Mới ít hôm trước đây thôi, Trường Đại học Columbia (Mỹ) đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhan đề “Global Hồ Chí Minh” (Hồ Chí Minh toàn cầu).
Hội trường rộng mênh mông của Trường Đại học Columbia không còn chỗ trống. Thật là một hiện tượng lạ trên đất Mỹ! Thật đáng tự hào cho nhân dân VN và cho những ai yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảm động nhất là câu nói sau đây: “Hỏi các tổng thống Mỹ là ai, có thể người ta không nhớ, nhưng nói đến Hồ Chí Minh thì ai cũng biết”. Thì ra giờ đây, ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (CT HCM) đã loang khắp địa cầu này rồi. Giống như một ngôi sao ở xa, giờ đây ánh sáng của ngôi sao ấy mới tới trái đất vậy.
Một con người vĩ đại và hoàn hảo, làm sao không ngưỡng mộ cho được! Xa Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước đơn độc một mình, như một cánh chim lìa đàn lúc mới 21 tuổi, với hai bàn tay trắng; riêng điều đó thôi, đã độc đáo và lớn lao rồi. Huống chi từ hai bàn tay trắng, con người ấy đã xây dựng được một sự nghiệp vĩ đại chẳng những cho đất nước mình, dân tộc mình, mà còn rạng rỡ khắp cả năm châu, nêu một tấm gương cao hơn mây trời, rộng hơn biển cả.
Hãy nghe Jean Lacouture – nhà sử học có tên tuổi người Pháp đánh giá Cụ Hồ: “Với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã làm tan tành một đế quốc thuộc địa lớn. Với cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã làm bộc lộ giới hạn của sức mạnh kỹ thuật khi chống lại con người!”.
Người là ngôi sao sáng trên vòm trời các nước thuộc địa và bị áp bức, làm được điều mà Lênin thiên tài hằng mong muốn: Làm thế nào cho cuộc cách mạng ở các nước thuộc địa được thành công? Âm thầm và kiên nhẫn, CT HCM đã chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng tư tưởng của Lênin hoàn toàn đúng đắn và đáng ca ngợi nhất trong thời đại CNĐQ đang ăn tươi nuốt sống các nước thuộc địa và nhỏ yếu.
Trong khi nhiều người quá nhấn mạnh hai chữ “quốc tế” thì CT HCM sáng suốt đi theo con đường sáng tạo và độc lập của mình, yêu nước và quốc tế hòa hợp, mà trước hết phải đạt được quyền lợi cao nhất cho đất nước, nhưng không bao giờ quên nghĩa vụ quốc tế. Trung thành với tư tưởng HCM, nhân dân VN đã làm nên biết bao kỳ tích. Vừa kiên quyết giành và giữ độc lập, tự do cho đất nước mình, vừa sẵn sàng đổ máu hi sinh cho dân tộc khác đang bị diệt chủng. Đó là những bằng chứng nói lên sự đúng đắn và trong sáng của tư tưởng HCM.
Cho nên hoàn toàn xứng đáng khi Người được UNESCO vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn”. Ít có ai được nhận một danh hiệu kép vẻ vang như thế. Trước đây có Nguyễn Trãi. Giờ đây có CT HCM.
Gần một thế kỷ, nước ta bị bọn đế quốc Pháp đè đầu cỡi cổ, tưởng không tài nào gỡ bỏ được xích xiềng nô lệ vì chúng quá mạnh. Vậy mà, chỉ sau 15 năm từ khi thành lập Đảng của mình, CT HCM đã xô đổ quả núi đế quốc Pháp, lập nên chế độ DCCH ở VN mở ra một thời đại mới chưa từng có trong lịch sử nước nhà: thời đại mà người dân trở thành ông chủ của đất nước, chứ không phải vua quan, không phải những tên xâm lược khát máu và đầy lòng tham. Nước VNDCCH lại gây cảm hứng cho các nước thuộc địa. Họ cũng cố gắng làm như VN. Và VN sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ họ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, VN phóng thích hàng vạn tù binh ngoại quốc, trong đó có rất nhiều người dân thuộc địa phải đi lính cho Pháp. Khi về nước, những người này là nòng cốt cho phong trào giải phóng nước họ. Cho nên không lạ khi gặp Việt Nam, nhân dân nhiều nước thuộc địa thường hô vang khẩu hiệu “Giáp! Giáp! Chí Minh!”.
Raxun Gamzatov – nhà thơ lớn của Nga đã nói: “Nếu có một hiến pháp cho toàn cầu thì, câu đầu tiên phải nói tới tinh thần anh dũng của nhân dân Việt Nam”. Vinh dự lớn lao ấy, không thể có được nếu không có sự dìu dắt, lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Còn báo “Người yêu nước” của Ấn Độ thì nói: “Chỉ có VN là nước duy nhất đánh bại Mỹ về mặt quân sự mà thôi!”. Và nhân dân Ấn Độ yêu mến VN đến độ họ bảo rằng: Ở Ấn Độ có rất nhiều khuynh hướng tư tưởng chống đối nhau. Nhưng mỗi khi nói đến đoàn kết với VN thì ai cũng tán thành. Và CT HCM trở thành người bạn thân thiết của nhân dân Ấn Độ.
Những gì CT HCM làm, dần dần nhân dân trên thế giới đều hiểu. Nhờ vậy, chúng ta chiến đấu không bị lẻ loi. Ngay nhân dân Pháp và Mỹ cũng là những người giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Ở Pháp thì chị Raymond Dien đã dám nằm xuống đường cản đoàn xe lửa chở vũ khí sang đánh VN và chị được nhân dân Nga tạc tượng. Ở Mỹ, anh Morison đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do bọn đế quốc Mỹ gây ra ở VN, làm dấy lên làn sóng phản chiến dữ dội khiến bọn xâm lược Mỹ phải hoảng sợ.
Ở nhiều nước khác, bằng nhiều cách, người ta cũng hết lòng ủng hộ VN. Nhân dân Cuba anh em từng nói: “Vì VN, chúng ta sẵn sàng hiến cả máu của mình”. Một người dân Thuỵ Điển thì nói: “Ước gì sau một đêm thức dậy, tôi bỗng trở thành người Việt Nam!”…
Đó là nói sơ lược về công lao của CT HCM trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Còn về văn hóa thì sao? Có thể nói, từ cốt cách đến tâm hồn, CT HCM đã toát ra hương vị của văn hóa mà ai ai cũng thấy rõ. Bản chất văn hóa của Người bộc lộ ở mỗi lời nói, mỗi việc làm rất sâu sắc và đáng yêu vô cùng. Từ lâu, Người đã khuyên bảo mọi người bảo vệ môi trường. Thiết thực nhất là Người luôn luôn nhắc nhở hãy trồng cây, gây rừng, phủ xanh đồi trọc. Ngày nay, ai cũng thấy giá trị to lớn của việc trồng cây. Người còn dặn dò: “Trồng cây nào sống cây nấy”. Đó là một nhà văn hóa rất thiết thực. Văn hóa của Người là thứ văn hóa mà ai cũng cần đến, là có thể thấy được, sờ được.
Chất văn hóa của Người còn in đậm trên hoạt động ngoại giao khôn khéo, linh hoạt, thuyết phục của mình. Trong lần sang thăm Ấn Độ, các nhà báo tổ chức họp báo và hỏi Người:
- Trước khi Chủ tịch qua đây, ông Ngô Đình Diệm nói xấu miền Bắc đủ điều. Chủ tịch có ý kiến gì không?
Người vui vẻ đáp:
- Tôi sang đây để thăm nhân dân Ấn Độ, chứ không phải để nói xấu ông Diệm. Có gì thắc mắc, xin các bạn cứ hỏi ông Diệm.
Cả hội trường đứng phắt dậy, vỗ tay kéo dài. Họ trầm trồ: “Chưa thấy chính khách nào trả lời báo chí hay như vậy!”.
Năm 1950, sang thăm Liên Xô không theo lời mời mà tháp tùng với đoàn đại biểu TQ. Sau khi LX ký hiệp ước ngoại giao với TQ, Người nói với Stalin: “Tôi muốn LX cũng ký với VN một hiệp ước như vậy”.
Stalin nói: “Đồng chí Hồ Chí Minh qua đây không chính thức, tôi sẽ trả lời thế nào với thế giới đây?”.
Người nói ngay: “Thì các đồng chí cứ cho một chuyến bay lên và đáp xuống Mạc-tư-khoa là xong chứ gì!”.
Thế là Stalin phải chịu trước lời lẽ hợp lý của Người.
Cuộc hội thảo “Global Hồ Chí Minh” của Trường Đại học Columbia phối hợp với Viện HLKHXHVN vừa qua khiến chúng ta cảm động và rất đỗi tự hào.
Ảnh: Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
HXH ( Trúc Hương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét