Trước hết là sự thiếu tin tưởng vào khả năng, sức mạnh quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay trong xã hội có một số người cho rằng: sức mạnh quốc phòng, an ninh của đất nước có nhiều hạn chế, yếu kém, khó có khả năng bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhất là việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, hành động vi phạm chủ quyền quốc gia trên biển thì trong tư tưởng và hành vi của những người này thể hiện sự bi quan, thiếu tin tưởng càng rõ rệt, thậm chí còn hoang mang, lo sợ. Những biểu hiện ấy dẫn đến sự lệch lạc trong nhìn nhận, xem xét, xử lý các vấn đề về quốc phòng, an ninh, làm ảnh hưởng tới sức chiến đấu của lực lượng vũ trang và đối sách của Đảng, Nhà nước.
Biểu hiện thứ hai là đòi đổi mới quốc phòng, an ninh theo hướng dựa vào bên ngoài, xa rời nguyên tắc độc lập, tự chủ. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mức độ này thể hiện bằng việc hướng mạnh ra nước ngoài, muốn học tập và đi theo các nước lớn, để mong chờ sự giúp đỡ từ nước ngoài về quốc phòng, an ninh. Họ mong muốn nước ngoài giúp đỡ về vũ khí trang bị, đổi mới quân đội theo hướng quân đội nhà nghề. Trong họ luôn tồn tại luồng tư tưởng “phải dựa vào một nước lớn nào đó thì mới giữ được độc lập chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mức độ này nghĩa là đã ngả sang thế lực thù địch, đến giai đoạn tiếp tay cho các thế lực thù địch phá hoại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh.
Thứ ba là xuyên tạc, công kích, chống đối đường lối chính sách quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước. Đây là biểu hiện phản ánh rõ ràng tính trầm trọng và nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Những người và tổ chức “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mức độ này thường ra mặt công kích, chống đối dưới chiêu bài “phản biện” mọi chủ trương, đường lối của Đảng nói chung và về quốc phòng, an ninh nói riêng. Các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp luật, mọi hoạt động của LLVT... họ đều tìm cách để xuyên tạc, công kích. Mục đích cuối cùng của chiêu trò xuyên tạc là nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước và LLVT, đi đến phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và LLVT. Biểu hiện ở mức độ này có nghĩa họ đã đứng hẳn về phía thế lực thù địch, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Hiện nay ở nước ta đã xuất hiện một bộ phận người này, họ thường lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để ra sức công kích vào quan điểm, đường lối lãnh đạo, đối sách của Đảng về quốc phòng, an ninh. Thi thoảng họ lại tổ chức tụ tập, diễu hành, hòng kích động nhân dân, nhất là vào những dịp lễ Tết, các dịp đất nước có sự kiện lớn, hoặc mỗi khi trên Biển Đông có những biến động phức tạp. Vì vậy chúng ta cần phải nhận rõ các biểu hiện, âm mưu, thủ đoạn của họ, để kiên quyết đấu tranh, phê phán.
TRẦN THÔN