Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

CUỘC CHIẾN COVID-19 TRONG GIA ĐÌNH 5 NGƯỜI F0

 Thùy Liên không nghĩ "cơn cuồng phong Covid-19" ập đến gia đình mình nhanh như vậy. Chỉ vài ngày, cả 5 người trong nhà cô trở thành F0, phải nằm ở 4 bệnh viện khác nhau.

"Thời điểm đó, dù ngoài mặt tỏ ra bình tĩnh nhưng lòng tôi quặn đau. Ý nghĩ duy nhất là tôi phải lạc quan và chiến đấu để còn lo cho gia đình", Thùy Liên, 27 tuổi, ở phường 13, quận 10, nhớ lại ngày định mệnh.
Tối 5/7, Liên bắt đầu sốt nhẹ và đau nhức toàn thân. Cô gái lờ mờ đoán bản thân bị nhiễm nCoV bởi người chú ruột sống cùng nhà được xác định dương tính và đã đi cách ly. Ngày hôm sau, đến lượt mẹ và ông nội cô cũng xuất hiện triệu chứng tương tự. Liên gọi điện đến trạm y tế phường thông báo. Kết quả test nhanh cho thấy ngoài người bố âm tính, ba người còn lại đều dương tính. Do có nhiều bệnh nhân, lại chưa có kết quả xét nghiệm PCR nên cả gia đình được yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Đối với một gia đình, người khỏe mạnh và người nhiễm bệnh phải sống cùng nhau, tự cách ly là việc rất khó khăn. Một bên là ông nội mắt kém cần được chăm sóc, một bên là người bố chưa nhiễm bệnh nhưng chân có tật nên rất khó đi lại. "Làm thế nào để bảo vệ được bố khỏi nguy cơ lây nhiễm?" - ý nghĩ đó quẩn quanh trong đầu cô con gái, cũng là trụ cột chính của gia đình.
Sau khi bàn bạc với mẹ, Liên quyết định sử dụng phòng khách làm "vùng đệm" để cách ly gia đình, cô và mẹ ở phía cuối nhà còn bố và ông ở hai phòng đầu nhà. Mọi người giao tiếp với nhau hoàn toàn qua điện thoại. Những ngày đầu, mẹ còn khỏe, cơm nước bà nấu được đặt ở điểm cố định trong nhà, bố tự đến lấy.
Đồ đạc trong nhà cũng được phân chia rất rõ ràng. Trước khi sử dụng, mọi thứ phải được rửa kỹ bằng nước sôi, điện thoại di động cũng được khử trùng bằng cồn. Dù ở trong nhà 24/24h, tất cả đều phải đeo khẩu trang, trừ lúc ăn uống và tắm giặt. Liên thường xuyên nói chuyện với mọi người để xác nhận trạng thái thể chất và tinh thần của họ bởi cô biết, khi mắc bệnh, nỗi sợ hãi và bất an sẽ tăng lên, khiến tác động tâm lý của virus đối với sức khỏe còn lớn hơn chính căn bệnh.
"Nên bình tĩnh, mọi việc rồi sẽ ổn" là câu Liên hay nói nhất thời điểm này.
Những ngày chờ kết quả xét nghiệm PCR với cô dài như cả thế kỷ. Ngoài sốt, đau đầu, Liên còn mất vị giác, khứu giác, kèm theo mất ngủ liên miên. Với sự hướng dẫn của bác sĩ trạm y tế phường, cô vẫn cố ăn để tăng đề kháng, uống nhiều nước và không lạm dụng thuốc hạ sốt. "Mỗi khi mệt quá, tôi lại nghĩ sẽ làm gì nếu bị căn bệnh đánh gục. Rồi giả sử gia đình bị tách mỗi người một nơi, chúng tôi xoay xở thế nào?", Liên kể. "Tuyệt vọng là thứ đáng sợ nhất, đặc biệt trước bệnh tật. Nếu mệt mỏi, hãy cứ giận dữ nhưng đừng để tuyệt vọng bắt mất lý trí. Bình tĩnh là chìa khóa để thoát khỏi bi kịch của số phận", cô viết trong nhật ký.
Nỗi lo sợ của Liên không phải không có căn cứ, hôm 9/7, khi mang nước cho con gái, mẹ cô ngất xỉu, ngã lăn xuống nền nhà. "Đó là khoảnh khắc sợ hãi nhất tôi từng trải qua. Tôi cứ tưởng mình sẽ mất mẹ ngay lúc ấy", cô gái nhớ lại. Khi nhân viên y tế phường xuống cấp cứu, cô vẫn không ngừng khóc. Liên chỉ kịp trấn tĩnh khi xe sắp lăn bánh đến bệnh viện: "Mẹ ơi, tin tưởng vào bác sĩ, y tá nha mẹ. Vài bữa là được về thôi", cô chạy theo, nói với.
Hai ngày tiếp theo là quãng thời gian khó khăn nhất với Liên. Cô liên tục buồn nôn, cổ họng lúc nào cũng như có ngàn chiếc kim chặn lại, ăn hay uống đều đau nhói. Sợ không thể tiếp tế được cho mẹ và ông trong viện, ngày 11/7, cô lên trang cá nhân để lại số điện thoại của người thân cho bạn bè, dặn dò những việc nhờ họ làm, phòng trường hợp sức khỏe diễn tiến xấu.
Nửa đêm hôm đó, Liên được đưa đến bệnh viện dã chiến thu dung tại Hóc Môn cùng một số F0 trong khu phố. Sau khi khám phân loại, Liên được ở lại bệnh viện dã chiến do thuộc F0 thể nhẹ.
"Đêm đầu tiên ở bệnh viện dã chiến là đêm dài nhất tôi từng trải qua, nhưng phải động viên mình không thể gục ngã", cô kể. Dù đang bị Covid-19 hành hạ nhưng cô lo cho ông nội và mẹ ở Bệnh viện Gò Vấp đang phải thở oxy và lo cho bố chân yếu, lại ở nhà một mình. Điều an ủi duy nhất thời điểm đó là các triệu chứng bệnh của cô dần thuyên giảm. Ngoài vẫn mất khứu giác, sức khỏe của Liên dần trở lại bình thường. "Dường như thời gian khó khăn nhất của tôi đã qua", cô nói.
Thế nhưng khó khăn mới lại bắt đầu. Hai hôm sau gọi điện về, bố Liên liên tục kêu mệt. Gọi video call cho ông, hình ảnh đầu tiên cô thấy là khuôn mặt bố đỏ ửng, đôi mắt thất thần, tiếng thở rít lên từng chặp khiến nỗi sợ hãi trong Liên trỗi dậy. Thời điểm này, những ca Covid-19 trong thành phố liên tục tăng cao, phải mất một ngày y tế phường mới đến xét nghiệm cho người bố. Khi nhận kết quả dương tính của ông, cô gái 27 tuổi không còn đủ sức khóc.
Ngày hôm sau, bố Liên được chuyển đến Bệnh viện quận 10 nhưng hoàn toàn mất liên lạc. Ngày kế tiếp, khi hồi phục lại đôi chút, ông chủ động gọi cho con gái thông báo cơn sốt đã giảm. "Bóng tối bao trùm gia đình tôi được xua tan", Liên nói, "Chúng tôi thật may mắn, các triệu chứng không tồi tệ hơn. Không còn ai nguy hiểm đến tính mạng". Thời điểm này, mẹ và ông nội cô cũng không còn phải thở oxy nữa. Đến 26/7, bố cô cũng được chuyển đến khu dã chiến Bệnh viện Trưng Vương để điều trị.
Để cập nhật tình hình sức khỏe mọi người, hàng ngày 9h sáng, Liên lại nhấc điện thoại gọi cho bố mẹ vài phút, chủ yếu giữ liên lạc và động viên tinh thần. Ngày 23/7, mẹ và ông nội đều cho kết quả âm tính lần hai, chờ ngày ra viện, trong khi Liên và bố vẫn dương tính. "Sức khỏe tôi vẫn ổn, chỉ là vấn đề thời gian để có được kết quả âm tính", cô lạc quan.
Những ngày sống tại bệnh viện dã chiến, Liên không quên cảm ơn sự ủng hộ của người thân và bạn bè. Cô cho hay, mọi người liên tục gửi thức ăn, hoa quả cho năm bệnh nhân trong gia đình. Hàng xóm, thậm chí những người không quen biết đã động viên, cổ vũ tinh thần trong thời gian họ chiến đấu với virus. "Gia đình tôi có thể sống sót qua khủng hoảng là nhờ sự tin tưởng và hỗ trợ của nhiều người. Chúng tôi không cô đơn khi đối mặt với dịch bệnh", cô nói.
Liên còn gửi lời cảm ơn tới trạm y tế phường, trung tâm y tế quận, những y bác sĩ đã xét nghiệm, điều trị cho mình và người thân, những tình nguyện viên hậu cần ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng để phục vụ những bệnh nhân Covid-19 như cô. "Tình cảm mọi người dành cho khiến tôi rất hạnh phúc. Sài Gòn luôn dễ thương như thế", Liên xúc động.
Dự định của cô gái sau khi ra viện là dành thời gian cho gia đình, quan tâm hơn đến sức khỏe người thân, trước đây vì lý do công việc mà cô không để tâm. Liên cũng muốn sau khi về nhà, cô sẽ giúp đỡ những người nhiễm bệnh như mình, như cách mà cô đã nhận được từ người khác.
Mới đây trên trang cá nhân, Liên chia sẻ biến cố Covid-19 khiến cô ngộ ra nhiều điều. "Cuộc sống thật mong manh. Những gì tôi theo đuổi trước đây giờ không còn quan trọng nữa. Mong muốn duy nhất bây giờ là sức khỏe của mọi người trong gia đình và cho chính mình", cô viết.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Hải Hiền (ghi)
TTTPHCMYN
Ảnh 1: Cả nhà Thùy Liên chờ kết quả test nhanh Covid-19 ngày 5/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ảnh 2: Những ngày ở bệnh viện dã chiến, Liên duy trì thói quen dọn dẹp phòng ốc, lau chùi nhà vệ sinh chung sạch sẽ. Cô và những bệnh nhân trong phòng không muốn những tình nguyện viên làm hậu cần vất vả thêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét