Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
Thờ ơ, vô cảm, lấy “hành” dân là “chính”
Những câu chuyện vừa qua báo chí nêu, được coi là điển hình của sự thờ ơ, vô cảm, lấy “hành” dân là “chính”, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về văn hóa công vụ.
Báo Thanh niên ngày 20/12/2018 phản ánh vụ việc, một cháu bé 12 tuổi do đi xe máy trên đường cán qua dây cáp quang bị trượt té, đúng lúc bị một xe tải chạy cùng chiều va chạm nên tử vong ngay sau đó. Sự việc xảy ra ngày 7/12/2018, và mặc dù sau đó, người thân đã liên tục xin đi xin lại các loại giấy tờ xác nhận của cơ quan công an, bệnh viện… nhằm làm thủ tục chứng tử cho nạn nhân, song đến ngày 18/12/2018 vẫn bị cán bộ phường Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên, Bình Dương) từ chối với lý do rằng “giấy tờ làm tầm bậy, tầm bạ”, “công an xác nhận nội dung không đúng”.
Quá tam ba bận, nhưng đến lần thứ tư đưa đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu đến cho cán bộ phụ trách, người thân của nạn nhân xấu số vẫn tay trắng ra về. Thậm chí đến sáng 19/12/2018, Chủ tịch UBND phường này vẫn khẳng định cán bộ của phường làm đúng theo quy định. Sau khi dẫn ra quy định pháp luật thì lãnh đạo phường mới thừa nhận cấp dưới của mình “thiếu sót” và mong được “thông cảm”.
Câu hỏi đặt ra là tình người ở đâu? Sự thờ ơ, vô cảm không thể chấp nhận được. Dẫu cho chính quyền phường, xã khẳng định họ đã giải quyết “đúng quy định” của pháp luật đi chăng nữa thì sự cứng nhắc của cán bộ cũng khiến không ít người giận dữ.
Hay câu chuyện khác mà báo Tuổi Trẻ Online nêu, trước đó, các bạn N.L.H.A, N.T.S và T.T.T.Th đã mang theo biên lai đóng tiền, tờ cam kết và giấy chứng nhận của Công ty Dragon Gold đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ để khiếu nại về việc bị công ty này thu tiền đào tạo, môi giới lao động nhưng không đúng cam kết. Tuy nhiên, chánh thanh tra sở này đã vừa hút thuốc vừa từ chối nhận đơn và yêu cầu người lao động phải chứng minh Công ty Dragon Gold thu tiền môi giới lao động. Sau đó, ông này yêu cầu về viết lại đơn dù trước đó một ngày thanh tra Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ đã từ chối đơn và yêu cầu người khiếu nại bổ sung giấy chứng minh nhân dân.
Còn nhiều những vụ việc khác mà cán bộ, công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính cố tình gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp… khi thi hành công vụ. Hay thái độ cán bộ, công chức, viên chức rất thờ ơ, họ nhăn trán, nhíu mày, trả lời cộc lốc, cụt lủn, mặt hằm hằm khó chịu với những người có khi bằng tuổi cha mẹ mình. Nhiều lần như vậy tâm lý của người dân ngại, sợ khi có công việc lên cơ quan công quyền.
Rồi việc nghiệm thu các hạng mục công trình của nhà nước. Mỗi lần tổ chức nghiệm thu, doanh nghiệp (DN) lại bỏ phong bì bồi dưỡng cho các "ban, bệ”, chỗ này chỗ kia. Nơi nào bỏ phong bì thì được cho là rộng rãi, nơi nào không bỏ phong bì thì bị chê keo kiệt. Và rồi sẽ có chuyện anh nào có phong bì dày sẽ được tạo điều kiện, anh nào có phong bì ít sẽ bị xem xét, cân nhắc hoặc gây khó dễ. Điều này gây phiền hà cho DN, người dân, tạo sự xa cách giữa cán bộ, công chức viên chức và người dân, DN. Đây có thể cho là hành vi cản trở sự phát triển.
Có thể thấy, thờ ơ, vô cảm đã và đang là “căn bệnh” kinh niên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, nó có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức cho rằng việc quá nhiều, áp lực công việc lớn nên không có thời gian để tiếp dân cho chu đáo.
Có lẽ không có cách nào khác, muốn làm trong sạch bộ máy phải loại ngay những cán bộ vô cảm, thờ ơ, quan liêu, sách nhiễu dân ra khỏi bộ máy. Chỉ đạo vấn đề này, tháng 9/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phải “Thực hiện nghiêm việc xin lỗi, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định giải quyết thủ tục hành chính”.
Nâng cao văn hóa công vụ vì dân
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Văn hóa công vụ tại Quyết định 1847/QĐ-TTg. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”.
Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Đề án này hướng đến việc nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.
Đối tượng áp dụng của quyết định này là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính nhà nước gồm: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các cấp tỉnh, huyện, xã.
Trong Quyết định cũng đề cập đến nội dung của văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở các khía cạnh: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục…
Với quyết tâm của Chính phủ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hiện, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền đạo đức công vụ ứng xử có văn hóa vì dân./.
Nguyễn Minh