Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Chứng cứ lịch sử. Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc

Từ khi triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Thân (1884) với Chính phủ Pháp nước ta bước vào thời kỳ mà các sử gia gọi là Thời kỳ Pháp thuộc. Trong thời kỳ này, chính quyền thuộc địa Pháp thay mặt Nam Triều trong những quan hệ ngoại giao, đồng thời đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ của những cam kết chung, Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, chính quyền thuộc địa Pháp đã có nhiều hành động cụ thể liên tục củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
heo báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933, năm 1899 Tòan quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra lệnh xây dựng một hải đăng trên đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, dự án này đã không thực hiện được vì thiếu kinh phí. Về sự kiện này, tờ La Nature nhận xét: “Chính phủ Pháp đã thiết lập sự đô hộ của họ đối với An Nam mà những hòn đảo này (quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ của An Nam, nên Pháp có quyền sở hữu và trách nhiệm coi sóc đối với lãnh thổ mới này. Phải nhận thấy rằng họ đã hoàn toàn phớt lờ trách nhiệm cho đến hôm nay. Lý do vì lợi tức ít ỏi hoàn toàn không biện bạch được cho sự thờ ơ này”. Tuy vậy, hải quân Pháp vẫn thường xuyên tuần tiễu vùng biển này để giữ an ninh và cứu giúp các tàu thuyền bị đắm.

Các động thái ít ỏi của chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương trong giai đoạn đầu cho thấy sự quan tâm chưa đầy đủ của người Pháp tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính thái độ này của Pháp đã tạo điều kiện cho một vài nước gia tăng các hoạt động của họ trên vùng Biển Đông dẫn tới nguy cơ đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà nước Pháp đã cam kết bảo hộ. Từ năm 1909, Trung Quốc bắt đầu đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa ở một mức độ nhất định. Một lần trong năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông cho tàu chiến ra thám sát trái phép quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20-3-1921, Tỉnh trưởng Quảng Đông ký một sắc lệnh kỳ lạ sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào Hải Nam. Tuy hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc chỉ diễn ra trên giấy tờ, nhưng Pháp cho rằng đây là hành vi nghiêm trọng. Khâm sứ Trung Kỳ LeFol viết trong thư ngày 22-1-1926 gửi Toàn quyền Đông Dương: “Sau khi Trung Quốc có yêu sách vào năm 1909, vì nước Pháp thay mặt nước An Nam về quan hệ đối ngoại theo Hiệp ước bảo hộ, đáng lẽ phải khẳng định quyền của nước được bảo hộ đối với các đảo hữu quan, thì trái lại hình như hoàn toàn không quan tâm đến”. Cũng trong bức thư trên, ông LeFol cho biết, Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề của Nam Triều đã có văn thư ngày 3-3-1925 khẳng định: “Các đảo nhỏ đó (quần đảo Hoàng Sa) bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét