Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

VINH DỰ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT

 Nhận lệnh đột xuất của thủ trưởng Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) điều động phương tiện chuyên dụng cùng đội ngũ lái xe, thợ kỹ thuật để tiếp nhận, vận chuyển vaccine từ Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 971 khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, tổ chức hạ đạt mệnh lệnh hành quân, lên đường thực hiện nhiệm vụ.

“Đây là chuyến vận chuyển vaccine đầu tiên của lữ đoàn nên cán bộ, nhân viên rất phấn chấn. Để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này, chúng tôi lựa chọn các đồng chí cán bộ, nhân viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm tổ chức vận chuyển hàng hóa. Chưa đầy hai giờ sau khi nhận lệnh, đội hình 4 xe chuyên dụng đã có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài để tiếp nhận, vận chuyển vaccine", Thượng tá Hoàng Minh Nhuệ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 971 thông tin.
Vinh dự được tham gia nhiệm vụ ý nghĩa này, Trung úy QNCN Bùi Văn Lâm, lái xe Trung đội 3, Đại đội 23, Tiểu đoàn 679 chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức rõ đây là loại hàng hóa đặc biệt, giúp nhân dân, đất nước vượt qua đại dịch Covid-19. Vì vậy, không được phép để xảy ra bất cứ sơ suất nào dù nhỏ dẫn tới nguy cơ mất an toàn trong quá trình tiếp nhận, vận chuyển. Trước khi làm nhiệm vụ, chúng tôi được tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tiếp nhận, vận chuyển vaccine; những yêu cầu khi xếp dỡ, bảo quản; quy trình vận chuyển, cách xử lý tình huống khi gặp sự cố trên đường hành quân. Vì vậy, chúng tôi rất tự tin thực hiện nhiệm vụ; duy trì đúng tốc độ, giữ vững đội hình, tránh tình trạng xe bị rung xóc, ảnh hưởng đến chất lượng vaccine”.
Với ý nghĩa đặc biệt của nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển vaccine nên Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Thiếu tướng Nguyễn Đức Tùng, Cục trưởng Cục Vận tải đến trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, động viên bộ đội. Phía Lữ đoàn 971, Đại tá Nguyễn Mạnh Huân, Chính ủy lữ đoàn và Thượng tá Hoàng Minh Nhuệ, Lữ đoàn trưởng cũng có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp nhận, chỉ huy vận chuyển vaccine. Với tinh thần tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao của cán bộ, nhân viên, sau hơn 3 giờ thực hiện nhiệm vụ, Lữ đoàn 971 đã hoàn thành vận chuyển hơn 1,5 triệu liều vaccine Moderna ngừa Covid-19, với trọng lượng khoảng 14 tấn về kho bảo quản của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương theo đúng kế hoạch, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Trở về doanh trại, đồng hồ đã chỉ 22 giờ đêm, nhưng ai cũng phấn khởi, quên cả cái đói, cái oi nóng của mùa hè vì đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, giàu ý nghĩa mà cấp trên tin tưởng, giao phó. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Minh Nhuệ cho biết: “Những ngày tới, đơn vị sẽ rút kinh nghiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên lái xe, thợ kỹ thuật; chăm sóc, bảo dưỡng, duy trì tình trạng kỹ thuật phương tiện tốt nhất, bảo đảm cho toàn lữ đoàn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất, nhất là tham gia tiếp nhận, vận chuyển vaccine trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất của đất nước".
Bài và ảnh: VĂN CHIỂN - Báo QĐND
Ảnh 1: Các xe chở vaccine của Lữ đoàn 971 rời sân bay quốc tế Nội Bài về kho bảo quản của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Ảnh 2: Lãnh đạo Cục Vận tải và Lữ đoàn 971 kiểm tra công tác tiếp nhận, vận chuyển vaccine.

MỤC TIÊU TRÊN HẾT LÀ BẢO VỆ SỨC KHỎE CỦA NHÂN DÂN

 Ngày 30-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh. Dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lãnh đạo, hệ thống chính trị ở TP Hồ Chí Minh đã có những quyết định kịp thời, đa dạng để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xây dựng 16 bệnh viện dã chiến với quy mô lên đến gần 50.000 giường bệnh. Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng tuyến đầu, Chủ tịch nước đánh giá cao các địa phương, các bộ, ngành đã quan tâm hỗ trợ thành phố trong thời gian qua, trong đó, đến nay đã có 10.000 cán bộ y tế, sinh viên ngành y dược vào thành phố hỗ trợ PCD.
Chủ tịch nước nhấn mạnh đến mục tiêu trước hết, trên hết và quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe và an toàn sức khỏe của nhân dân thành phố, giảm tối đa số ca tử vong. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, giãn cách phải gắn chặt với việc chăm lo đời sống cho người dân để người dân tuân thủ, thực hiện tốt các biện pháp PCD. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu từ thôn, xã, phường nếu để người dân bị thiếu đói trong khi nguồn lực được bảo đảm.
Hoan nghênh TP Hồ Chí Minh tổ chức mô hình các tổ lưu động trả lời câu hỏi của người dân về dịch bệnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi ý, thành phố nên có bác sĩ tư vấn tại chỗ cho người dân ở mỗi khu phố; tổ chức đường dây nóng hiệu quả, không để tình trạng người dân gọi mà không có người trả lời, gây tâm lý hoang mang. Cùng với đó là tổ chức lực lượng xe đưa người đi cấp cứu kịp thời hơn nữa, không chỉ tập trung cho bệnh nhân Covid-19 mà còn cả với bệnh nhân bệnh nặng khác. Chủ tịch nước nhấn mạnh quan điểm rằng, không chỉ lo điều trị mà phải lo giảm số người bị nhiễm, từ đó giảm số người tử vong. Thậm chí việc giãn cách phải đưa lên đầu tiên để giảm số người bị bệnh.
Tán thành với TP Hồ Chí Minh về việc cần tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 kể từ sau ngày 1-8 tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo thành phố, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh, có giải pháp tái thiết mạnh và đồng bộ sau giãn cách.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho biết đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ TP Hồ Chí Minh 103 tỷ đồng và 10 máy thở cùng nhiều vật tư y tế.
* Tiếp tục chương trình công tác, chiều 30-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm một số cơ sở y tế và làm việc tại tỉnh Bình Dương về công tác PCD. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi, động viên đến toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương, chia sẻ về những khó khăn mà bà con Bình Dương đang nỗ lực khắc phục, vượt qua trong cuộc chiến PCD.
Chủ tịch nước đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc nghiên cứu áp dụng các chính sách hiệu quả mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện, nhằm giảm tải, không phá vỡ hệ thống y tế của Bình Dương. Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh đang thực hiện phong tỏa có hiệu quả, song khi thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội thì không được để người dân thiếu đói, ốm đau; huy động cao nhất các nguồn lực từ Nhà nước, địa phương và các nhà hảo tâm để chung tay hỗ trợ các vùng khó khăn. Cùng với việc nhanh chóng triển khai, đưa các bệnh viện dã chiến vào hoạt động, Chủ tịch nước tán thành với đề nghị của ngành y tế về việc Bình Dương cần huy động bệnh viện tư, các y sĩ, bác sĩ đã nghỉ hưu cùng tham gia chống dịch. Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh cùng với việc thực hiện mục tiêu kép phải đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của người lao động, an toàn thì mới sản xuất, chưa an toàn thì tạm thời dừng hoạt động.
TTXVN
Báo QĐND
Ảnh 1: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng TP Hồ Chí Minh 23 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ảnh 2: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh.
38

CAY CAY KHOÉ MẮT VÌ NGHĨA ĐỒNG BÀO

 Tôi nghĩ mãi về hình ảnh ấy. Hình ảnh người thanh niên kẹp hai tay vào giữa đùi rồi cúi người xuống hướng về phía 2 phụ nữ để thay cho lời nói cảm ơn. Và ngay cả khi anh run run đưa cánh tay phải để tự lấy chiếc phong bì có 500 nghìn được đặt gọn ghẽ trong hộp các-tông trên ca-bô chiếc xe ô tô, thì kia, bàn tay trái anh vẫn giữ nguyên giữa hai chân đang bận chiếc jean đã đỏ quạch bụi đường.

Đó là hình ảnh thương vô cùng.
Trong buổi chiều muộn của ngày cuối cùng tháng Bảy, tại cầu Bến Thuỷ 2, TP. Vinh vẫn rải rác người dân từ các tỉnh phía Nam mải miết tìm đường về quê mẹ. Đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân “đón lõng” ở cầu Bến Thuỷ 2 để hỗ trợ bà con trở lại quê nhà. Liên tục có nhiều chuyến xe chở nước uống, sữa, bánh mì, khẩu trang… tập kết ngay đầu cầu phía bờ Bắc. Tại đây, ngoài Hội KTS Nghệ An hỗ trợ mỗi người 500 nghìn đồng, còn có một cá nhân nào đó ở thành phố Vinh cũng hỗ trợ mỗi người đi xe máy 500 nghìn đồng coi như một chút lộ phí đường xa. Và cách làm của họ cũng đáng trân trọng làm sao: Tiền đặt sẵn vào trong chiếc hộp đã ghi chữ: “Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận 1 phong bì 500K”.
Cần gì phải trao, phải nhận, phải cúi, phải ơn, phải huệ. Chỉ thế thôi người nhận cũng thấy lòng nhẹ nhõm hơn.
Các chiến sỹ Cảnh sát giao thông cũng đang trải qua những ngày bận rộn. Nhưng sau lớp khẩu trang, qua ánh mắt tôi cảm nhận được họ cũng vui lây. Vừa làm nhiệm vụ, họ cũng lại mang nước uống, bánh mỳ cho những người qua cầu.
Tất cả đều ngời lên cái tình, cái nghĩa, những yêu thương, đùm bọc, sẻ chia trong cơn bấn loạn, khốn khó.
Chỉ tiếc, giá như có lực lượng chức năng cùng túc trực để lưu lại địa chỉ liên lạc của từng người hay nhóm người trở về; có bảng, biển hoặc tờ rơi hướng dẫn họ liên hệ với tổ chức, cơ quan nào khi về tới các huyện, thành, địa phương thì sẽ yên tâm hơn.
Bằng tình cảm, chúng ta dang rộng vòng tay đón con em trở về, và vì trách nhiệm với quê hương cũng nên có sự tiếp đón bài bản, khoa học, an toàn.
ĐaoTuan

BẢO ĐẢM NHÂN QUYỀN ĐỂ " KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU"

 Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, trực tiếp đe dọa tính mạng con người và sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, thiết thực để vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Khi làn sóng dịch thứ tư xảy ra, phương châm này tiếp tục được thực hiện một cách nhất quán. Ðây là lựa chọn hết sức đúng đắn bởi dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn cần bảo đảm quyền sống, quyền phát triển của con người và xã hội.

Năm 2020, trước các nguy cơ mà dịch Covid-19 đã và đang đe dọa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – nay là Chủ tịch nước, thay mặt Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ đó đến nay, phương châm hành động này luôn được triển khai thực hiện có tính nguyên tắc, thể hiện qua các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, hành động của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội và toàn dân,… Kể cả trong bối cảnh đất nước có sự chuyển giao và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, phương châm và các quyết sách đó vẫn luôn nhất quán, là ưu tiên số một, luôn thống nhất duy trì thực hiện ở mức cao nhất. Mọi sự thay đổi chỉ là sự điều chỉnh về mặt chiến lược để phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế của dịch bệnh. Với bản chất nhân văn của chế độ xã hội, việc bảo đảm nhân quyền trước hết phải là bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân, và dù khó khăn đến đâu cũng không thể để nhân dân lâm cảnh thiếu, đói.
Nhiều lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền địa phương, lãnh đạo ban, ngành liên quan đã trực tiếp có mặt tại các “điểm nóng” để kiểm tra, thị sát diễn biến của dịch bệnh, qua đó kịp thời phối hợp tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch quyết liệt và bảo đảm an sinh xã hội. Như mới đây, khi làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã tới các địa phương được coi là “tâm dịch” như Bắc Giang, Bắc Ninh, Ðồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Ðồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản về phòng, chống dịch, trong đó có ba văn bản quan trọng, gồm: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” giúp tháo gỡ một số thủ tục hành chính, bảo đảm người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận nhanh nhất gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ khác; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 26/5/2021 “Về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19” và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 “Phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19” khẳng định việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần có sự tham gia, đóng góp công sức, tiền bạc của mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đồng hành cùng Chính phủ.
Dù vắc-xin (vaccine) phòng Covid-19 đang rất khan hiếm trên phạm vi toàn cầu, nhưng đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, như: hợp đồng đã đặt mua từ trước, viện trợ song phương giữa Việt Nam với một số quốc gia và Cơ chế COVAX (Tiếp cận toàn cầu đối với vaccine phòng ngừa Covid-19). Ðó là kết quả từ sự nỗ lực quyết liệt nhưng rất chủ động linh hoạt,… của Chính phủ, tạo nền tảng để “Chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19” được triển khai từ tháng 7/2021 với 18.000 điểm tiêm trên cả nước (gồm cả tiêm chủng lưu động). Kinh phí cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay được bảo đảm bởi ngân sách, Quỹ vaccine phòng Covid-19, các nguồn viện trợ. Ðó cũng là cơ sở để nhiều triệu người Việt Nam được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm tiến tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, bảo đảm sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của mọi người dân trước đại dịch.
Thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua đã cho thấy rất rõ để toàn dân được thụ hưởng nhân quyền, Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn xác định nhân quyền phải thuộc về nhân dân và vì nhân dân, đồng thời định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, t.9, tr.518). Trách nhiệm đó được thể hiện hết sức quyết liệt, cụ thể khi Ðảng, Nhà nước và Chính phủ thường xuyên kịp thời có các quyết sách, chỉ đạo, lãnh đạo, thực thi rất nhiều biện pháp đưa đất nước vượt qua ba làn sóng đại dịch trước đây và đang nỗ lực vượt làn sóng dịch thứ tư. Vào những ngày này, từ việc xác định sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu, mọi “điểm nóng” về dịch bệnh đã được quan tâm ở mức cao nhất, một mặt khẩn trương cung cấp vaccine và tổ chức tiêm phòng, tập trung chữa trị, điều tra, truy vết, khoanh vùng, xây dựng khu cách ly, bệnh viện dã chiến, huy động nhân lực hỗ trợ từ ngành chức năng, từ các địa phương,… cùng nỗ lực dập dịch, mặt khác huy động mọi nguồn lực để bảo đảm an toàn an sinh xã hội. Ðặc biệt, Nghị quyết số 68/NQ-CP với việc mở rộng phạm vi, hình thức, đối tượng hỗ trợ,… chú trọng các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương (như người nghèo, lao động tự do,…) đã thể hiện rất rõ tính nhân văn trong chính sách xã hội, thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ðây vừa là giải pháp hỗ trợ rất cần thiết ở thời điểm hiện tại, vừa tạo điều kiện giúp người lao động, người sử dụng lao động tăng cường khả năng trụ vững và vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, tiếp tục lao động, sản xuất, kinh doanh. Và không chỉ hỗ trợ, mà cùng với đó là nỗ lực điều phối lương thực, thực phẩm, các vật dụng sinh hoạt,… bảo đảm ổn định cuộc sống hằng ngày của nhân dân ở các khu vực cách ly, nơi hoạt động sản xuất tạm thời ngưng trệ. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương cũng khẩn trương đưa – đón công dân từ vùng dịch trở về, thậm chí lo từng bữa ăn, lít xăng khi đi đường…
Ðồng thời, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ cũng hết sức nỗ lực để ổn định, tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, theo như Bộ Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, như: công nghiệp và xây dựng tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng 11,42%; sản xuất, phân phối điện tăng 8,16%… Cụ thể, trong sản xuất: kim loại tăng 37%; xe có động cơ tăng 33,1%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,1%… Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) đã tăng 9,3% so cùng kỳ năm trước. Về nông nghiệp, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2021 cả nước gieo cấy khoảng 5,23 triệu ha lúa, năng suất 67,7 tạ/ha, sản lượng đạt 21,58 triệu tấn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so cùng kỳ năm 2020, trong đó nông sản chính là 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản là 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản là 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%… Nổi lên là một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như cao-su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả và trái cây, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm…
Lường trước khó khăn từ dịch bệnh, Chính phủ, chính quyền các địa phương đã chủ động một mặt sớm kết nối xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin để phân tích, đánh giá, dự báo, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, ứng phó kịp thời trong hoạt động xuất khẩu; một mặt hướng dẫn sản xuất đáp ứng yêu cầu của các thị trường vốn “rất khó tính”. Thí dụ tiêu biểu là do đã dự liệu, chuẩn bị từ trước, nên dù vải thiều chín đúng lúc đại dịch xảy ra tại Bắc Giang thì 200.000 tấn vải thiều của tỉnh vẫn được xuất khẩu tới nhiều nước, doanh thu đạt hơn 6.800 tỷ đồng, và câu chuyện “giải cứu” đã không phải đặt ra.
Xét từ nhu cầu từng cá nhân trong thời điểm dịch bệnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền có thể chưa hoàn toàn như kỳ vọng của từng người, nhưng đánh giá trên diện rộng có thể thấy đây là nỗ lực rất lớn của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, đang gặp rất nhiều khó khăn. Ðiều đó không chỉ là sự thể hiện bản chất nhân văn của chế độ xã hội với mục đích “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà qua việc quyết liệt tiếp cận thực hiện “mục tiêu kép”, cần nhận thức đó là mục tiêu quan trọng để bảo đảm nhân quyền. Bởi nếu phòng, chống dịch bệnh là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, thì tăng trưởng kinh tế là bảo đảm ổn định, từng bước nâng cao mức sống của nhân dân. Ðiều này lý giải vì sao “mục tiêu kép” được toàn dân tin tưởng, ủng hộ, luôn đồng lòng, nỗ lực cùng Ðảng, Nhà nước và Chính phủ thực hiện. Ðại dịch Covid-19 có thể còn đưa tới nhiều khó khăn không thể lường trước, thái độ và hành động đó càng trở nên cần thiết và cần nâng lên tầm cao mới. Bởi, khi mỗi người dân đều tin tưởng, ủng hộ, ra sức đồng hành, nỗ lực cùng Ðảng, Nhà nước và Chính phủ thực hiện các mục tiêu mà chúng ta đặt ra, cũng tức là mỗi người đã hành động vì nhân quyền của chính mình, rộng hơn là vì nhân quyền của toàn xã hội.
Ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH giày Ching Luh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Ðạo, huyện Bến Lức, Long An). Ảnh: NHẬT BẮC
Theo: HỒNG QUANG / Báo ND
Có thể là hình ảnh về 7 người, mọi người đang đứng, mọi người đang ngồi và trong nhà

VỢ CHỒNG F0 Ở TPHCM VỪA RA VIỆN: KHU CÁCH LY RẤT ỔN, TỪ PHÒNG Ở ĐẾN BÁC SĨ

 Chỉ sau 12 ngày được xác định nhiễm Covid-19, hai vợ chồng chị Thu, anh Thanh đã điều trị thành công và được ra viện.

Ngày 17/7, anh Trần Tuấn Thanh (SN 1984) và chị Đinh Thị Mỹ Thu (SN 1987) hiện sống ở Quận 6, TP.HCM nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 29/7, cả hai đã có mặt ở nhà với kết quả xét nghiệm âm tính trong tay.
Sau khi khỏi bệnh, cặp vợ chồng trẻ quyết định chia sẻ kinh nghiệm điều trị Covid-19 thành công cũng như làm thế nào để vượt qua rào cản tâm lý khi mắc phải căn bệnh này.
Anh Tuấn nói: “Đây là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng cũng không thể chủ quan và điều quan trọng nhất là không được để tinh thần suy sụp đánh gục cơ thể mình. Với những ai đang và có thể sẽ mắc phải, tôi khuyên mọi người nên bình tĩnh, đừng lo sợ quá”.
Vì đang trong độ tuổi sung sức nên anh Tuấn, chị Thu có triệu chứng rất nhẹ. Trong khi anh Tuấn bị đau nhức, mỏi cơ, cảm thấy tay không có sức lực để cầm nắm, chị Thu lại hoàn toàn không có triệu chứng gì. Vì thế 2 người được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Dã chiến số 7, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
“Đó là một khu nhà mới xây gồm các căn như chung cư. Mỗi căn có 3 phòng riêng, mỗi phòng được bố trí 2 người, thường là người trong gia đình để tiện chăm sóc nhau”.
Anh Tuấn cho biết, nơi ở được bố trí cho bệnh nhân rất sạch sẽ, điện nước đầy đủ, có phòng tắm riêng trong mỗi phòng, giống như ở nhà riêng của mình.
“Cán bộ đưa cơm đến tận cửa phòng ngày 3 bữa. Lượng đồ ăn nhiều, bắt mắt nhưng vì 2 vợ chồng mất vị giác nên ăn không thấy ngon. Tuy nhiên, bữa nào chúng tôi cũng cố ăn hết suất để có sức điều trị”.
Anh Tuấn chia sẻ, những ngày qua trên mạng xã hội có những thông tin lan truyền về việc người bệnh không được quan tâm, bị bỏ đói… nhưng với những gì anh trải qua thì hoàn toàn ngược lại.
“Tôi không biết mọi người như thế nào, nhưng trải nghiệm của 2 vợ chồng tôi rất là tuyệt vời. Từ đầu đến cuối, chúng tôi được đưa đi đón về, được các y bác sĩ, cán bộ, tình nguyện viên chăm sóc hết sức tận tình, chu đáo”.
“Ban đầu tôi cứ nghĩ đi điều trị sẽ tốn kém nhiều nhưng từ lúc đi tới lúc về, 2 vợ chồng không tốn một đồng nào cả, từ bữa cơm cho tới tiền thuốc, tiền xét nghiệm. Nói chung là chúng tôi không có gì phải phàn nàn” - chị Thu tiếp lời chồng.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình điều trị, anh Tuấn cho biết vợ chồng anh súc miệng nước muối, uống nước sả chanh gừng, xông hơi mỗi ngày. Đặc biệt, họ tập thể dục ngày 2 lần, mỗi lần từ 30 phút tới 1 tiếng. “Ai yếu thì cố gắng đứng dậy đi lại để ra mồ hôi. Ăn uống không thấy ngon cũng phải ráng ăn để có sức vượt qua. Uống nhiều nước nhất có thể”.
Quan trọng nhất là yếu tố tinh thần, anh nói. Ban đầu, khi nhận kết quả dương tính, 2 vợ chồng cũng rất hoang mang, sợ hãi. May mắn, có người thân động viên, giúp đỡ chăm sóc con cái để anh chị yên tâm điều trị.
Sau 12 ngày trải qua biến cố, anh Tuấn thấy trân trọng cuộc sống bình thường hơn bao giờ hết. Anh bảo: “Mọi người đừng đi ra ngoài nữa, chịu khó ở trong nhà một vài tuần thôi. Thời gian trôi đi nhanh lắm, đừng tìm cách luồn lách để ra ngoài làm gì”.
Hơn ai hết, anh chị là người chứng kiến sự nguy hiểm của căn bệnh này đối với tính mạng chính mình, chứng kiến sự vất vả của các y bác sĩ những ngày qua.
“Nếu như chúng ta đeo khẩu trang vài tiếng đã cảm thấy khó chịu thì các y bác sĩ, cán bộ trong kia phải mặc quần áo bảo hộ, đeo kính chắn giọt bắn ngột ngạt, nóng bức đến mức nào. Họ còn không có thời gian để ăn uống…
Vì thế, 2 vợ chồng tôi cảm thấy rất biết ơn các anh chị bác sĩ tuyến đầu đã tận tình với bệnh nhân chúng tôi. Chỉ mong sao cho dịch bệnh qua mau để người dân sớm trở lại với cuộc sống bình thường”.
Theo VNN
Ảnh nhân vật cung cấp
Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản cho biết 'TUỔI TRẺ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH YÊU NƯỚC KINH NGHIỆM CỦA ĐÔI vợ CHÔNG FO SAU 12 NGÀY CHIẾN ĐẤU VỚI COVID-19'