Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

NGA GIÚP SYRIA DỰNG LẠI SƠN HÀ! LIỆU CÒN ĐẤT NƯỚC NÀO TIN VÀO "MÙA XUÂN Ả RẬP"?

 Thành phố Kobane, phía Đông Syria, xứ sở thần thoại Nghìn lẻ một đêm, được Nga giúp giải phóng ngay khi tham chiến năm 2015. Từ đống tro tàn của khói lửa chiến tranh, họ đã vươn lên và hồi sinh mạnh mẽ. Hiện nay, rất nhiều thành phố, địa phương đã dần ổn định tình hình, dân Syria được người Nga hỗ trợ để sớm quét sạch những kẻ xâm lược như Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc và đánh trả Israel thu lại giang sơn.

Cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có câu nói kinh điển khi luận về tình hình loạn lạc ở các nước Trung Đông, Bắc Phi: “Các đối tác phương Tây của chúng ta đôi khi hành xử như một con bò trong cửa hàng sành sứ vậy. Họ chen vào, nghiền nát mọi thứ rồi sau đó không biết phải làm gì tiếp theo”. Lối ví von hóm hỉnh nhưng rất sâu cay về cái gọi là “Mùa xuân Ả Rập”. Mỹ và một số nước phương Tây đúng là những con bò lao vào các cửa hàng sành, sứ! Họ phá nát các đất nước có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng bom đạn, lật đổ và sát hại lãnh đạo các nước đó, sau khi đạt mục đích thì họ lại chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi xem nhân dân các nước tàn sát lẫn nhau.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét: “Chúng ta biết ai muốn lật đổ những chế độ không hợp ý họ và áp đặt những điều luật của mình một cách thô bạo. Kết quả là thế nào? Người ta đã gây ra tình trạng hỗn loạn, đã phá vỡ thể chế nhà nước, đã đẩy người dân đến chỗ xung đột nhau và sau đó, đơn giản, như người Nga thường nói, đã "rửa sạch tay" rồi mở đường cho những lực lượng cực đoan và những kẻ khủng bố”.
Syria là quốc gia thái bình, thịnh trị trước khi được hưởng “hoa thơm và trái ngọt” của “mùa xuân Ả Rập”. Sau 10 năm, cuộc nội chiến Syria vẫn tồn tại, để lại bao hậu quả đáng suy ngẫm. Hòa bình vẫn là điều xa xỉ ở quốc gia Tây Á này. “Hoa thơm và trái ngọt”, dân chủ, nhân quyền chẳng ai thấy đâu, chỉ thấy rằng đất nước một thời hoa lệ nay trơ lại máu đỏ trộn lẫn với bùn đen.
Cách đây hơn 10 năm, ngày 15/3/2011 được xem là dấu mốc khởi đầu cho cuộc xung đột tại Syria khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đồng loạt diễn ra trên toàn quốc. 10 năm sau, chính phủ của Tổng thống Syria Assad đã trụ vững qua làn sóng “Mùa xuân Arab”, nhưng không thể xóa đi những vết hằn của một cuộc nội chiến đẫm máu hiển hiện trên khắp đất nước. Gần 500.000 người đã thiệt mạng, hàng triệu người di tản đến giờ vẫn chưa thể trở về quê hương, hơn 50% dân số sống trong cảnh đói rét triền miên, y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội bị ngưng trệ...Ban đầu những “nhà dân chủ Syria” muốn xóa độc tài, tăng việc làm, và đòi quyền tự do, dân chủ…thế nhưng sau 10 năm, chẳng ai thấy mùa xuân ở đâu cả, có chăng chỉ là trong những giấc mơ của những con người đáng thương, mệt lã vì đói rét mà ngủ gục!
Chính phủ Syria đã giành lại gần hết quyền kiểm soát lãnh thổ nhờ sức của Nga và Iran và các lực lượng ủng hộ Tổng thống nhưng chia rẽ, phân biệt sắc tộc, tôn giáo rất khó có thể dung hòa; câu ca dao kiểu như người Việt chúng ta vẫn thường hát cho nhau nghe “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng/Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” đã không còn tồn tại ở Syria.
Những đối tượng yếu thế và cần được giúp đỡ trong xã hội như người già và trẻ em Syria là những đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất. Trong vòng 10 năm qua, hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra trong các trại tị nạn ngoài Syria; 3,5 triệu trẻ em thất học; 90% trẻ em Syria đang rất cần được hỗ trợ cả về vật chất và tâm lý. Chúng không biết đến bất cứ điều gì ngoài chết chóc, li tán và tàn phá. Người già bị bỏ quên và không ít trong số đó chết vì đói, vì thiếu thuốc men chữa trị vì ngay cả lực lượng trong độ tuổi lao động cũng chưa giải quyết được cái ăn thì người già và trẻ em sao sống được.
Thời nhà Thanh bên Trung Quốc, khi phương Tây và Nhật bản xâu xé Trung Hoa và ví von đất nước này là “cái bánh ngọt Trung Hoa” và hiện nay Syria được ví von là “cái bánh ngọt Syria”; giậu đã đổ thì bìm phải leo, đó là lý lẽ xưa này, khi đất nước nội chiến, chia rẽ và suy yếu thì ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ tham gia xâm lược, kiểm soát vùng đất phía Bắc, Đông Bắc Syria. Mỹ dù rút rất nhiều quân nhưng những giếng dầu của họ ở Syria vẫn được quân đội Mỹ ngày đêm túc trực. Israel cũng thừa cơ oanh tạc Syria, đất nước được xem là kẻ thù của họ và cũng mượn chiến trường Syria để tấn công Iran. Cái đau nhất của Syria chính là dù cho chính phủ đã kiểm soát khoảng 75% lãnh thổ nhưng 25% còn lại lại là nơi chứa đến 80% lượng dầu mỏ của họ. Miếng ngon dầu mỏ của Syria hiện nay được nhiều nước thay nhau xâu xé!
Chính phủ Syria nhận được sự ủng hộ của Nga và Iran và một số nước vùng vịnh, trong khi phe đối lập được Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước phương Tây và một số quốc gia vùng Vịnh ủng hộ ở các mức độ khác nhau. Chiến tranh kéo dài 10 năm đã biến Syria thành một đống đổ nát và thiệt hại ước tính lên tới 1.500 tỷ USD. Hàng ngàn cơ sở công nghiệp trong tất cả các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như khai thác dầu, khí; năng lượng điện; khai khoáng... đã bị phá hủy. Khủng khoảng nhân đạo trầm trọng, thế nhưng Liên hiệp quốc tỏ ra bất lực, những kẻ gây ra lại cao chạy xa bay, chẳng ai ngó ngàng đến sự sống chết của người Syria. Dân chủ, nhân quyền ư? Syria đang được hưởng đấy!
Không biết sau khi nếm trải nỗi đau khổ do chia rẽ, nội chiến và bị nước ngoài lợi dụng để xâm lược và khai thác tài nguyên thì người Syria có còn muốn "mùa xuân Ả Rập" nữa hay không. Có một điều chắc chắn là Syria đã bị chính người Syria phá nát. Nguyên nhân là do sự mơ màng, ảo tưởng về các giá trị của phương Tây, tin vào "ông già Noel" Hoa Kỳ sẽ ban phát cho họ sự "dân chủ, nhân quyền" kiểu Mỹ. Ảo tưởng về sức mạnh Mỹ sẽ giúp đất nước Syria to đẹp và thịnh vượng. Sáng mắt, sáng lòng sau hơn 10 năm khổ đau, chắc chỉ người không có trái tim, khối óc thì mới tin vào "mùa xuân Ả Rập". Mùa xuân không có hoa thơm, trái ngọt mà chỉ có mưa máu, gió tanh và hoang tàn đổ nát. Hãy tỉnh mộng đi hỡi những ai còn mộng mơ./.
------------------
Lão chăn bò.
Có thể là hình ảnh về đang đứng, ngoài trời và văn bản cho biết 'KOBANÊ, FEBRUAR 2015 100n KOBANÊ, SEPTEMBER 2018 Snm'

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét