Tiết trời TP Hồ Chí Minh những ngày này thật nóng nực, đi ở ngoài trời, người lúc nào cũng mướt mát mồ hôi. Thế nhưng 18 chiến sĩ của Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) nhận nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phường Tân Tạo, quận Bình Tân vẫn cần mẫn bốc xếp lương thực, rồi ngồi soạn từng mớ rau xanh, trứng, gạo... để mang tới cho nhân dân. Đấy là những hình ảnh về các chiến sĩ bộ đội mà chắc chắn tôi sẽ mãi không quên!
Trước đây, theo sự phân công của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, tôi có nhiệm vụ điều phối, sàng lọc ca nhiễm Covid-19 và hỗ trợ tiêm vaccine. Đầu tháng 8, tôi nhận nhiệm vụ mới là lo công tác hậu cần tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân.
Phường Tân Tạo là nơi sinh sống của rất nhiều công nhân, là một trong những điểm nóng về dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống, lương thực cho bà con cũng được đặt lên hàng đầu. Đội hậu cần của tôi chủ yếu là các anh, chị đang công tác tại UBND phường và các cô, chú trong tổ dân phố. Ngày ngày, khi có hàng hóa gửi tới để hỗ trợ bà con, tôi cùng mọi người nhanh chóng dỡ hàng, sau đó đóng gói đồ ăn, lương thực thành từng phần nhỏ, rồi lại cùng nhau chất những túi hàng đã được chia nhỏ đó lên xe chuyển tới nhà của người dân. Có ngày hàng về nhiều, những chuyến xe nối đuôi nhau ra vào liên tục. Công việc nhiều không xuể, chưa kể đến cả việc đi chợ hộ. Khoảng hai tuần trở lại đây, khi có 18 chiến sĩ của Sư đoàn 9 về hỗ trợ, công việc của chúng tôi được giảm tải, hiệu quả nâng lên rõ rệt. 18 chiến sĩ chia đều thành 2 nhóm, mỗi nhóm đảm nhận phần việc khác nhau để đẩy nhanh tiến độ công việc.
Từ trước đến nay, tôi thường tự hào mình là người to khỏe, vậy mà chứng kiến những chiến sĩ vác bao gạo 50kg, hoặc vác một lúc 10 thùng mì ăn liền di chuyển liên tục, bước đi thoăn thoắt dù lưng ướt đẫm mồ hôi, tôi thực sự nể. Họ làm việc rất tỉ mỉ, chu đáo, chẳng nề hà việc gì. Sau khi gạo được chia vào từng túi quà nhỏ, các bao tải to đựng gạo ban đầu được anh em xếp lại gọn gàng; rau củ quả nếu dính nhiều bùn đất sẽ được rửa sạch sẽ. Trước khi đứng dậy kết thúc công việc, từng chiếc ghế được cất ngay ngắn vào góc nhà. Những lúc cùng các chiến sĩ đi tới từng hộ trên địa bàn phường, tôi luôn thấy họ ân cần trao hàng cho người dân. Sau cái gật đầu cảm ơn của người nhận, họ lại vội bước đi để tiếp tục công việc. Bên trong túi lương thực đó chỉ là những gói mì, những quả trứng, chai nước mắm, dầu ăn... Nhưng trong thời điểm này, từng túi quà an sinh đó gửi theo biết bao tấm lòng để tiếp thêm niềm tin, tiếp thêm nghị lực tới bà con vùng dịch giúp họ vững lòng ở nhà chống dịch.
Tôi đặc biệt nể phục tính kỷ luật và nền nếp của người lính. Hằng ngày, 7 giờ 30 phút là thời điểm bắt đầu công việc, nhưng hôm nào cũng vậy, cứ vào lúc 7 giờ 15 phút họ đã có mặt để chờ lệnh của người chỉ huy. Buổi chiều, 14 giờ vào việc, thì từ 13 giờ 45 phút, khi tôi còn đang tranh thủ chợp mắt đã nghe tiếng gọi: "Anh Kiệt đâu? Lên hỗ trợ các đồng chí trong quân đội kìa...". Tôi vội bật dậy, chạy ra, đã thấy các chiến sĩ nghiêm ngắn đứng trong đội hình. Nghiêm túc, kỷ cương là vậy nhưng những chàng trai này lại rất giàu tình cảm. "Chỉ 4 tháng nữa em sẽ xuất ngũ, nhưng nếu dịch còn phức tạp, tụi em sẽ xin ở lại để tiếp tục nhiệm vụ. Nếu đơn vị cần, người dân TP Hồ Chí Minh cần thì chúng em xin tình nguyện”, chiến sĩ Đỗ Văn Lực, sinh năm 2001, quê Đồng Nai, vừa gạt mồ hôi vừa nói với tôi.
“Các em không nhớ nhà, không muốn về nhà à?”, tôi hỏi. “Bữa trước, quê nhà bùng dịch, em lo lắng lắm, may bây giờ ổn rồi và nhà em may mắn không ai nhiễm bệnh. Em cũng nhớ nhà lắm! Nhưng dịch bệnh đang căng thẳng mà người dân đang rất vất vả, chúng em muốn góp sức giúp bà con”, chiến sĩ Lê Công Hậu, sinh năm 2000, quê Tiền Giang tiếp lời.
“Ngày em nói với gia đình rằng sẽ tham gia vào lực lượng hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, cả nhà đều hiểu nhiệm vụ này thật sự cấp bách và cần người lính vào cuộc để hỗ trợ nhân dân. Ba mẹ lo lắng cho sức khỏe của em nhưng cũng tự hào vì em đã làm thêm được một việc có lợi cho bà con nhân dân”, Nguyễn Quốc Phi, sinh năm 2001, quê Mỹ Tho, kể.
Nhìn những gương mặt trẻ măng của Lực, Hậu, Phi..., nhìn những bộ quân phục thấm đẫm mồ hôi mà họ đang mặc trên mình, tôi như được tiếp thêm năng lượng. Tôi tin các chiến sĩ trẻ ấy, tin vào sức chiến đấu, tin vào trái tim của họ. Họ sẽ luôn sát cánh cùng người dân TP Hồ Chí Minh để đẩy lùi dịch bệnh.
NGUYỄN ANH KIỆT (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh)
Báo QĐND
Ảnh: Các chiến sĩ tại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét