30 tuổi là tiến sĩ. 34 tuổi được phong phó giáo sư. Vào thời điểm năm 2016, anh là phó giáo sư trẻ nhất quân đội và là phó giáo sư trẻ nhất trong lịch sử Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Thiếu tá, PGS.TS Trịnh Lê Hùng.
Từ trung sĩ đến thượng úy
17 năm trước, thi đậu hai trường đại học, Trịnh Lê Hùng không khó để chọn Học viện Kỹ thuật Quân sự. Vì đó là mơ ước của anh từ lúc còn rất nhỏ.
Sau một năm ở Học viện, Trịnh Lê Hùng là 1 trong 14 học viên có điểm cao nhất, được chọn đi học ở Nga. “Bình thường các đợt sang Nga trước có một năm để học tiếng, nhưng đợt của mình chỉ học 3 tháng. Vì vậy thời gian đầu học các môn khoa học xã hội rất khó khăn”, thiếu tá, PGS.TS Trịnh Lê Hùng kể.
Cả lớp 37 người chỉ có 2 sinh viên người Việt. Năm học đầu tiên, Trịnh Lê Hùng, khi đó là trung sĩ, phải học đến 1-2h sáng. Anh thường mượn bài vở về chép để nhớ lâu hơn.
Vậy mà chỉ 1 năm sau, Trịnh Lê Hùng là 1 trong 4 sinh viên đại diện trường đi thi Olympic Toán quốc tế dành cho sinh viên khối không chuyên. Anh cũng là người Việt duy nhất trong 4 sinh viên này.
Sinh hoạt phí hồi đó chỉ là 150 USD/tháng, đủ đảm bảo mức tối thiếu. Nên đến năm thứ hai, cuối tuần hoặc các chiều trong tuần được nghỉ, Trịnh Lê Hùng tranh thủ làm gia sư cho các gia đình người Việt.
“Một tuần dạy khoảng 2-3 buổi thôi, quan trọng nhất vẫn là học. Chỉ cần lơ là 1-2 tháng là không đuổi kịp chương trình. Cứ sau một học kỳ phải báo cáo kết quả học tập về nước”, anh Hùng kể.
Gần 60 môn học, hầu hết Trịnh Lê Hùng đạt điểm tuyệt đối (5/5), chỉ một môn 4 điểm. 6 năm học ở Nga, anh đều được giấy khen của trường và của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga. Năm thứ 3 ở Nga, anh được kết nạp Đảng.
Trung sĩ Trịnh Lê Hùng (phải) trong thời gian học ở Nga – Ảnh do nhân vật cung cấp
Tháng 6-2008, anh tốt nghiệp xuất sắc ngành viễn thám (nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên bằng phương pháp hàng không vũ trụ). Tháng 7-2008, chàng sĩ quan trẻ Trịnh Lê Hùng về nước, nhận nhiệm vụ ở khoa Công trình quân sự, bây giờ là Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt của Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Một tháng sau, anh được gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được khen thưởng vì thành tích học tập xuất sắc. Khi đi Nga học, Trịnh Lê Hùng mới là trung sĩ. Khi về nước, anh được thăng quân hàm thượng úy.
Chỉ 4 tháng sau khi về nước, cuối năm 2008, thượng úy Trịnh Lê Hùng lại được trường ở Nga cấp học bổng. Anh quay lại Nga làm nghiên cứu sinh về đề tài sử dụng ảnh vệ tinh đa phổ nghiên cứu biến động lớp phủ thực vật.
Năm 2012, Trịnh Lê Hùng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 30 tuổi.
Tâm huyết của thầy quyết định chất lượng sinh viên
Hiện thiếu tá, PGS.TS Trịnh Lê Hùng đang là phó chủ nhiệm bộ môn trắc địa – bản đồ của Viện Công trình kỹ thuật đặc biệt (Học viện Kỹ thuật Quân sự). Anh là tác giả của 2 giáo trình đại học về viễn thám – một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam.
“Khi dạy, tôi đặt bản thân mình là sinh viên để biết cần dạy gì. Người thầy phải luôn cập nhật kiến thức. Sinh viên bây giờ nhiều bạn giỏi lắm. Đôi lúc câu hỏi của sinh viên là gợi ý cho thầy nghiên cứu”, Trịnh Lê Hùng nói.
“Tâm huyết của người thầy tạo động lực cho sinh viên, quyết định chất lượng sinh viên. Hàng tuần, tôi đều dành buổi sáng thứ Bảy vào trường để sinh viên có điều kiện gặp trao đổi”.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng đã bảo vệ thành công 2 đề tài cấp cơ sở mà anh là chủ nhiệm, tham gia 3 đề tài cấp bộ và 1 đề tài cấp Nhà nước. Vấn đề anh tâm huyết là ứng dụng viễn thám hồng ngoại nhiệt trong nghiên cứu trái đất.
Trịnh Lê Hùng cũng đó có 53 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Có năm anh viết 16-17 bài chất lượng, đăng trên các tạp chí uy tín.
Năm 2016, 34 tuổi, thiếu tá Trịnh Lê Hùng được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư ngành khoa học trái đất. Đến giờ này, thiếu tá Trịnh Lê Hùng vẫn là phó giáo sư trẻ nhất trong lịch sử hơn 50 năm của Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Khi được phong phó giáo sư, tôi vui nhưng cũng áp lực không ít, vì trong Học viện rất nhiều thầy cô giỏi hơn mình. 34 tuổi được công nhận phó giáo sư không nói lên gì nhiều, quan trọng là mình làm được gì.
Không phải con ông cháu cha.
Cha tôi là giảng viên ĐH Lục quân Đà Lạt, là thương binh ¾. Tôi sống xa bố từ nhỏ, 1-2 năm bố mới được về phép một lần. Từ nhỏ tôi đã thích hình ảnh bố mặc quân phục rất đẹp, nên muốn sau này cũng đi bộ đội.
Bố nghỉ hưu rất sớm, năm 1990, khi mới 38 tuổi. Mẹ làm ruộng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sáng ăn cơm chiều phải ăn khoai. Tôi luôn nghĩ mình không thể thay đổi được hoàn cảnh mình sinh ra thì phải cố gắng vượt qua trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét