Năm 2020 đi qua đã để lại những dấu ấn đậm nét cho người dân Việt Nam. “Chưa bao giờ”, “lịch sử”, “sự kiện chưa từng có”…là những cụm từ liên tục xuất hiện trên truyền thông đại chúng trong năm vừa qua. Trước thềm năm Tân Sửu 2021, bạn đọc cùng Việt Nam Thời báo nhìn lại các sự kiện nổi bật.
1. COVID-19 và COVID-19
Khởi nguồn vào cuối năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân, virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ người sang người gây đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới, lan đến tất cả các châu lục. Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã tiến hành phản ứng đáp trả nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bao gồm: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến. Lịch sử sẽ ghi nhớ 2020 là năm đại dịch COVID-19 gây thiệt hại kinh tế và gián đoạn xã hội trên toàn thế giới với tốc độ, quy mô và mức độ nghiêm trọng chỉ chứng kiến 1 lần trong hàng thế kỷ.
Ngày 23-1-2020, Việt Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong lúc thông tin về virus và căn bệnh này hoàn toàn mới mẻ. Với kinh nghiệm từ thời chống dịch SARS, ngành y tế và cả nước đưa ra chiến lược ngăn chặn, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đến nay, Việt Nam trở thành điểm sáng trên thế giới về việc khống chế thành công đại dịch Covid-19. Việt Nam xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia khống chế đại dịch Covid-19 tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2. Trước Tết Tân Sửu 2021, COVID-19 một lần nữa quay lại đe doạ cuộc sống của toàn dân. Một cuộc chiến tổng lực lại bắt đầu, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, “không ai bị bỏ lại phía sau” đã thôi thúc tinh thần Việt vượt qua khó khăn, hoạn nạn này.
2. Bầu cử Tổng thống Mỹ
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa hai ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống đảng Cộng hoà Donald Trump diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới về COVID-19, với hơn 19 triệu người mắc và hơn 337.000 người tử vong. Đây là cuộc bầu cử tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông và đã phơi bày những “lỗ hổng” trong bầu cử Tổng thống – vấn đề mà nước Mỹ tự hào là dân chủ và công bằng nhất trên thế giới. Do đại dịch COVID-19, phương thức bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu sớm đã lên ngôi, khiến tỉ lệ cử tri bỏ phiếu đạt mức kỷ lục chưa từng thấy kể từ năm 1900. Với hơn 81 triệu phiếu bầu, ông Joe Biden là ứng viên nhận số phiếu nhiều nhất trong một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump cũng nhận được hơn 74 triệu lá phiếu, vượt qua cả số phiếu kỷ lục cho ông Barack Obama là 69,5 triệu trong năm 2008.
Đây cũng là cuộc bầu cử tổng thống mà người chiến thắng không được xướng tên ngay sau đêm bầu cử 3.11. Mãi tới ngày 7.11, các hãng truyền thông lớn của Mỹ mới xướng tên ông Joe Biden là người chiến thắng. Ông Donald Trump không chấp nhận kết quả và tiến hành cuộc chiến pháp lý nhằm đảo ngược tình hình. Hầu hết các nỗ lực pháp lý thất bại. Hiện nay, ông Donald Trump cũng là vị tổng thống đầu tiên bị 02 lần luận tội.
3. Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII
Năm 2020, 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã kết thúc, nhưng những kết quả quan trọng và thành công của Đại hội vẫn lan tỏa rộng khắp mọi miền đất nước. Trong câu chuyện ở phố phường, các làng quê, người dân bàn luận, tỏ rõ lòng tin của mình với Ban chấp hành Trung ương khóa mới, với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa ra mắt. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng khóa XIII với số phiếu gần như tuyệt đối càng làm cho lòng dân thêm phấn chấn tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng và xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh.
4. Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới
Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, đây được đánh giá là thành công lớn. Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng như: Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay; giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2011-2020; đạt được nhiều thành tựu trong hội nhập kinh tế quốc tế...
5. Thiên tai, mưa lụt lịch sử xảy ra ở miền Trung
Năm 2020, Việt Nam hứng chịu nhiều đợt thiên tai khốc liệt, bất thường trên khắp các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là đợt mưa lũ lịch sử tại miền Trung. Cả nước đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó: 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long... Các lực lượng chức năng đã nỗ lực tham gia cứu hộ-cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, nhiều tấm gương hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét