Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về vấn đề xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; quan trọng hơn nữa là về xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”.
Được học tập về tư tưởng đạo đức Hồ chí Minh, tôi nhận thấy tính đối tượng của nội dung tư tưởng xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” thật sâu sắc. Mặc dù nói về Đảng nhưng không chỉ dành riêng cho các đảng viên mà còn dành cho toàn thể cán bộ và nhân dân. Trong tư tưởng, Người đã nêu cao tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, đưa mọi người lại gần nhau hơn, cùng chung tay xây dựng Đảng, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng trong toàn thể nhân dân. Xây dựng Đảng là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân Việt Nam chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một đảng viên nào cả. Như thế sẽ khắc phục được một số suy nghĩ hạn chế của một số cá nhân cho rằng xây dựng Đảng chỉ là công việc của chi bộ, đảng viên hay của những người lãnh đạo…
Trải qua 83 mùa Xuân, Đảng ta có một bề dày những thành tích và chiến công vang dội. Đất nước ta ngày càng thay da đổi thịt, cuộc sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã khiến một bộ phận không nhỏ đảng viên – những người mà chiến tranh, bom đạn khốc liệt không giết được họ nhưng họ lại gục ngã trước chính mình, bị chính những tham vọng tầm thường của bản thân quật ngã. Tình trạng tham ô, tham nhũng chưa bao giờ nóng như lúc này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rất thẳng thắn buổi tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tại quận Tây Hồ, Hà Nội, ngày 6/12/2013 : ‘‘Tham nhũng còn nhức nhối. Nhức nhối có hai cực, một cực là tham nhũng lớn phát hiện chậm, kéo dài, lúc đầu nói to bằng con voi cuối cùng xử bé’’ và ‘‘Nó thành đường dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn mảnh nữa. Chúng tôi hay nói đó là lợi ích nhóm, cấu kết với nhau nên phải có cơ chế trị tận gốc, việc này rất khó chứ không phải dễ’’ để thấy về sự cần thiết, cấp bách xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm mang lại sự trong sạch, vững mạnh cho Đảng.
Việc xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” theo tư tưởng Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu vào năm nội dung chính:
Một là, cách mạng cần có Đảng. “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”.
Hai là, xây dựng Đảng là phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng.
Ba là, quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài để Đảng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”.
Bốn là, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và dân.
Năm là, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, chỉnh đốn.
Mỗi nội dung được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát rất ngắn gọn, nhưng khi cụ thể hoá mỗi nội dung và đi sâu phân tích chúng ta lại càng thấy được tầm nhìn xa và rộng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời, mặc dù phong trào cách mạng trong nước nổ ra rầm rộ, liên tục như Phong trào Duy Tân do Phan Bội Châu đề xướng, “Đông kinh nghĩa thục” do Phan Chu Trinh phát động, “Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế” do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo…nhưng đều thất bại. Một trong những nguyên nhân thất bại đó là cách mạng chưa có Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn dân, những Đảng đơn lẻ, không hợp nhất với nhau nên chưa thể tạo ra được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, cách mạng : “Trước hết phải có Đảng kách mệnh”, đồng thời “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”.
“Chủ nghĩa” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ở đây là chủ nghĩa Mác-Lênin. Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là phải nắm được cái cơ bản, cái cốt lõi, cái bản chất để hiểu đúng và hành động đúng. Đó là thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đi từ thành công này đến thành công khác. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy những thành quả của cách mạng, thì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng Đảng là phải thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng”. Những nguyên tắc đó là:
Nguyên tắc tập trung dân chủ.
Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác.
Nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Trong những nguyên tắc ấy, chúng ta không được phép xem nhẹ bất cứ một nguyên tắc nào. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức được rằng “Nguyên tắc tập trung dân chủ” là nguyên tắc cơ bản nhất trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân chủ nhưng trò phải kính thầy và thầy phải mến trò chứ không phải là “cá đối bằng đầu””. Tập trung và dân chủ phải luôn đi đôi với nhau, khăng khít với nhau cũng như “tập thể” và “cá nhân”.
Xét về tính phát triển, Đảng cũng như một con người, Đảng muốn phát triển thì phải không ngừng “Tự phê bình và phê bình”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình phải thành khẩn, thành tâm, không “giấu bệnh, sợ thuốc”. Phê bình phải trung thực, “không đặt điều”, “không thêm bớt”. Tự phê bình và phê bình phải có tính chất xây dựng, đi lên, có lý có tình, không vụ lợi hay thoả mãn cảm xúc cá nhân và phải tiến hành thường xuyên “như người ta rửa mặt hàng ngày”.
Cũng như thế, việc chấp hành kỷ luật nghiêm minh và ý thức tự giác của mỗi Đảng viên là không thể thiếu. Và nếu như thực hiện “dân chủ” tốt, thì tính Đoàn kết trong Đảng cũng được nâng cao. Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đại đoàn kết dân tộc” Người đã khẳng định: “Đoàn kết là điểm mẹ, điểm mẹ tốt sẽ sinh ra những điểm con tốt”. Như thế chúng ta có thể thấy được sụ vô cùng quan trọng trong “nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng” – đó không chỉ là một truyền thống cực kỳ quý báu mà còn là nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.
Đạo đức luôn là vấn đề được Người quan tâm hàng đầu, trong cuốn “Đường kách mệnh” Người đã dành hẳn một chương viết về “Tư cách một người cách mệnh”. Cũng như khi nghiên cứu về những phẩm chất của con người Việt Nam hiện đại, Người đã kết hợp tinh hoa văn hóa Đông – Tây, đề ra những phẩm chất cần thiết đối với một người Việt Nam nói chung, là trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Trước hết, mỗi con người Việt Nam phải hội tụ ít nhất những phẩm chất đó và trong công tác xây dựng Đảng Người còn đề ra một số phẩm chất tư cách: Suốt đời phấn đấu hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp Cách mạng. Đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết, bên cạnh đó phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức Cách mạng, không ngừng nâng cao đạo đức và năng lực, Người thường căn dặn: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì là người vô dụng”. Rõ ràng, trong mối liên hệ khăng khít giữa Tài và Đức, Người vẫn luôn nhấn mạnh vai trò của đạo đức như từ ngàn xưa ông cha ta vẫn luôn căn dặn: “Tiên học Lễ, Hậu học Văn”.
Nhà nước của ta là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, người dân làm chủ, trong đó “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vì thế Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng phải “tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và dân”, nâng cao tinh thần trách nhiệm: “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đảng muốn thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách thì phải thuận lòng dân, cũng như công tác dân vận phải tốt: “Dân vận tốt thì việc gì cũng dễ, dân vận không tốt thì việc dễ cũng thành việc khó”. Gần dân, quan tâm đến lợi ích, đời sống của nhân dân như Người đã khẳng định: “Việc gì có ích cho dân dù nhỏ nhất cũng phải làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ nhất cũng phải tránh”.
Cuối cùng, công tác xây dựng Đảng không thể thiếu đó là “Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn”. Mỗi thời kì cách mạng có những nhiệm vụ khác nhau, Đảng cũng phải linh hoạt nắm bắt tình hình, thời cơ và nhiệm vụ. Nhưng để làm được điều đó thì “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” Nhưng chỉnh đốn lại Đảng ở những nội dung nào thì Người cũng đã thể hiện rất rõ: Tăng cường công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lối sống và luôn luôn chú ý tới những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất để giữ Đảng luôn trong sạch. Bên cạnh đó phải thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức và năng lực để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng thời Đảng phải vươn lên đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Muốn làm được như thế thì Đảng phải phát huy tinh thần “dân chủ” mà không quên “tập trung” trong nội bộ, phát huy tinh thần Đại đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận và định hướng cho Đảng ta xây dựng đường lối đúng đắn, tổ chức lực lượng cách mạng và dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong toàn bộ tiến trình của cách mạng nước ta. Đảng ta chỉ rõ: Cùng với chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta đã đem lại thắng lợi cho công cuộc đổi mới ở nước ta sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên con đường xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam độc lập – tự do – hạnh phúc./.
Ma Lệ Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét