Tôi cũng rất đau lòng khi biết vừa có thông tin trên mạng xã hội (MXH) về những cán bộ phát biểu tùy tiện, có dấu hiệu kiêu ngạo, công thần, trong đó có cả một sĩ quan cấp tướng đã nghỉ hưu. Những tướng lĩnh như chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nhưng chúng tôi nhận thức rằng: Những gì chúng tôi đã làm được là rất nhỏ bé đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc. Đóng góp cho Tổ quốc là nghĩa vụ, khi đã đi làm nghĩa vụ, làm cách mạng thì không được kể công.
Càng những người mang quân hàm tướng, những người đi trước là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước lại càng phải nhận thức như trên. Những gì chúng ta đã cống hiến chỉ là hạt cát nhỏ giữa biển cát mênh mông của cuộc cách mạng mà thôi. Bác Hồ cũng không tự nhận xét mình là người có công nhất. Chỉ có nhân dân công nhận và vinh danh Bác Hồ.
Tướng lĩnh ngày xưa là những tướng lĩnh qua đánh giặc mà trưởng thành, nhưng mà cũng nhờ sự giáo dục của Đảng, sự rèn luyện của quân đội. Tập thể người ta đưa mình lên, không phải tự nhiên một mình cá nhân anh mà lên được như vậy. Quân không đánh giỏi thì làm sao anh có thể lên tướng được? Cho nên cái tướng của anh có công của nhiều cán bộ, nhiều chiến sĩ mà trước hết là những người đã hy sinh.
Tư tưởng chê bai thế hệ đi sau một cách vô lý tôi cho là thiển cận. Ngày hôm nay mà không tiến bộ hơn ngày hôm qua thì anh làm cách mạng làm gì? Anh làm được một ông tướng trong đánh giặc để mục đích sau này, thế hệ đi sau tiến bộ, gánh vác trách nhiệm mà lịch sử giao lại. Trước hết những người đi trước phải là những “bà đỡ”, điểm tựa cho những người đi sau tiến lên.
Một vị tướng anh hùng, trong kháng chiến chống Mỹ được phong anh hùng ở cấp trung cấp và sơ cấp thôi, sau này được làm công tác về lịch sử, lẽ ra phải là con người trung thực với lịch sử, bảo vệ lịch sử. Thế mà lại nói một câu ngao ngán rằng: Tướng bây giờ chưa biết chiến tranh! Thế thì đồng chí muốn đất nước này tiếp tục có chiến tranh để có tướng đánh giặc à? Không có tướng đánh giặc mà quân đội vẫn vững mạnh, đất nước vẫn độc lập, giữ được chủ quyền, hòa bình, vẫn giàu mạnh tiến lên đó mới là mục tiêu của Quân đội ta.
Nếu như 45 năm vừa qua, không phải là hòa bình mà phải đánh giặc để có những người tướng có kinh nghiệm trận mạc thì có cần không? Chúng ta mong cho đất nước này vĩnh viễn hòa bình, để xây dựng một quân đội hùng mạnh trong hòa bình, mà quân đội đó từ người cán bộ cao nhất trở xuống không ai phải kinh qua chiến tranh. Đó mới là hạnh phúc to lớn nhất của quân đội và cũng là của nhân dân.
Tôi cũng không đồng tình với tư tưởng công thần ở khía cạnh không tin tưởng, khích lệ thế hệ đi sau. Mình đi trước nếu là người đứng đắn, thấy thế hệ đi sau họ tiến bộ thì mình phải cảm thấy hạnh phúc. Như bản thân tôi, có đồng chí trước đây chức vụ thấp hơn tôi, sau tiến bộ hơn tôi, chức vụ, quân hàm cao hơn tôi. Tôi rất hạnh phúc bởi lớp đi sau được chúng tôi bồi dưỡng, giúp đỡ và kế thừa rất tốt. Chúng tôi phải là những người giỏi mới bồi dưỡng, rèn luyện giúp được cấp dưới trưởng thành vượt qua chúng tôi. Đó chính là hạnh phúc của tôi, của những người đi trước.
Rồi, công thần đến mức nghĩ mình là giỏi, chê bai cả công tác đối ngoại quốc phòng theo tôi cũng là sai. Chưa bao giờ hoạt động công tác đối ngoại quốc phòng được như hiệu quả lúc này. Khi mà các thế lực thù địch chống phá đất nước, không riêng gì các nước khối ASEAN, mà kể cả các nước đối đầu, thù địch với nước ta trước kia nay đều có quan hệ ngày càng tốt hơn. Tất cả các mối quan hệ trong công tác đối ngoại đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, thêm bạn bớt thù…
Trong điều kiện đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh, các thế lực thù địch còn điên cuồng chống phá, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc còn nhiều thách thức thì đây là lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có những tướng lĩnh về hưu phải chung sức, chung lòng, chia sẻ với quân đội. Những tướng lĩnh đã về hưu phải là điểm tựa cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân đội vượt qua khó khăn, thách thức. Đó mới là đạo của người làm tướng.
Nguồn: VNW
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét