Hôm nay (5-9) là ngày khai giảng năm học mới 2021-2022. Khác với những năm học trước, thời điểm này, trong khi một số địa phương trong nước đang tập trung mọi nỗ lực để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 nên không thể tổ chức khai giảng năm học mới theo đúng kế hoạch, thì phần lớn các nhà trường tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Mùa thu tựu trường năm nay ở nhiều nơi không treo cờ hoa rực rỡ, không có không khí náo nức, nhộn nhịp của học sinh, nhưng phương châm “Dừng đến trường nhưng không dừng việc học” của ngành giáo dục luôn là động lực, niềm tin thôi thúc các thầy cô giáo và các em học sinh tự tin, vững bước vào năm học mới với khí thế mới, nỗ lực vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh để thi đua dạy tốt, học tốt.
Năm học vừa qua, cùng với những khó khăn chung của toàn xã hội phải đối mặt với đại dịch Covid-19, ngành giáo dục cũng chịu không ít áp lực, thử thách do đại dịch tái phát trong cả nước. Ngành giáo dục và UBND nhiều tỉnh, thành phố phải nhiều lần điều chỉnh, thay đổi kế hoạch dạy học, kế hoạch thi tốt nghiệp THPT, thi vào lớp 10 công lập để thích ứng với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Nỗ lực vượt khó, không ngừng tìm tòi, sáng tạo để có các hình thức, biện pháp duy trì thực hiện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học 2020-2021 là thành công đáng ghi nhận của ngành giáo dục.
Là năm đầu tiên cả nước triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định. Giáo dục trung học tiếp tục giữ vững chất lượng. Giáo dục đại học từng bước được chuẩn hóa, tiếp cận với chuẩn giáo dục quốc tế. Đây cũng là năm thành công vượt bậc của các đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế 2021, 37/37 lượt học sinh dự thi đều đạt thành tích xuất sắc với 35 huy chương và 2 bằng khen. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên được chú trọng hơn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh. Đội ngũ giáo viên tiếp tục được củng cố về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo của đất nước. Công tác lãnh đạo, quản lý giáo dục, quản trị nhà trường ngày càng đi vào nền nếp, thực chất hơn, góp phần tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục cần triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quyết liệt thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học và giải quyết tốt mối quan hệ “lấy học sinh là trung tâm, lấy trường học làm nền tảng, lấy giáo viên làm động lực”. Nghiêm túc quán triệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để “học thật, thi thật, nhân tài thật”, tăng cường yếu tố thực nghiệp, thực chất, thực học và kiên quyết khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục học sinh, sinh viên cả về phẩm chất, năng lực, kỹ năng và khả năng thích ứng với môi trường giáo dục quốc tế.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, việc không để đứt gãy kế hoạch dạy học và bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, sinh viên phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục trong năm học mới. Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện nay, ngành giáo dục càng phải quan tâm gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Mọi hoạt động giáo dục phải hướng đến mục tiêu làm cho học sinh yên vui, giáo viên yên tâm, phụ huynh yên lòng, xã hội yên ổn. Muốn vậy, ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, từng vùng, miền; chú trọng xây dựng kho học liệu điện tử nhằm đáp ứng nhiệm vụ tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Cần tiếp tục thực hiện chính sách công bằng trong giáo dục, bảo đảm cho tất cả học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi và con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội được đến trường; không để học sinh nào thất học do ảnh hưởng dịch bệnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này là đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên cả nước đã làm tròn lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt!”. Cùng với hệ thống giáo dục, sự cố gắng của mỗi gia đình, học sinh cũng hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn đến quyết tâm, chất lượng hoàn thành mục tiêu năm học.
Là một bộ phận quan trọng trong nền giáo dục nước nhà, hệ thống nhà trường quân đội những năm qua đã có sự đổi mới về nội dung chương trình, phương pháp đào tạo và giành được nhiều kết quả tiến bộ. Nhiều học viện, nhà trường quân đội đã chủ động tiếp cận, từng bước xây dựng nhà trường thông minh “4.0”. Chất lượng nguồn nhân lực đào tạo đáp ứng yêu cầu, sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong quân đội, các học viện, nhà trường quân đội cần quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phong trào thi đua giành nhiều thành tích mới trong giảng dạy, huấn luyện, nghiên cứu khoa học; xây dựng nhà trường chính quy, uy tín, mẫu mực, xứng đáng là những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và quân đội.
QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét