Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019


GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
HỘI TỤ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

Trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Đền Hùng và ngày Giỗ tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. 
Từ hàng ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều tỉnh trong cả nước. 
 Theo dòng lịch sử ngày Giỗ Tổ Hùng Vương dù được tổ chức dưới hình thức sơ khai nhất cũng đã cách ngày nay hơn 2.000 năm. Bắt đầu từ An Dương Vương-Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thề: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và  gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. Đến thời Hồng Đức năm thứ nhất (1470), Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyên Cố đã soạn “Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời Thánh Vương Triều Hùng”  thì vị thế Đền Hùng thờ các Vua Hùng được xác lập vững vàng trên nền tảng pháp lý của Nhà nước quân chủ phong kiến Việt Nam. Đầu thế XX, dưới triều Nguyễn, năm 1917 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp. Thay vì ý thức hệ tâm linh và truyền thống văn hóa dân tộc.
Từ khi nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng- Tổ tiên chung của dân tộc và đầu tư nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên chung của dân tộc. 
Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL- CTN cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày giỗ Tổ năm Bính Tuất- 1946 cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Do cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1945-1954) đã gây cản trở cho việc thực hiện Sắc lệnh 22/SL- CTN; nước chưa bình yên, dân chưa hạnh phúc, công chức chưa được nghỉ lễ trong ngày giỗ Tổ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng (năm 1954 và 1962). Ngày 19/9/1954, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng. Tại đây, Người đã gặp gỡ và nói chuyện 19/9/1954với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Người căn dặn "Các Vua Hùng đã có công dựng nước.Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". 
Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung điều 73 của Luật Lao động, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10/3 âm lịch) để tham gia các hoạt động hướng về cội nguồn, nhằm củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, trong ngày Giỗ tổ, triệu triệu lượt đồng bào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng dù ở nơi đâu vẫn hướng về đất Tổ, cùng hành hương về Đền Hùng thành kính tri ân công đức Các Vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam thể hiện đức tin về Tổ tiên, thắp nén tâm nhang tại lăng Hùng Vương cầu mong cho đất nước luôn thái bình, thịnh trị và muôn dân được ấm no, hạnh phúc. 
Dù ai đi ngước về xuôi 
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba 
Khắp miền truyền mãi câu ca 
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

Ngày nay, Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ lớn - Quốc Lễ của cả nước và được Chính phủ quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương theo năm chẵn, năm tròn và năm lẻ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn Nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương về tổ chức nghi lễ đối với tỉnh Phú Thọ (nơi có Di tích lịch sử Đền Hùng) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đền thờ Vua Hùng, các di tích liên quan đến các Vua Hùng và những địa phương không có đền thờ Vua Hùng tổ chức nội dung và nghi lễ trong ngày Giỗ tổ 10/3 về lễ phẩm (gồm bánh Chưng, bánh Giầy và hương, hoa, nước, trầu, cau...); quy định trang phục của Chủ lễ, các đại biểu dự lễ; nhạc lễ sử dụng trong Lễ dâng hương tưởng niệm Các Vua Hùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt và thống nhất sử dụng trong toàn quốc.
Tại kỳ họp thứ 7 của Tổ chức UNESCO, ngày 6/12/2012, với sự đồng thuận của 24/24 nước trong Ủy ban liên chính phủ thực hiện Công ước 2003 UNESCO đã chính thức thông qua đề cử và vinh danh “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh giá trị đại diện toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng Các Vua Hùng - Ông Tổ chung của cả dân tộc trước nhân loại, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta. 
Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn An, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, v.v... và nhiều đồng chí khác đã nhiều lần đến Đền Hùng thắp hương tưởng nhớ và trồng cây lưu niệm trong khu rừng quốc gia Đền Hùng. Và gần đây nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và dâng hương tại đền Hùng.
Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức từ ngày 1/3 đến 10/3 âm lịch (tức từ ngày 5/4 đến ngày 14/4) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo đó, Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ sẽ được diễn ra vào ngày 6/3 âm lịch; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 âm lịch. Bên cạnh đó, các lễ: Dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”, rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch. Chương trình khai hội được tổ chức ngày 8/3 âm lịch (tức ngày 12/4).
Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trải dài từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì: Hội trại văn hóa của các huyện, thành, thị trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Trưng bày hoa, cây cảnh tại thành phố Việt Trì; Tổ chức ngày Hội sách Đất Tổ; Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng; Hội chợ Thương mại và giới thiệu sản phẩm các vùng miền năm 2019 tại thành phố Việt Trì; Hội thi bơi Chải truyền thống trên sông Lô; Các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống: Bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ; Khai mạc giải bóng đá phong trào tỉnh Phú Thọ; Giải bóng chuyền các đội mạnh cúp Hùng Vương...Đại diện Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng cho biết lượng du khách thập phương về Khu di tích lịch sử Đền Hùng dâng hương bái Tổ ngày càng tăng. Theo thống kê, từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay đã có hàng vạn lượt du khách hành hương về Đền Hùng, lượng du khách tiếp tục tăng nhanh khi ngày Giỗ Tổ đang đến gần. Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự cho Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức trang nghiêm, an toàn.
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm, về Đền Hùng thành kính thắp nén tâm nhang tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, thể hiện triết lý “Con người có Tổ, có Tông như cây có cội, như sông có nguồn” . Dân tộc Việt Nam cùng một bọc mẹ sinh ra, luôn đoàn kết gắn bó keo sơn chặt chẽ, dân tộc Việt Nam cùng một dòng máu Lạc Hồng được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác - là bản sắc văn hóa độc đáo, rất riêng của dân tộc Việt Nam cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại.
Kế thừa truyền thống và đạo lý tốt đẹp đó, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yếu, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên chiến sĩ Học viện Hậu cần luôn đoàn kết một lòng, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Học viện ngày càng lớn mạnh, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc ta./.
                               
BUI DINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét