Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Phân tích kỹ để không chọn nhầm cán bộ

Phóng viên (PV): Từ thực tiễn công tác cán bộ thời gian qua, quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Trung tướng Trần Quang Phương: Đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) là việc của Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân. Cán bộ tốt, xấu, đúng, sai là do cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là quần chúng nhân dân nhìn nhận đánh giá trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và tổ chức giao phó. Tôi cho rằng: Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, từng cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và nhân dân có đủ cơ sở để đánh giá khá chính xác chất lượng ĐNCB nói chung, từng cán bộ nói riêng. Cần phải thấy rằng, tuy cũng còn mặt này, mặt khác; cũng còn có những cán bộ này, cán bộ khác, nhưng nhìn tổng thể về cơ bản chất lượng ĐNCB trong nhiệm kỳ Đại hội XII là khá đồng đều, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. 
PV: Thưa đồng chí, dư luận nhân dân cũng có không ít băn khoăn trước thực tế một số cán bộ kém vẫn “lọt” vào cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp, sau đó bị xử lý kỷ luật, thải loại như thời gian qua?
Trung tướng Trần Quang Phương
Trung tướng Trần Quang Phương: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “... Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”. Hay nói theo cách khác, việc đánh giá cán bộ là rất khó, bởi mỗi con người luôn vận động biến chuyển cùng với sự biến chuyển của xã hội. Trước những tác động của xã hội hiện nay, nhất là những tác động tiêu cực, nếu cán bộ thiếu bản lĩnh, không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện thì rất dễ bị lôi kéo, sa ngã, vi phạm khuyết điểm. Điều quan trọng nhất đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng là kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ có những sai phạm. Phát hiện, xử lý cán bộ vi phạm là việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Điều này, không chỉ làm trong sạch bộ máy, loại bỏ khỏi đội ngũ những cá nhân yếu kém, mà còn thể hiện bản lĩnh của chính đảng cầm quyền, tất cả hướng đến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. 
PV: Theo đồng chí, xây dựng đội ngũ cán bộ khóa XII có những mặt thành công gì?
Trung tướng Trần Quang Phương: Công tác cán bộ (CTCB) là một mặt công tác trọng yếu của Đảng và được Đảng ta thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Bởi vậy, kết quả CTCB đạt được của ngày hôm nay không phải là chuyện riêng của nhiệm kỳ Đại hội XII, mà đó là thành quả của quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, đặc biệt là trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới. Đối với CTCB nhiệm kỳ Đại hội XII, thì ngay từ Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 6, khóa XI (năm 2012), Trung ương đã thảo luận, thông qua Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ khóa XII còn được Tiểu ban Nhân sự tổ chức lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Có nghĩa rằng: Công tác nhân sự cấp cao của Đảng được thảo luận, xem xét, giới thiệu từ các cấp chứ không phải chỉ do Trung ương chuẩn bị. Và cũng từ chủ trương và cách làm đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cũng triển khai và bước đầu mang lại kết quả trên thực tế.
Nhìn lại kết quả thực hiện CTCB nhiệm kỳ Đại hội XII, tôi cho rằng: Sự chủ động của Trung ương trong quy hoạch cán bộ, gắn với đào tạo và luân chuyển cơ bản khắc phục được tình trạng hẫng hụt về đội ngũ như thời gian trước đây. Kết quả đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, hầu hết cán bộ trong quy hoạch đều trúng cử vào cấp ủy. Các đồng chí được bầu giữ chức bí thư tỉnh ủy khóa mới hầu hết đều nằm trong quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đây là cơ sở quan trọng để HNTƯ lần thứ 13 và 14, khóa XI tiếp tục thảo luận những vấn đề trực tiếp về công tác nhân sự.
PV: Từ thực tiễn công tác cán bộ thời gian qua, theo đồng chí, các cấp ủy, tổ chức đảng cần làm gì để nâng cao chất lượng đội ngũ?
Trung tướng Trần Quang Phương: Mặc dù Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiến hành nhiều biện pháp, triển khai quyết liệt, nhưng nhìn lại vẫn còn rất nhiều điều cần phải suy nghĩ, xem xét. Về mặt đạt được, trước hết phải kể đến là việc Trung ương quyết liệt thực hiện tư tưởng "đi trước, đón đầu" trong công tác nhân sự. Tức là Trung ương tích cực chuẩn bị con người từ sớm, từ xa; có tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển... để chuẩn bị nhân sự các cấp và Trung ương; đồng thời huy động sức mạnh toàn hệ thống xã hội và hệ thống chính trị. Tôi đánh giá cao vai trò, trách nhiệm, cái tâm và nghĩa cử cao đẹp của nhiều đồng chí cán bộ cấp cao khi thảo luận đề án nhân sự của Trung ương, bản thân mình cũng được giới thiệu, song xét thấy để bảo đảm cơ cấu, vì tính khoa học, tính kế thừa, tính thống nhất của đề án nhân sự, các đồng chí đó đã tự xin rút khỏi danh sách đề cử.
Vấn đề tiếp theo là việc phát huy dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định những vấn đề liên quan đến xây dựng ĐNCB, đồng thời vận hành nhịp nhàng, hiệu quả các khâu, các bước trong CTCB một cách đúng quy trình, lộ trình. Tuy nhiên, cùng với những thành công, công tác xây dựng ĐNCB nhiệm kỳ Đại hội XII cũng còn bộc lộ những hạn chế. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, từng cấp ủy, tổ chức đảng cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá để xác định những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng ĐNCB và tiến hành CTCB cho nhiệm kỳ 2020-2025 bảo đảm toàn diện và có chất lượng. Chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới cần được tiến hành công khai, dân chủ, phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng từng mặt để không chọn nhầm, chọn sai cán bộ.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét