Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, có khi thăng - lúc trầm, nhưng bao giờ dân tộc ta cũng đề cao vai trò những người thầy thuốc. Theo đạo lý từ ngàn đời của dân tộc thì sức khỏe và tính mệnh là vốn quý nhất nên những người làm việc chăm lo sức khỏe, cứu chữa người bệnh được tôn làm thầy. Không phụ lòng tin cậy đó, dù trong chiến tranh cũng như hòa bình, những người thầy thuốc luôn phấn đấu hết sức mình, không quản ngại gian khổ hy sinh, kể cả tính mạng mình để giành giật sự sống cho đồng bào và chiến sĩ chúng ta. Đội ngũ thầy thuốc đã góp phần quan trọng lập nên những chiến thắng vẻ vang và thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới của đất nước và dân tộc.
Thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân chuyển biến vượt bậc về chất. Sự hài lòng của người bệnh đối với cơ sở y tế và thầy thuốc phải được coi là mục tiêu hàng đầu, chi phối toàn bộ hoạt động của ngành y tế. Người bệnh trở thành trung tâm của sự chăm sóc, là nhân tố khách quan nhất đánh giá chất lượng phục vụ. Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đặt ra yêu cầu khách quan phát triển rộng rãi các loại hình bệnh viện, cả của Nhà nước, tập thể và tư nhân, khắp các vùng miền, kể cả vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đưa thành tựu đổi mới nói chung và thành tựu y học nói riêng đến với từng hộ đồng bào; tăng quyền tự chủ, tự cân đối thu, chi cho các bệnh viện; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực của cả xã hội... để ai cũng được chăm sóc sức khỏe, ốm đau được khám, chữa bệnh như mong muốn của Bác Hồ.
Rèn y đức theo lời Bác dạy
Thầy thuốc Viện Quân y 5 hướng dẫn đồng bào về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (ảnh: Internet).
Sự thành công của quá trình triển khai Chiến lược đó gắn liền với cuộc đấu tranh chống thương mại hóa, chống tiêu cực trong các cơ sở y tế. Trong đó, nâng cao y đức và trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc có ý nghĩa quyết định. Bản thân mỗi thầy thuốc tự rèn luyện y đức, không ngừng nâng cao y thuật, đủ sức đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Trong mọi trường hợp, cần coi người bệnh là ruột thịt của mình, làm hết sức để người khỏe không bị nhiễm dịch bệnh, người bị bệnh được phát hiện bệnh tật kịp thời, chữa trị chu đáo. Các cơ quan chức năng cần quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách đãi ngộ thích đáng, thiết thực động viên đội ngũ thầy thuốc yên tâm, hăng hái cống hiến hết sức mình vì nhiệm vụ cao cả.
Trong chiến công chung của những người thầy thuốc Việt Nam chiến thắng thiên tai, địch họa, các thầy thuốc Quân đội luôn đi đầu, làm nòng cốt với sự đóng góp xứng đáng, được chiến sĩ và nhân dân tin cậy, đồng nghiệp yêu mến. Thời kỳ mới càng cần lãnh đạo, chỉ huy các cơ sở quân y xác định rõ: Cùng với góp phần bảo đảm sức khỏe phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, công tác, sản xuất của cán bộ, chiến sĩ còn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và tình cảm tận tình chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn nơi biên giới, hải đảo, tập trung phòng, chống sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác; tạo tập quán sống hợp vệ sinh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong chữa bệnh. Những vùng xảy ra thiên tai bão lụt, lũ quét, sụt lở đất... phải hết sức, hết lòng cứu chữa người bị nạn, nhanh chóng vệ sinh môi trường, khôi phục cuộc sống bình thường. Những nơi có dịch bệnh gia súc, gia cầm, phải hướng dẫn đồng bào ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, lây lan sang người. Dù ở địa bàn nào cũng cần hết sức quan tâm thực hiện thật tốt Chương trình quân-dân y kết hợp theo hướng: Không chỉ đơn thuần là khám, chữa bệnh, cấp thuốc, tư vấn miễn phí mà còn tiến hành các hoạt động xã hội rộng lớn. Đó là hỗ trợ, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y tế cơ sở; thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách; giao lưu văn hóa-văn nghệ, tuyên truyền về dân số, bảo vệ sức khỏe... Những hoạt động đó với công tác y tế là trọng điểm, làm phong phú và gắn chặt hơn tình nghĩa quân, dân.
Ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay, toàn dân, toàn quân có dịp thể hiện lòng biết ơn và sự chăm lo đối với những người thầy thuốc, cùng mong muốn: Thầy thuốc như mẹ hiền - theo lời Bác Hồ dạy.