Cùng với đó, nhiều ý kiến thể hiện rõ sự quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", đẩy lùi mọi luận điệu xuyên tạc hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và bôi nhọ truyền thống, bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

TS NGUYỄN ĐẮC TUYỀN, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên:

Đấu tranh, bảo vệ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ

Hiện nay, các thế lực chống phá Quân đội ta đang tập trung vào luận điệu “trung lập hóa quân đội”, âm mưu "phi chính trị hóa” quân đội; cố tình hạ bệ uy tín của các đồng chí lãnh đạo quân đội, bôi nhọ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình... Do đó, toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội cần nhận thức rõ trách nhiệm trong tham gia đấu tranh, bảo vệ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Dù thủ đoạn của kẻ thù có tinh vi, xảo quyệt, nhưng nếu toàn xã hội vững niềm tin về truyền thống anh hùng và bản chất cách mạng của QĐND Việt Nam, về những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ thì chắc chắn không kẻ thù nào có thể hạ bệ một hình tượng cao quý trong lòng nhân dân.

Để làm được điều đó, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể phải tập trung làm tốt hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục về truyền thống, bản chất tốt đẹp của QĐND Việt Nam đến các tầng lớp, thành phần xã hội. Tập trung khẳng định rõ những đóng góp to lớn, không thể phủ nhận của bộ đội thời bình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đặc biệt coi trọng và thực hiện tốt công tác định hướng tư tưởng, làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ sự nguy hiểm khôn lường của chiến lược “diễn biến hòa bình” và âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; kịp thời thông tin về những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù để người dân chủ động phòng vệ, nâng cao cảnh giác cách mạng và xác định rõ giải pháp, biện pháp đấu tranh, phòng ngừa.

Với chức năng và ưu thế đặc thù, báo chí cách mạng cần phát huy vai trò nòng cốt, bám sát thực tiễn, tổ chức tuyên truyền hiệu quả về điển hình, mô hình, phong trào thi đua của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong phấn đấu, rèn luyện xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; phản bác các quan điểm sai trái, lối sống thiếu lành mạnh, ngại phấn đấu, rèn luyện làm ảnh hưởng đến hình ảnh và bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Các đơn vị văn hóa nghệ thuật cần tăng cường nghiên cứu, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tính chính trị cao, tôn vinh, lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay; góp phần ngăn ngừa các sản phẩm văn hóa xấu độc thẩm thấu vào đơn vị, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong quân đội theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng.

----------

Trung tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng:

Nghiên cứu tổng kết, phát triển những giá trị mới

Bộ đội Cụ Hồ là danh xưng đặc biệt, một giá trị văn hóa, đạo đức quân sự độc đáo Việt Nam, phản ánh bản chất truyền thống của QĐND Việt Nam. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được vun đúc, xây dựng trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội, được củng cố bền vững, khẳng định hệ giá trị chuẩn mực, có tính bền vững. Tuy vậy, giá trị phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ hoàn toàn không xơ cứng, bất biến mà trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau sẽ từng bước có sự bổ sung, phát triển, hoàn thiện.

Đúng như loạt bài “Bộ đội thời bình-những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận” đăng trên Báo QĐND đã phản ánh, ngoài những phẩm chất được gìn giữ, phát huy về bản lĩnh chính trị, ý chí, đạo đức quân nhân cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, đức hy sinh... đến nay, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam đã hình thành, bổ sung nhiều giá trị phẩm chất mới, rất đáng ghi nhận. Đó là tầm cao trí tuệ, sự năng động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; năng lực ngoại giao, trình độ, kiến thức làm chủ, hòa nhập cùng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhịp sống mới; khả năng về công nghệ thông tin, năng lực điều hành tác chiến điện tử, tác chiến trên không gian mạng... Tất cả những giá trị phẩm chất ấy cần được nghiên cứu, tổng kết để có những định hướng phát triển đúng đắn, phù hợp, góp phần gìn giữ, phát huy và tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, trong xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19... nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những vấn đề mới, ngày càng nặng nề, phức tạp hơn. Điều đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội; tạo môi trường thuận lợi nhất để phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của cán bộ, chiến sĩ được phát huy và tỏa sáng.

----------

Thiếu tướng TRƯƠNG THIÊN TÔPhó chính ủy Quân khu 5:

Mài sáng phẩm chất quân nhân cách mạng qua thực tiễn

Bản chất, truyền thống và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không tự phát hình thành và bất biến, mà là kết quả tất yếu của quá trình lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện và không ngừng vận động, phát triển trong thực tiễn hoạt động quân sự. Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ, việc phấn đấu, rèn luyện để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao.

Để giá trị Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng
Nữ quân nhân Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang giúp dân thu hoạch nông sản trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại địa phương. 

Trong điều kiện mới, cán bộ, chiến sĩ hôm nay cần nhận thức đúng đắn, nêu cao trách nhiệm, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới. Đây là nội dung hết sức quan trọng nhằm bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn coi việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ là công việc thường xuyên, hằng ngày, tăng cường "tự soi, tự sửa", gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện bộ đội bằng các giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực; khơi dậy tiềm năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, nỗ lực phấn đấu của từng cán bộ, chiến sĩ.

Trong quá trình đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp thực hiện tốt vai trò nêu gương tự giác rèn luyện, phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Bởi lẽ, sự mẫu mực, mô phạm, nói đi đôi với làm của cán bộ các cấp là mệnh lệnh không lời, có sức thuyết phục cao đối với bộ đội. Để làm được điều đó, cán bộ phải thật sự gắn mình với đơn vị, sâu sát, gần gũi với cấp dưới và bộ đội; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; giải quyết hài hòa các mối quan hệ, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ... Cùng với đó, cán bộ phải đề cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chủ động thông tin tích cực, kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nội bộ và xã hội.

----------

Đại tá ĐOÀN XUÂN BƯỜNGPhó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4:

Sống sao cho xứng đáng với đồng đội đã hy sinh

Sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, sĩ quan đoàn công tác Quân khu 4, Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), cán bộ tỉnh Thừa Thiên Huế vào đêm 12, rạng sáng 13-10-2020 khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn các công nhân Thủy điện Rào Trăng 3, tại xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) và 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) trong quá trình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) đêm 18-10-2020 để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước.

 Nỗi đau ấy vẫn vẹn nguyên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 cho đến bây giờ. Noi theo tấm gương hy sinh của các đồng chí, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 nói riêng đã và đang tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà các đồng chí để lại. Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị luôn chủ động, tích cực, kịp thời ứng phó với mọi tình huống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong bất kỳ tình huống nào; hăng hái, tích cực trong giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; xây dựng LLVT quân khu ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao... Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

Để có được cuộc sống yên bình hôm nay, chúng ta càng thấm thía một điều rằng, có biết bao máu xương của các anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã đổ xuống cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Không chỉ chiến tranh mà ngay trong thời bình, biết bao chiến sĩ quân đội, công an, các lực lượng phòng, chống tội phạm, đặc biệt là những cán bộ, chiến sĩ LLVT, các thầy thuốc trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 và đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo... đang từng ngày, từng giờ đối mặt với hiểm nguy, vất vả để bảo vệ, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Do đó, mỗi chúng ta-những cán bộ, chiến sĩ LLVT hôm nay và mỗi cán bộ, viên chức, công chức-cần sống sao cho xứng đáng là những người kế tục, tiếp bước những đồng đội ưu tú đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang.

----------

Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật:

 Xứng đáng là quân đội cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ

Sau khi đọc vệt bài “Bộ đội thời bình-những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận” đăng trên Báo Quân đội nhân dân, tôi-một cựu chiến binh có 45 năm quân ngũ, năm nay đã ngoài 70 tuổi, nghỉ hưu hơn 10 năm, xin góp đôi điều cảm nghĩ về Bộ đội thời bình-nhất là trong thời gian gần đây.

Trong thời gian chiến tranh, tôi trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trên các chiến trường ngót 10 năm. Sau này, trên cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, tôi từng dẫn đầu các đoàn cán bộ đi nghiên cứu khảo sát đời sống sinh hoạt để đề đạt ban hành các chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ. Cũng xin nói thêm, năm 1993, trước khi Nhà nước tiến hành cải cách chế độ tiền lương, Bộ Quốc phòng đã cử một đoàn đi nghiên cứu tham khảo chính sách của quân đội các nước: Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ. Đoàn do Trung tướng Lê Khoa, Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn, Thiếu tướng Trần Đức Long, Phó cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị và tôi là thành viên. Kế đến, theo đề nghị của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã cử Đại tá Kavalob, chuyên gia tiền lương quân đội bạn sang nước ta trực tiếp giới thiệu kinh nghiệm. Kết quả khảo sát đó đã góp thêm cơ sở lý luận, thực tiễn trong dịp nghiên cứu vận dụng đề đạt Chính phủ ban hành chính sách chế độ tiền lương phụ cấp và các chính sách khác.

Vấn đề đặt ra trong quá trình nghiên cứu chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội xác định: Lao động trong quân đội là loại lao động đặc biệt-cả trong thời chiến cũng như thời bình (có người nói, đó là lao động máu). Bất kể ở đâu, lúc nào, mọi quân nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của quân đội; chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh. Do đó, chính sách tiền lương, phụ cấp cần đãi ngộ tương xứng, góp phần động viên anh em yên tâm phục vụ quân đội. Nói chung, quân đội các nước đều như thế.

Quân đội ta là quân đội cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Thời gian qua, theo dõi trên thông tin đại chúng và mạng xã hội, mọi người lo lắng cho tình hình căng thẳng, khó khăn phức tạp ở TP Hồ Chí Minh trong đại dịch Covid-19. Cán bộ, chiến sĩ, trong đó có cả những nữ quân y con còn thơ bé, chia tay gia đình, vui vẻ lên đường theo yêu cầu nhiệm vụ. 

Khi biết tin đưa lực lượng quân đội vào chung tay hỗ trợ chính quyền địa phương tham gia chống dịch, nhiều người, trong đó có tôi, rất phấn khởi tin tưởng. QĐND Việt Nam trong thời bình với chức năng, nhiệm vụ luôn luôn sẵn sàng chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài. Đồng thời phải là lực lượng xung kích ứng phó khi có thiên tai, dịch bệnh. Thực tế diễn ra trong rất nhiều năm qua đã khẳng định điều đó. Khi thực hành nhiệm vụ cứu dân, cứu tài sản của Nhà nước, nhiều tập thể, cá nhân đã lập thành tích xuất sắc. Trong đó, có nhiều quân nhân đã vượt qua hiểm nguy, dũng cảm hy sinh, xứng đáng nêu gương cho mọi người học tập. Ngày nay, thế hệ trẻ kế tiếp vẫn tiếp tục sáng ngời trong điều kiện thời mình-thật xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ.