“ Bác Hồ, người là tình yêu thiết tha
nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho
hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời, Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”. Mỗi khi ca
khúc ấy vang lên, Trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại trào dâng một cảm xúc
mãnh liệt. Hình ảnh Bác Hồ vẫn lung linh tỏa sáng trong tâm hồn Việt Nam và
trong trái tim nhân loại. Người hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho
nhân dân. Bác nói “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho
nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng
có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nghĩ về Bác là nghĩ đến con người
khát khao tranh đấu cho độc lập tự do. Yêu nước đến cháy bỏng, thương dân đến
vô cùng. Yêu nước thương dân, quý trọng con người là một trong những phẩm chất
cao quý nhất, đẹp đẽ nhất của Bác. Tình yêu thương con người của Bác mênh mông
như biển cả, sâu thẳm như đại dương, nồng ấm cho nhân loại khổ đau, như nhà thơ
Tổ Hữu đã viết:
“Bác ơi! Tim Bác mênh
mông thế.
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”
Lòng yêu thương, quý
trọng con người của Bác không phải chung chung, trừu tượng mà gắn bó với những
con người cụ thể. Tình yêu thương đó vừa bao la rộng lớn, vừa gần gũi thân
thương với từng số phận con người. Có rất nhiều câu chuyện kể về Bác Hồ kính yêu,
mỗi chuyện kể về Bác là một bài học lớn đối với mỗi chúng ta. Câu chuyện “Bác
Hồ đến thăm người nghèo” là một biểu hiện thật xúc động, là bài học giáo dục
mọi người tưởng chừng giản đơn mà vô cùng sâu sắc về tình yêu thương con người
của Bác.
Chuyện kể rằng tối 30
Tết năm 1962, đường phố Hà Nội mịt mù trong làn mưa bụi. Trời rét ngọt, xe ô tô
đưa Bác tới đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Tín. Bác
chọn một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm và chúc Tết. Chồng chị Tín mất
sớm, để lại ba đứa con nhỏ dại. Chị phải đi làm công nhật, gặp việc gì làm việc
đó để lấy tiền nuôi con.
Bác bước vào, chị Tín
sửng sốt nhìn Bác. Các con chị reo lên: “ A! Bác... Bác Hồ, Bác Hồ!” rồi chạy
lại quanh Bác…
Lúc này chị Chín mới
như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác và bỗng nhiên khóc nức nở. Bác đứng lặng, hai
tay Người nhẹ vuốt lên mái tóc chị Tín. Chờ cho chị bớt xúc động, Người an
ủi:
- Năm mới sắp đến,
Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?
Cố nén xúc động,nhưng
chị vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:
- Có bao giờ…có bao
giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại
được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá thành ra con khóc ạ.
Bác nhìn chị Tín,
nhìn các cháu một cách trìu mến và Bác ôn tồn nói:
- Bác không tới thăm
những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?
Người đến bên các
cháu, âu yếm xoa đầu và trao quà Tết cho các cháu. Bác quay lại hỏi chị Tín:
- Thím hiện nay làm
gì?
- Dạ….thưa Bác…
- Thím vẫn chưa có
công việc ổn định à?
- Dạ, cháu đã ngoài
ba mươi tuổi, lại kém văn hóa nên tìm việc làm ổn định cũng khó ạ.
Bác quay lại nhìn ông
Chủ tịch Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội, rồi Bác lại hỏi tiếp chị Tín:
- Mẹ con thím có bị
đói không?
- Dạ, bữa cơm, bữa
cháo cũng tạm đủ ạ!
Nói tới đây chị lại
rơm rớm nước mắt.
Bác chỉ vào cháu lớn
nhất và hỏi chị Tín
- Cháu có đi học
không?
- Dạ, con cháu đang
học lớp 4 ạ. Cháu nó vất vả lắm, sáng đi học, chiều về trông các em và đi bán
kem hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu.Thưa Bác!... Dù khó khăn, cháu cũng sẽ cố
cho các cháu học hành ạ. Nghe chị Tín nói, Bác
tỏ ý hài lòng. Bác ân cần dặn dò chị về việc làm ăn và việc học hành cho các
cháu. Trên đường về Phủ Chủ
tịch, mưa xuân như rắc bụi, trời càng lạnh. Ngồi trong xe, Bác đăm chiêu suy nghĩ.
Sau Tết, Bác Hồ đã
chỉ thị cho Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm
cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như chị Tín.
Câu chuyện Người đến
thăm và chúc Tết gia đình chị Tín, một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn
(Chồng chị mất sớm, ba đứa con còn nhỏ dại. Bản thân chị lại chưa có công ăn
việc làm ổn định) đã thể hiện tình cảm của Bác dành cho những người dân nghèo
khổ. Những lời nói, cử chỉ của Bác thật ân cần, trìu mến như cha đối với con,
như ông với cháu; đã xoá đi khoảng cách giữa Bác là chủ tịch nước với một người
dân lao động nghèo khổ như chị Tín, làm sao chị Tín có thể nén nổi lòng mình.
Nỗi xúc động trào dâng trong lòng chị bởi một lẽ: Bác là chủ tịch nước, sứ mệnh
của cả dân tộc đang đặt trên đôi vai Người. Biết bao công việc bộn bề … vậy mà
Người vẫn dành thời gian để đến thăm hỏi, động viên những gia đình nghèo khổ
khi năm cũ sắp qua – xuân mới đang về.... trong cái đêm sương sa giá
lạnh.
Cuộc gặp gỡ giữa Bác
và gia đình chị Tín thật ngắn ngủi, thật bất ngờ nhưng đã để lại trong lòng mẹ
con chị một dấu ấn khó quên. Mẹ con chị được tiếp thêm ngọn lửa ấm áp tình
thương yêu từ con người của Bác giúp chị vững bước vượt qua gian lao, vất vả để
vươn lên trong cuộc sống đời thường.
Đó chính là tình
thương yêu con người, là sự chăm lo ân cần của Bác đối với nhân dân, đặc biệt
là những người nghèo khổ, có hoàn cảnh bất hạnh. Tình yêu thương ấy không màu
mè, không tô vẽ, không sắp đặt, không trau chuốt, tự nhiên thuần khiết. Tình
yêu thương con người thể hiện trước hết là tình thương yêu với đại đa số nhân
dân, người lao động bình thường trong xã hội, những người nghèo khổ bị áp bức,
bóc lột.
Tình yêu thương con
người của Bác có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nó giúp cho con người dù trong bất
kỳ hoàn cảnh nào cũng vượt lên được số phận, vượt lên chính mình, tạo cho con
người niềm tin vào cuộc sống, đem lại hạnh phúc cho con người. Câu chuyện “Bác Hồ
đến thăm người nghèo” một câu chuyện nhỏ trong muôn vàn câu chuyện về Bác,
nhưng lại chứa đựng bài học lớn. Bài học mà Bác dạy cho chúng ta là bài học về
tình yêu thương quý trọng con người, bài học về đạo lý làm người.
Chính vì vậy, mà
nhiều chính khách và học giả nước ngoài đã dành những lời tốt đẹp, cao quý,
biểu thị sự ngưỡng mộ và kính trọng nhất để nói về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ
Chí Minh. Trong con người ấy, là sự hội tụ những gì tinh hoa nhất của thế giới
nhân loại và của dân tộc Việt Nam, đã làm nên tầm cao trí tuệ, tư tưởng, đạo
đức và tâm hồn Hồ Chí Minh. Người mang trong mình phẩm chất bác ái của Đức Chúa
Giê-su, lòng từ bi, vị tha của Đức Phật, trí tuệ của Mác – Lê-nin. Đồng thời,
mang tinh thần an dân và khuyến dân trong tư tưởng của Nguyễn Trãi - nhà nhân
văn chủ nghĩa vĩ đại của Việt Nam ở thế kỷ XV, tâm hồn của đại thi hào Nguyễn
Du với nỗi đau nhân thế trong kiệt tác Truyện Kiều. Để rồi, con người ấy đã
trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh, vô cùng cao thượng và
phong phú, trong sáng và đẹp đẽ, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách
mạng, vì độc lập - tự do - hạnh phúc của nhân dân ta và nhân dân thế giới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét