Cùng với sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác chuẩn bị bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đề ra. Cùng với đó các Ban, Bộ, Ngành liên quan đã quán triệt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh; nhất là về công tác cán bộ, để lựa chọn bầu ra những đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp thật sự xứng đáng, có đủ trình độ, phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng.
So với nhiệm kỳ trước, trình tự thủ tục trong quy trình bầu cử không có sự thay đổi nhiều vì vẫn áp dụng luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, tuy nhiên do luật tổ chức Quốc hội, luật tổ chức chính quyền địa phương có sửa đổi nên có sự thay đổi tác động mạnh mẽ đến công tác bầu cử quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đó là:
Một là, về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân theo quy định của luật tổ chức quốc hội và luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), bên cạnh việc đảm bảo đúng quy trình giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử, việc lựa chọn người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội còn đảm bảo trình độ, tiêu chuẩn, điều kiện. Nhiệm kỳ này luật đã quy định chặt chẽ, vụ thể hơn việc người ứng cử đại biểu quốc hội đại biểu hội đồng nhân dân là chỉ có 01 quốc tịch Viêt Nam. Điểm mới này có tác động đến công tác rà soát hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bảo đảm kỹ lưỡng, thận trọng, tránh để lọt những người không xứng đáng vào ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân
Hai là, về số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách: luật tổ chức Quốc hội số đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất 40% so với tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người (tăng 5% só với quy định của luật tổ chức quốc hội năm 2014). Điểm mới này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đồng thời là giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động quốc hội ngày càng chuyên nghiệp theo đúng tinh thần nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của hội nghị trung ương 6 khóa XII về việc tăng đại biểu chuyên trách trong các cơ quan của quốc hội
Ba là,về số lượng đại biểu Hội đồng nhân các cấp: theo quy của luật tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi năm 2019, số lượng tổng thể đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đều giảm từ 5-10 đại biểu tùy từng cấp. Do vậy, trong công tác chuẩn bị nhân sự phải giải quyết được yêu cầu lấy chất lượng bù số lượng để lựa chọn những ứng cử viên ưu tú, nhuyệt huyết đảm bảo việc thực hiện quyền đại diện cho cử tri không bị ảnh hưởng. Trong đó, cần quan tâm lựa chọn ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp, đặc biệt những yêu cầu về trình độ, yêu cầu về tham gia cấp ủy đối với các chức danh Chủ tịch, phó Chủ tịch hội đồng nhân dân.
Với mong muốn xây dựng Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoạt động hiêu quả, chất lượng xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước và từng địa phương thì những điểm mới nêu trên được coi là có ý nghĩa tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tới./.
PNC/d5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét