Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

LÒNG NHÂN ÁI LÀ BIỂU HIỆN CỦA NHÂN TÍNH VÀ TRÁI TIM RỘNG MỞ

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, văn bản
Lòng nhân ái là biểu hiện của nhân tính và dù xã hội phát triển đến đâu cũng vẫn cần nêu cao lòng nhân ái. Nếu lòng nhân ái được lan tỏa xa và nhiều hơn nữa thì công cuộc xóa đói giảm nghèo có thêm nguồn năng lượng mới.
Thời gian gần đây dư luận xã hội đang “nóng” với câu chuyện rất đẹp và nhân văn về người đàn ông có tấm lòng của 'MỘT THIÊN THẦN". Chuyện bắt đầu từ năm 2010, một nữ công nhân "bị người ta gạt có em bé" để lại đứa con nhờ vợ chồng ông Bùi Công Hiệp (Q.9, Tp.HCM) nuôi giúp. Sau lần đó, một vài người rồi rất nhiều người mang con đến nhờ nuôi, trẻ bị bỏ rơi người ta cũng mang tới. Thương trẻ nên vợ chồng ông nhận hết. Bây giờ đại gia đình có tên Mái ấm Thiên Thần với 88 đứa trẻ, đều gọi ông bà là bố mẹ.

Để có đủ kỹ năng, ông Hiệp dành nhiều thời gian tự học về giáo dục và theo học một khóa phương pháp giáo dục Montessori vào buổi tối ở trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Tp.HCM) để áp dụng trong việc giáo dục trẻ ở Mái ấm Thiên Thần. Dù Mái ấm có 10 cô bảo mẫu, nhưng hằng ngày ông vẫn tự tay nấu nướng cho lũ trẻ, như ngày xưa ông được ăn thức ăn do mẹ nấu. Ngoài ra, những việc đưa đón các con đi học mỗi ngày, lo cho các con ngủ mỗi trưa, mỗi tối, đều do ông Hiệp tự tay làm.
Là một người cha lo lắng, chuẩn bị tương lai cho các con của mình, ông Hiệp chăm sóc cho các con có thể chất khỏe mạnh, và đặt ra mục tiêu khi lớn lên, ra khỏi Mái ấm Thiên Thần, các con phải biết bơi lội và đặc biệt là ngoại ngữ, tin học; bởi bơi lội là những kỹ năng sinh tồn nhất thiết phải biết, còn học ngoại ngữ, tin học để phát triển, hòa nhập với thế giới. Và ông mong muốn các con có đầy đủ phẩm chất của một con người tử tế, đặc biệt là trái tim lúc nào cũng rộng mở và cuộc sống hạnh phúc.
Nguồn kinh phí duy trì Mái ấm Thiên Thần nhờ vào một xưởng sản xuất của ông Hiệp và một phần nhỏ từ các nhà hảo tâm, nên dù có lúc ông khó khăn nhưng đàn con của ông luôn no ấm. Với mong muốn phải lo phần tài sản để lại cho các con sau này, nên ông bà đã thống nhất và làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất 2.500m2 và căn nhà 3 tầng trị giá hơn 100 tỉ đồng cho các con. Trao tặng không phải để đàn con chia nhau, mà đó là tài sản chung, cho tất các các con đi xa có thể trở về, khi khó khăn, thất bại có chỗ để nương tựa.
Trong lúc xã hội có một bộ phận không nhỏ khủng hoảng giá trị sống, chỉ lo vơ vét, làm giàu cho bản thân và gia đình, thậm chí phạm tội để có tiền nhằm vinh thân, phì gia thì câu chuyện đơn sơ mà giàu tình người của ông Hiệp có giá trị thức tỉnh. Karl Marx đã viết “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình..."; nếu nhiều người nhận thức được điều này thì lòng tham sẽ giảm đi, những điều tốt đẹp ngày càng nhân lên.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở nước ta giảm 1-1,5% (còn khoảng 3,73 - 4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%. Các con số đó cho thấy vẫn còn rất nhiều gia đình khó khăn, cần sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng, bên cạnh sự hỗ trợ thường xuyên của Nhà nước. Nếu lòng nhân ái được lan tỏa xa và nhiều hơn nữa thì công cuộc xóa đói giảm nghèo có thêm nguồn năng lượng mới.
Ở góc độ khác, lòng nhân ái là biểu hiện của nhân tính với trái tim rộng mở và dù xã hội phát triển đến đâu cũng vẫn cần nêu cao lòng nhân ái. Dân tộc ta có truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau “lá lành đùm lá rách”, như đại danh y Hải Thượng Lãn Ông từng nói: “Nhân nghĩa là kho quý không bao giờ thay đổi phương hướng”.
--------------
Nam Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét