Tôn giáo là một trong những vấn đề được
các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm kích động, gây rối, phá hoại, làm
mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống
Đảng và chế độ ta. Hiểu đúng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là cơ sở để nhận
diện và đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn đó.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong
những quyền cơ bản của con người và được khẳng định trong các văn bản chính trị
quan trọng của Liên hợp quốc. Khoản 3, Điều 1 Hiến chương năm 1945 ghi
nhận: “Tôn trọng và tuân thủ triệt để các quyền và tự do cơ bản của mọi
người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo”. Tuyên
ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 quy định: “Mọi người đều có
quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay
đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay
tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành,
thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại
nơi công cộng hoặc nơi riêng tư” (Điều 18). Đồng thời khẳng
định: “Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu trong bản
Tuyên ngôn này mà không có bất kỳ sự phân biệt, đối xử nào về
chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo” (Điều 2). Song, quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, mà có thể bị giới hạn: “Khi
hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ
những hạn chế do luật định, nhằm bảo đảm sự công
nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và
tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về
đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” (Khoản
2, Điều 29). Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 khẳng
định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn
giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình
lựa chọn và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong
cộng đồng với những người khác, một cách công khai hoặc kín
đáo dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực
hành và truyền giảng” (Khoản 1, Điều 18). Trong đó, chỉ rõ: 1. Không ai bị
ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn
giáo hoặc tín ngưỡng của họ (Khoản 2, Điều 18); 2. Quyền tự do bày tỏ
tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật
và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng,
sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của
người khác (Khoản 3, Điều 18); 3. Nghiêm cấm mọi hành động cổ vũ hằn thù
dân tộc, sắc tộc, tôn giáo dẫn đến kích động phân biệt đối xử và bạo lực (Khoản
2, Điều 20).
Như vậy, các văn bản trên đều
phân định rõ ràng giữa quyền tự do tôn giáo với tự do thực hành tôn giáo, cho
phép hạn chế quyền tự do thực hành tôn giáo theo pháp luật khi cần thiết nhằm
bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe, đạo đức xã hội hoặc để bảo vệ các quyền và
tự do cơ bản của người khác. Quyền lựa chọn tôn giáo là tuyệt đối, còn quyền
thực hành tôn giáo không phải là tuyệt đối.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tôn
giáo. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn nhất quán chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con
người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngay từ ngày mới thành lập
nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL, ngày 14-6-1955, khẳng định:
“Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ
luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào
nội bộ các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước
như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải
trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Kế thừa, phát triển quan
điểm chỉ đạo của Người, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện
quan điểm, chính sách, pháp luật để nhân dân được thực hiện quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo của mình trên cơ sở pháp luật. Nghị quyết 25-NQ/TW
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã nhấn mạnh: 1. Thực hiện nhất
quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không
theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp
luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp
luật. 2. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn
giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín
dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ
nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Trên cơ sở
nội luật hóa pháp luật quốc tế và thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các
tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo”(Điều 24); “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị
hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng,
an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2,
Điều 14); nghiêm cấm “xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín
ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc
hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2018 cũng khẳng
định: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo;
ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn
giáo” và nghiêm cấm: “Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng - an
ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức
xã hội, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân
phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ
dân tộc, chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người
không theo tín ngưỡng, tôn giáo; giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo
khác nhau…” (Điều 5).
Với những chủ trương, chính sách, pháp
luật đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, những năm qua,
Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của người dân. Chưa bao giờ đời sống tôn giáo ở nước ta lại phát
triển mạnh mẽ như hiện nay. Các tôn giáo chung sống gắn bó, hòa hợp, “tốt đời,
đẹp đạo”, phúc âm trong lòng dân tộc. Các tín đồ, chức sắc tôn giáo yên tâm,
tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy
truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các
phong trào “ích nước, lợi dân”, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm
nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, đổi
mới đất nước. Theo thống kê sơ bộ, tính đến năm 2017, cả nước có 41 tổ chức tôn
giáo thuộc 14 tôn giáo khác nhau (với hơn 25 triệu tín đồ, 53 nghìn chức sắc,
hơn 133 nghìn chức việc, 28 nghìn cơ sở thờ tự) được Nhà nước công nhận và cho
phép hoạt động. Các tôn giáo đã có hệ thống đào tạo quy mô trong cả nước. Hoạt
động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực tôn giáo được chú trọng, đẩy mạnh. Chính phủ
đã tạo điều kiện cho các tôn giáo được mở rộng quan hệ quốc tế rộng rãi; nhiều
đoàn tôn giáo quốc tế đến thăm, làm việc và nhiều đoàn tôn giáo trong nước đi
thăm, làm việc, học tập ở nước ngoài. Việc đăng ký điểm nhóm Tin lành đã được
Chính phủ quan tâm phê duyệt. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có
khoảng 500 nghìn tín đồ thuộc 31 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành, trong đó có
hơn 400 nghìn người đang sinh hoạt tại 240 chi hội và 1.300 điểm nhóm đã đăng
ký với chính quyền địa phương, v.v. Hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
được sửa đổi, bổ sung, ngày càng hoàn thiện, mà điểm nhấn là năm 2017, Quốc hội
đã thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Luật này có hiệu lực từ ngày
01-01-2018, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền
của người dân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việc Việt Nam
trúng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với
số phiếu cao nhất; đồng thời, bảo vệ thành công các Phiên Cơ chế rà soát định
kỳ phổ quát chu kỳ II là lời khẳng định mạnh mẽ nhất đối với nỗ lực, thành tựu
của Việt Nam nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực tế là vậy! Thế nhưng các thế lực
thù địch không những không thừa nhận, mà còn xuyên tạc, kích động, chống phá và
đánh tráo, đồng nhất khái niệm “thuyết nhân quyền tự nhiên về quyền tự do
tuyệt đối” thành “quyền tuyệt đối về tự do tôn giáo”. Chúng cho
rằng, quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền
bẩm sinh, không phụ thuộc vào văn hóa hay ý chí giai cấp, cộng đồng hay nhà
nước; không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các
quyền bẩm sinh đó. Với luận điệu trên, chúng ra sức xuyên tạc rằng, Việt Nam
không có tự do tôn giáo; Nhà nước Việt Nam hạn chế, đàn áp tôn giáo, quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo bị vi phạm, bóp nghẹt. Chúng tìm mọi cách tuyên truyền
làm cho nhiều người ngộ nhận rằng, tất cả các hoạt động tôn giáo đều được tự
do, không chịu sự quản lý của pháp luật để cổ súy cho hành vi lợi dụng tôn giáo
vi phạm pháp luật nước ta. Bởi thế, một số xứ đạo mới tự lập ra cái gọi là “Ban
an ninh”, “Ban trật tự” với danh nghĩa đảm bảo trật tự các buổi lễ; kích động
giáo dân bất tuân lệnh chính quyền, coi thường kỷ cương phép nước, tẩy chay bầu
cử, o ép đảng viên là người có đạo, đòi lại đất, lấn chiếm, vận động hiến
nhượng đất, cơi nới nơi thờ tự, v.v. Khi chính quyền lập lại trật tự, kỷ cương,
xử lý tín đồ vi phạm pháp luật thì họ lại lớn tiếng xuyên tạc Việt Nam đàn áp
tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền. Lợi dụng điều đó, trong Báo cáo về tình
hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại khu vực ASEAN năm 2017 của Ủy ban Tự do tôn
giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) lại tiếp tục vu cáo Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo”,
“kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ an ninh quốc
gia và duy trì đoàn kết dân tộc” (!).
Cần thấy rằng, tự do tôn giáo và tự do
thể hiện tôn giáo là hai vấn đề có nội hàm hoàn toàn khác nhau. Cũng như mọi
hoạt động bình thường khác của xã hội, tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng nghĩa
luôn được xây dựng trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và
lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội. Sẽ là “phản tự do” nếu lợi dụng
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đi xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của
người khác, làm đảo lộn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất
nước. Các tôn giáo ở Việt Nam phát triển trên cơ sở tôn trọng luật pháp Nhà
nước; không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia,
dân tộc. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và xử lý nghiêm bất kỳ ai lợi dụng tôn
giáo để xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Mỗi tín đồ tôn giáo
đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo đều phải tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam. Điều này hoàn toàn
tương thích với luật pháp quốc tế về tự do tín ngưỡng, tôn giáo./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét