Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà
đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta trải qua 21 năm, là kết quả tổng
hợp của nhiều nhân tố, trong đó, nắm bắt thời cơ chiến lược và sự lãnh đạo tài
tình, sáng suốt của Đảng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Nhờ đánh giá đúng tình hình thực tế, dự đoán chính xác
thời cơ, diễn biến tình hình và chủ động, tích cực tạo ra tình thế chín muồi có
lợi cho ta. Vì vậy, năm 1972, quân và dân ta đồng loạt mở các cuộc tấn công
chiến lược ở miền Nam, đánh chiếm thị xã Quảng Trị, các căn cứ Đông Hà, Đắc Tô
– Tân Cảnh ở Kon Tum, thị trấn Lộc Ninh ở Bình Phước,… Cùng với đó, với chiến
thắng “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, quân và dân ta đã buộc đế quốc Mỹ
phải ký hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Ngay sau đó, chính quyền Sài Gòn đã vi phạm hiệp định
Paris, xua lính đi lấn đất, giành dân. Do mất chỗ dựa là “quan thầy” Mỹ và bị
quân giải phóng đánh trả quyết liệt, tình thế của Ngụy quân Sài Gòn ngày càng
suy yếu nghiêm trọng. Cuối năm 1973 – 1974, khí thế của quân và dân ta ngày
càng mạnh, một số quân đoàn chủ lực của ta (quân đoàn 1, quân đoàn 2, quân đoàn
4) lần lượt ra đời, đã tiếp thêm sức mạnh cho chiến trường miền Nam.
Vào mùa khô 1974 – 1975, quân và dân miền Nam đồng
lọat mở cao điểm tấn công và nổi dậy dành thắng lợi. Cột mốc đánh dấu tinh thần
mới, khí thế mới của quân và dân ta là chiến thắng Phước Long ngày 6/1/1975.
Chiến thắng này là một đòn trinh sát chiến lược rất quan trọng cho tổng công
kích, đồng thời là liều thuốc thử rất hiệu nghiệm để đo sự phản ứng của Mỹ và
khả năng phòng ngự của quân ngụy Sài Gòn trước tình thế phát triển nhanh chóng
của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, bắt đầu từ chiến thắng Phước Long, thời cơ để
“đánh cho Ngụy nhào” của quân và dân ta đã đến gần.
Trước tình hình ấy, từ ngày 30/9 đến 8/10 năm 1974, Bộ
Chính trị ta đã họp và nhận định: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ, 20 năm
chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp
giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Dựa trên những thông tin chính xác
và tình thế cách mạng Việt Nam ngày càng có lợi cho ta, Bộ Chính trị đã quyết
định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976 với quyết tâm chiến lược là
“phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để và khôn khéo để gây bất ngờ. Vì vậy, cả
nước phải khẩn trương chuẩn bị, ra sức, động viên những nỗ lực lớn nhất
của cả hai miền Nam – Bắc, để tổng tiến công và nổi dậy nhằm tiêu diệt và làm
tan rã bộ máy Ngụy quyền sài Gòn, đánh tan bộ máy Ngụy quyền ở trung ương và
các cấp, giành cho được chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước, thực hiện lời dạy của Bác “Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn”.
Việc chọn thời cơ chiến lược và giải phóng miền Nam vào năm 1974 – 1975 là một
quyết định táo bạo, dũng cảm, quyết đoán và sáng tạo của Đảng ta, trên cơ sở đã
cân nhắc kỹ lưỡng diễn biến tình hình của chiến trường miền Nam, đánh giá đúng
thực lực của Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn và sự bất lực của chính quyền Mỹ đối
với chính quyền Sài Gòn.
Mặt khác, dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, lãnh đạo, đấu
tranh cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã tích lũy từ cách mạng tháng Tám, qua
9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và hơn 20 năm chiến đấu trên chiến trường
miền Nam; đồng thời là việc quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng, giải quyết
mối quan hệ trong tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch trong nước và
trên thế giới để biến thời cơ thuận lợi cho ta. Trong đó, việc đánh giá chính
xác sự bất lực của đế quốc Mỹ và khả năng không thể quay trở lại miền Nam của
Mỹ cũng như sự suy yếu cả về vật chất lẫn tinh thần của Ngụy quyền Sài Gòn.
Trước tình thế diễn biến nhanh chóng trên chiến trường
miền Nam có lợi cho ta, ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị đã họp và đánh giá kỹ lưỡng
tình hình chiến trường miền Nam từ sau Hiệp định Paris và sáng suốt nhận định
rằng, tình thế và thời cơ chiến lược đã chín muồi đối với Cách mạng Việt Nam.
Quân và dân ta đã chủ động trên khắp các chiến trường, các binh đoàn chủ lực,
cơ động của quân đội ta đã được xây dựng và phát triển ngày càng mạnh mẽ, phong
trào đấu tranh đòi giải phóng miền Nam của đồng bảo cả nước ngày càng dâng cao.
Cùng lúc đó, quân và dân ta lại được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các lực
lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Trong bối cảnh ấy, chính quyền Sài Gòn từ thế chủ động
đã rơi vào thế phòng ngự, sức kìm kẹp, chống phá quân và dân ta đã rơi vào thế
suy giảm nghiêm trọng, khả năng cơ động, trình độ hiệp đồng các binh chủng
xuống mức thấp, tinh thần của binh lính Ngụy sa sút; mối liên hệ giữa các vùng
chiếm đóng bị chia cắt, kế hoạch “bình định” của chính quyền Sài Gòn từng bước
bị phá sản, tình hình kinh tế, chính trị, quân sự ngày càng khó khăn, rối loạn,
lâm vào đường cùng, ngõ cụt, hoàn toàn bế tắc. Đánh giá đúng tình hình địch và
ưu thế nổi trội của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, phân tích kỹ
lưỡng tình hình thế giới và khu vực, nhất là sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ với
chính quyền Sài Gòn, Bộ Chính trị đã đặt quyết tâm gấp rút chuẩn bị mọi điều
kiện để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong năm 1975 – 1976.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị vạch ra chủ trương, kế
hoạch, nhiệm vụ tác chiến của đồng bào, chiến sĩ cả nước và chỉ rõ mục tiêu và
nhiệm vụ chiến lược của chiến trường miền Nam trong năm 1975 và các năm
tiếp theo. Trong đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh: Phải nắm vững diễn biến của chiến
trường miền Nam, kịp thời nắm bắt thời cơ đến, mở nhiều chiến dịch tổng hợp,
liên tiếp, đánh những trận quyết định để sớm kết thúc cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất Nam – Bắc một
nhà xum họp. Bộ Chính trị cũng xác định nhiệm vụ cụ thể cho chiến trường miền
Nam là quyết tâm đánh bại kế hoạch “bình định” ở đồng bằng Nam Bộ và Trung Bộ
của Nguỵ quyền, phát triển nhanh, mạnh, rộng khắp phong trào đấu tranh chính
trị đòi hòa bình, hòa hợp dân tộc, tăng cường công tác vận động quần chúng,
nhất là công tác binh vận, đẩy mạnh phá hủy các phương tiện hậu cần, kho tàng,
vũ khí của chính quyền Sài Gòn, làm cho chúng ngày càng lâm vào tình thế bị
động, mất sức chiến đấu. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ miền Bắc phải nêu
cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất để giữ vững thành
quả cách mạng và cung cấp đầy đủ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc, dân
chủ ở miền Nam ngày 20/1/1975. Trong đó, chỉ rõ quân và dân ta đang đứng trước
thời cơ chiến lược lớn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần phải chủ động,
tích cực khi thời cơ đến để thực hiện tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn
toàn miền Nam, thống nhất đất nước, sức sống của Nghị quyết này đã thấm sâu vào
từng cán bộ, chiến sĩ, người dân hai miền Nam – Bắc với tinh thần tất cả cho
tiền tuyến, tất cả cho giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.
Nhân văn Việt