Tin tưởng, vun đắp thế hệ sau tiến bộ mới là đạo của người làm tướng
Tôi đồng tình với quan điểm Báo QĐND nêu về bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản. Tôi cũng rất đau lòng khi biết vừa có thông tin trên mạng xã hội (MXH) về những cán bộ phát biểu tùy tiện, có dấu hiệu kiêu ngạo, công thần, trong đó có cả một sĩ quan cấp tướng đã nghỉ hưu. Những tướng lĩnh như chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng chúng tôi nhận thức rằng: Những gì chúng tôi đã làm được là rất nhỏ bé đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc. Đóng góp cho Tổ quốc là nghĩa vụ, khi đã đi làm nghĩa vụ, làm cách mạng thì không được kể công.
Càng những người mang quân hàm tướng, những người đi trước là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước lại càng phải nhận thức như trên. Những gì chúng ta đã cống hiến chỉ là hạt cát nhỏ giữa biển cát mênh mông của cuộc cách mạng mà thôi. Bác Hồ cũng không tự nhận xét mình là người có công nhất. Chỉ có nhân dân công nhận và vinh danh Bác Hồ.
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Tướng lĩnh ngày xưa là những tướng lĩnh qua đánh giặc mà trưởng thành, nhưng mà cũng nhờ sự giáo dục của Đảng, sự rèn luyện của quân đội. Tập thể người ta đưa mình lên, không phải tự nhiên một mình cá nhân anh mà lên được như vậy. Quân không đánh giỏi thì làm sao anh có thể lên tướng được? Cho nên cái tướng của anh có công của nhiều cán bộ, nhiều chiến sĩ mà trước hết là những người đã hy sinh.
Tư tưởng chê bai thế hệ đi sau một cách vô lý tôi cho là thiển cận. Ngày hôm nay mà không tiến bộ hơn ngày hôm qua thì anh làm cách mạng làm gì? Anh làm được một ông tướng trong đánh giặc để mục đích sau này, thế hệ đi sau tiến bộ, gánh vác trách nhiệm mà lịch sử giao lại. Trước hết những người đi trước phải là những “bà đỡ”, điểm tựa cho những người đi sau tiến lên.
Một vị tướng anh hùng, trong kháng chiến chống Mỹ được phong anh hùng ở cấp trung cấp và sơ cấp thôi, sau này được làm công tác về lịch sử, lẽ ra phải là con người trung thực với lịch sử, bảo vệ lịch sử. Thế mà lại nói một câu ngao ngán rằng: Tướng bây giờ chưa biết chiến tranh! Thế thì đồng chí muốn đất nước này tiếp tục có chiến tranh để có tướng đánh giặc à? Không có tướng đánh giặc mà quân đội vẫn vững mạnh, đất nước vẫn độc lập, giữ được chủ quyền, hòa bình, vẫn giàu mạnh tiến lên đó mới là mục tiêu của Quân đội ta.
Nếu như 45 năm vừa qua, không phải là hòa bình mà phải đánh giặc để có những người tướng có kinh nghiệm trận mạc thì có cần không? Chúng ta mong cho đất nước này vĩnh viễn hòa bình, để xây dựng một quân đội hùng mạnh trong hòa bình, mà quân đội đó từ người cán bộ cao nhất trở xuống không ai phải kinh qua chiến tranh. Đó mới là hạnh phúc to lớn nhất của quân đội và cũng là của nhân dân.
Tôi cũng không đồng tình với tư tưởng công thần ở khía cạnh không tin tưởng, khích lệ thế hệ đi sau. Mình đi trước nếu là người đứng đắn, thấy thế hệ đi sau họ tiến bộ thì mình phải cảm thấy hạnh phúc. Như bản thân tôi, có đồng chí trước đây chức vụ thấp hơn tôi, sau tiến bộ hơn tôi, chức vụ, quân hàm cao hơn tôi. Tôi rất hạnh phúc bởi lớp đi sau được chúng tôi bồi dưỡng, giúp đỡ và kế thừa rất tốt. Chúng tôi phải là những người giỏi mới bồi dưỡng, rèn luyện giúp được cấp dưới trưởng thành vượt qua chúng tôi. Đó chính là hạnh phúc của tôi, của những người đi trước. 
Rồi, công thần đến mức nghĩ mình là giỏi, chê bai cả công tác đối ngoại quốc phòng theo tôi cũng là sai. Chưa bao giờ hoạt động công tác đối ngoại quốc phòng được như hiệu quả lúc này. Khi mà các thế lực thù địch chống phá đất nước, không riêng gì các nước khối ASEAN, mà kể cả các nước đối đầu, thù địch với nước ta trước kia nay đều có quan hệ ngày càng tốt hơn. Tất cả các mối quan hệ trong công tác đối ngoại đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, thêm bạn bớt thù…
Trong điều kiện đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh, các thế lực thù địch còn điên cuồng chống phá, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc còn nhiều thách thức thì đây là lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có những tướng lĩnh về hưu phải chung sức, chung lòng, chia sẻ với quân đội. Những tướng lĩnh đã về hưu phải là điểm tựa cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân đội vượt qua khó khăn, thách thức. Đó mới là đạo của người làm tướng.
Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 4)
------------------
Không thể thay đổi niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với quân đội
Tôi hoan nghênh Báo QĐND đã có bài viết kịp thời phê phán căn bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản. Bài viết đã nêu trúng hiện tượng mà gần đây một số cán bộ đã mắc phải, như việc có người đã phát ngôn trong một hội thảo gần đây, tùy tiện bịa đặt thông tin, phê phán một số đồng chí cán bộ cao cấp của Quân đội ta chưa qua chiến tranh, trình độ quân sự hạn chế... Thậm chí, họ còn hồ đồ nêu phán xét những mặt công tác của quân đội ta, như công tác đối ngoại quốc phòng.
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Trung tướng Nguyễn Long Cáng.
Tôi lên án những luận điệu xuyên tạc, nói xấu cán bộ cao cấp trong quân đội và biểu hiện công thần, kiêu ngạo cộng sản đó. Những việc làm này, mới đầu, chúng ta tưởng họ chỉ tập trung nói về một vài cá nhân nào đó, nhưng hậu quả khôn lường, chính là xuyên tạc, hạ thấp chủ trương, đường lối, thành tích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân ta; gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, suy giảm niềm tin của nhân dân.
Thế nên, để đấu tranh, ngăn ngừa với loại thông tin này, chúng ta cần phải tỉnh táo, phân biệt rõ đúng, sai, để từ đó tỏ rõ thái độ kiên quyết đấu tranh. Những trường hợp nào vi phạm phải xử lý nghiêm minh.
Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương; tin tưởng vào phẩm chất, năng lực của các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đứng chân trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên rộng lớn, những năm gần đây, dù tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng chúng tôi luôn gắn bó mật thiết với nhân dân và cũng luôn được lắng nghe sự tin cậy, yêu mến của nhân dân đối với Quân đội ta, sự đồng tình, ủng hộ các chủ trương, biện pháp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo quân khu đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi nghĩ rằng, những ý kiến xuyên tạc, lệch lạc đó chỉ là cá biệt, không làm thay đổi niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với Quân đội ta.
Trung tướng NGUYỄN LONG CÁNG (Tư lệnh Quân khu 5)
---------------
Cán bộ cao cấp nghỉ hưu càng phải nêu gương
Thời gian gần đây, như Báo QĐND đề cập, có nhiều thông tin về một vài cán bộ cao cấp, tướng nghỉ hưu có những phát biểu và bài viết không đúng trên MXH. Điều đó không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội, làm tổn hại đến danh dự của Đảng, Nhà nước, quân đội.
Theo bản thân tôi, các đồng chí khi đã về hưu, đặc biệt là những đồng chí có chức, có quyền trước đây cần phải làm như thế nào để các em, các cháu học tập và noi gương; vận dụng những kinh nghiệm quý báu của mình để tham mưu, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển…
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Trung tướng Nguyễn Việt Quân.
Thời gian gần đây, chúng ta đều thấy tấm gương của đồng chí Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, phi công Nguyễn Văn Bảy-một con người uy dũng, hiên ngang khi chiến đấu nhưng về với đời thường lại có lối sống giản dị. Đến lúc cuối đời, khi nằm xuống thì không chỉ cả hệ thống chính trị nói chung, nhân dân ta mà cả đối phương cũng khâm phục. Đó là tấm gương sáng về sự khiêm tốn, giản dị để chúng ta noi theo.
Tôi mong rằng các đồng chí về hưu hiện nay, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng. Trước đây, chúng ta đã cống hiến, phục vụ cho đất nước, cho nhân dân rồi thì về những năm tháng cuối đời đừng để xảy ra những điều đáng tiếc mà nên tiếp tục phát huy những phẩm chất cao quý, những kinh nghiệm hay để đóng góp cho đất nước. Hãy thật sự là những tấm gương soi sáng cho các thế hệ sau noi theo.
Trung tướng NGUYỄN VIỆT QUÂN (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân khu 9)
---------------
Sửa sai là việc nên làm của người biết phê bình chân chính
Tôi đọc bài báo về bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản trên Báo QĐND đúng lúc các cựu chiến binh cũng đang xôn xao trước thông tin về một cựu chiến binh có phát biểu gây bức xúc dư luận trong một clip liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Là người lính đã kinh qua kháng chiến chống Mỹ và có 10 năm xây dựng, bảo vệ Trường Sa, nhiều năm xây dựng đường tuần tra biên giới, tôi rất bất bình trước hiện tượng công thần dẫn đến… loạn ngôn xảy ra với không ít người gần đây.
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Thiếu tướng Hoàng Kiền. 
Tôi thực sự ngỡ ngàng trước những thông tin bịa đặt, xúc phạm các tướng lĩnh cao cấp của Quân đội ta. Điều đó thể hiện tư tưởng công thần, đề cao cá nhân mình, coi thường các thế hệ cán bộ kế tiếp của quân đội. Đó đúng là căn bệnh rất xấu mà Bác Hồ đã phê phán, chỉ rõ từ rất sớm. Nhưng xấu xa hơn đó lại là thông tin hoàn toàn sai vì thực tế các đồng chí cán bộ mà họ nhắc đến đều đã trải qua chiến đấu, có người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, có người nhập ngũ năm 1975 sau tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc.
Tôi nghĩ rằng, mỗi người, ở bất cứ cương vị nào, kể cả khi về hưu, cần luôn luôn học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để rèn luyện và giữ gìn cho bản thân. Có trường hợp dẫn đến sai phạm như tôi nói ở trên còn do người nghỉ hưu không tham gia đoàn thể, không tham gia sinh hoạt hội cựu chiến binh, không gắn bó với địa phương, đó là điều đáng chê trách. Còn với người có sai phạm, bịa đặt để xúc phạm người khác đâu có nâng được mình lên. Nếu anh biết quay đầu là bờ, sửa sai, thậm chí dám nhận sai lầm, xin lỗi thì đó mới là cách tốt nhất để giữ gìn danh dự. Đó là điều nên làm.
Thiếu tướng HOÀNG KIỀN (Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đường tuần tra biên giới)
----------------
Bản chất của người cộng sản là khiêm tốn, công tâm
Đọc bài “Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản” đăng trên Báo QĐND, tôi thực sự tâm đắc, bởi tác giả đã mạnh dạn chỉ ra căn bệnh đáng lo ngại hiện nay... Căn bệnh này không phải bây giờ mới phát sinh mà nó đã xuất hiện từ lâu, nhưng nay xuất hiện ở một số cán bộ, trong đó có những người đã nghỉ hưu. Họ tự cho mình cái quyền phát ngôn tùy tiện, bỏ ngoài tai sự góp ý của đồng đội.
Mới đây, tôi được nghe một số cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu phán xét lịch sử một cách hồ đồ, vô trách nhiệm; coi mình như một vĩ nhân để phán xét những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước. Trên MXH có clip một người phán xét tùy tiện, chê bai lãnh đạo Bộ Quốc phòng, công tác đối ngoại quốc phòng nhưng thông tin lại không đúng sự thật. Là cựu chiến binh, là người từng làm lãnh đạo chỉ huy sao lại đổi trắng thay đen, nói những tướng lĩnh từng kinh qua trận mạc, tham gia các cuộc chiến tranh nay giữ những trọng trách là không qua chiến đấu, không hiểu quân sự? Tung tin bịa đặt như vậy nhằm mục đích gì? Rồi lại còn nói sẽ dẫn đầu nhóm người tụ tập thì có khác gì kích động, gây rối? Đó không phải là cách hành xử đúng đắn của người cán bộ, đảng viên. 
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Ông Nguyễn Văn Lẽ. 
Sự lộng ngôn, xem thường kỷ cương, phép nước, xuyên tạc sự hy sinh, mất mát của đồng đội, của đồng bào, chiến sĩ là một tội lỗi không thể tha thứ. Nhiều người đặt câu hỏi, khi còn đương chức, đương quyền tại sao họ không hề phát biểu, nêu chính kiến, chỉ đến khi về hưu họ mới lộng ngôn, nói năng tùy tiện, phán xét lung tung?
Là một thương binh từng cống hiến máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tôi rất bất bình với những người như vậy. Những cán bộ dù nghỉ hưu hay còn đương chức khi nói gì, làm gì phải nghĩ đến lợi ích quốc gia, dân tộc, nghĩ đến cái chung. Bản chất của người cộng sản là khiêm tốn, đặt cái chung lên trên cái riêng, góp ý phê bình phải công tâm. Chớ nên kiêu ngạo, hãy biết mình là ai để có hành động đúng đắn, giữ gìn thanh danh, uy tín người cán bộ của Đảng, của quân đội anh hùng!
NGUYỄN VĂN LẼ (xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh)
-------------------
Những lời nói, việc làm không xứng tầm, đáng phê phán
Tôi thấy bài viết về bệnh công thần, kiêu ngạo của Báo QĐND rất kịp thời, rất hay. Đã hơn 60 tuổi và là đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng, tôi tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chi bộ chúng tôi luôn luôn bình tĩnh, lắng nghe và theo dõi tình hình thời sự của đất nước, quân đội.
Quân đội ta hiện nay ngày càng phát triển, ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chúng tôi luôn tin tưởng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và của quân đội. Các đồng chí đã nhận trọng trách trước Đảng và nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng thực sự cũng nhiều khó khăn đặc thù so với đánh địch ngày xưa. Làm sao để hài hòa giữa phát triển với bảo vệ vững chắc Tổ quốc và để quân đội phát triển hùng mạnh, vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Cần phương thuốc đặc trị bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản
Bà Mạc Thu Hương. 
 Gần đây, khi có clip một cựu chiến binh nói về tình hình biển, đảo gây sự chú ý của dư luận, không ít đồng chí trong chi bộ đã gặp và hỏi tôi. Chi bộ mời ngay một báo cáo viên của Tạp chí Tuyên giáo đến nói chuyện, giúp sáng tỏ nhiều vấn đề. Qua đó, chúng tôi càng bức xúc và phê phán vị cán bộ phát ngôn thiếu trách nhiệm trong clip. Là một cán bộ cấp cao nghỉ hưu, sao lại tùy tiện, đánh giá sai về những đồng chí tiếp bước mình để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Lẽ ra, họ phải đủ bản lĩnh chính trị để nhận thức tình hình thời cuộc.
Những người như vậy, khi phê phán tùy tiện người khác có nghĩ đến việc trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nếu không có cả một cộng đồng hoặc có sự ưu ái, tôn vinh thì họ có ngày hôm nay, có được hưởng vinh quang đó không? Họ đang dùng chính những gì đất nước, Tổ quốc, quân đội mang đến cho họ, một sự ưu đãi hơn rất nhiều để rồi phán xét, bịa đặt? Chúng tôi không đồng tình, đó là việc làm không xứng tầm, đáng phê phán đối với một người từng được tôn vinh.
MẠC THU HƯƠNG (Bí thư chi bộ 16A Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)