Không chỉ bày tỏ sự nhất trí cao với bức tranh hiện thực về những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được loạt bài “Bộ đội thời bình - những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận” phản ánh, khắc họa; nhiều bạn đọc còn nhấn mạnh, làm rõ thêm nhiều thành tích đặc biệt, hy sinh to lớn khác của Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện thời bình.
Góp phần tô thắm truyền thống anh hùng của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ
Bộ đội thời bình - những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận
Sự khiêm tốn, dung dị tuyệt vời
Có một thời gian tôi được theo dõi, tuyên truyền về hoạt động Phong trào Thi đua Quyết thắng trong QĐND Việt Nam và đặc biệt ấn tượng với đức tính khiêm tốn, dung dị tuyệt vời của cán bộ, chiến sĩ quân đội.
Thôi thấy rằng, khó khăn để có những tác phẩm báo chí chất lượng tốt về quân đội không chỉ đòi hỏi phóng viên phải thực hiện những hành trình vất vả để về với vùng sâu, vùng xa, đến với bộ đội; mà khó khăn nhất là tìm cách thức tiếp cận, thuyết phục như thế nào để cán bộ, chiến sĩ chịu nói về những đóng góp của mình, chịu “khai ra” thành tích bản thân lập được... để phản ánh vào bài viết.
Tôi hiểu, cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhất là các điển hình thì có rất nhiều đóng góp, thành tích, nhưng chính sự khiêm tốn của họ lại “níu chân” những chi tiết hay, những câu chuyện đẹp trong quá trình khai thác. Thường thì khi được hỏi, những cán bộ cấp dưới và chiến sĩ sẽ khẳng khái, cho rằng bản thân chưa có thành tích gì nổi trội; những đóng góp còn rất nhỏ bé so với đồng đội và có được là nhờ sự giúp đỡ, dìu dắt của tập thể và cấp trên. Trong khi những đồng chí lãnh đạo, chỉ huy thì lại nhường "thành quả" công tác cho cấp dưới, mong muốn bộ đội được trưởng thành, được động viên kịp thời để phấn đấu không ngừng...
Như vậy, vấn đề đặt ra là khó kiếm tìm được chi tiết báo chí, nhưng lại có thể nhận thức rõ về bức tranh tổng thể, rất đẹp đẽ về phẩm giá, sự khiêm tốn và đức hy sinh của người lính Cụ Hồ. Những phẩm chất mà không phải ngành nào, lĩnh vực gì cũng thể hiện đầy đủ và đáng được ghi nhận như thế. Quý hơn nữa là càng đi nhiều, tôi càng thấm thía: Việc thực hành học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn quân được tiến hành hết sức nghiêm túc, bài bản, hiệu quả; trở thành nền nếp sinh hoạt, chế độ công tác, phong cách vận hành, nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, chiến sĩ ở tất cả các cấp. Trước mọi diễn biến tình hình, cán bộ, chiến sĩ luôn thống nhất ý chí và hành động, kiên định mục tiêu vì nhân dân phục vụ. Trước những tác động tiêu cực của đời sống xã hội, Bộ đội Cụ Hồ luôn giữ vững đạo đức cách mạng, giải quyết hài hòa lợi ích chung-riêng, sẵn sàng cống hiến hết mình cho tập thể, cơ quan, đơn vị.
Đồng chí NGUYỄN THỊ HIỀN HÒA, Phó trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 (Quân khu 2) khám bệnh cho đồng bào các dân tộc huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. |
----------
Sức mạnh nội lực to lớn
Tôi ấn tượng mãi hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đi gom nhặt những mảng rêu đất bám vào thành hầm hào công sự, mang về để làm đất tăng gia sản xuất. Từ những việc làm như thế, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã kiến thiết nên những vườn tăng gia xanh mướt, 4 mùa cho các sản phẩm tăng gia khác nhau giữa trùng khơi. Qua nhiều năm tháng đã “biến” Trường Sa, vốn khô ráp, cát trắng trở thành một “viên ngọc xanh” với hàng trăm loại cây và những vườn tăng gia có diện tích khá lớn. Điều đó giúp chúng ta càng thấu hiểu, chỉ một hạt bụi, một nắm đất, nhưng với người lính Cụ Hồ thì đó đã là một thứ vô cùng quý giá.
Nhưng Trường Sa chỉ là một đơn vị-một đầu mối thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh tăng gia trong toàn quân nhằm mục đích cải thiện đời sống bộ đội, phát huy nội lực xây dựng đơn vị vững mạnh, góp phần xây dựng QĐND Việt Nam ngày càng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Thời gian qua, các cấp ủy, chỉ huy trong quân đội nhận thức rất rõ, trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực ngân sách chi cho xây dựng nền quốc phòng nói chung, quân đội nói riêng còn khiêm tốn thì việc phát huy nội lực xây dựng từng cơ quan, đơn vị có ý nghĩa hết sức to lớn. Do đó, ở bất kể nơi đâu, trên non ngàn, ngoài khơi xa, trên những con tàu hay nhà giàn DK, miễn là có sự hiện diện của người lính Cụ Hồ là có hoạt động tăng gia sản xuất, sáng tạo hiến kế thực hành tiết kiệm để dồn nguồn lực mua sắm các trang thiết bị hiện đại, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chủ trương hiện đại hóa quân đội và các lực lượng. Đặc biệt, để phát huy tối đa sức mạnh nội lực, trong quân đội luôn tổ chức hiệu quả phong trào cải tiến, sáng kiến và nghiên cứu khoa học, phục vụ đắc lực vào việc nâng cao chất lượng đời sống, công tác, huấn luyện, SSCĐ và giúp tiết kiệm một nguồn lớn ngân sách.
Đúng như Báo QĐND đã khắc họa, chính đức tính tiết kiệm và sự sáng tạo của bộ đội thời bình là một yếu tố quan trọng, tạo nên sức mạnh nội lực, góp phần xây dựng Quân đội ta ngày càng lớn mạnh trong tình hình mới. Đây cũng là luận cứ sinh động, giúp nhận diện, bóc trần luận điệu bịa đặt về sự lãng phí ngân sách quốc phòng mà những kẻ hiềm khích đã cố tình dựng chuyện, tô vẽ.
Đại tá BÙI TÁ TUÂN, Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 5
----------
Nhiều thành quả trên mặt trận ngoại giao
Rất đồng ý với những chiến công, đặc biệt là chiến công thầm lặng mà loạt bài “Bộ đội thời bình-những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận” đã khái quát, tổng kết, nhưng có một chiến công nữa, rất to lớn mà tôi muốn nhắc đến, nói rõ thêm-ấy là chiến công trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, ít dân tộc nào trên hành tinh này có thể hiểu hết giá trị của một nền hòa bình như dân tộc Việt Nam; nhất là cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam-những người đứng trong đội quân cách mạng từng kinh qua nhiều cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, bảo vệ nền hòa bình cho dân tộc và nhân loại được cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta nhận thức rất rõ cả vinh dự và trách nhiệm. Trong đó, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) tại các phái bộ ở Châu Phi là một đóng góp quan trọng của quân đội và đất nước ta vào việc duy trì hòa bình bền vững trên thế giới. Từ nhận thức, thái độ và kết quả tham gia lực lượng GGHB đã khiến cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng bày tỏ sự kính trọng, nghiêng mình trước những người lính Việt Nam đã dũng cảm đi một quãng đường rất dài, xa gia đình, đến một khu vực khác trên thế giới để thực hiện những nghĩa cử cao đẹp. Nói về kết quả mà các sĩ quan QĐND Việt Nam đã làm trong lĩnh vực hoạt động GGHB Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon khẳng định chỉ có một từ để nói, đó là “Tuyệt vời!”.
Chính kết quả đạt được trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, trực tiếp là những đóng góp ngày càng thiết thực và hiệu quả cho hoạt động GGHB Liên hợp quốc, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đó cũng chính là việc, cán bộ, sĩ quan QĐND Việt Nam giúp bạn bè thế giới hiểu biết đầy đủ hơn về một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nể phục những người lính Cụ Hồ qua các giai đoạn cách mạng đều hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng.
Chính kết quả đối ngoại quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương đã tạo nên hình ảnh về một đối tác tin cậy, một đội quân biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo ra tiềm năng, tiềm lực và khả năng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Trung tá, TS NGUYỄN TUẤN DŨNG, Học viện Hậu cần
----------
Không thể kể hết sự hy sinh
Tôi đã khóc khi đọc những bài viết trong loạt bài “Bộ đội thời bình-những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận” đăng trên Báo QĐND. Tôi khóc vì đồng cảm và thấu hiểu những hy sinh, mất mát của người lính Cụ Hồ. Tôi khóc vì tôi là vợ của liệt sĩ và cũng là một nữ quân nhân trong QĐND Việt Nam!
Tôi được sinh ra, lớn lên ở một tỉnh nghèo miền núi phía Bắc, được bố mẹ cho xuống Thủ đô Hà Nội ăn học. Sau đó tôi đã quen và nên duyên với một anh bộ đội hiền lành, tốt bụng. Chúng tôi có một gia đình hạnh phúc. Chồng tôi là Trung úy QNCN Đỗ Văn Năm, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Chúng tôi đến với nhau trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Tôi là giáo viên mầm non, thu nhập thấp. Chồng tôi là QNCN, đồng lương cũng hết sức hạn hẹp. Chúng tôi thuê căn nhà trọ chỉ vỏn vẹn 12m2, nhưng cuộc sống vợ chồng rất hạnh phúc. Do tính chất công việc, chồng thường xuyên phải xa nhà, mặc dù chỉ đóng quân cách nhà vài cây số. Những khi anh vắng nhà, một mình tôi phải cáng đáng tất cả mọi công việc, vừa đi làm ở trường, tối về một mình trông con, cơm nước, giặt giũ quần áo... Không có chồng ở nhà, tôi còn phải trực tiếp sửa chữa đồ điện, nước, củng cố phòng trọ... Dù vất vả, khó khăn nhưng khi đã là vợ bộ đội, tôi luôn xác định tư tưởng phải vững vàng, khó khăn nào cũng vượt qua, để làm hậu phương cho chồng yên tâm công tác.
Sóng gió ập đến với gia đình tôi, năm 2014, buổi sáng cuối cùng anh tham gia huấn luyện nhảy dù, không may máy bay đã gặp nạn, anh cùng các đồng đội đã hy sinh. Khi ấy, tôi hoàn toàn suy sụp, không còn thiết gì xung quanh nữa. Nhưng rồi, với sự kiên cường của vợ lính đã được rèn giũa từ trước, tôi cố gượng đứng dậy để đi tiếp... Một thời gian sau, tôi được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện tuyển dụng vào quân đội, thay chồng “mặc áo Bộ đội Cụ Hồ” bước tiếp con đường anh đã đi-con đường phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tôi luôn tâm niệm mình phải sống thật tốt, xứng đáng với sự hy sinh của chồng mình và các đồng đội. Làm được điều đó, chồng tôi chắc sẽ yên lòng!
Trung úy QNCN NGUYỄN THỊ THƯỜNG, nhân viên Ban Tham mưu, Ban CHQS quận Hoàng Mai, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội
----------
Học cách sống, cống hiến ở Bộ đội Cụ Hồ
Tôi không thể nào quên kỷ niệm về quãng thời gian dù rất ngắn được tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam. Đó là khi tôi phải thực hiện cách ly tại Khu cách ly thuộc Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Chỉ với khoảng nửa tháng cách ly, nhưng khi phải rời xa nơi ấy, hàng trăm công dân đến từ những địa phương khác nhau đều có chung một ý nghĩ, chia sẻ, rằng: Mọi người đã học được rất nhiều điều hay, lẽ phải ở cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đây không hẳn là chuyến cách ly y tế mà còn là một dịp đi học làm người.
Kể từ đó tôi thấu hiểu và yêu quý Bộ đội Cụ Hồ nhiều hơn. Tôi biết ơn và thán phục trước sự chịu đựng gian khó, mẫn cán lao động, hết lòng phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Những “anh nuôi quân” thức khuya, dạy sớm lo cơm ngon, canh ngọt cho người cách ly; những chiến sĩ quân y miệt mài thực hiện các biện pháp y tế như không bao giờ vơi việc; những chỉ huy đơn vị trực 24/24 giờ có mặt bất cứ khi nào dân cần, dân gọi... Do phải đeo khẩu trang phòng dịch, không thể nhìn rõ khuôn mặt của từng người, nhưng lời nói, cử chỉ của các chú, các anh luôn giúp chúng tôi cảm nhận được sự che chở, bảo vệ.
Trước đây, tôi dù đã được học ở nhà trường, được học ở đời, nhưng khi đến với môi trường quân đội mới vỡ lẽ ra là mình còn quá nhiều điều phải học để trở thành người tốt và có ích. Đó là bài học về lý tưởng cống hiến, sự dũng cảm, đức hy sinh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; hay đơn giản là những thói quen hằng ngày trong hoạt động chính quy của môi trường quân đội: Chế độ, nền nếp, tác phong đi lại, văn hóa xưng hô chào hỏi... Tất cả những điều đó sẽ làm giàu thêm hành trang cho một đời người.
Gần đây, được đọc loạt bài “Bộ đội thời bình-những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận” cảm xúc trong tôi lại trào dâng. Qua Báo QĐND, tôi xin bày tỏ sự biết ơn, gửi lời cảm ơn đến tất cả cán bộ, chiến sĩ của Quân đội ta trên khắp Tổ quốc Việt Nam thân yêu này!
Chị LÊ THANH TRÀ, số 6, ngách 208/6, ngõ 208 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét