Nhiều người trên mạng, tự nhận là đấu tranh vì công lý cho em Trần Đức Đô, nhưng rốt cuộc họ đang làm những điều gì?
Trên Youtube, xuất hiện một loạt những đoạn clip đưa thông tin rằng đại đội trưởng, binh nhì, rồi tiểu đoàn trưởng... đã nhận tội đánh em Đô. Thậm chí, có đoạn clip đã chễm chệ leo lên top trending ở Việt Nam, chỉ sau 3 ngày đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem. Và còn một loạt những clip khác nữa, cũng phao những tin đồ nhảm nhí như vậy, cũng nhận được từ vài trăm ngàn đến cả triệu view.
Trong một số nhóm tự nhận là đấu tranh cho em Trần Đức Đô, họ bắt đầu phao những tin đồn nhảm nhí cực kỳ ác ý, như gia đình em Đô đã nhận vài tỷ từ phía quân đội để "ém vụ việc", rồi gia đình đại đội trưởng đã quỳ xuống cầu xin gia đình em Đô, rồi em trai của Đô được học sĩ quan miễn phí, vụ án đang được xử kín nhằm che giấu dư luận, các đại tướng đã bị bắt (?)… Hỏi thông tin từ đâu mà có, người thì trả lời là từ hàng xóm của em Đô, người thì trả lời là “có người nhà trong quân đội”, rồi người thì đọc trên Youtube, Tiktok... vân vân và mây mây.
Và từ những thông tin như vậy, nhiều cư dân mạng bắt đầu “lên đồng” đấu tố ngược lại gia đình em Đô, cho rằng gia đình em Đô “thu lợi” từ việc ra đi của em, kiếm tiền dựa trên sự ủng hộ của cộng đồng mạng, lợi dụng cộng đồng mạng. Mới ít ngày trước, họ thốt ra những lời thật hay, thật cảm động, vậy mà sau có chục ngày thôi, mọi sự dường như đã thay đổi nhanh hơn cả người yêu cũ trở mặt. Có người còn máu mặt hơn, nói rằng hết dịch sẽ tìm đến gia đình em Đô quay clip, livestream làm rõ, chất vất bố mẹ em.
Từ những người nhân danh công lý, họ bỗng chốc trở thành kền kền, chỉ dựa vào những thông tin thất thiệt, không đầu cuối.
Ngay tối nay, khi thông tin về cái chết của em Đô được công bố trên các phương tiện thông đại chúng, thì cư dân mạng hình thành một làn sóng phản đối kết quả điều tra. Đây là một việc bình thường và là quyền tự do ngôn luận. Nhưng, bất cứ một sự phản đối nào cũng phải dựa trên những căn cứ rõ ràng, xác định, chứ không phải cứ lên mạng nói vài ba câu “thượng đẳng” như: “công lý chỉ là một diễn viên hài”, “sự thật đã bị che giấu”, “bị đánh mà bao che”.
Vậy các bạn cho tôi hỏi, vụ việc bị che giấu ở đâu? Có bao nhiêu bạn đã tiếp xúc với hồ sơ vụ án? Bao nhiêu người thực sự có chuyên môn về pháp y, khoa học hình sự? Hay cứ đọc dăm ba cái tin tức xuyên tạc đạt được hàng triệu view trên Youtube, Tiktok, Facebook… rồi tin rằm rặp mù quáng? Bao nhiêu lần bị dắt mũi rồi, sao cứ để bị dắt mũi hoài thế? Sao ai cũng có thể dễ dàng trở thành những thẩm phán online, pháp y online, điều tra viên online như vậy?
Công lý thực sự là gì? Là mạnh dạn phê phán nếu có sai phạm, không bị dắt mũi bởi luồng tin thất thiệt, ở bên cạnh gia đình nạn nhân, đồng hành cùng gia đình nạn nhân, không xuyên tạc kết quả điều tra. Nếu có chuyên môn thực sự, hãy tìm đến gia đình nạn nhân, phối hợp một cách cụ thể, rõ ràng với gia đình, luật sự. Hãy nhớ rằng, luật sư và gia đình có quyền được tiếp cận toàn bộ hồ sơ, xác minh vụ án này. Trong bản tin chiều nay, gia đình em Đô không tin em Đô tự tử và mong cơ quan điều tra xác minh làm rõ vụ án, đó là điều mà chúng ta cần chờ đợi cho rõ ràng, chứ không phải là “cày view” cho những video kiểu như đại đội trưởng đã bị bắt, bắt binh nhì…
Công lý thực sự không phải là việc phán quyết vụ việc làm chiều lòng cư dân mạng, kiểu như là bắt buộc phải có người chủ mưu, phải có người đánh đập, phải bi kịch hóa, phải bị đồng đội đánh như trong Along with the Gods… Đó là công lý? Hay chỉ là thứ công lý được tạo dựng? Cái thứ công lý cho sướng mồm miệng?
Bao nhiêu lần bị dắt mũi, bao nhiêu lần tin vào những thông tin thất thiệt? Bao nhiêu lần bị “chiếu tướng” bởi những thông tin vớ vẩn, sao không chừa nhỉ?
Trên mạng, gần như chẳng có ai đặt câu hỏi là người nhà em Đô và luật sư của gia đình em nghĩ gì, thấy gì, kết luận gì, được tiếp cận với kết quả điều tra như thế nào. Đã có ai lên án những luồng thông tin thất thiệt, xuyên tạc nhắm vào gia đình em chưa? Đã ai bảo vệ gia đình của em trước những áp lực của những kẻ đang lợi dụng vụ việc, đu bám kiếm lợi cho bản thân chưa?
Việc bây giờ, là ủng hộ, động viên, theo đuổi vụ việc và ở bên gia đình em, không lan truyền thông tin xuyên tạc, bịa đặt, không bằng chứng dưới cái mác “công lý”.
---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét