Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

TRẬN ĐÁNH RUNG ĐỘNG THẾ GIỚI CỦA ANH HÙNG NGUYỄN CÔNG BAO VÀ ĐỒNG ĐỘI

 Năm 1973, trận tập kích phá huỷ Tổng kho xăng Nhà Bè của liệt sĩ Nguyễn Công Bao và đồng đội có thể nói là đã làm chấn động cả thế giới.

Nguyễn Công Bao sinh năm 1947, quê xã Cẩm La - huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh). Anh là một trong 8 chiến sĩ lừng danh của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, đơn vị 2 lần Anh hùng. Trong trận đánh mưu trí, quyết liệt đêm mồng 2 rạng ngày 3-12-1973, các anh đã thiêu huỷ toàn bộ căn cứ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Mỹ - Ngụy bên sông Lòng Tàu, Sài Gòn.
Anh có biệt tài bơi lặn giỏi từ những ngày mò cua bắt ốc, chăn trâu, cắt cỏ bên sông, cùng bạn bè trang lứa học tiểu học trường làng. Những trang sử của ông cha đánh giặc giữ nước trên dòng sông quê hương đã nung nấu trái tim chàng trai vùng sông biển Hà Nam.
Năm 1968 anh tình nguyện nhập ngũ, được bổ sung vào một đơn vị đặc công thuỷ. Dịp nghỉ phép thăm nhà, anh xây dựng gia đình với cô giáo Vũ Thị Hiệp, người làng Phong Hải. Những ngày hạnh phúc của anh chị quá ngắn ngủi. Rồi anh vội vã về đơn vị huấn luyện các chiến sĩ mới. Tới đơn vị, anh viết thư về cho Hiệp: “Gà gáy hôm đó nhỡ đò, anh đã cởi trần bơi từ bến đò Chanh, dọc sông Chanh qua sông Rừng rộng mênh mông sang bờ Thuỷ Nguyên, rồi chạy bộ về đơn vị kịp giờ điểm danh...”. Đọc thư, mà lòng Hiệp tê tái thương anh.
Năm 1972, khi Hiệp sinh con trai được 2 tháng rưỡi thì Bao được lệnh lên đường vào chiến trường B làm nhiệm vụ đặc biệt thuộc đơn vị C5, E10, đặc công Rừng Sác. Lúc đó anh đã là một đảng viên với cấp bậc thượng sĩ, chức vụ Trung đội trưởng. Đơn vị chọn thành lập Đội cảm tử gồm 8 người do Hà Quang Vóc làm tổ trưởng, anh làm tổ phó, cùng các anh Trần Ngọc Sĩ, Nguyễn Hồng Thế, Phạm Văn Tiềm, Đỗ Hải Quân, Nguyễn Văn Dực, Hoàng Hữu Hinh. Các anh đã làm lễ tuyên thệ, truy điệu sống dưới cờ trong căn cứ Rạch Lá - Ông Kèo, trước khi vào trận đánh Kho xăng Nhà Bè. Vóc và Bao đã chỉ huy đồng đội bơi ngầm vượt qua 14 lần hàng rào kẽm gai, chướng ngại vật nguy hiểm, chó bécgiê, ngỗng báo động v.v... của địch để bố trí trận đánh. Cùng lúc trên đường rút về, những quả mìn đặc biệt do các anh mưu mẹo ém vào các bồn xăng, các điểm hiểm yếu đồng loạt nổ tung, thì anh và Tiềm bị địch phát hiện.
Trận đánh diễn ra vô cùng căng thẳng, ác liệt giữa 8 chiến sĩ cảm tử với bọn địch, lực lượng rất lớn gồm bộ binh, nhiều tàu chiến, máy bay trực thăng quần đảo trên sông Lòng Tàu. 6 chiến sĩ ta lọt được ra ngoài. Bao và Tiềm đã bị lọt vào vòng vây của 7 chiếc tàu tuần tiễu của địch. Địch bủa vây, bắn xối xả, ném cơ man lựu đạn xuống sông. Bị sức ép kinh khủng dưới nước, hai anh trồi lên, đã bị chúng chao lưới kéo lên tàu. Hai anh còn tiếp tục chiến đấu, tiêu diệt thêm nhiều tên nữa. Biết không thể thoát được, nhưng kiên quyết không để địch bắt sống. Khi địch lại gần, hai chiến sĩ đã rút lựu đạn quyết tử khiến hàng chục tên thương vong ..
Những chiến sĩ rút ra ngoài đã trực tiếp quan sát được bối cảnh hy sinh anh dũng của hai anh trên sông…
Sau trận đánh, đơn vị đã nhiều lần bí mật tìm kiếm nhưng vẫn không thể tìm được thi hài của Bao và Tiềm. Hai liệt sĩ được tuyên dương “Hành động Anh hùng” và được tặng thưởng Huân chương Chiến Công hạng Nhất. Thời điểm đó, hãng thông tấn Roi tơ đã phải thốt lên: “Những chiến sĩ Việt cộng này tinh khôn đến lạ lùng. Họ đã đánh vỡ dạ dày của quân đội Sài Gòn... Họ đã đốt sạch 200 triệu lít xăng trong 12 bồn chứa lớn bằng ngọn lửa rừng rực cháy suốt 12 ngày đêm...”.
Chiến công đánh Kho xăng Nhà Bè vang dội cả nước. Dư luận thế giới hết lời ngợi ca. Hiện những bức ảnh chụp riêng hai anh và đội cảm tử tuyên thệ trong Rừng Sác hồi đó được báo chí các hãng thông tấn đăng tải một thời còn được lưu giữ tại Phòng Truyền thống Đoàn 10 Rừng Sác…
Sau ngày giải phóng miền Nam, ta khai thác tài liệu trong trụ sở Bộ Quốc phòng ngụy quyền Sài Gòn, thấy hồ sơ vụ cháy kho xăng dầu Nhà Bè chất đầy 4 tủ sắt. Địch không thể tìm ra được cách đánh của ta nên chỉ kết luận một cách mơ hồ: "Đây là trận đánh do nội tuyến kết hợp với đặc công thực hiện".
Ðại tá, Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước (nguyên Đoàn trưởng đoàn 10 Đặc Công Rừng Sác) kể, 26 năm sau (1999), người dân đi mò cua, bắt ốc phát hiện dấu vết đoạn xương trồi lên qua sóng nước, cạnh hàng rào Kho xăng Nhà Bè ngày xưa. Anh chị em Ðoàn 10 đặc công Rừng Sác bốc hài cốt hai đồng chí Nguyễn Công Bao, Phạm Văn Tiềm về an táng với nguyên vẹn chiếc mũ đặc công, sợi dây mang ống thở...
Ngày 25/4/2013 .Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã quyết định số 803/QĐ-CTN,truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Liệt sỹ Nguyễn Công Bao.
(Nguồn tổng hợp)
------
Ảnh : Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Công Bao
Có thể là hình ảnh về 1 người và đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét