Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Vạch trần thủ đoạn "tâm lý chiến"

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự Bộ Quốc phòng

NGÓN ĐÒN ÁC HIỂM
Gần đây, một số người mang danh “học giả” nêu ra luận điểm rằng “thời đại đã thay đổi” cho nên Đảng ta cần phải thay đổi Cương lĩnh chính trị, cụ thể là thay đổi Cương lĩnh 2011. Ông nghĩ gì về điều này?
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương: Luận giải về “thời đại ngày nay” là một trong những vấn đề lý luận mang tính thời sự cấp bách, đã và đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều người. Đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến việc phủ định hay khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin, vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và các nước khác.
Sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ở nước ta có một số người đã dao động, hoài nghi giá trị khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thậm chí một số người đã trượt dài trên con đường “phát triển” lý luận, rơi vào vòng cương tỏa của CNTB, “sám hối”, “trở cờ”, trở thành người tuyên truyền không công cho các thế lực thù địch, quay lại tấn công, bài xích cội nguồn lý luận mà họ từng tin theo, làm theo. Họ viện cớ “CNXH đã sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu” để quy kết học thuyết Mác-Lênin là sai lầm, lý tưởng cộng sản là không tưởng, “thời đại đã thay đổi” nên “đi theo con đường CNXH là đi vào ngõ cụt”.
Thế nhưng, éo le thay, không ai trong số họ có thể chỉ ra được một cách có cơ sở khoa học “thời đại đã thay đổi” thì thời đại ngày nay là thời đại nào?
Đối với chúng ta, hiện nay việc xây dựng cương lĩnh, hoạch định đường lối chiến lược, sách lược, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh... đều phải trả lời câu hỏi chúng ta đang sống ở thời đại nào? Và câu trả lời đã có trong Cương lĩnh 2011: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
Khi Đảng ta khẳng định dứt khoát rằng, thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chúng ta đã đứng vững trên quan niệm duy vật về lịch sử nói chung, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội nói riêng của học thuyết Mác-Lênin.
Đáng kể nhất trong số người ý kiến ‘thời đại đã thay đổi” cho rằng đây là thời đại phồn vinh vĩnh viễn của CNTB? Đúng là, CNTB đã điều chỉnh, thích nghi bằng cách ứng dụng thành công các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật. Nhưng một con số thống kê cho thấy, một tỉ phú ở Mexico hiện đang có tài sản tương đương với 17 triệu đồng bào nghèo khổ trong đất nước ông ta. Hay cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008 sau đó lan ra toàn cầu... Điều đó cho thấy, dù CNTB đang ở thời cực thịnh và vẫn còn có thể phát triển, nhưng những mâu thuẫn trong lòng nó là không thể chối cãi. Mặt khác, sự phát triển của CNTB hiện đại lại đang chuẩn bị những tiền đề, những yếu tố của phương thức sản xuất mới, hình thành cơ sở hạ tầng ở tầm cao mà CNXH sẽ được xây dựng ở đó. Đặc biệt, chúng ta thấy rất rõ là nhiều nước tư bản phát triển đã vô tình hoặc bắt buộc phải sử dụng các giải pháp của CNXH để làm dịu các mâu thuẫn xã hội, như việc điều hòa sản xuất trong phạm vi toàn xã hội; cơ chế phân phối lại ngoài thu nhập quốc dân; hệ thống bảo hiểm và các quỹ phúc lợi xã hội; sự tham gia của nhân dân lao động vào công tác quản lý; sự mở rộng dân chủ hơn với các tầng lớp nhân dân.
Có một câu chuyện thú vị là chương trình “Thời đại chúng ta” của đài phát thanh BBC tại Anh tổ chức cuộc điều tra xã hội học với 3 vạn phiếu phát ra. Kết quả, trong số 20 triết gia vĩ đại đưa ra để lựa chọn, Các Mác đã được chọn là triết gia vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại bởi những cống hiến khoa học xuất sắc của ông. Quan niệm về thời đại ngày nay của Chủ nghĩa Mác-Lênin đến nay vẫn đứng vững và ngày càng chứng tỏ giá trị của nó trong đời sống nhân loại.
CHÂN LÝ LÀ CỤ THỂ
Có thể nói, giá trị khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể bác bỏ. Nhưng thực tiễn đang đặt ra cho mỗi chúng ta, là làm thế nào để nền tảng tư tưởng của Đảng và chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, thưa ông?
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương: Đối với người dân, chân lý luôn là cụ thể. Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm “Có thực mới vực được đạo”. Vì vậy, để Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh chiếm giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân, việc đầu tiên là phải chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, trước mắt là làm cho dân no, dân yên, dân tin. Trong nhận thức và mọi việc làm, các cấp, các ngành phải chứng minh được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, phải làm cho người dân tin tưởng rằng, lợi ích của người dân gắn chặt với lợi ích của đất nước, của quốc gia, dân tộc. Trong mọi trường hợp, không được để dân đói khổ, mất việc làm và thu nhập. Đó là cách tốt nhất để xây dựng “thế trận lòng dân”.
Thực tế hiện nay, ở một số nơi, một số địa phương, đời sống người dân không được đảm bảo, gặp bất công hay oan sai, thì đó chính là địa bàn mà các thế lực thù địch đã và sẽ tiếp cận nhằm lợi dụng, lôi kéo, xúi giục chống phá chế độ. Vấn đề có tính quy luật là người dân chỉ bảo vệ những gì họ có, họ hiểu biết và có thể làm được. Vì vậy, bằng mọi cách, Đảng, Nhà nước phải chăm lo cho người dân có việc làm, có nơi ở, cái ăn, cái mặc rồi nâng cao dần đời sống văn hóa tinh thần; sau đó, việc tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng; tuyên truyền, xây dựng ý thức phòng, chống “Diễn biến hòa bình”; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mới có hiệu quả.
Hiện nay, một số cá nhân thường nhân danh “lòng yêu nước” để tuyên truyền, cổ súy, lôi kéo quần chúng nhân dân xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Bên cạnh những giải pháp ứng phó cụ thể, về mặt chiến lược, Đảng, Nhà nước cần tăng cường giáo dục tình yêu quê hương, đất nước; làm cho người dân hiểu rõ mục tiêu, mô hình CNXH mà chúng ta đang xây dựng. Muốn vậy, cần cụ thể hóa tiêu chí yêu nước cho phù hợp tình hình mới. Cần khơi dậy khát vọng mà Cương lĩnh 2011 đã đề ra: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hay một trong tám đặc trưng của CNXH mà nhân dân ta xây dựng là “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, cần được cụ thể vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành để người dân đo lường được lợi ích phát triển đất nước gắn liền với lợi ích của mỗi công dân.
NHỮNG BƯỚC ĐI DŨNG CẢM VỀ NHẬN THỨC
So sánh là khập khiễng, nhưng có một sự so sánh mà chúng ta rất khó giải thích, đó là sự phát triển thần kỳ của một số nền kinh tế mới nổi ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan; thậm chí ngay cả với một số nước ở Đông Nam Á thì kinh tế phát triển ấn tượng hơn nước ta. Đó cũng là một hiện thực khiến cho một số người tin vào luận điệu “lý luận về CNXH là sai lầm và lỗi thời”. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương: Đúng là người ta thường so sánh quy mô, tốc độ phát triển kinh tế giữa nước ta và một số nền kinh tế mới “hóa rồng”, “hóa hổ” để đổ lỗi cho Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Họ “thấy cây mà chẳng thấy rừng”, nếu đúng như họ nói, đi theo con đường TBCN là con đường phồn vinh vĩnh viễn thì tại sao vẫn còn hàng chục, thậm chí cả trăm quốc gia phát triển theo mô hình TBCN ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á... lâm vào đói nghèo, lạc hậu, chiến tranh sắc tộc liên miên. Nhìn thấy bức tranh tổng thể của các nước TBCN, chúng ta rút ra những bài học cho riêng mình, nhất là kinh nghiệm thành công của những nước đã “hóa rồng”, “hóa hổ” nhưng đồng thời càng tự tin vững bước theo con đường Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.
Trên thực tế, chúng ta không hề giấu giếm những sai lầm, hạn chế và khó khăn trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đánh giá “tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp”, kèm theo đó là những hạn chế, yếu kém về mặt xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế... Đảng ta đã nghiêm khắc tự phê bình rằng, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng trực tiếp và quan trọng nhất là nguyên nhân chủ quan. Đó là những hạn chế trong đánh giá, dự báo tình hình, trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Nhìn tổng thể qua 33 năm đổi mới thì chúng ta phải nhận rõ, chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới từ một nước nông nghiệp lạc hậu, điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, bị tàn phá sau cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài suốt 30 năm và 10 năm căng mình bảo vệ hai đầu biên giới. Đặc biệt là khó khăn, sức ỳ đến từ những quan điểm, tác phong mang nặng tính chất của nền văn hóa nông nghiệp. Chúng ta đổi mới mà không có kinh nghiệm tiền lệ, không còn sự hỗ trợ của hệ thống các nước XHCN như trước, nhiều thế lực bên ngoài, một bộ phận bên trong lại ra sức chống phá... Trong điều kiện đó, trong suốt 33 năm qua, chúng ta đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình cao trên 6,5%/năm; GDP bình quân đầu người từ 80USD lên xấp xỉ 2.800 USD năm 2019. Đời sống nhân dân được cải thiện một bước cơ bản... Thành tựu phát triển đó là không thể phủ nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và nhiều học giả phương Tây ghi nhận.
Để có được những thành tựu đó, Đảng và Nhà nước ta đã có những bước đi dũng cảm về mặt nhận thức, sự đổi mới mạnh mẽ về chính sách kinh tế-xã hội. Từ một nền kinh tế bao cấp hoàn toàn dựa trên sở hữu công cộng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; từ một nhà nước theo mô hình chuyên chính vô sản sang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; từ chỗ bị bao vây cấm vận chuyển sang mở cửa hội nhập theo tinh thần “là bạn, là đối tác tin cậy, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên thế giới, trong đó có 2 đối tác toàn diện đặc biệt, 15 đối tác chiến lược, 11 đối tác toàn diện 2 đối tác chiến lược theo từng lĩnh vực. Quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư không ngừng phát triển nhanh chóng với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ...
Những thành tựu đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời là sự khẳng định vai trò của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là nền tảng tư tưởng, nguồn lực tinh thần cho sự phát triển của đất nước. Những người tìm cách đổ lỗi cho học thuyết Mác-Lênin, gán những hạn chế, yếu kém của Việt Nam cho Chủ nghĩa Mác-Lê nin đã cố tình xuyên tạc nhằm mục đích chính trị là thay đổi nền tảng tư tưởng, thay đổi đường lối, mục tiêu xây dựng CNXH bằng một chủ thuyết khác, bằng một mô hình xã hội khác. Mục đích ấy đơn thuần để phục vụ cho lợi ích của một nhóm người nào đó chứ không vì lợi ích của đông đảo nhân dân, không vì lợi ích chung của toàn dân tộc.
Chúng ta chỉ ra những luận điệu xuyên tạc, đổ lỗi cho Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mà sâu xa hơn là bảo vệ giá trị cốt lõi, sự trong sáng, tính khoa học và nhân văn của văn hóa dân tộc. Đồng thời, cũng là lời nhắc nhở cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức của chính mình về Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, để tìm hiểu rõ hơn, quán triệt sâu sắc hơn, thấm nhuần hơn quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử cụ thể khi vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc đề ra đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
* Xin trân trọng cảm ơn PGS, TS Nguyễn Bá Dương!

Hồng Hải – Song Minh – Liên Việt (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét