Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

ĐỪNG QUA MẶT PUTIN

 Theo TFI, thông điệp của Moscow đã rất rõ ràng – Nga đã "bao dung" việc Trung Quốc can thiệp vào vùng ảnh hưởng của Nga trước nay, nhưng từ giờ điều đó sẽ không còn nữa.

Trung Quốc vẫn tiếp tục can dự vào phạm vi ảnh hưởng của Nga, trong khi Tổng thống Vladimir Putin được cho là đã nhiều lần nhẫn nhịn nhằm tránh nguy cơ đối đầu trực diện với Bắc Kinh. Cho tới nay, Trung Quốc đã tìm cách thâm nhập vào phạm vi ảnh hưởng của Nga ở Trung Á, Đông Âu và Bắc Cực. Thậm chí, Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách đối với vùng Viễn Đông của Nga.
Tuy nhiên, theo trang tin TFI, Trung Quốc đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi một lần nữa tìm cách "đâm sau lưng" Moscow – lần này Bắc Kinh nhăm nhe tới các nguồn năng lượng của Turkmenistan. Nga sẽ không hài lòng trước việc Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng ở quốc gia Trung Á này. Trên thực tế, ông Putin đã tham gia vào một "cuộc chiến ngoại giao" với Bắc Kinh nhằm giữ chân Turkmenistan trong khối Âu-Á do Nga dẫn đầu.
Trung Quốc được cho là đang nhắm tới Turkmenistan để mở rộng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, đồng thời cắt giảm sản lượng nhập khẩu năng lượng từ Australia trong bối cảnh căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với người đồng cấp Turkmenistan Rashid Meredov và Phó Thủ tướng Serdar Berdymukhamedov để bàn về vấn đề này trong hôm thứ Hai (10/5). "Trung Quốc coi Turkmenistan là đối tác hợp tác lâu dài về khí đốt tự nhiên và sẵn sàng xây dựng kế hoạch hợp tác toàn diện với phía Turkmenistan với quan điểm hướng tới tương lai" – Ông Vương nhấn mạnh.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó nêu rõ Turkmenistan và Trung Quốc đã đồng ý "củng cố và mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên, đồng thời tạo ra mối quan hệ đối tác chiến lược toàn trong lĩnh vực năng lượng".
TFI nhận định, rõ ràng khi mối quan hệ Trung-Úc trở nên tồi tệ, Trung Quốc cần một giải pháp thay thế để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu khí đốt của mình. Tuy nhiên, có rất nhiều thông điệp địa chính trị đang được Bắc Kinh đưa ra. Trung Quốc đã không chọn dựa vào Nga, quốc gia cung cấp khối lượng khí đốt tự nhiên cao nhất cho Đức.
Nga sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên phong phú. Song, Bắc Kinh lại phớt lờ khí đốt tự nhiên của Nga và quyết định khai thác sự giàu có về khí đốt tự nhiên của Turkmenistan. Điều này cho thấy Trung Quốc đang có ý định ăn sâu vào ảnh hưởng của Nga ở Trung Á.
Nga sẽ không bỏ qua lần nữa

Turkmenistan hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Trung Quốc. Năm 2009, đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan-Trung Quốc, hay còn được gọi là đường ống dẫn khí đốt Trung Á-Trung Quốc, đã đi vào hoạt động.
Turkmenistan đã cung cấp 70% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc kể từ năm 2009 khi có hệ thống đường ống trên. Tuy nhiên, đường ống dẫn khí này là một phần trong Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI) của Trung Quốc. Do đó, có thể đoán được phần nào ý đồ của Bắc Kinh là gì.
Trung Quốc đã và đang khai thác sự phụ thuộc của Turkmenistan vào xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Bắc Kinh đã xây dựng đường ống dẫn khí đốt nhưng với chi phí lớn đối với nền kinh tế Turkmenistan.
Theo nghiên cứu của Viện CIS, tổng khoản vay đối với Turkmenistan theo dự án đường ống dẫn trong khuôn khổ BRI đã lên tới 8 tỷ USD. Tất nhiên, các khoản hoàn trả được lấy từ tiền xuất khẩu khí đốt nhưng dù sao, Turkmenistan đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn vào năm 2018, khi giá khí đốt và dầu mỏ toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.
Để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, Bắc Kinh còn ràng buộc các điều khoản trong hợp đồng Trung Quốc- Turkmenistan với giá dầu và khí đốt, dẫn tới việc giảm giá nhập khẩu khí đốt từ Turkmenistan vào Trung Quốc và giảm dòng giao dịch ngoại hối vào quốc gia Trung Á.
Theo báo cáo của tờ Nikkei Asia năm 2018, người ta dự đoán Turkmenistan có thể phải bán các mỏ khí đốt của mình cho Trung Quốc, rõ ràng là để đáp ứng khoản nợ hàng tỷ USD mà nước này phải trả cho Bắc Kinh. Thế nhưng, Turkmenistan vẫn gần như không thể cứu mình khỏi bẫy nợ của Trung Quốc.
TFI nhận định, trước tình hình hiện nay, Nga sẽ theo dõi cách thức Bắc Kinh một lần nữa thực hiện các khoản đầu tư mang tính săn mồi ở Turkmenistan để "đánh cắp" trữ lượng khí đốt tự nhiên của nước này. Moscow luôn dè dặt về việc Trung Quốc sẽ giữ vai trò gì ở Trung Á.
Trên thực tế, Điện Kremlin đã đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực nhưng sau năm 2014, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm giảm khả năng của Moscow trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Hiện Nga đang tìm cách để Trung Quốc tránh can dự quá nhiều vào các khu vực như Trung Á.
Moscow đã ngầm tăng kim ngạch thương mại với Turkmenistan lên mức kỷ lục. Theo TFI, điều này gửi một thông điệp quan trọng đến Ashgabat – Các vị không cần phải phụ thuộc vào Trung Quốc, Nga đã sẵn sàng cho một mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn.
Ông Putin rõ ràng đã thấy trước kế hoạch của Bắc Kinh để tăng nhập khẩu khí đốt từ Turkmenistan. Vì vậy, Nga đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để tránh tình huống khác xảy ra khi một quốc gia Trung Á không chịu nổi ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc.
Theo TFI, thông điệp của Moscow đã rất rõ ràng – Nga đã "bao dung" việc Trung Quốc can thiệp vào vùng ảnh hưởng của Nga trước nay, nhưng từ giờ điều đó sẽ không còn nữa.
Theo: Soha
Có thể là hình ảnh về 2 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét