Nói về từ thiện trong showbiz, chúng ta biết đến cặp vợ chồng Lý Hải - Minh Hà, MC Đại Nghĩa, MC Quyền Linh, ca sĩ Hà Anh Tuấn… Họ từ thiện bao nhiêu lâu nay, với một nguồn quỹ lớn, từ kêu gọi người hâm mộ chung tay hoặc tự cá nhân bỏ ra, họ minh bạch rất rõ ràng với khán giả nhân dân.
Cuối tháng 11/2020, nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi người hâm mộ ủng hộ người dân miền Trung thông qua tài khoản cá nhân của nghệ sĩ. Ai cũng mong rằng khoản tiền lớn này sẽ nhanh chóng đến với người dân miền Trung, nhằm ổn định cuộc sống, trang trải khó khăn và chung tay cùng chính quyền. Nhưng thật khó hiểu khi đến nay, khoản tiền hơn 14 tỷ vẫn nằm trong “túi” của nghệ sĩ Hoài Linh.
Trên Google Trends dễ dàng thấy cụm từ nghệ sĩ Hoài Linh đứng ở vị trí đầu tiên, kèm theo một dòng tìm kiếm: 14 tỷ gửi ngân hàng thì lãi bao nhiêu tiền nhỉ?
Đến nay, đã hơn nửa năm trôi qua, phần lớn người dân miền Trung đã ổn định cuộc sống, khắc phục gần như xong xuôi hậu quả của bão lũ nhờ sự trợ giúp của chính quyền, mạnh thường quân và nhân dân khắp nơi của Tổ Quốc. Đặc thù của việc khắc phục thiên tai là phải khắc phục ngay, nhanh gọn, thần tốc, nhằm đảm bảo ổn định trở lại cuộc sống, việc nghệ sĩ Hoài Linh “ngâm” tiền từ thiện đã làm mất đi tính chất nhanh gọn, nóng hổi của việc từ thiện hỗ trợ đồng bào vùng lũ. Nếu nghệ sĩ vẫn kiên quyết dùng số tiền này hỗ trợ miền Trung, sẽ là một thử thách lớn cho chính quyền, nhân dân khi phải thống kê lại thiệt hại đã diễn ra cách đây nửa năm giời.
Có người bảo rằng, nghệ sĩ Hoài Linh có thể đem khoản tiền này hỗ trợ cho người dân vùng dịch, hỗ trợ nhà nước chống dịch Covid-19 hoặc đóng góp vào quỹ mua vaccine. Về cơ bản, việc này không hẳn là sai, nhưng nó chắc chắn sai về “lời hứa với người hâm mộ”. Vì ngay khi Hoài Linh quyên góp, nghệ sĩ đã bày tỏ rằng số tiền này sẽ ủng hộ cho người dân miền Trung gặp thiên tai và lũ lụt và người hâm mộ cũng ủng hộ vào tài khoản Hoài Linh vì mục đích như vậy. Người hâm mộ quyên góp vì mục đích gì, trước tiên, phải vì mục đích ấy trước đã. Nếu bây giờ mà chuyển đổi mục đích, e rằng đó chỉ là sự đối phó với dư luận cho xong. Chúng ta đều biết câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tức là ngay sau bão lũ, là lúc mà người dân cần sự hỗ trợ lớn nhất về nhiều mặt, cần đồng cam cộng khổ, là lúc mà chính quyền cần sự chung tay từ nhiều bên. Chứ khi mọi việc đã xong xuôi rồi, thì sự hỗ trợ muộn màng sẽ mất đi nhiều giá trị, về vật chất, tinh thần.
Nhưng thực tế, nhìn đi cũng phải nghĩ lại, nếu xét về sự nghiệp của Hoài Linh, ở tư cách là một trong những nghệ sĩ đứng đầu làng giải trí, việc “ăn chặn” 14 tỷ để rồi đánh mất toàn bộ sự nghiệp, phải đón nhận sự sự tẩy chay của công chúng, tiếng tăm xấu xí mất công gầy dựng, liệu có cân bằng không? Có lẽ là không, xin nhấn mạnh là “có lẽ”.
Thực tế, nếu nhìn một cách công bằng, nghệ sĩ Hoài Linh chỉ “giải ngân chậm” chứ chưa hề có ý định giữ làm của riêng. Nếu chúng ta có chỉ trích, hãy tập trung vào vấn đề giải ngân chậm, chưa minh bạch, chưa thông báo rõ ràng với người dân và người ủng hộ chứ không thể khẳng định nghệ sĩ Hoài Linh “ăn chặn” - việc đó là của pháp luật và chỉ có pháp luật mới có quyền kết tội như vậy. Dù biết là có bức xúc, nhưng việc kết tội một người không phải là điều dễ dàng.
Hy vọng là nghệ sĩ Hoài Linh thông tin kỹ càng hơn ra với công chúng, vì hình ảnh của chú đang cũng là một phần tuổi thơ và cuộc sống hiện tại rất của nhiều người. Đã có quá nhiều nghệ sĩ đánh mất mình rồi, khán giả Việt Nam không muốn có thêm một ai nữa.
Trước vụ việc liên quan đến nghệ sĩ Hoài Linh, công chúng cũng bị chia rẽ dữ dội về chuyện từ thiện của MC Phan Anh, ca sĩ Thủy Tiên… Không ít lần công chúng “bị quay như dế”, đáp lại sự tin tưởng, tôn vinh của công chúng, nhiều nghệ sĩ lại hành động rất khó hiểu, thiếu trách nhiệm. Liệu sự tôn vinh cho những con người ấy có đúng không? Từ thiện hay là “lợi dụng từ thiện” - như VTV đã đưa tin?
“Nạn nhân” của chuyện nhiều nghệ sĩ đi từ thiện lại là… những cơ quan nhà nước. Nhưng cơ quan luôn bị so sánh, bị nói móc, là không ai ủng hộ nhà nước vì mất niềm tin, ủng hộ nghệ sĩ tốt hơn, nghệ sĩ nói được, làm được. Một thời mà nghệ sĩ đua nhau đi làm từ thiện, cũng là một thời mà các cơ quan nhà nước bị chửi không ngóc đầu lên được. Nhưng tính ra, những cơ quan bị chửi ấy, lại là những người đến với người dân đầu tiên và ra đi cuối cùng. Đôi khi, cũng thấy tội nghiệp cho những người dân miền Trung - trở thành trung gian bàn tán cho những ầm ĩ trên mạng từ giới nghệ sĩ.
Đôi khi, có những nghệ sĩ nói, nhưng chưa chắc đã làm được, hoặc họ làm chưa đúng, chưa chuẩn, và chỉ một sai sót nhỏ thôi, cái giá phải trả là rất lớn. Giữa một buổi mà giới showbiz đang tạo ra nhiều điều tiếng hơn là những thành tích, thích “phốt” hơn là việc ra những sản phẩm nghệ thuật…
Mong rằng, chúng ta cần khắt khe hơn với những nghệ sĩ, vì thời qua, chúng ta đã thấy được một phần của giới nghệ sĩ, họ không hề sáng đèn như khi biểu diễn. Như trên sân khấu, chúng ta thường được thấy vở diễn ở trước mặt, nhưng sau cánh gà, mấy ai biết những gì đã diễn ra?
---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét