Đã thành tập quán tốt đẹp, cứ mỗi độ xuân về, toàn quân, toàn dân ta lại sôi nổi bước vào Tết trồng cây theo lời Bác Hồ dạy. Tết trồng cây mở đầu cho năm sản xuất mới, tạo ra phong trào trồng và bảo vệ rừng rộng lớn trong cả nước, đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường ở từng địa phương, vùng miền và trong cả nước. Chỉ tính riêng trong năm 2006, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, cả nước đã trồng mới 153.100 ha rừng, chăm sóc 265.110 ha rừng, khoanh nuôi, tái sinh rừng 633.050 ha, khoán quản lý bảo vệ rừng 2.770.598 ha và trồng 142 triệu cây phân tán. Kết quả đó đã góp phần quan trọng đem lại những thành tựu kinh tế-xã hội to lớn, tạo đà phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Yêu cầu của thời kỳ mới đòi hỏi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vốn rừng phải chuyển biến căn bản về chất lượng, theo một chiến lược lâu dài. Giáp Tết Đinh Hợi, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã được phê duyệt. Theo đó, mục tiêu phát triển lâm nghiệp đến năm 2020 là thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42 - 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020.
Từ mùa xuân này, để triển khai Chiến lược đó, sẽ huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội, làm cho lâm nghiệp đóng góp ngày càng tăng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần xóa đói- giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào ở nông thôn, miền núi, giữ vững quốc phòng- an ninh. Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên, từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái, xã hội hóa nghề rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư. Bằng mọi cách phấn đấu trong 15 năm tới, phải thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững cả ba loại rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng; hoàn thành giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; nâng số lao động lâm nghiệp được đào tạo nghề lên 50%, chú trọng các hộ dân tộc ít người, hộ nghèo và phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa; thành lập hệ thống tổ chức khuyến lâm từ trung ương đến các tỉnh, huyện có nhiều rừng; đưa công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản trở thành mũi nhọn của kinh tế lâm nghiệp…
Các cơ quan, đơn vị quân đội cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, trồng rừng và bảo vệ phát triển rừng, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để trồng cây ở các tỉnh phía Bắc vào dịp đầu xuân và ở các tỉnh phía Nam vào dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ 19-5. Cần có kế hoạch cụ thể và tạo khí thế mạnh mẽ trong việc thực hiện Tết trồng cây, xác định địa điểm trồng cây, chọn loại cây trồng phù hợp, chọn cây giống có chất lượng tốt, tranh thủ thời tiết thuận lợi ở từng địa phương để tổ chức phát động Tết trồng cây và tổ chức trồng cây, trồng rừng đạt kết quả tốt. Tổ chức việc chăm sóc, quản lý bảo vệ và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô thật tốt sau khi trồng cây, trồng rừng để trồng cây nào sống tốt cây đó. Tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương kịp thời và nhân rộng những điển hình tập thể, cá nhân tham gia tích cực, hiệu quả Tết trồng cây.