Thứ nhất, khi các cô, các dì lớn tuổi bảo đi nấu cơm rửa bát để “phục vụ” đàn ông, mà lại phản đối là “họ có đủ hai tay mà”, đây là hỗn và vô phép. Nếu không thích nấu cơm hay rửa bát khi ở trong tình huống trên, thì có thể cáo lỗi bận và xin phép đi về. Đó mới là văn minh và lịch sự, đó mới là chuẩn GenZ hiểu biết. Chứ gào mồm phản kháng xã hội đòi quyền lợi cho bản thân, nhưng lại bằng cách thiếu tôn trọng người khác, đặc biệt lại là những người họ hàng lớn tuổi, thì ai coi được?
Thứ hai, đem câu chuyện gia đình lên mạng, trong khi câu chuyện ấy chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, tình huống chưa cụ thể, để dân cư mạng vào chửi người thân của mình là cổ hủ, lạc hậu, thiếu văn minh… GenZ hay “bình đẳng giới” kiểu gì mà lạ lùng vậy? Bóc phốt cha chú mình lên mạng chưa bao giờ là một việc đúng đắn cả.
Thứ ba, phần caption có ghi rõ “người lành lặn phải biết tự phục vụ bản thân chứ”, vậy thì việc rửa bát hay nấu cơm cũng là phục vụ bản thân. Nếu từ chối rửa bát hay nấu cơm, mà trong bữa vẫn ngồi ăn bình thường rồi ăn xong thì phủi đít đi với cái lý do “bình đẳng giới”, thì hóa ra người khác đang “phục vụ” mình, vậy thì khác gì đang tự vả bản thân không? Hay giờ cứ mỗi lần hội hè gì đó, mỗi người “tự phục vụ bản thân bằng cách” tự đem đồ ăn, bát đũa ở nhà đến rồi ngồi ăn chung với nhau, ăn xong thì lại cầm bát đũa đi về?
Thứ tư, rất khó tìm một cái hội hè, đám cưới, ma chay, hiếu hỉ nào mà “đàn ông chỉ biết ăn, nằm và nhậu cả”, nếu những ai phán ra câu này thì dám chắc là những những đám trẻ chưa trải sự đời và bất mãn rởm đời. Trong mỗi việc lớn trong gia đình, các bậc cha chú sẽ thường là những người đảm nhiệm phần bếp núc, làm thịt, phần bê vác mâm cỗ và tiếp khách - bao gồm cả việc tiếp khách đi đến và ngồi nhậu với khách, họ sẽ phải thức khuya dậy sớm để chuẩn bị cho kịp đồ ăn. Ngoài ra, các thanh niên sẽ phải làm nhiệm vụ trông xe, dắt xe cho khách, dựng rạp, bàn ghế.
Còn các mẹ các cô thường nhặt rau, chuẩn bị bánh kẹo, trang trí và phụ việc bếp núc, lau bàn ghế và dọn dẹp rửa bát sau khi đám kết thúc. Đó là một sự phân công hoàn hảo trong khi gia đình khi có công việc lớn. Còn tôi dám chắc rằng sẽ chẳng có một đám hội hè, ma chay, hiếu hỉ nào lại cho một đám trẻ còn đang đi học, 18 - 20 tuổi lên chỉ đạo, đứng bếp… cả.
Thứ năm, mấu chốt của đoạn clip trên là nói việc “nấu cơm rửa bát là phục vụ đàn ông”. Vậy xin đặt lại một giả sử, việc sửa nhà, đấu điện, bê vác, làm thịt gà, heo, bò là việc “phục vụ đàn bà” à? Giờ cả 2 phái cũng đấu tranh, cùng éo làm nữa vì không muốn “phục vụ” giới bên kia? Thì xã hội này loạn à? Đấu tranh cho sự tân tiến hay đấu tranh cho sự thụt lùi xã hội?
Nếu bạn nữ trên chỉ muốn truyền tải việc “đàn ông không làm gì cả mà chỉ ngồi chơi mà bắt đàn bà phục vụ là sai” thì không có vấn đề gì, đó là một sự đấu tranh đúng đắn. Nhưng cách chọn tình huống, cách giải quyết tình huống đó lại không ổn, thậm chí còn thất bại và gây ra tác dụng ngược.
Mình xin phép nói thẳng, việc đám con cháu nấu cơm, rửa bát cho các bác, các chú là việc hết sức bình thường. Giờ chẳng lẽ để các bác, các chú ra nấu cơm hầu lại đám trẻ? Trong khi đã đi làm, đã kiếm tiền nuôi đám trẻ rồi, đến bữa tiệc lại phải cắm đầu đi nấu ăn phục vụ tụi nó. Mà nếu không nấu ăn, rửa bát cho tụi nó thì sẽ bị tụi nó bóc phốt lên mạng và “vi phạm nữ quyền”, “có tay sao không đi nấu”. Đây người ta gọi là vô phúc chứ không phải là hạnh phúc.
Xin được chỉnh sửa tình huống của bạn nữ trên để không gây ra tranh cãi: “Một đám trẻ được giao việc nấu ăn rửa bát phục vụ người trên, nhưng chỉ có tụi con gái làm, còn tụi con trai rung đùi chơi game đợi đến bữa ngồi ăn, ăn xong cắp mông đi về. Nếu bắt tụi con trai làm thì các cô, các dì nói là “để cho tụi nó chơi”, “con trai việc gì phải làm”. Đó, tình huống đó mới đáng để đấu tranh, đáng để lên án, đáng để chửi thật mạnh vào!
Về mặt cơ bản, khoảng cách tư tưởng của các thế hệ rất khác nhau, muốn thay đổi là không dễ dàng và thậm chí là không thể thay đổi được. Tâm lý các cô, các mẹ, các dì cách chúng ta bao nhiêu năm, cách suy nghĩ, nhìn nhận của họ cũng khác. Đôi khi, cách áp dụng đấu tranh “nữ quyền” của ngày nay vào thế hệ phụ nữ trước là không phù hợp. Như đã nói, cách tốt nhất để bày tỏ thái độ mà không làm mất lòng thế hệ trước, không gây ra những tranh cãi, là cáo bận, đi về hoặc nhiều tiền thì thuê người làm từ A đến Z.
Lên án sự gia trưởng, nam tính độc hại, cổ hủ có rất nhiều cách và rất nhiều tình huống. Tư tưởng truyền tải đúng đắn, nhưng cách thức truyền tải, tình huống truyền tải sai thì vẫn là sai.
Nhiều bạn còn trẻ, đa phần còn chưa biết trong một đám hội phức tạp như thế nào cần phân công những công việc gì, chuẩn bị vài trăm mâm lễ cho vài trăm thực khách đâu phải là câu chuyện đơn giản? Chắc hẳn là nhiều bạn chỉ nhìn vào hình ảnh cha chú nhậu nhẹt, ăn chơi bừa bãi rồi phán xét là họ gia trưởng, vô dụng. Nhưng chính họ, trong một hình ảnh của trước đó thôi, đang khò bếp lửa xào vài chục cân thịt bò, cắt tiết hàng trăm con gà, thức đêm thức hôm trông đồ lễ rạp, bê mâm cỗ đến bung cả móng tay.
Đấu tranh cho nữ quyền đích thực thì rất đáng hoan nghênh và đúng đắn. Nhưng dường như nhiều người, đang bị "lậm" nữ quyền một cách quá đà. Trên truyền hình, chúng ta thấy những hình ảnh phụ nữ công khai theo xu hướng "Tây", họ tuyên bố không làm việc nhà, không muốn làm việc nhà. Nhưng lại có xu hướng đòi bạn trai phải thu nhập rất tốt, có nhà, có xe, phải "nuôi" được cô ấy và bố mẹ cô ấy nữa.
Liệu có thật là họ đang đấu tranh cho "nữ quyền"? Nam hay nữ thì cũng cần học tập, rèn luyện, làm việc. Thanh niên nam nữ chuẩn bây giờ phải là không nề hà công việc, chăm chỉ, phụ giúp gia đình, phân công công việc rõ ràng, chứ không phải là cứ gào mồm đòi quyền lợi trong khi không muốn bỏ bất cứ "nghĩa vụ" nào ra.
---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét