Ấn tượng đẹp trong “mùa xuân đầu tiên”
Không phải so sánh đâu xa, hình ảnh tốt đẹp từ các đơn vị quân đội trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua chính là dẫn chứng sinh động chứng minh về một trong những môi trường sống, chiến đấu, lao động và học tập nghiêm túc nhất, tốt đẹp nhất của tuổi trẻ.
Có mặt đón Tết cùng bộ đội ở nhiều đơn vị, các phóng viên Báo Quân đội nhân dân thêm một lần xúc động, tự hào, tin tưởng. Năm nay, chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2016 hầu hết ở lại đơn vị trực Tết với tinh thần trách nhiệm cao và họ đã trải qua một cái Tết ấm áp tình đồng đội, tình quân dân, sẵn sàng chiến đấu cao, vì sự bình yên của Tổ quốc.
Bài 1: Sức hấp dẫn và niềm tin
 Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
Đến thăm và chúc Tết Bộ đội Biên phòng và nói chuyện với bộ đội ở các đồn biên giới qua các điểm cầu trực tuyến gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ trước thực tế phần lớn cán bộ, chiến sĩ đóng quân ở nơi biên giới, hải đảo, ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, "chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi", môi trường khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt có nhiều khó khăn, phải xa gia đình, xa vợ con, điều kiện để quan tâm, chăm sóc gia đình rất hạn chế. Nhưng Tổng Bí thư cũng rất tin tưởng, chính môi trường khắc nghiệt, gian khổ đó đã tôi luyện nên những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Tổng Bí thư rất vui mừng khi nghe báo cáo, Bộ đội Biên phòng có chủ trương mời đồng bào lên Đồn Biên phòng ăn Tết cũng như cử cán bộ ăn Tết cùng đồng bào, gắn các hoạt động mừng xuân với kỷ niệm ngày thành lập Đảng.
Tại buổi giao ban trực tuyến đầu xuân của Bộ Quốc phòng vào sáng mồng Một Tết Đinh Dậu vừa qua, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã biểu dương toàn quân làm tốt công tác trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu, góp phần giữ vững an toàn cả vùng trời, vùng biển, đảo và trên đất liền. Toàn quân duy trì tốt tình hình trật tự an toàn giao thông, an toàn cháy nổ, không có vụ việc bất trắc nào xảy ra; các đơn vị đã chú trọng việc bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các đơn vị ngoài tiêu chuẩn trên cấp, từ công tác tăng gia sản xuất đều bảo đảm tăng tiền ăn cho bộ đội trong những ngày Tết với mức trung bình từ 150.000-200.000 đồng/người. Nhiều đơn vị còn chuẩn bị được túi quà tặng bộ đội trị giá từ 300.000-500.000 đồng/người. Báo cáo từ các đơn vị vùng biên giới, hải đảo xa xôi cho thấy không khí đón xuân thật ấm áp. Trong những ngày Tết, các đồn, trạm lại đông vui, nhộn nhịp hơn ngày thường, luôn rộn tiếng nói cười của bà con các dân tộc trên địa bàn đến chúc Tết, chia vui. Bộ đội không chỉ có đồng đội mà còn có nhân dân là anh em ruột thịt, cùng nhau giữ bình yên cho các vùng biên cương, hải đảo, phên dậu quốc gia.
Góp sức vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy, có vai trò của những chiến sĩ trẻ đã hòa nhập, gắn bó với “gia đình lớn” Quân đội nhân dân Việt Nam trong cái Tết đầu tiên của cuộc đời quân ngũ.
Môi trường mẫu mực
Một số người thường viện dẫn quân đội là một thành tố của xã hội, chịu sự ảnh hưởng mọi mặt của xã hội, không phải là một trại lính đóng kín để rồi suy diễn “xã hội có tiêu cực gì thì quân đội có… tiêu cực đó”.
Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Quân đội thực hiện chức năng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn rộng lớn nhưng luôn là lực lượng tin cậy, trung thành của Đảng, Nhà nước nên phải là lực lượng tinh nhuệ, sắc bén về mọi mặt, nổi trội về sức mạnh chính trị tinh thần và kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Cho nên thực ra không phải “xã hội có tiêu cực gì thì quân đội có tiêu cực đó” mà ngược lại “nhiều tiêu cực trong xã hội bị loại trừ và “miễn dịch” trong quân đội.
Thời gian gần đây, một vài hiện tượng như uống rượu bia say không làm chủ hành vi, chiến sĩ đánh nhau… được tán phát trên mạng xã hội thời gian qua là có thật nhưng chỉ là hiện tượng cá biệt, chiếm tỷ lệ rất nhỏ và nhiều vụ việc thực ra diễn ra từ cách đây đã lâu song vẫn được một số người cố tình “hâm nóng” lại trước mỗi mùa tuyển quân nhằm tạo sự hoang mang, xuyên tạc bản chất của quân đội.
Hiện tượng đáng buồn trên chỉ là một số ít những cá nhân có tư tưởng, nhận thức lệch lạc, yếu kém. Không thể chỉ vì một vài clip mà khẳng định: “Chắc chắn hiện tượng này đã thành phổ biến tại các đơn vị”, “môi trường quân đội đã đến mức đáng lo ngại”. Trên thực tế, những vụ việc cá biệt ấy đều đã bị xử lý nghiêm minh.
Nhiều năm qua, quân đội ta luôn duy trì kỷ luật nghiêm túc và tự giác, coi kỷ luật là sức mạnh của quân đội nhưng kỷ luật của quân đội ta không phải là môi trường quân phiệt, hà khắc mà luôn nhân văn, dân chủ gắn liền với kỷ luật, xây dựng môi trường kỷ luật gắn liền với môi trường văn hóa. Có lẽ cũng hiếm có một quân đội nào mà tình đồng chí, đồng đội được đề cao trở thành tình cảm thiêng liêng, là sợi dây gắn kết mỗi con người trong tập thể. “Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em” vừa là khẩu hiệu, vừa là thực tế tốt đẹp ở các đơn vị quân đội suốt hơn 70 năm ra đời, chiến đấu và trưởng thành.
Để hạn chế và ngăn chặn các vụ việc vi phạm kỷ luật xảy ra trong quân đội, từ năm 2000, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2530/QĐ-BQP và năm 2003 ban hành Quyết định số 82/QĐ-BQP về xử lý hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó có việc xử lý các hiện tượng quân phiệt, gây gổ mất đoàn kết. Ngày 5-6-2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 04/QĐ-BQP nhằm một bước nâng cao tính thống nhất chặt chẽ pháp lý của văn bản trong xử lý, từ đó nâng cao công tác rèn luyện và xử lý kỷ luật trong quân đội. Ngày 26-11-2016, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp tục ban hành Thông tư 192/2016/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng... Đặc biệt, ngày 26-12-2013, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị 788-CT/QUTW về việc phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng của dân tộc, của quân đội, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, ra sức phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với việc tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định trên, kỷ luật quân đội ngày càng được nâng cao, các vụ việc vi phạm kỷ luật ngày càng giảm thiểu rõ rệt, đặc biệt là hiện tượng quân phiệt, gây gổ mất đoàn kết ở nhiều đơn vị đã hoàn toàn không còn.
Những năm gần đây, các đơn vị quân đội không chỉ được đầu tư xây dựng nơi ăn, ở, sinh hoạt ngày càng khang trang hơn mà còn được chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, vui tươi, quan tâm sâu sắc hơn tới đời sống tinh thần, chính sách hậu phương quân đội, giúp chiến sĩ trẻ vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa lập thân lập nghiệp… Có thể kể ra nhiều phong trào rất ý nghĩa như: “Tiết kiệm chi tiêu, vì ngày mai lập nghiệp” ở Quân khu 4, “Người con hiếu thảo-Nghĩa tình đồng đội” ở Quân khu 9; các buổi “Sinh nhật đồng đội”, “Chúng tôi nói về chúng tôi”, “Trao niềm tin yêu đồng đội” ở nhiều đơn vị…
Gần đây, một số địa phương đã tổ chức các cuộc hội nghị, tọa đàm giúp đỡ chiến sĩ xuất ngũ về địa phương giải quyết bài toán việc làm. Hầu hết anh em bộ đội xuất ngũ đều ghi nhận môi trường quân đội đã giúp họ tiến bộ, trưởng thành, thời gian quân ngũ mang lại nhiều hành trang quý giá.
Niềm tin ở trường học lớn
Sau mỗi mùa huấn luyện, Báo Quân đội nhân dân lại nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chiến sĩ trẻ và thân nhân về các đơn vị. Xin được trích dẫn lời tâm sự của bác Nguyễn Văn Bảo ở xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định sau khi lên thăm con trai út là Nguyễn Văn Long, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) trong dịp Tết vừa qua. Bác Nguyễn Văn Bảo viết: “Được gặp con sau chuỗi ngày xa cách, vợ chồng chúng tôi rất mừng và hạnh phúc khi trông thấy cháu trưởng thành, chững chạc hơn nhiều so với thời gian trước khi vào quân ngũ. Chúng tôi được đồng chí chính trị viên đại đội đón tiếp ân cần chu đáo, được trực tiếp đi tham quan phòng giao ban của đại đội, bàn thờ Bác Hồ được trang trí sinh động và đều là sản phẩm từ bàn tay của bộ đội. Chúng tôi cũng được nghe kể về phong trào tiết kiệm phụ cấp giúp đỡ người thân, đồng đội gặp khó khăn; được xem hội thi gói bánh chưng của đơn vị. Nhìn những chiếc bánh chưng vuông vức, đẹp đẽ đều do bộ đội, trong đó có con trai chúng tôi gói buộc, vợ tôi trào nước mắt xúc động vì vui mừng, trước đây ở nhà, cháu chưa hề biết gói bánh chưng, chưa biết lo cho người khác”. 
Tương tự, bác Nguyễn Thị Mão ở xóm 2, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế khi đến thăm con trai đang công tác ở Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) cũng xúc động viết thư gửi về tòa soạn: “Trở về từ đơn vị của cháu nhưng niềm vui trong tôi vẫn còn nguyên vẹn. Trước hết, tôi cảm ơn những tình cảm chân thành, tình đồng chí, đồng đội mà anh em trong đơn vị dành cho con trai tôi. Khi đến đơn vị, được ngắm nhìn cảnh quan môi trường, nơi sinh hoạt, ăn ở, nơi huấn luyện, tôi rất bất ngờ. Toàn đơn vị như một công viên, không khí trong lành, với nhiều vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ, cá bơi tung tăng. Từ ngoài cổng đi vào là hàng cây xanh thẳng tắp, đường đổ bê tông, vệ sinh sạch sẽ, mọi người gặp nhau giơ tay chào từ xa. Trong khuôn viên có khu vui chơi thể thao, gồm: Bóng bàn, cầu lông, sân bóng chuyền, những hàng ghế đá để các chiến sĩ ngồi ca hát, viết thư... Khi gặp con, tôi rất vui mừng, cháu mới nhập ngũ một năm mà thấy rắn rỏi, khỏe mạnh, tác phong nhanh nhẹn, tự tin và biết cư xử tình cảm hơn, bày tỏ lòng hiếu thảo. Tôi thấy rất yên tâm về môi trường mà cháu đang công tác...”.
Những ý kiến, tình cảm ấy phần nào đã nói lên hình ảnh tốt đẹp về một trong những môi trường tốt nhất để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, đồng thời đang là môi trường có sức hấp dẫn lớn đối với tuổi trẻ. Môi trường ấy vẫn đang ngày càng được hoàn thiện hơn và thực tế đang là câu trả lời xác đáng cho những ý kiến phiến diện, chủ quan hoặc cố tình xuyên tạc về Quân đội nhân dân Việt Nam-trường học lớn của thanh niên.
Nhóm PV Báo QĐND