gia sản xuất đã là truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến, hễ đi đến đâu là cán bộ, chiến sĩ quân đội đều phải trồng trọt, dù rằng đơn vị có di chuyển đến địa điểm khác vẫn phải trồng trọt. Làm như vậy để tạo ra nguồn hậu cần tại chỗ cho đơn vị khác khi đến có nguồn sử dụng, đảm bảo sức khỏe và chiến đấu giành thắng lợi. Trong hòa bình, với bản chất, truyền thống của Quân đội ta việc tiếp tục tăng gia sản xuất cũng rất cần thiết. Về chức năng, Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Vẫn biết rằng, Quân đội là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, nhưng không có nghĩa là không tham gia xây dựng đất nước. Thông qua thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất, quân đội đã và đang tăng cường tiềm lực quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các đơn vị quân đội thường xuyên tổ chức tăng gia sản xuất đáp ứng yêu cầu phần lớn rau xanh và một phần quan trọng thực phẩm bổ sung cho bữa ăn của bộ đội lại không cần thiết sao? Doanh nghiệp quân đội với hai loại hình: (1). Loại doanh nghiệp thuần túy kinh tế thì phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bình đẳng như các doanh nghiệp dân sinh khác. (2). Loại hình doanh nghiệp quốc phòng, trong thời bình phải tham gia sản xuất dân sinh, khi thời chiến thì chuyển sang sản xuất quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nếu các doanh nghiệp quốc phòng này không sản xuất dân sinh thì không có nguồn kinh phí hoạt động, phải trông chờ vào nguồn ngân sách quốc phòng eo hẹp thì còn đâu nguồn vốn đầu tư cho hiện đại hóa quân đội? Mặt khác, có sản xuất dân sinh thì mới đảm bảo cuộc sống của công nhân quốc phòng và điều quan trọng là giữ gìn tay nghề của nguồn nhân lực này, nếu không thì không thể xoay sở kịp khi có yêu cầu sản xuất quốc phòng. Hơn nữa, một số lĩnh vực quân đội không thực hiện thì khó có lực lượng nào thực hiện được. Chẳng hạn, một số lĩnh vực sản xuất quốc phòng thì phải do doanh nghiệp quốc phòng đảm nhiệm, vừa đảm bảo bí mật quân sự, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Quân đội cũng được Chính phủ giao xóa đói giảm nghèo ở các huyện khó khăn nhất trong số 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30 a của Chính phủ.

Với việc xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng - an ninh, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã phối hợp với địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư, tạo việc làm, điều kiện bền vững cho các hộ dân định cư lâu dài, hình thành các điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, địa bàn xung yếu, tạo thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn, hướng chiến lược. Từ năm 2000 đến nay, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã đỡ đầu, đón nhận trên 101.000 hộ dân vào sinh sống, lập nghiệp trong các khu kinh tế - quốc phòng; xây dựng mới 536 điểm dân cư tập trung với trên 32.000 hộ dân; xóa 344 thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố, giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đi vào hoạt động nền nếp có hiệu quả, v.v. Điều đó tạo ra nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động các binh đoàn 15, 16 làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng trên biên giới Nam Trung Bộ và biên giới phía Tây Nam Tổ quốc chẳng nhẽ lại không cần sao? Vì thế, ai đó cho rằng, Quân đội chỉ tập trung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà không tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế là không có cơ sở./.
(Trí Hiếu)

1 nhận xét: