Theo số liệu công bố tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chiều 12/10, sau khi xem xét các tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Như vậy, kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 đồng chí nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 đồng chí Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, 5 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Những cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bị kỷ luật trong thời gian qua cho thấy tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh. Đó cũng là nguyên tắc đầu tiên trong công tác kỷ luật đảng viên của Đảng ta.
Kết quả trên đây cũng cho thấy Đảng đã rất nghiêm túc, thể hiện không có bất cứ vùng cấm nào, dù người vi phạm có giữ trọng trách đến đâu. Việc xử lý cán bộ vi phạm trong thời gian qua đã được làm một cách thận trọng, bài bản, rõ người, rõ tội, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không còn là “lỗi của tập thể”, đặc biệt, việc xử lý kỷ luật cán bộ đã công khai trước dư luận, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, cũng qua thực tế cho thấy, những cán bộ cấp cao có tầm ảnh hưởng lớn và do đó việc xử lý kỷ luật 1 cán bộ cấp cao cũng sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người khác và cả tổ chức, đơn vị nơi làm việc. Chúng ta không chỉ mất đi một cán bộ cấp cao mà còn hàng chục, thậm chí hàng trăm cán bộ, lãnh đạo của của tổ chức, đơn vị ấy cũng bị liên đới trách nhiệm. Kéo theo đó là trách nhiệm của tập thể cấp ủy nơi đó cũng bị kỷ luật, rồi tư tưởng tình cảm của cán bộ, đảng viên, người lao động cấp dưới cũng bị tác động.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng (Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Ban Thường vụ Đảng uỷ Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc).
“Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta.” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XII.
Nhắc đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã từng nhấn mạnh: “Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Vụ việc liên quan đến những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua cho thấy, việc kiểm soát quyền lực rất quan trọng. Khi có quyền lực, có điều kiện mà không bị giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì lòng tham nổi lên. Nguy cơ này cũng đã được Đảng ta nhận định và nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái”.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân chính được xác định là do tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Bên cạnh đó, nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, còn có tình trạng nể nang, né tránh, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Để hạn chế thấp nhất những hạn chế, khuyết điểm và không có cán bộ vi phạm kỷ luật trong thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phải lấy phòng ngừa làm trọng, lấy xây là chính; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích “trị bệnh cứu người”. Tuy nhiên, cũng kiên quyết xử lý những tổ chức Đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước.
Cho thấy việc xử lý kỷ luật cán bộ là bài học đắt giá, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.
"Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta đều thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân”, “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta cũng phải rút ra bài học trong quản lý giáo dục rèn luyện cán bộ; trao quyền lực lớn phải đi đôi với ràng buộc trách nhiệm, kiểm tra giám sát. Phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, bởi nếu không, trong trăm thứ mất mát, mất của còn làm lại được chứ mất con người, mất cán bộ là mất mát lớn nhất và tổn thất lớn nhất của Đảng ta!
Hoa Hiền