Thông tin về việc môn Lịch sử được xếp vào nhóm môn học tự chọn từ năm học 2022 - 2023 đang gây tranh cãi mạnh mẽ đối với cộng động mạng. Có thể việc cắt giảm số môn học bắt buộc là việc làm hết sức tiến bộ vì sẽ giảm tải cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh đi vào chiều sâu các môn học yêu thích và tập trung hơn vào sở trường của mình. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc biến môn Lịch sử trở thành một trong những môn học tự chọn là không hợp lý và sẽ chẳng khác nào “xoá sổ” môn này, điều này có thể gây hậu quả khôn lường cho nhiều thế hệ người Việt Nam.
Theo thống kê năm 2015 của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, khi môn Lịch sử là môn bắt buộc thì trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ có 153.600 thí sinh đăng ký thi môn Sử (tức là có khoảng 1/10 thí sinh quan tâm tới môn Sử). Vậy không biết nếu chúng ta cho phép các em bỏ qua môn Sử khi còn học phổ thông thì sẽ còn được bao nhiêu thí sinh đăng ký thi môn Sử trong các kỳ thi THPT quốc gia sắp tới? Liệu chúng ta có nên nghĩ đến tình huống xấu nhất là không có thí sinh nào đăng ký thi môn Lịch sử trong các kỳ thi THPT quốc gia không?
Lịch sử là hồn cốt của một quốc gia, dân tộc, là một bộ phận trong cơ thể đất nước Việt Nam. Những kiến thức lịch sử giúp cho giới trẻ hiểu về truyền thống đất nước, lòng tự tôn dân tộc, biết quý trọng hiện tại, trân quý tương lai. Hiểu được điều đó, thế hệ trẻ sẽ có lý do chính đáng để cảm thấy tự hào về đất nước của mình và thấy có động lực để tiếp tục xây dựng và phát triển nó hơn nữa. Còn ngược lại, nếu không am hiểu về lịch sử, có thể các bạn sẽ thấy mọi thứ rất bi quan, rằng Việt Nam bây giờ thua kém tất cả quốc gia khác và vì vậy chẳng có lý do gì để đóng góp cho quê hương. Nhưng trong lịch sử mỗi lần đất nước lâm nguy thì cái đã giúp chúng ta vượt qua được mọi khó khăn để giành chiến thắng chính là tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc bất diệt. Nếu mất đi điều đó, lần tiếp theo đất nước lâm nguy chúng ta sẽ phải làm sao đây?
Không thể lấy phong cách giáo dục ở nước khác áp dụng vào Việt Nam được. Bởi vì lịch sử của họ khác Việt Nam khác và con người với nền văn hóa cũng khác. Hãy nhìn các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn… họ đâu có lấy phong cách giáo dục của quốc gia khác để áp dụng cho quốc gia họ, họ có đặc trưng riêng về phong cách giáo dục để tạo nên người dân của quốc gia họ. Đi trao đổi kinh nghiệp để để tiếp thu tinh hoa về mà xây dựng đất nước và con người Việt Nam chứ không phải là về để bỏ môn học lịch sử.
Điều mà chúng ta thật sự cần không phải là cho các em quyền chọn học môn Sử hay không mà là làm thế nào để khiến các em có hứng thú với giờ học Lịch sử. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục bắt học sinh nhớ từng ngày từng tháng, từng sự kiện lịch sử, bắt học sinh nhớ xem bao nhiêu máy bay, bao nhiêu tăng, bao nhiêu lính thiệt mạng trong một trận đánh thì đương nhiên là học sinh sẽ chẳng bao giờ yêu nổi môn Lịch sử.
Vậy thay vì né tránh vấn đề gốc rễ bằng cách "xóa sổ" môn Sử, chúng ta hãy dành thời gian suy nghĩ xem phải làm thế nào để khiến môn Sử thu hút được học sinh.
<Hoa Xuân>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét