Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Kiến tạo nền dân chủ một đảng cầm quyền

(Ảnh minh họa: TTXVN)
Để góp phần bác bỏ luận điệu võ đoán nêu trên, trước hết phải có sự thống nhất trong quan niệm về dân chủ. Dân chủ (tiếng Anh là Democracy) có gốc từ tiếng Hy Lạp; nghĩa gốc của từ cũng là nghĩa cơ bản của khái niệm “chính quyền của dân, thực hiện quyền lực của dân”. Dân chủ là một hình thức (cách thức, kiểu) tổ chức nhà nước mà trong đó “quyền lực phải thuộc về số đông, phục vụ cho nhu cầu của số đông và vì quyền lợi của số đông”(1). Hiện nay, khi định nghĩa về dân chủ, hầu hết các nhà lý luận, chính khách và các nhà hoạt động xã hội đều ưa thích sử dụng cách diễn đạt của Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ: “Dân chủ là chính quyền của dân, do dân và vì dân”. Người vạch rõ bản chất của một xã hội được coi là dân chủ, chỉ rõ nguồn gốc quyền lực thuộc về nhân dân chính là Các Mác. Ông viết: “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp mà luật pháp tồn tại vì con người; ở đây, sự tồn tại của con người là luật pháp, trong khi đó thì dưới những hình thức khác của chế độ nhà nước, con người lại là tồn tại được quy định bởi luật pháp. Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”(2). Quan niệm này đặc biệt sâu sắc, theo đó, con người trong cuộc sống hiện thực của nó không phải là cái được quy định bởi luật pháp mà ngược lại, chính luật pháp phải là cái phù hợp với sự tồn tại của con người.
Dân chủ mang tính giai cấp, điều đó khiến cho khái niệm dân chủ từ khi ra đời cho đến nay đã được sử dụng rất khác nhau trong các thời đại, các chế độ chính trị, thậm chí đã có những cách hiểu, cách giải thích và thực hành dân chủ trái ngược nhau trong lịch sử. Nhưng định nghĩa phổ quát nhất về dân chủ, xem “dân chủ là quyền lực thuộc về số đông, thuộc về dân, có nguồn gốc từ dân” là nội dung khó có thể hiểu khác đi được.
Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhất là từ Đại hội VI (1986) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức về dân chủ và xây dựng nền dân chủ XHCN ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dân là chủ”, “Dân làm chủ”, “Dân là gốc”, “Nước ta là nước dân chủ”, “Dân chủ là cái chìa khóa vạn năng”, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” và quan trọng hơn là phải làm cho dân được hưởng quyền làm chủ xã hội trên thực tế.
Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta cho rằng: “Nền dân chủ XHCN ở Việt Nam phải vừa thể hiện các giá trị dân chủ phổ quát của nhân loại, vừa thể hiện những giá trị đặc trưng phản ánh bản sắc, đặc điểm văn hóa, truyền thống của Việt Nam; có nội dung cốt lõi là tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân, gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân nhằm tạo ra ngày càng đầy đủ những điều kiện cho sự giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người, gắn liền với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó nhân dân là chủ thể của các thiết chế chính trị và Nhà nước theo đúng nguyên lý chủ quyền nhân dân được quy định trong Hiến pháp 2013”(3) .
Thực tiễn xây dựng nền dân chủ của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, kể từ nền dân chủ Athens (Hy Lạp) đến nay trải qua gần 3.000 năm đã khẳng định: Dân chủ, phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng và thực hiện đa nguyên, đa đảng không có nghĩa là có dân chủ, phát triển.
Chủ nghĩa đa nguyên do nhà triết học Đức Chiristian Wolff (1679-1754) đề xuất vào đầu thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa đa nguyên lấy xã hội tư sản dựa trên chế độ tư hữu làm mẫu, cho rằng xã hội luôn được chia nhỏ thành cơ số các nhóm cá thể, nhóm, tầng lớp, tập đoàn, phân biệt bằng tài sản và thu nhập, tín ngưỡng, tôn giáo, đảng phái, nghề nghiệp... Chủ nghĩa đa nguyên phủ nhận đấu tranh giai cấp, chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng và các đảng phái quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Cũng trong thế kỷ XVIII, cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến chuyên chế đã dẫn tới sự ra đời học thuyết tam quyền phân lập của Charles Louis Montesquieu (1689-1755). Ông chia quyền lực nhà nước thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, ba nhánh quyền lực này phải do các cơ quan nhà nước riêng biệt đảm nhiệm để có thể đối trọng, kiềm chế lẫn nhau. Học thuyết “tam quyền phân lập” là một bước tiến bộ rất lớn so với chế độ quân chủ phong kiến, đặc biệt là trong đầu thế kỷ XXI, nhiều nước tư bản hiện đại với những điều chỉnh để thích nghi đã đạt được những bước tiến lớn trong xây dựng nền dân chủ.
Tuy có những mặt tích cực, nhưng học thuyết “tam quyền phân lập” cũng bộc lộ nhiều hạn chế và đã bị chính các nhà tư tưởng tư sản tiến bộ phê phán. Jean Jacques Rousseau (1712-1778) cho rằng, các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tự bản thân nó là thống nhất, đó chỉ là các mặt biểu hiện của quyền lực thống nhất tối cao thuộc về nhân dân. Theo ông, quyền lập pháp luôn gắn với chủ quyền quốc gia, đó là ý chí của nhân dân có chủ quyền quyết định. Vì vậy, quyền hành pháp chỉ là được ủy quyền và phục vụ chủ quyền nhân dân, quyền tư pháp phải lệ thuộc và tuân theo pháp luật, nhưng có tính độc lập tương đối với lập pháp và hành pháp. Rõ ràng, nhà nước “tam quyền phân lập” có mặt tích cực trong hạn chế lạm quyền, tùy tiện sử dụng quyền lực nhưng mặt khác lại tạo ra cơ chế kiềm chế, cản trở việc hình thành các cơ cấu, tổ chức nhà nước. Vì vậy, trong thực tiễn, để khắc phục, các nhánh quyền lực nhà nước, các chính đảng buộc phải tìm cách thỏa hiệp với nhau, các lực lượng đối lập vì lợi ích cục bộ mà phản đối tất cả những gì của đảng cầm quyền, bất chấp phải - trái, đúng - sai. Hệ quả là “làm xuất hiện một nền chính trị vì quyền lực và một công nghệ đấu đá chính trị”(4).
Nguyên tắc phân quyền chỉ tồn tại khi có sự tranh giành quyền lực giữa các thế lực xã hội khác nhau. Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên. Vào thời điểm đầu năm 1930, nước ta vẫn là một xứ thuộc địa của Pháp. Các cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương đã thúc đẩy quá trình phân hóa xã hội thêm gay gắt. Sau giai cấp công nhân, giai cấp tư sản cũng ra đời, là một giai cấp nhỏ yếu, chủ yếu là những nhà buôn cung cấp dịch vụ cho giới chủ của “chính quốc” Pháp và do đó hầu hết lệ thuộc chính trị vào các ông chủ. Giai cấp tư sản dân tộc ở Việt Nam mà đại diện là Việt Nam Quốc dân đảng do lãnh tụ Nguyễn Thái Học đứng đầu đã tham gia phong trào yêu nước nhưng thiếu đường lối đúng đắn, thiếu lòng tin vào sức mạnh của nhân dân, đã phiêu lưu khởi nghĩa giành chính quyền thông qua cuộc khởi nghĩa Yên Bái ngày 10-2-1930 với phương châm “không thành công thì cũng thành nhân”. Kết quả là cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, khiến tình thế dân tộc “đen tối như không có đường ra”. Không một đảng phái chính trị nào còn tồn tại dưới sự “khủng bố trắng” của thực dân Pháp.
Giữa lúc đó thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đường lối của Đảng chỉ rõ mâu thuẫn chủ yếu của dân tộc, vạch rõ đối tượng và lực lượng cách mạng, chủ trương con đường “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đường lối đúng đắn đó ngay lập tức chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước. Năm 1945, chỉ với khoảng 5.000 đảng viên nhưng Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám, một cuộc cách mạng “long trời lở đất”, đưa Việt Nam từ xứ thuộc địa trở thành nước độc lập. Ở thời điểm đó, nhân dân ta chỉ thừa nhận duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo; nhưng do tình thế đất nước thù trong, giặc ngoài “ngàn cân treo sợi tóc”, nhân dân ta đã chấp nhận cho hai đảng chính trị phản động tồn tại là Việt Quốc và Việt Cách. Khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, cả hai đảng này đã bám gót quan thầy, bỏ chạy khỏi đất nước, bỏ lại cả 70 ghế trong Quốc hội mà nhân dân ta đã “nhượng” cho họ không qua bầu cử. Sau ngày 30-4-1975, ở nước ta tồn tại 3 đảng chính trị, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn có Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, sau đó đã tuyên bố tự giải tán.
Điểm lại đôi nét về lịch sử các đảng chính trị tại Việt Nam để thấy rằng, việc Đảng ta trở thành đảng lãnh đạo duy nhất ở Việt Nam là một quá trình lịch sử tự nhiên, hoàn toàn khách quan, do nhân dân tin tưởng và giao phó trọng trách. Ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào, Đảng cũng luôn khẳng định mình là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân và của dân tộc Việt Nam. Đảng hoạt động không có mục đích tự thân. Thành công không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam trong 89 năm qua, cũng là thành công trong việc giành và giữ chính quyền của dân, do dân và vì dân. Chính vì thế, năm 2010, trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên hay không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất. Và cũng không nhất thiết cứ kinh tế thị trường thì phải đa đảng và ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ”(5).
Sẽ khách quan hơn khi chúng ta tham khảo kết quả nghiên cứu một công trình do Viện phát triển quốc tế Harvard, Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Công trình này đánh giá Đảng Cộng sản Việt Nam “là một đảng mà sự tồn vong và thắng lợi cuối cùng đã dựa vào việc huy động sự ủng hộ của quần chúng và Đảng đã có được sự chấp nhận rộng rãi của quần chúng”, “Ở Việt Nam trong tương lai khó có thể hình dung cơ sở xã hội cho việc xây dựng một đảng có khả năng cạnh tranh với Đảng Cộng sản Việt Nam”(6).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, thực tiễn xây dựng nền dân chủ ở nước ta cũng bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Trước hết là dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện đầy đủ, nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “thành tích là của cá nhân, khuyết điểm là do tập thể”. Việc Đảng ban hành hai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã khẳng định vấn đề này. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền còn những bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản: Thượng tôn pháp luật; hoạt động thực sự dân chủ; chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân... Nguyên tắc “Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ” chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và rành mạch thành cơ chế đồng bộ để nhân dân thực sự là chủ và làm chủ các quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, làm chủ theo tinh thần “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; nỗ lực ban hành các văn bản lãnh đạo, quản lý nhằm kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước chậm đi vào thực tế cuộc sống; tình trạng lạm quyền, tham quyền, tha hóa quyền lực đã gây bức xúc trong xã hội...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, kiến tạo một nền dân chủ mà nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân trong điều kiện một đảng cầm quyền, Đảng ta đã xây dựng rất nhiều nghị quyết về xây dựng nền dân chủ XHCN của nước ta và khẳng định những giải pháp căn bản sau đây:
Một là, xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, thật sự vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; quyết định đường lối chính trị cho sự phát triển đất nước; quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về sự lãnh đạo của mình, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Hai là, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước không có quyền lực tự thân, nhà nước thực hiện quyền lực do nhân dân ủy thác thông qua Hiến pháp và pháp luật; thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng thành luật pháp để quản lý xã hội, phát triển đất nước.
Ba là, phát huy đầy đủ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho ý chí và lợi ích của các tầng lớp nhân dân, tham gia ý kiến vào các quyết định của Đảng, Nhà nước đồng thời thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhân dân.
Tóm lại, dân chủ vừa là mục tiêu, động lực; vừa là bản chất của Đảng, Nhà nước ta. Điều 3, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Nhân dân ta mong muốn gì hơn thế nữa? Vấn đề then chốt của kiến tạo nền dân chủ ở Việt Nam chính là thực hiện cho bằng được các mục tiêu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét