Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

ISRAEL TỪNG QUAY LƯNG VỚI VIỆT NAM VÀ TẠI SAO VIỆT NAM LUÔN KIÊN TRÌ VÀ NHẤT QUÁN ỦNG HỘ PALESTINE?

 Vào năm 1946, tại một khách sạn ở Paris, khi chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Do Thái David Ben Gurion gặp nhau, hai người đều gọi nhau là “người bạn thân thiết”, vì họ cùng đang ở nơi xa lạ để đấu tranh, theo đuổi một nền độc lập cho dân tộc mình. Khi biết được tình cảnh “vô gia cư” của những người bạn Do Thái, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất việc hỗ trợ những người bạn Do Thái này thành lập chính phủ lưu vong của họ ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra, khi nhận ra tình cảnh những người Do Thái bị truy đuổi khắp nơi, chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa đề nghị sẽ hỗ trợ nhận và bố trí nơi cư trú tạm thời cho người dân Do Thái.

Nhà lãnh đạo David Ben Gurion đã không nhận lời của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông David Ben Gurion không đồng tình với cách chống lại các cường quốc để chiến đấu giành độc lập, tự do của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông chủ trương liên hệ với các nước lớn, xin họ quan tâm đến vấn đề của người Do Thái. Tuy vậy, hai nhà lãnh đạo vẫn giữ được sự quan tâm nhất định đến nhau và ủng hộ cho quốc gia bên kia trong tiến trình độc lập, tự do.
Tuy nhiên, mối lương duyên ngắn ngủi giữa hai vị lãnh đạo, lại không khiến cho Israel và Việt Nam gẫn gũi trong quãng thời gian tiếp sau đó.
Trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam, Israel công khai ủng hộ Mỹ và VNCH, nhiều lần bác đi đề nghị kêu gọi trung lập từ phía VNDCCH. Theo lãnh đạo David Ben Gurion, nhiều lần ông muốn viết thư cho chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng ngần ngại trước Nga và khối XHCN. Hồ Chí Minh nhiều lần mong muốn lãnh đạo David Ben Gurion đến thăm miền Bắc Việt Nam, hiểu thêm về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, nhưng ông này liên tục từ chối.
Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, phía VNCH nhiều lần “bắt sóng” với Israel thông qua sự mô giới của Phó Tổng thống Mỹ Hubert Humphrey. Năm 1964, người Israel quyết định gỡ bỏ thế trung lập, quay sang ủng hộ VNCH thông qua gói viện trợ trị giá 5000 USD thời bấy giờ. Sự “phũ phàng” của người Israel còn đến một nấc thang cao hơn, năm 1966, tướng Moshe Dayan - lãnh đạo Bộ Quốc phòng của Israel đến thăm chính thức VNCH, cùng các tướng lĩnh của Mỹ và VNCH nghiên cứu cách đánh quân đội giải phóng. Sự việc năm 1966 đã gây chia rẽ trong chính nội bộ Israel, có hai luồng dư luận bấy giờ, một là không ủng hộ Israel can thiệp vào Việt Nam, vì Việt Nam đã từng ủng hộ người Do Thái, vì người Việt Nam có một lịch sử bị diệt chủng, tàn sát, đô hộ như người Do Thái. Hai, là bày tỏ sự ủng hộ Mỹ và VNCH, vì phải “trả lễ” Mỹ vì Mỹ đã giúp Israel thành lập nhà nước, phe này cũng cho rằng ủng hộ VNCH cũng chính là ủng hộ người dân Việt Nam.
Chính Moshe thú thực rằng, với tư cách là một vị tướng bị thất sủng trong nước, ông cần một chiến tích ở nơi xa để lấy lại uy tín. Chính vì thế, ông tìm đến Việt Nam và mong muốn “thí nghiệm chiến tranh” ở Việt Nam, dưới vỏ bọc một “nhà báo quân đội”, ông trực tiếp tham gia các vụ càn quét hướng đến dân thường và lính Việt Cộng. Tờ London Sunday Telegraph trích dẫn cho biết, ông khao khát được trở thành một phần của quân đội Mỹ, chiến đấu chống lại quân đội Việt Cộng, không loại trừ rằng ông sẽ huy động những chiến binh Israel đã tham chiến tại trận Sinai đến tham chiến tại Việt Nam, trong đó có những chiến binh Nahal vô cùng thiện chiến - tiền thân của lữ đoàn bộ binh 933 Nahal đang phục vụ trong quân đội Israel hiện tại.
Mặc dù sau này, vị tướng này cũng tham gia vào việc phê phán cuộc chiến tại Việt Nam của Mỹ là phi nghĩa, đã tàn sát nhiều người dân. Nhưng đó chỉ là một sự ủng hộ cho qua, vì vào năm 1972, phía Israel và VNCH đạt được thỏa thuận ngoại giao, Israel sẽ mở sứ quán tại Sài Gòn, dự báo sẽ có những hỗ trợ về quân đội, viện trợ cho chính quyền VNCH.
Với sự quay lưng của Israel, VNDCCH quyết định đóng băng quan hệ với Israel.
Khi Việt Nam thống nhất, Israel không bày tỏ thái độ, nhưng khi được hỏi, họ cho rằng Việt Nam phải bày tỏ trước. Năm 1977, Israel nhận gần 70 thuyền nhân VNCH và cấp quốc tịch cho số này. Những người thuyền nhân này chính là những người đã chống phá Việt Nam, vu cáo sai sự thực về cuộc chiến Việt Nam những năm sau đó. Đến tận năm 1993, Israel và Việt Nam mới tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao, gác bỏ đi quá khứ.
Với lịch sử chiến đấu chống đế quốc và giành độc lập lãnh thổ, Việt Nam luôn ủng hộ các quốc gia yếu thế, những quốc gia bị xâm chiếm hay phải chịu đứng chiến tranh. Việt Nam đã từng ủng hộ những người Do Thái, ngay khi những người Do Thái “không chốn dung thân”, Việt Nam sẵn sàng đề nghị hỗ trợ chỗ ở tạm thời, nhưng khi Việt Nam cần, thì những người Israel lại chọn cách chống lại người Việt Nam.
Trái ngược với Israel, những người Palestine luôn ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Lãnh đạo Arafat đã có 10 lần đến Việt Nam - là lãnh đạo đến thăm Việt Nam nhiều nhất cho đến nay. Tuy rằng người dân Palestine không có nhiều sự trợ giúp bằng vật chất, của cải, nhưng chỉ ủng hộ bằng lời nói, người dân Việt Nam sẽ mãi không quên.
Năm 2008, Việt Nam lên án Israel, bày tỏ mong muốn phía Israel ngừng bắn, không nhắm vào dân thường, cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình và nhân đạo vào hỗ trợ người dân Palestine. Đầu năm 2009, Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân Palestine tại Gaza để sinh tồn trước các cuộc tấn công của Israel.
Trong suốt những năm sau đó, Việt Nam luôn ủng hộ nhân dân Palestine trong việc thành lập một nhà nước Palestine tồn tại độc lập, song hành cùng nhà nước Israel. Năm 2018, khi Mỹ quyết định mở sứ quán ở Jerusalem, phía Việt Nam tiếp tục khẳng định sự nhất quán trong việc ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người dân Palestine, bày tỏ người dân Palestine có chính quyền độc lập, tồn tại song hành cùng nhà nước Israel, thủ đô của Palestine chính là Đông Jerusalem.
Năm 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi họp với Liên Hợp Quốc, trong khi các quốc gia lớn phê phán Israel một cách ngoại giao cho có, thì phía Việt Nam, một lần nữa kiên định và khẳng khái: “Việt Nam ủng hộ nhất quán cuộc đấu tranh chính nghĩa, các quyền chính đáng và bất khả xâm phạm của nhân dân Palestine”. Việt Nam và phần lớn các quốc gia trên thế giới phê phán việc Israel liên tục xây các khu định cư, lấn chiếm sang phần đất của người Palestine, đuổi người Palestine ra khỏi nơi ở của họ là vi phạm luật pháp quốc tế.
Liệu người Israel có bất hạnh như người ta vẫn nghĩ? Điều này, mình xin phép không bàn tới, vì rõ ràng, có quá nhiều thông tin từ các luồng, đưa tin ra cũng không khỏi khách quan. Nhưng, những người tưởng như mình đang bất hạnh, lại đang đi gây ra sự bất hạnh cho những con người khác.
Thật tiếc vì trong quá khứ, khi người Việt ủng hộ nhân dân Israel, thì thứ mà chúng ta nhận lại, lại là một sự quay lưng đáng thất vọng.
Tư liệu tham khảo:
- South Viet Nam Reveals Negotiations with Israel on Special Help, JTA Org
- Ben-gurion Reveals Suggestion of North Vietnam’s Communist Leader, JTA Org
- Israel was every thing, The New Yorks Times.
- Moshe Dayan Sounds the Alarm in Vietnam, History.
JTA Org: Cơ quan báo chí Do Thái toàn cầu.
Và một số nguồn tư liệu khác.
(*) Tiêu đề bài viết thay đổi từ "phản bội" sang quay lưng.
Có thể là hình ảnh về ngọn lửa, ngoài trời và văn bản cho biết 'NEW YORK MAGAZINE ISRAEL ĐÃ TỪNG QUAY QUAY LƯNG VỚI VIỆT NAM TẠI SAO VIỆT NAM NHÂT QUÁN ỦNG HỘ PALESTINE'

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét