1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần lên án “bệnh” kéo bè, kéo cánh và gọi đây là căn bệnh “cánh hẩu” trong Đảng. Người đúc kết: Bè cánh được lôi kéo từ những người có họ hàng, là bà con, cháu, chắt, thân tín, thậm chí mở rộng ra là người cùng xóm, cùng quê; rồi “chén chú, chén anh”, tung hô nhau, ủng hộ nhau, dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, dồn những người tốt, có tài nhưng không cùng “cánh” xuống để “tiêu diệt”, để cát cứ, thao túng…
Tuy nhiên, thực trạng này vẫn tồn tại nhức nhối. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30-10-2016 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã chỉ ra các hiện tượng: Cục bộ, bè phái; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích…; và coi đây là những biểu hiện cần kiên quyết ngăn chặn.
Trên thực tế, ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, thói cục bộ, bè phái dễ có cơ hội xuất hiện vào những thời điểm nhạy cảm, như: Quyết định về công tác nhân sự (lấy phiếu quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm…), bầu cử trong đại hội hay trong hội nghị biểu quyết đầu tư các dự án quan trọng. Khi những người nắm giữ trọng trách trong các cơ quan, đơn vị không vì lợi ích chung sẽ rất dễ để cho các “nhóm lợi ích” lèo lái, thậm chí tranh giành, “xâu xé” lẫn nhau khiến nội bộ mất đoàn kết. Đây là “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, chủ nghĩa cơ hội lộng hành.
Ngoài ra, tình trạng bè phái cũng không kích thích, khuyến khích được sự tận tâm cống hiến của những cá nhân có thực tài; tạo kẽ hở để những kẻ cơ hội tìm mọi thủ đoạn, kể cả việc "mua quan, bán chức" luồn lách vào hệ thống các cơ quan nhà nước.
Thời gian qua, hiện tượng bổ nhiệm người nhà, người thân diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị. Điển hình như năm 2015, Bộ Giao thông - Vận tải đã vào cuộc xác minh mối quan hệ gia đình của 30 người đang làm việc tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và các đơn vị thành viên với tổng giám đốc đơn vị này. Kết quả cho thấy, có 15/30 người có quan hệ gia đình với tổng giám đốc, trong đó 12 người giữ chức vụ quản lý và một người trong số này là phó tổng giám đốc... Năm 2016, Bộ Nội vụ đã chỉ ra 9 địa phương, đơn vị có hiện tượng “cả nhà làm quan”. Đáng chú ý là nhiều trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, như ở các tỉnh: Quảng Nam, Gia Lai, Bình Định...
Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ Đại hội khóa XII, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ cấp cao do liên quan đến bổ nhiệm người nhà, người thân không đúng quy định.
Nổi bật trong số này là việc Ban Bí thư kỷ luật ông Lê Phước Thanh bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 do bổ nhiệm “thần tốc” con trai là Lê Phước Hoài Bảo.
Hoặc ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương) đã bị cấp có thẩm quyền xóa tư cách nguyên Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 vì nhiều sai phạm, trong đó có việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải sai quy định…
2. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như các tỉnh ủy, thành ủy đã đề ra nhiều giải pháp mới hướng tới khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, trong đó coi việc ngăn chặn tình trạng bè phái, lũng đoạn công tác cán bộ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Có thể nói, chưa bao giờ một hệ thống kiểm soát, quy trình về công tác cán bộ lại đầy đủ, công khai, minh bạch như hiện nay.
Rõ nhất là gần đây, việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” đã nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận.
Những nội dung rất cụ thể trong Quy định số 205-QĐ/TƯ cùng với nhiều văn bản được Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành trong 2 năm qua, như: Quy định 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2017 về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 132-QĐ/TƯ ngày 8-3-2018 về “Việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”…, sẽ góp phần hữu hiệu để phòng ngừa, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng bè phái, lũng đoạn công tác cán bộ.
Điểm nổi bật trong các văn bản mới là quy rõ trách nhiệm cá nhân đến từng vấn đề, từng khâu trong quy trình của công tác cán bộ, tránh tình trạng “công cá nhân, tội tập thể”, “hòa cả làng” như trước đây… Như vậy, vấn đề mấu chốt là những tổ chức, cá nhân được giao trọng trách về công tác cán bộ cần phải thực hiện nghiêm hệ thống các văn bản đã có, không được “đi ngang”, “đi tắt”, phá bỏ quy trình và nếu vi phạm phải xử lý nghiêm.
Đặc biệt, phải tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tổ chức, tránh tình trạng né trách nhiệm hay lợi dụng thông tin để tư lợi. Tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác cán bộ.
Cùng với đó là người đứng đầu, cá nhân thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị cần đề cao trách nhiệm cá nhân; coi việc thực hiện nhiệm vụ khách quan, công tâm là lương tâm, nhân phẩm, lòng tự trọng của người có thẩm quyền trong công tác cán bộ.
Ngoài ra, cần nhân rộng việc thực hiện chế độ thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo khung năng lực vị trí việc làm, có đề án tranh cử rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm, nhằm lựa chọn được người có phẩm chất và năng lực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị.
Trước mắt, thực hiện Quy định số 205-QĐ/TƯ và các văn bản khác liên quan cần được triển khai đồng thời với Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự bộ máy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Trong đó, cần thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương…
Mục tiêu cụ thể là phải thực hiện cho bằng được chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Việc sớm ngăn chặn cho được tình trạng “cánh hẩu”, bè phái, lũng đoạn công tác cán bộ, tiến tới lũng đoạn cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đồng nghĩa với việc góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào cuộc sống.
Đỗ Quỳnh Chi/Hà Nội mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét