Trong số hàng trăm ý kiến phản hồi gửi về tòa soạn, hầu hết đều nhất trí cho rằng loạt bài đã nêu lên bức tranh sự thật không thể phủ nhận về những khoảng lặng, sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thời bình. Đó là những cứ liệu thực tiễn sinh động, thuyết phục, góp phần bóc trần mọi âm mưu, thủ đoạn cố tình hạ bệ, bôi nhọ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
Đồng chí ĐỖ ĐỨC DUY, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái
Bộ đội Cụ Hồ luôn đẹp trong lòng dân
Tôi rất tâm huyết và cảm động khi đọc loạt bài vừa được đăng trong tuần qua trên Báo QĐND.
Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi, núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi sông Hồng, sông Lô, sông Chảy; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, sự cố, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; công tác ứng phó, khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, sự cố thiên tai trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động quân sự, quốc phòng.
Trước tình hình địa phương gặp nhiều khó khăn, hoạn nạn như vậy, chúng tôi càng thấm thía vị trí, vai trò trụ cột, đặc biệt quan trọng của lực lượng quân đội, những người lính Cụ Hồ luôn sẵn sàng xả thân cứu dân trong thiên tai, bão lũ. Trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân luôn có một ấn tượng hết sức đặc biệt, một cảm nhận rõ ràng về những việc làm thiết thực trong giúp dân của Bộ đội Cụ Hồ.
Thực tế cho thấy, trong các đợt thiên tai, bão lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái, chính các anh bộ đội là lực lượng tiên phong trong giúp dân phòng chống, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, góp phần không nhỏ giúp đời sống nhân dân sớm trở lại ổn định. Gần đây, khi xảy ra đại dịch Covid-19, cũng chính lực lượng quân đội đã tích cực, chủ động, tham mưu hiệu quả, đồng thời trực tiếp giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để lan rộng ra địa bàn. Có thể thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn, nguy hiểm đến mấy, Bộ đội Cụ Hồ luôn thể hiện rõ là lực lượng chủ lực, nòng cốt, tiên phong, không nề hà bất cứ việc gì. Với vai trò, vị thế vững chắc trong lòng nhân dân, chắc chắn hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ sẽ ngày càng sáng rõ hơn, đẹp đẽ hơn trong lòng đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng.
Đại diện Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao quà hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại địa phương. Ảnh: HOÀNG THÀNH |
Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ, phố Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội
Kế tục xuất sắc truyền thống anh hùng
Đọc loạt 5 bài “Bộ đội thời bình-những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận”, đăng trên Báo QĐND, tôi thực sự xúc động. Những câu chuyện về sự cống hiến, hy sinh như sống lại một thời trai trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của mình và đồng đội.
Loạt bài viết phản ánh một cách chân thực đời sống của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam hiện nay, giúp chúng ta hiểu hơn những giá trị, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Tôi cũng từng là người lính Cụ Hồ, có mặt ở khắp Bắc, Trung, Nam, từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau, cũng nếm trải đủ gian nguy, vất vả của người chiến sĩ. Thế nhưng quả thực, khi chứng kiến hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ ngã xuống trên đường vào cứu trợ người dân gặp nạn ở miền Trung; biết tin có thêm những sự hy sinh trong thời bình, tôi không thể nào kiềm chế được xúc động. Bao giờ cũng thế, ở đâu khó khăn, hoạn nạn, ở đâu xảy ra thiên tai địch họa, thì ở đó có quân đội. Và sự hy sinh của họ càng chứng tỏ truyền thống không bao giờ thay đổi của QĐND Việt Nam: Quân đội của Bác Hồ, quân đội của nhân dân và từ nhân dân mà ra. Sự hy sinh của những người lính thời bình đã kế tục xuất sắc trang sử anh dũng, bất khuất của những thế hệ cha anh đi trước, cũng đã từng xả thân vì trách nhiệm với nhân dân, với đất nước trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Có thể dễ dàng nhận thấy: Càng trong khó khăn, gian khổ, trong mất mát, đau thương, chúng ta càng khắc ghi hình ảnh đẹp đẽ và những cống hiến, hy sinh cao quý của Bộ đội Cụ Hồ!
Đại tá VÕ SƠN ANH, Phó chính ủy Sư đoàn 320, Quân đoàn 3
Hy sinh và cống hiến hết thảy vì nhân dân
Chúng tôi nhìn thấy bóng dáng của chính mình trong loạt bài “Bộ đội thời bình-những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận” nên thật sự xúc động và biết ơn Báo QĐND đã nói hộ tình cảm và tâm nguyện của bộ đội trong thời bình.
Nhắc đến Quân đoàn 3, người ta nghĩ ngay đến khó khăn, gian khổ, vì địa bàn đóng quân của các đơn vị chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều thiếu thốn. Nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị, xây dựng địa bàn luôn đặt ra yêu cầu cao. Trong khi đó, phần lớn cán bộ của quân đoàn có quê hương, gia đình ở phía Bắc; nhiều đồng chí cả năm, thậm chí là vài năm mới về thăm quê, thăm bố mẹ được một lần.
Mặc dù vậy, các thế hệ cán bộ, sĩ quan của quân đoàn luôn đoàn kết, đồng lòng gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trở thành điểm tựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới, củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh. Hình ảnh cán bộ Quân đoàn 3 chỉ huy bộ đội “cõng” những ngôi nhà sàn nặng hàng chục tấn trên vai để di dời, quy hoạch xây dựng làng nông thôn mới; giúp nhân dân khai hoang, phục hóa ruộng lúa, thu hoạch mùa màng; dũng cảm, kiên cường trước “giặc lửa” để cứu rừng, cứu dân; tiên phong đi đầu trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”... là những minh chứng sáng ngời, tô đẹp thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
Đội ngũ cán bộ Quân đoàn 3 phần lớn không sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên nhưng luôn xem Tây Nguyên là quê hương, đồng bào các dân tộc như anh em ruột thịt; giúp nhân dân không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là sự tri ân, đền đáp tình cảm yêu thương, đùm bọc của đồng bào đối với quân đoàn trong hơn 46 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành. Càng trọng dân và yêu Tây Nguyên, chúng tôi càng quyết tâm đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng phá hoại cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hạ bệ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ...
Đại diện Phòng Chính trị (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) khen thưởng các đảng viên được kết nạp Đảng ở tuyến đầu chống dịch ở quận 7, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG THÀNH |
Già làng KPUI DJOAT, ở làng Suối Khôn, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai
Đồng bào mãi ghi nhớ công ơn
Sự đóng góp, giúp đỡ của Bộ đội Cụ Hồ đối với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới Gia Lai thì không thể nào diễn tả được hết bằng lời. Đúng như loạt bài viết trên Báo QĐND đã khái quát: Trước đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng biên huyện Chư Prông nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung rất phức tạp. Nhất là một bộ phận đồng bào bị các phần tử xấu kích động, dụ dỗ, lừa bịp vượt biên trái phép; nhiều làng còn tồn tại các hủ tục lạc hậu, đời sống kinh tế khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc. Trước thực tế đó, cán bộ Binh đoàn 15 đã ngày đêm bám làng, bám dân thực hiện "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ vốn, cây giống, con giống giúp đồng bào phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và có được cuộc sống như hiện nay.
Bộ đội Biên phòng ở Gia Lai vốn chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, nay vì đại dịch Covid-19 phức tạp nên nỗi vất vả lại nhân lên gấp bội. Già biết nhiều cán bộ biên phòng cả năm trời chưa được về thăm gia đình, thậm chí bố mẹ mất không thể về báo hiếu. Ngày nắng cũng như ngày mưa, các anh kiên cường bám chốt, thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ biên cương, giữ vững cuộc sống bình an, hạnh phúc cho nhân dân.
Dù cuộc sống và công việc vất vả là vậy, nhưng các anh luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào. Nhìn những đứa con nuôi của các đồn biên phòng ngày càng lớn khôn hay “Bếp ăn tình thương” của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) luôn đỏ lửa, làm đồng bào mình ấm lòng lắm. Rồi khi thiên tai, bão lũ xảy ra, bộ đội luôn là lực lượng có mặt sớm nhất để cứu tính mạng, tài sản người dân. Các anh còn giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, từ bỏ hủ tục lạc hậu, tránh xa các tệ nạn xã hội, làm cho vùng biên ngày càng giàu mạnh.
Do đó, già và bà con Chư Prông rất không ưng cái bụng, căm ghét những kẻ nói xấu Bộ đội Cụ Hồ. Già mong chính quyền và cơ quan Nhà nước xử lý thật nghiêm những kẻ phản động hại nước, hại dân.
Chiến sĩ Trường Quân sự Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh phục vụ tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi. Ảnh: HOÀNG THÀNH |
Đại tá, PGS, TS ĐỖ DUY MÔN, Học viện Chính trị
Quan tâm nhiều hơn đến đời sống bộ đội
Đúng như loạt bài đăng trên Báo QĐND đã phản ánh, hiện đời sống của không ít cán bộ, sĩ quan quân đội, nhất là sĩ quan trẻ gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Để giải bài toán trên, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các gia đình quân nhân phát triển kinh tế hộ gia đình; chăm lo tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội đối với đối tượng quân nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Điển hình như: Ban Thanh niên Quân đội phát động triển khai, nhân rộng trong tuổi trẻ quân đội thực hiện hiệu quả mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”; các cấp hội phụ nữ trong quân đội có mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, phối hợp với các ngân hàng, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức cho vay tiền không lãi, hoặc lãi suất thấp để nữ quân nhân phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ luôn phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, duy trì thường xuyên và hiệu quả các phong trào, mô hình và hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; tự nguyện đóng góp kinh phí hỗ trợ gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; tiết kiệm phụ cấp để gửi về hậu phương... Đó là những việc làm giàu ý nghĩa nhân văn, khắc họa sinh động tình đồng chí “lúc thường cũng như lúc ra trận”. Đó cũng chính là căn cứ để phủ nhận sự bịa đặt trắng trợn, cho rằng cán bộ, sĩ quan quân đội đang có cuộc sống sung túc, giàu sang hay có mức lương "quá khủng".
Những năm qua, cả nước đã có nhiều phong trào, hoạt động hướng về Trường Sa, hướng về biên cương, hải đảo, huy động các nguồn lực chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, chiến sĩ; chú trọng đến các chế độ, chính sách về đất ở, nhà ở cho gia đình quân nhân. Tuy nhiên, trước yêu cầu của cuộc sống mới, Đảng, Chính phủ, Quốc hội và cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết sát đúng; sớm điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ, sĩ quan quân đội theo hướng trả lương đặc thù cho hoạt động đặc thù... Các cấp ủy, đơn vị cần quan tâm nhiều hơn đến chính sách hậu phương quân đội; sớm có giải pháp giúp quân nhân hợp lý hóa gia đình, nhất là đối với những quân nhân công tác xa nhà quá lâu, gặp khó khăn về kinh tế...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét