Sau khi các đối tượng trên bị bắt thì một số trang báo mạng và một số tổ chức có trụ sở tại nước ngoài vốn thiếu thiện cảm với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam lại xuất hiện những bài viết, thể hiện hành vi bênh vực ra mặt các đối tượng này. Họ cho rằng, việc cơ quan điều tra bắt giữ các đối tượng nói trên là xâm phạm vào quyền tự do cá nhân, là "đàn áp" những người “bất đồng chính kiến” và cho rằng những đối tượng nêu trên là những người “không có tội”, đồng thời gọi họ bằng danh từ mỹ miều là “tù nhân lương tâm”. Sự thật rõ ràng không phải như những gì họ nói.
Cảnh giác với hành vi đánh tráo khái niệm tội phạm
 Các bị cáo Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Ảnh: cand
Cách đây hơn 10 năm, vào tháng 3-2007, Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Thời điểm đó, khi lực lượng chức năng khám xét nơi ở và văn phòng luật sư của Đài phát hiện hàng chục tài liệu, bài viết có nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Lần ấy, Nguyễn Văn Đài đã bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử công khai và tuyên phạt 5 năm tù (phiên phúc thẩm hạ xuống còn 4 năm tù). Sau khi mãn hạn tù, Nguyễn Văn Đài được trở về địa phương. Những tưởng Đài sẽ ăn năn hối cải, nhưng rồi y vẫn “chứng nào tật nấy”, tiếp tục lún sâu vào con đường sai lầm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tuyên truyền gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phục vụ mưu đồ chính trị. Việc làm của Đài lại được một số cá nhân, tổ chức cả trong và ngoài nước hà hơi tiếp sức, tung hô, khiến cho sự ảo tưởng của y ngày càng lớn, hành động ngày càng ngông cuồng, bất chấp pháp luật. Cùng với một số đối tượng khác, Đài lập và tham gia vào các hội, nhóm, hòng gây dựng lực lượng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc Hiến pháp và pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Mục đích của Đài và các đồng phạm là muốn tạo sự ảnh hưởng trong dư luận, gây ra làn sóng đấu tranh, nhằm tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi của Đài và đồng phạm đã phạm vào các Điều 88 và 79 của Bộ luật Hình sự.
Còn đối với đối tượng Hoàng Đức Bình, năm 2016, lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường tại các tỉnh ven biển Bắc miền Trung, Bình tự xưng là “Phó chủ tịch phong trào lao động Việt”, cấu kết với một số đối tượng, lập ra cái gọi là “Hiệp hội ngư dân miền Trung” với ý đồ tổ chức, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân một số địa phương miền Trung tham gia vào các tổ chức, tìm chọn “hạt nhân” kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự trên địa bàn. Theo thông tin từ cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An, ngày 2-4-2017, Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền đã tổ chức kích động quần chúng giáo xứ Trung Nghĩa (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bao vây, tấn công tổ tuần tra của Công an huyện Lộc Hà và Công an xã Thạch Bằng. Hành động của Bình và một số giáo dân nơi đây đã làm bị thương một cán bộ công an. Họ cũng đã bao vây, đập phá tài sản nhà Trưởng công an xã Thạch Bằng, rồi sau đó kéo lên trụ sở Công an huyện, UBND huyện Lộc Hà gây rối an ninh trật tự...
Đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cơ quan điều tra xác định: Từ năm 2012 đến 2016, Quỳnh đã sử dụng mạng xã hội tạo blog, lập tài khoản facebook với các nick name: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Mẹ Nấm, Mẹ Nấm Gấu, Nguyen Nhu Quynh để đăng nhiều bài viết, clip có nội dung xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, chống lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Quỳnh cũng đăng tải nhiều bài viết có tính chất hướng lái sự việc, hiện tượng, khiến người đọc hiểu sai bản chất sự việc, bôi nhọ hình ảnh Công an nhân dân, hòng gây mất đoàn kết giữa người dân với chính quyền, làm giảm uy tín của lực lượng vũ trang với nhân dân…
Như vậy, hành vi phạm tội của các đối tượng trên là rất rõ ràng. Vì vậy, việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt giữ Nguyễn Văn Đài cùng đồng phạm; bắt giữ Hoàng Đức Bình, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để xử lý theo quy định của pháp luật chính là thể hiện sự tôn nghiêm và công bằng của pháp luật Việt Nam. Đây cũng là phương pháp tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, bảo vệ thành quả của cách mạng mà bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu để gây dựng, gìn giữ.
Cần phải khẳng định rằng, việc một số trang báo mạng, một số tổ chức nhân quyền ở nước ngoài, một số tổ chức gọi là “xã hội dân sự” cùng một số cá nhân lên tiếng bênh vực cho Đài và đồng phạm thực chất là hành vi cơ hội chính trị, cố tình xuyên tạc hệ thống pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam. Xem lại nội dung những bài viết đăng tải trên các trang báo mạng của các tổ chức nói trên thì thấy, hầu hết những bài viết đều mang tính chất xoi mói và phủ nhận những thành quả của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo của nhân dân. Họ dựa vào những sự việc đơn lẻ xảy ra trong các lĩnh vực như quản lý kinh tế, xã hội, duy trì trật tự, an ninh... để cố tình viết bài thổi phồng, rồi chụp mũ cho rằng những sự việc đó “xuất phát từ bản chất xã hội”, hoặc xuất phát từ “sai lầm trong đường lối lãnh đạo” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gần như bài viết nào họ cũng cố đưa thêm các bình luận của những người vốn không có thiện cảm với Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Vì vậy, các bài viết đều bộc lộ rõ tính chất thiên lệch, chỉ nêu lên cái hạn chế mà cố ý lờ đi sự tiến bộ, phát triển của đất nước Việt Nam, sự cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, tinh thần của người dân Việt Nam. Điều đó đủ thấy, mục đích của các trang mạng, các tổ chức, cá nhân nói trên chính là muốn làm giảm uy tín lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò quản lý xã hội của Nhà nước Việt Nam trước nhân dân, thúc đẩy cái gọi là “xã hội dân sự” phát triển, hòng tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân.
Trên thực tế, kể từ năm 1945 đến nay, quyền công dân, quyền tự do dân chủ của mỗi cá nhân luôn được Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) tôn trọng và bảo vệ. Các quyền đó đã được hiến định rõ ràng trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. Chẳng hạn các quyền như: Quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); Quyền sống (Điều 19); Quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22); Quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội (Điều 28); Không bị tra tấn, truy bức, nhục hình (Điều 20, khoản 1)...; Quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); Các quyền về hưởng thụ văn hóa (Điều 41); Quyền sống trong môi trường trong lành (Điều 43); Quyền tố tụng xét xử công bằng (Điều 31)... Các quyền này đã bảo đảm mở rộng phạm vi bảo vệ của Hiến pháp đối với các quyền con người, quyền công dân trên cả hai lĩnh vực chính trị và dân sự. Bên cạnh các quyền, Hiến pháp cũng quy định các nghĩa vụ mà công dân phải thực hiện như: Nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác (Điều 15); Nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc (Điều 44); Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chấp hành các quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46)... Như vậy, chiểu theo các quy định của Hiến pháp thì các đối tượng như Đài, Bình, Quỳnh... đã vi phạm các nghĩa vụ của công dân và có hành vi xâm phạm vào quyền của các tổ chức, cá nhân khác. Những hành vi như thế tất yếu phải được xử lý trước pháp luật.
Mỗi quốc gia đều có một hệ thống pháp luật của riêng mình, được soạn thảo, ban hành dựa vào thực tiễn của đất nước đó, đồng thời có sự thống nhất và tuân thủ các quy chuẩn của luật pháp quốc tế. Cho nên không thể lấy tiêu chí luật pháp, tiêu chí tự do dân chủ của nước này để quy chiếu và áp dụng đối với nước khác. Việc Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam duy trì hệ thống luật pháp của mình, xử lý công dân của mình khi họ phạm tội theo quy định của pháp luật là điều hoàn toàn đúng đắn. Do đó, mưu đồ đánh tráo khái niệm tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam bằng khái niệm “tù nhân lương tâm” như một số tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài đã sử dụng vừa qua là điều mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận.
TRẦN VŨ