Tôi nghĩ mãi về hình ảnh ấy. Hình ảnh người thanh niên kẹp hai tay vào giữa đùi rồi cúi người xuống hướng về phía 2 phụ nữ để thay cho lời nói cảm ơn. Và ngay cả khi anh run run đưa cánh tay phải để tự lấy chiếc phong bì có 500 nghìn được đặt gọn ghẽ trong hộp các-tông trên ca-bô chiếc xe ô tô, thì kia, bàn tay trái anh vẫn giữ nguyên giữa hai chân đang bận chiếc jean đã đỏ quạch bụi đường.
Đó là hình ảnh thương vô cùng.
Trong buổi chiều muộn của ngày cuối cùng tháng Bảy, tại cầu Bến Thuỷ 2, TP. Vinh vẫn rải rác người dân từ các tỉnh phía Nam mải miết tìm đường về quê mẹ. Đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân “đón lõng” ở cầu Bến Thuỷ 2 để hỗ trợ bà con trở lại quê nhà. Liên tục có nhiều chuyến xe chở nước uống, sữa, bánh mì, khẩu trang… tập kết ngay đầu cầu phía bờ Bắc. Tại đây, ngoài Hội KTS Nghệ An hỗ trợ mỗi người 500 nghìn đồng, còn có một cá nhân nào đó ở thành phố Vinh cũng hỗ trợ mỗi người đi xe máy 500 nghìn đồng coi như một chút lộ phí đường xa. Và cách làm của họ cũng đáng trân trọng làm sao: Tiền đặt sẵn vào trong chiếc hộp đã ghi chữ: “Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận 1 phong bì 500K”.
Cần gì phải trao, phải nhận, phải cúi, phải ơn, phải huệ. Chỉ thế thôi người nhận cũng thấy lòng nhẹ nhõm hơn.
Các chiến sỹ Cảnh sát giao thông cũng đang trải qua những ngày bận rộn. Nhưng sau lớp khẩu trang, qua ánh mắt tôi cảm nhận được họ cũng vui lây. Vừa làm nhiệm vụ, họ cũng lại mang nước uống, bánh mỳ cho những người qua cầu.
Tất cả đều ngời lên cái tình, cái nghĩa, những yêu thương, đùm bọc, sẻ chia trong cơn bấn loạn, khốn khó.
Chỉ tiếc, giá như có lực lượng chức năng cùng túc trực để lưu lại địa chỉ liên lạc của từng người hay nhóm người trở về; có bảng, biển hoặc tờ rơi hướng dẫn họ liên hệ với tổ chức, cơ quan nào khi về tới các huyện, thành, địa phương thì sẽ yên tâm hơn.
Bằng tình cảm, chúng ta dang rộng vòng tay đón con em trở về, và vì trách nhiệm với quê hương cũng nên có sự tiếp đón bài bản, khoa học, an toàn.
ĐaoTuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét